Thị trấn nhỏ thế, người bán càng nhiều, giá trị càng giảm.

Thời buổi này thật sự chẳng dễ làm ăn. Nhà tôi lại ở xa thị trấn, làm thứ khác thì bán cũng chẳng được bao nhiêu.

Cả ngày tôi cứ ngồi ủ rũ lo nghĩ, bố mẹ tôi cũng thấy khó hiểu — nhà mình nào có đến mức không đủ cơm ăn?

Ở vùng quê phía Bắc này thật sự quá lạc hậu, muốn làm ăn gì đó thì chi phí lại cao. Làm mấy việc ít vốn thì nếu không có người “chống lưng”, muốn làm lâu dài cũng phiền phức.

Thế là tôi dứt khoát mua ít đề thi về nhà cày, cúi đầu học hành cũng coi như một cách. Nếu thật sự không tích góp được tiền, tôi sẽ lên Bắc Kinh rồi từ từ kiếm sống.

Thời gian trôi qua rất nhanh, sắp đến Tết, dì út dẫn anh họ và dượng về nhà tôi ở mấy hôm.

Nhà tôi ít người, bố thì một thân một mình, mẹ tôi năm mười hai tuổi đã đưa dì theo người khác lên xe, lơ ngơ đến tận vùng này.

Dì út học xong cấp hai thì ra ngoài bươn chải, lấy chồng trên thành phố, vài năm lại về thăm một lần.

Anh họ tôi không thích học, học hết cấp ba thì nghỉ, đi làm công nhân ở xưởng, năm ngoái mới ổn định.

Thấy tôi đang làm bài, anh ấy thấy lạ lẫm lắm, cũng chẳng hiểu gì nhiều, chỉ nói chữ tôi viết rất đẹp.

Nghe bố mẹ tôi bảo tôi định thi đại học, anh họ lập tức nói sẽ tìm tài liệu giúp tôi rồi nhờ người mang về.

Dì và dượng cũng khen tôi có chí tiến thủ.

Sau khi họ đi, tài liệu từ anh họ chưa kịp tới thì Tiêu Trầm đã rầm rộ gửi cả đống đồ về làng.

Một người lính lái xe tới, bê theo một chiếc thùng đặt ngay nhà tôi, nói là Tiêu Trầm gửi để cảm ơn bố tôi đã cứu mạng.

Trong thùng có một nửa là tài liệu học tập, hai tấm vải, mấy hộp kem dưỡng da mà con gái hay dùng, và một phong bì.

Trong phong bì có ba trăm đồng — khiến bố mẹ tôi sợ đến tái mặt.

4

Trong thư, Tiêu Trầm viết là gần Tết rồi, có thể dùng tiền đó để may quần áo. Mà mấy tấm vải kia nhìn thế nào cũng là màu sắc phụ nữ mới thích, tôi bắt đầu cảnh giác.

Bố tôi bảo tôi viết thư cảm ơn lại.

Tôi viết rằng: Cảm ơn Tiếu Thiếu tá đã đóng góp cho làng chúng tôi, tài liệu học tôi sẽ chia sẻ với mọi người. Còn số đồ được tặng, tôi đã bán trên thị trấn và thu được không ít tiền, đủ để cả nhà tôi sống ổn định vài năm, vô cùng biết ơn.

Không biết Tiêu Trầm đọc được thì sắc mặt thế nào, chứ kiếp trước anh ta chưa từng khoa trương đến mức này.

Bố tôi đúng là có ơn cứu mạng, giờ anh ta đáp lễ vậy cũng coi như xong.

Không phải lo cơm ăn áo mặc đúng là sướng thật, nhưng khó chịu nhất là nhà tôi bắt đầu bị người trong làng “soi”.

Tôi cũng không quá bận tâm.

Khi lên thị trấn, tôi tình cờ thấy địa chỉ gửi bài của tạp chí Bắc Phong Văn Học trên báo, liền thử liều một phen, gửi hai mẩu truyện ngắn mình lén viết.

Không ngờ họ gửi thư phản hồi, bài được đăng, còn trả tôi nhuận bút 12 đồng, khuyến khích tôi tiếp tục gửi bài.

Quả nhiên, thành phố lớn khắp nơi đều có cơ hội, chỉ cần có năng lực là kiếm được tiền.

Thế là tôi vừa học, vừa tranh thủ thời gian viết tiểu thuyết dài kỳ để gửi định kỳ.

Biên tập viên của tôi nghe nói tôi muốn thi đại học thì gửi thêm cho tôi rất nhiều tài liệu ôn tập, còn tốt hơn cả mấy thứ Tiêu Trầm gửi.

