Thấy tôi ăn ngon quá, nó nuốt nước bọt đánh ực một cái.

“Con ăn mấy thứ này sẽ ảnh hưởng đến việc học!”

“Nhà hàng xóm kìa, con họ cũng ăn như thế mà học giỏi hơn con. Người ta còn biết giặt quần áo, nấu cơm, bón phân, cắt cỏ cho heo.

Con thì sao? Suốt ngày chỉ biết ăn, không làm nổi việc gì.”

Trương Uyển Phượng tròn mắt, không tin nổi mấy lời đó lại từ miệng tôi mà ra.

Tôi nói tiếp:
“Từ nay trong nhà không nuôi người chỉ biết ăn mà không làm. Muốn ăn thì phải làm việc.”

“Con không làm! Làm việc cực lắm, con không muốn! Con phải học hành!”

Vừa nói, nó vừa ngồi bệt xuống đất, bắt đầu ăn vạ, khóc lóc, lăn lộn.

“Nếu sau này con không đỗ trường tốt, con sẽ đổ hết tội lên đầu mẹ!”

Tôi cười nhạt:
“Đi học cũng phải làm việc. Con nhà nghèo phải biết tự lập từ sớm. Mẹ đã nuông chiều con nhiều năm, con lại tưởng mình là tiểu thư chắc?”

“Không! Làm việc sẽ khiến con không có thời gian học! Mẹ không có học vấn, không có tương lai, chỉ là một bà nông dân đầu óc thiển cận, nhưng mẹ không thể hủy hoại cuộc đời con được!”

Nghe đến đây, tôi giơ tay tát cho nó một cái thật mạnh.

Lần đầu tiên tôi đánh Trương Uyển Phượng.

Từ trước đến nay, tôi luôn đáp ứng mọi yêu cầu của nó.

Cái tát này khiến nó sững người, đơ luôn tại chỗ.

“Nhà mình chỉ có chừng đó. Không muốn làm thì cút khỏi đây.”

Nghe tôi nói cứng rắn như vậy, Trương Uyển Phượng sụt sùi khóc, không dám phản kháng nữa.

Chỉ ôm mặt, mắt đầy oán hận nhìn tôi chằm chằm.

Sau đó, trước mặt tôi thì nó ngoan ngoãn như gà con, nhưng sau lưng lại đi rêu rao khắp làng rằng tôi ngược đãi nó.

Nó còn nói rằng tính cách của Trương Tụng Long là do tôi mà ra.

Làng thì nhỏ, miệng thiên hạ thì rộng.

Lũ bà tám trong làng vốn thích hóng chuyện, thế là chẳng bao lâu sau, tin đồn tôi bạo hành con nuôi lan ra khắp mười làng tám xóm.

“Ối trời ơi, đúng là con nuôi không bằng con ruột. Bà ta mới diễn được mấy năm đã lộ bản chất rồi.”

“Nuôi con chỉ để bắt nó làm trâu làm ngựa cho mình, tội nghiệp con bé.”

“Biết người biết mặt khó biết lòng. Thằng cả vừa bị bà ta cho đi tù, giờ tới lượt con gái bị hành. Con bé nhìn mà tội, học hành chẳng lo nổi nữa.”

“Nói thật, nếu là con ruột, bà ta có nỡ đối xử như vậy không? Đúng là phá nát cả tương lai con bé rồi còn gì…”

4

Sống với nhau bao năm, Trương Uyển Phượng tất nhiên biết tôi là người rất để ý đến ánh nhìn của người khác.

Nhất là ở cái làng nhỏ này, lời đồn còn đáng sợ hơn cả dao kiếm.

Kiếp trước, tôi đã bị những lời bàn tán, định kiến và danh tiếng giả tạo đó trói buộc quá chặt.

Dù cực khổ đến chết đi sống lại, tôi cũng cam lòng chịu đựng.

Nhưng kiếp này, tôi sẽ không để bản thân sống vì những hư danh nữa.

Tôi thẳng thừng xông vào nhà văn hóa thôn, mở cửa phòng phát thanh.

