3.
“Gia Duyệt, mẹ nói muốn lên ở vài hôm, bà nhớ Đa Đa. Nếu em có thời gian thì tiện thể đi viện với bà luôn nhé.”
Phương Gia Minh là con nhà đơn thân, tiền học đại học của anh ta đều do mẹ chắt bóp từng đồng một để dành.
Họ hàng bên nhà cứ thỉnh thoảng lại nhắc nhở anh ta phải hiếu thảo với mẹ mình.
Anh ta quả thực cũng làm vậy. Những yêu cầu mẹ anh ta đưa ra, chưa từng có cái nào anh ta từ chối.
Mẹ chồng đã lớn tuổi, suốt ngày nghi ngờ mình mắc bệnh nặng, ba hôm hai bữa lại muốn đi viện kiểm tra, mà hầu như lần nào cũng là tôi đi cùng.
“Dạo này có nhiều nhiệm vụ mới, anh thật sự không xin nghỉ được. Vợ à, phiền em nhé.”
Vẫn là câu nói quen thuộc như mọi lần.
Tôi chợt nhớ đến câu nói đang thịnh hành dạo gần đây: “Hiếu tâm ngoại khoán” – outsource việc hiếu thảo.
“Gia Minh, em e là không có thời gian. Gần đây công ty bận quá, sức khỏe em cũng không được tốt.”
Anh ta khựng lại.
Đây là lần đầu tiên tôi từ chối anh ta.
Trước đây, nghĩ đến việc anh ta làm công chức nhà nước, công việc của tôi lại linh hoạt hơn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ người già đến trẻ con, đều do tôi lo.
“Có thể nhờ Gia Tâm (chị gái của anh) đưa bà đi khám tại địa phương không?”
Mẹ chồng còn có một cô con gái, lấy chồng gần đó, nhà cũng ở gần mẹ.
“Không dễ mở lời đâu. Ở quê mình, con trai mới là người có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ.”
Anh ta lưỡng lự đáp, đáy mắt ánh lên tia không hài lòng.
“Mẹ anh không ở với anh đã có nhiều người dị nghị rồi. Giờ em còn không muốn đi viện với bà…”
“Em không rảnh, anh cũng có thể xin nghỉ. Dạo này kinh tế khó khăn, công ty bắt đầu siết chặt việc kiểm soát giờ làm, em cũng không thể thoải mái như trước nữa.”
Anh ta bắt đầu khó chịu, “Nói cho cùng, em vẫn không coi mẹ anh là mẹ của mình để hiếu thảo.”
Tôi im lặng, không còn sức để cãi nhau với anh ta.
Cả hai không hẹn mà cùng quay lưng, nằm ngủ quay mặt về hai phía.
Tôi dịch người sát vào mép giường, không muốn chạm vào anh ta.
Trong lòng tôi tràn ngập nghi hoặc: một người con trai hiếu thảo đến thế, nhưng mẹ bị bệnh lại không muốn xin nghỉ, tại sao kiếp trước, những ngày cuối đời của tôi, anh ta lại có thể luôn ở bên chăm sóc trong bệnh viện?
Chẳng lẽ anh ta thật sự sâu nặng tình cảm với tôi?
Tôi lập tức gạt bỏ ý nghĩ đó – một người đàn ông có thể tái hôn nhanh đến thế, thì còn có thể có bao nhiêu chân tình dành cho tôi chứ?
4.
Sáng sớm, Phương Gia Minh đã chuẩn bị xong bữa sáng, Đa Đa cũng đã mặc đồ chỉnh tề, sẵn sàng đến trường.
Anh ta cười tươi đưa cho tôi một bát cháo kê, “Vợ ơi, em ăn nhiều chút, bổ dạ dày.”
Dường như chuyện cãi nhau tối qua đã bị anh ta quẳng ra sau đầu.
Tôi nhận lấy bát cháo, cũng coi như chấp nhận lời xin lỗi của anh ta.
Tính tình dễ chịu của Phương Gia Minh chính là một trong những lý do tôi chọn anh ta ngày trước.
Mỗi lần cãi nhau, dù không thống nhất được, anh ta vẫn luôn nhún nhường dỗ dành tôi.
“Vợ ơi, nể mặt bát cháo này, tối nay giúp anh ra ga đón mẹ được không? Anh có một bữa nhậu với bạn không thể từ chối. Nhờ em đấy.”
Tôi khựng lại, còn chưa kịp phản ứng.
“Con yêu à, ăn xong chưa? Hôm nay bố đưa con đi học nhé.”
Anh ta vội vã dắt Đa Đa ra khỏi nhà.
Tôi hiểu, trong lòng anh ta, chuyện này đã mặc định là tôi đồng ý rồi.
Theo tính cách của tôi, mẹ chồng đến, tôi cũng không nỡ không quan tâm, chỉ cần anh ta cứ lấy lý do không thể xin nghỉ, cuối cùng, việc đi viện với mẹ chồng vẫn là tôi gánh vác.
Trải qua một lần sinh tử, tôi cũng đã nhận ra một vài điều.
Hóa ra, trong mối quan hệ giữa tôi và anh ta, cái gọi là nhún nhường của anh ta chỉ là thái độ, còn người thực sự chịu lùi bước và chấp nhận thỏa hiệp, vẫn chỉ có tôi – con ngốc ấy.
5.
Mẹ chồng tôi là người nói chuyện nhỏ nhẹ, rất lịch sự.
Bà ngồi trên xe cảm ơn tôi không biết bao nhiêu lần:
“Gia Minh thật có mắt nhìn, cưới được con dâu tốt như con.”
“Mỗi lần con đi viện cùng mẹ đều sắp xếp rất chu đáo, hỏi bác sĩ cũng tỉ mỉ.”
“Gia Duyệt, lần này lại làm phiền con rồi.”
Tôi nghe mà thấy áy náy, đành nhỏ nhẹ nói:
“Xin lỗi mẹ, lần này chỉ có thể để Gia Minh đi cùng mẹ thôi. Dạo này công ty con siết chặt việc điểm danh, con không thể lén nghỉ được.”
Mẹ chồng nghe tôi nói xong thì ngẩn ra, hồi lâu mới nhẹ giọng đáp:
“Ồ, được thôi.”
Về đến nhà, tôi sang nhà hàng xóm đón Đa Đa về.
“Đa Đa mẹ ơi, Đa Đa hình như hơi sốt đấy, mẹ nhớ chú ý nhé.”
Tôi sắp xếp ổn thỏa cho mẹ chồng, rồi vội vàng đưa Đa Đa đến bệnh viện.
Trong lúc ngồi bên con bé chờ truyền dịch, tôi mới tranh thủ mua một nắm cơm nguội làm bữa tối.
Dạ dày đau âm ỉ, tôi bỗng nhận ra, mình lại đang sống cuộc đời giống hệt kiếp trước – bận rộn quên mình, coi nhẹ bản thân như cỏ rác.