Bố mẹ tôi không biết tôi kiếm được bao nhiêu, chỉ nghĩ tôi viết linh tinh cho vui.

Tôi nghĩ, đợi thi đậu đại học, học được hai năm là đón bố mẹ lên Bắc Kinh sống cùng, để họ có thể khám sức khỏe định kỳ.

Tôi sẽ cố gắng thêm, nhân lúc giá còn rẻ mua một căn tứ hợp viện, nếu có khả năng thì mua thêm vài căn nhà nữa.

Vài năm sau tôi sẽ trở nên giàu có.

Chuyện tôi muốn thi đại học lan khắp cả làng.

Phần lớn đều nói tôi vì còn thương nhớ Tiêu Trầm nên mới muốn lên Bắc Kinh tìm anh ta.

Thật là vớ vẩn, mấy người đó chỉ mong chờ tôi “xấu mặt”. Có khi đi ngang qua nhà tôi cũng không quên buông vài câu bóng gió.

Cả bố mẹ tôi cũng bị lôi vào chê cười — bảo nhà nghèo như tổ chuột mà còn mơ làm phượng hoàng.

Cũng có người thấy tôi có khả năng, vài bác gái nói tôi nhìn đã biết là loại con gái “quyến rũ”, đi thi mà đậu thì kiểu gì cũng gả được cho quan to. Không đậu cũng là gái có học, lên thị trấn hoặc huyện là cưới được người khá.

Các bà còn nói đàn ông đều thích kiểu như tôi, nhìn đám đàn ông trong làng là biết rồi.

Mẹ tôi suýt vài lần gây gổ với họ vì nghe họ nói xấu tôi.

Kỳ thi sắp tới, sắc mặt bố mẹ tôi ngày càng lo lắng.

Một phần sợ tôi cố gắng thế mà không có kết quả, một phần lại nghĩ nếu tôi thi đậu thì sẽ phải rời nhà, xa họ.

Bố mẹ tôi hiền lành, với người ngoài luôn bao dung. Dù có ai đó có ý xấu, chỉ cần không dao kề cổ, họ vẫn cố nín nhịn mà không phản ứng.

Tôi là ngoại lệ.

Sau khi đưa tôi đi thi ở huyện rồi trở về, người đến nhà tôi mỗi ngày một đông.

Có người đến mai mối, có người chỉ muốn nhìn xem cái đứa “mộng tưởng hóa phượng hoàng” kia trông thế nào.

Tôi quyết định rồi: không cần đợi học hai năm đại học, chỉ cần thi đậu, tôi sẽ lập tức đưa bố mẹ lên Bắc Kinh.

Số tiền lớn mà Tiêu Trầm gửi đến vẫn còn nguyên chưa đụng tới. Hơn nửa năm nay nhuận bút tôi cũng đã đổi thành hai tờ “đại đoàn kết” (tờ 100 đồng).

Giá cả ở Bắc Kinh hiện giờ cũng không đến mức quá cao.

Thuê một căn nhà một năm khoảng 60–70 đồng. Mẹ tôi mà có cái máy may thì chắc chắn có thể kiếm tiền nhờ may vá.

Bố tôi sinh ra đã có năng khiếu làm bếp, ở nhà cứ cách vài hôm lại mang mấy món thú rừng về chế biến. Nếu lên thành phố, trước tiên đi học nghề hai năm, sau đó chỉ cần một hai trăm đồng là có thể mở quán ăn nhỏ.

Chưa biết chừng vài năm nữa tôi lại thành “con gái nhà giàu”.

Bố mẹ tôi nghe xong chỉ thấy tôi đang mơ giữa ban ngày.

5

Mẹ tôi thì nghĩ phụ nữ nhà nào chẳng biết may vá, chẳng ai bỏ tiền ra mua quần áo may sẵn đâu.

Bố tôi thì cảm thấy tuy mình nấu ăn cũng được, thường được mời đi nấu cỗ khi trong làng có đám cưới hay đám ma, nhưng tay nghề của ông sao mà sánh được với đầu bếp ngoài thành phố.

Tôi rất muốn nói với mẹ rằng ở thành phố lớn người ta đã bắt đầu bán đồ may sẵn cả rồi.

Muốn nói với bố là kiếp trước nhờ nhà họ Tiêu mà tôi cũng được ăn không ít nhà hàng lớn, thật ra không mấy nơi ngon bằng món bố nấu. Trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ ở quê mà bố tôi vẫn nấu ngon thế kia cơ mà.

Nhưng tôi biết, nếu nói ra, họ sẽ tưởng tôi bị điên mất.