Ông dắt tôi đến bên đống xương, hỏi:
“Cháu có muốn gặp lại ông cố không?”
Tôi tất nhiên là muốn, nên đã đồng ý.
Tôi lấy máu của mình để giúp ông nuôi đống xương ấy.
Lúc con dao cứa vào ngón tay tôi, bà nội ở bên ngoài đập cửa rầm rầm.
“Đá Con, mau ra đây! Đừng nghe lời ông mày!”
“Ông Hai, ông điên rồi! Không thể để thằng bé dính vào chuyện này!”
“Ông Hai…”
3
Bất kể bà nội tôi có nói gì, những chuyện nên làm hay không nên làm… đều đã làm xong cả rồi.
Tối hôm đó, ông nội tôi cầm cây sáo xương được tưới bằng máu tôi, hớn hở gọi các bác anh em lại để khoe khoang.
“Thành công rồi!”
Ông ba tôi liếc nhìn cây sáo, lại liếc sang tôi, rồi lạnh giọng nói với ông nội.
“Ông đúng là vì tiền mà không cần mạng, chuyện này cũng dám làm.”
Ông nội chẳng thèm để tâm, quay sang lớn giọng với các bác.
“Đừng hòng chối, ai làm ra sáo xương trước thì được thêm một phần, là do mọi người nói trước mà!”
Cuối cùng, nhờ có tôi giúp, ông nội được chia thêm một phần.
Ông cười tít mắt, lại bắt đầu tỏ ra vui vẻ với tôi như xưa.
Tôi chẳng rõ ông được thêm cái gì, nhưng thấy ông vui thì tôi cũng vui theo.
Cho đến khi họ đem xác ông cố tôi ra ngoài, phơi dưới nắng suốt ba ngày.
Tôi chặn trước xác không cho họ đến gần, hét lớn với ông nội:
“Ông muốn làm gì với ông cố vậy?”
“Cút đi! Nhãi con, mày muốn tạo phản hả?”
Mặt ông nội hung tợn, đá tôi ngã lăn ra đất.
Khi trăng lên cao nhất, ông thổi cây sáo xương.
Các ông trong nhà vừa tụng niệm, vừa đồng thanh gọi:
“Cha ơi, về đi.”
Chỉ có bà nội tôi, bà ôm tôi nép vào góc tường, miệng cứ lặp lại mãi một câu:
“Tội lỗi… tội lỗi quá…”
Giọng bà đầy tuyệt vọng.
Theo tiếng sáo vang lên, gió bắt đầu rít qua khe cửa, thổi tung lá cây như tiếng quỷ khóc sói tru.
Tôi không biết tại sao… nhưng tôi cảm giác trong tiếng gió ấy, còn có thứ gì khác.
Nghi lễ kéo dài suốt đêm.
Đến lúc gà gáy báo sáng, họ mới dừng lại.
Tất cả đều trừng mắt không chớp, nhìn chằm chằm vào thi thể ông cố.
Và rồi, tôi tận mắt chứng kiến.
Ông cố – người đã chết từ lâu – chậm rãi mở mắt ra.
“Xong rồi… xong hết rồi…”
4
Bà nội tôi ngã ngồi xuống đất.
Còn ông nội và mấy người kia thì vui mừng vây quanh ông cố, ríu rít hỏi han như những đứa con hiếu thảo thật sự.
Trước khi đỡ ông cố vào nhà, họ còn cố ý quay đầu gọi tôi.
“Đá Con, mau lại đây, không phải con nói nhớ ông cố lắm sao?”
Nghe ông nói vậy, tôi lại hoảng sợ đến mức chui tọt vào chăn, không chịu ló đầu ra.
Thấy thế, sắc mặt ông cố lập tức thay đổi.
Ông nội tôi vừa mắng tôi không biết điều, vừa rút chổi ra đánh túi bụi.
Trong nhà lập tức loạn cả lên.
Tôi bị đánh đau quá, vừa khóc vừa hét:
“Ông ấy không phải là ông cố của con!”
Trước khi xác ông cố mở mắt, tôi rõ ràng thấy một con bọ cạp to tướng chui vào người ông.
Cả nhà sững người, không ai nhúc nhích.
Bà nội tôi vội vã từ dưới đất bò dậy, kéo tay áo ông nội.
“Ông Hai, ông nghe thấy chưa? Đá Con nói rồi, nó không phải cha ông! Ông biết thân phận của Đá Con mà!”
Ông ba và người nhà ông cũng bắt đầu chần chừ, ánh mắt cứ nhìn qua lại giữa tôi và ông cố.
Thế nhưng ông nội tôi vẫn không tin.
Ông tiến lại gần ông cố, hỏi thẳng:
“Nếu ông thật sự là cha tôi, thì hãy nói xem tiền giấu ở đâu?”
“Nói ra được, tôi sẽ tin.”
Ông cố cười cười, nói bừa một chỗ.
Ông nội và mấy người khác lập tức đi kiểm tra.
Kết quả vừa khớp, ai nấy đều hớn hở như mở hội, sớm quên sạch những gì tôi vừa nói.
Ông cố quay đầu nhìn tôi, nụ cười chẳng rõ là cười thật hay giễu cợt.
Tựa như đang chế nhạo tôi ngu ngốc không biết lượng sức.
Lúc ấy tôi giận lắm, giận ông lừa dối, giận ông nội không tin tôi.
Nhưng tôi lại quên mất một điều.
Trên đời này… có một thứ rất đáng sợ.
Gọi là lòng tham.
5
Sau khi ông cố chết rồi sống lại, ông nói là được thần linh chỉ dẫn, muốn gặp mặt con cháu hậu bối, bảo ông nội tôi sắp xếp.
Nhờ chút “lợi lộc” mà ông cố đã đưa ra trước đó, mấy ông trong nhà vui vẻ đồng ý ngay.
Những người đang học ở thành phố, đi làm ở xa, đều được gọi về hết.
Tôi tưởng phen này sẽ được gặp lại cha mẹ mình.
Nhưng đến tận cuối cùng, vẫn chẳng có ai đến tìm tôi.
Tôi hoang mang vô cùng, liền chạy đến phòng bà nội để hỏi.
“Bà ơi, sao cha mẹ con không về ạ?”
Bà tôi từ sau khi ông cố trở lại thì tinh thần ngày một suy sụp.
Nghe tôi hỏi, bà chỉ hờ hững hé mắt, buông một câu nhè nhẹ.
“Cháu là đá hóa tinh, làm gì có cha mẹ?”
Tôi còn chưa kịp hỏi tiếp, thì đã có người chạy đến gọi tôi.
“Nhanh lên, ông cố ra rồi, mọi người mau ra đứng thành hàng.”
Lần nữa gặp lại “nó”, sau bao ngày, tôi nhận ra ngoài hai cái râu trên đầu chưa rụt vào, thì từng cử chỉ hành vi của nó đã ngày càng giống người.
Đôi mắt nó phát ra ánh xanh rờn, tham lam đảo quanh sân, nhìn khắp từng người một.
Rồi ánh mắt dừng lại ở đứa cháu nội út nhà Ông ba tôi.
“Thằng nhỏ này là ai thế? Mập mạp, nhìn thôi đã thấy ngon rồi.”