Cầm micro lên, tôi lớn tiếng nói:

“Mọi người nghe đây, tôi là Trương Ái Liên. Gần đây tôi nghe có người trong làng đồn rằng tôi ngược đãi con nuôi.”

“Hồi đó mẹ ruột tụi nó tự tử, bỏ mặc hai đứa bên bờ sông. Không ai trong làng đứng ra lo liệu. Là tôi, bất chấp sự phản đối của cha mẹ mình, một mình ôm hai đứa về nuôi, mở hẳn căn nhà riêng.

Nói thẳng ra, không có tôi, tụi nó giờ chẳng biết đã chết xó nào rồi!”

“Vì tụi nó mà đến giờ tôi còn chưa lấy chồng, đã chịu biết bao vất vả, bao cay đắng.

Tôi tự hỏi, trong làng này có ai làm được như tôi không? Chắc chắn là không!”

“Bây giờ mấy người dám nói tôi ngược đãi con nuôi? Nếu ai thấy không vừa mắt, cứ việc mang Trương Uyển Phượng về nuôi.

Còn Trương Tụng Long, mấy người giỏi thì vào tù mà bảo lãnh ra!”

“Chỉ cần có người sẵn sàng nuôi, tôi sẵn sàng từ bỏ quyền nuôi dưỡng. Nói là làm, không nói chơi!”

Người ta trước giờ chỉ dám nói sau lưng, nay thấy tôi dám nói thẳng giữa mặt thì bắt đầu đổi giọng.

Có người lên tiếng bênh vực:

“Cặp anh em đó đâu phải con ruột của Ái Liên. Nuôi được tụi nó lớn từng ấy tuổi là cô ấy đã tốt lắm rồi.”

“Phải đó, vì thằng Tụng Long mà cô ấy bán cả đất, vác mặt đi xin khắp nơi.”

“Tôi thấy rõ là Trương Uyển Phượng lười biếng, không chịu làm việc. Ăn không ngồi rồi thì bị mắng là đúng quá còn gì.”

Thế là Trương Uyển Phượng đành phải ngoan ngoãn làm việc.

Tôi cũng chẳng còn thấy xót nữa, việc gì cũng giao cho nó.

Làm không xong thì tôi thẳng tay quát mắng, thậm chí đánh luôn.

Cứ thế, cuộc sống bình lặng trôi qua được vài năm.

Cho đến khi Trương Uyển Phượng thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm.

Kiếp trước, nó còn chẳng thi đậu nổi trường này.

Chắc vì mấy năm nay phải chịu khổ, nên học hành cũng chăm chỉ hơn.

Nhưng tất cả đều vô nghĩa.

Tôi cầm giấy báo trúng tuyển… ném thẳng vào bếp lửa.

“Lên cấp ba tốn nhiều tiền lắm. Giờ con cũng lớn rồi, nên đi làm phụ giúp gia đình.”

“Tôi đã tìm cho con một người thợ may. Ngày mai đi học nghề đi.”

Tôi sẽ không tiếp tục nuôi nó học hành nữa.

Kiếp trước tôi từng bán cả nhà chỉ để cho nó đi học.

Nó đúng là có chí, học lên đại học, rồi có được công việc nhà nước ổn định.

Nhưng rồi thì sao?

Nó quay lưng lại với tôi.

Nó còn dựng chuyện, bảo mẹ nó chết rồi, làng định đưa nó về với cha ruột, nhưng tôi không cho.

Bảo tôi cố tình giữ tụi nó lại bên mình để bắt tụi nó chịu khổ.

Chỉ vì mấy lời đó, tôi suýt bị người trong làng dìm chết bằng nước bọt.

Lúc tôi nói không cho học cấp ba nữa, Trương Uyển Phượng ngồi phịch xuống đất, lại giở trò ăn vạ.

Tôi dửng dưng.

Nó còn chạy đến nhà trưởng thôn mách lẻo.

Nhưng thời đó, trẻ con vùng quê được học đến hết cấp hai đã là khá lắm rồi.

Nhiều đứa còn không biết chữ, chưa bao giờ cắp sách đến trường.

Chính sách giáo dục bắt buộc cũng chỉ đến lớp chín, chứ cấp ba thì không bắt buộc.