Cháu trai reo lên: “Vẫn là ông nội là tốt nhất! À, mình gọi bà nội Huệ Quyên đi cùng luôn nhé?”

“Hôm bữa bà Huệ Quyên đi họp phụ huynh cho cháu ở trường, các bạn cháu ai cũng ghen tị, nói bà cháu trẻ trung, xinh đẹp.”

Tôi giật bắn cả người, không thể tin nổi mà nhìn chồng:

“Tô Chí Quốc! Ông để Trần Huệ Quyên đi họp phụ huynh cho Khải Hàng? Tôi mới là bà nội ruột của nó cơ mà!”

7

Cháu trai bĩu môi, nhìn tôi đầy chán ghét:

“Con không muốn bà đi họp phụ huynh đâu! Bạn con chắc chắn sẽ cười nhạo, nói bà giống như ăn mày!”

Cảm giác như có một xô nước lạnh dội thẳng xuống đầu tôi.

Tôi không thể tin được, nhìn cháu, rồi lại nhìn sang con trai mình.

Tôi run môi, mặt tái nhợt chất vấn:

“Tô Văn Bân, con dạy con như vậy đó à? Mẹ là bà nội ruột của nó! Mẹ không phải ăn mày!”

Con trai tôi cau mày khó chịu, cầm lấy chìa khóa xe:

“Thôi được rồi mẹ, nếu không phải mẹ cứ đòi đi ăn đồ nướng, thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra!”

“Với lại Khải Hàng còn nhỏ, nói năng bừa bãi là bình thường. Mẹ là người lớn, chẳng lẽ không thể rộng lượng một chút?”

Con dâu cũng không vừa, lên tiếng trách móc:

“Mẹ à, mẹ mấy chục tuổi rồi, có cần phải để bụng mấy lời nói của một đứa con nít mười tuổi không?”

Bất ngờ, Khải Hàng òa khóc toáng lên:

“Con cứ nói đấy! Bà đúng là đồ keo kiệt, ăn mày!”

“Con không cần bà làm bà nội, con muốn bà Huệ Quyên làm bà nội cơ!”

Chồng tôi đắc ý vỗ vai thằng bé: “Vẫn là cháu ông biết nhìn người. Đi thôi, mình gọi bà Huệ Quyên, đi ăn đồ nướng nào!”

Cháu trai lập tức nín khóc, quay đầu làm mặt xấu với tôi:

“Đồ keo kiệt! Bà ở nhà mà ăn dưa muối đi, tụi con đi ăn đại tiệc đồ nướng đây!”

Chồng tôi nắm tay cháu, con dâu bế bé Xuyên, con trai đi cuối cùng, vô thức quay đầu nhìn tôi.

Tôi thấy lòng được an ủi một chút, dù sao con trai tôi cũng do chính tôi nuôi nấng từ nhỏ, chắc vẫn còn tình cảm.

Không ngờ, câu tiếp theo của nó đã đẩy tôi hoàn toàn xuống vực sâu.

8

“Mẹ, mẹ ở nhà suy nghĩ lại đi.”

“Tại sao cả nhà này, không ai ưa nổi mẹ.”

“À, mà dưới đất toàn mảnh kính, mẹ dọn đi nhé.”

“Dọn sạch sàn nhà, rồi giặt luôn áo quần thể thao của Khải Hàng.”

Nói xong, nó quay đầu bước đi không một lần ngoảnh lại.

Nó không hề thấy, tôi vẫn đang nằm dưới đất, lòng bàn tay đầy kính vụn, máu chảy loang lổ.

Trong cái nhà này, chẳng ai quan tâm tôi có bị thương hay không.

Trong mắt họ, tôi không phải là vợ, không phải mẹ, càng không phải bà.

Tôi chỉ là một người giúp việc… không lương, còn phải tự bỏ tiền túi.

9

Gắng chịu cơn đau thấu xương, tôi gõ cửa nhà chị Cẩm Phượng hàng xóm.

Thấy tôi bị thương nặng như vậy, chị vội kêu con trai chở tôi đi bệnh viện.

Thấy tôi đầy vết thương, mà nhà không có ai, chị Phượng giận dữ:

“Người nhà cô đâu? Đêm hôm rồi, đi chết hết rồi à?”

“Cô đó, đừng có chuyện gì cũng nuốt ngược vào bụng. Mau, đưa điện thoại đây, tôi gọi thằng con cô tới bệnh viện!”

Chị Phượng là người rất nhiệt tình. Trước đây khi chồng con tôi đưa ít tiền sinh hoạt, cũng chính chị là người giúp tôi tìm mấy công việc lặt vặt để đỡ đần.

Cũng là chị ấy, người luôn khuyên tôi nên để dành một ít tiền riêng, đừng dại dột đem hết tiền đổ vào gia đình.

Lúc đó tôi không để tâm. Tôi luôn nghĩ, đã là người một nhà, tiền tiêu cho ai mà chẳng giống nhau?

Bây giờ nghĩ lại, chồng và con trai tôi không phải là không có tiền.

Mà là… họ đem hết tiền đi tiêu cho những người đàn bà khác ở bên ngoài.