9
Tôi kéo tay áo mẹ lên.
Trên cánh tay gầy guộc của bà, một vết sẹo dài vẫn còn rõ ràng.
Đó là vết thương do ba tôi dùng dao bếp chém vào.
Khi tôi còn nhỏ, ông thường xuyên tụ tập đánh bài, cá độ với đám người trong làng.
Có lần ông thua liền mấy ngày, một kẻ miệng tiện buột miệng nói:
“Nhà có con gái thì số bài đen lắm. Vì con gái là nợ kiếp trước đầu thai đến.”
Ba tôi uống rượu cho quên sự đời, về nhà trong cơn điên loạn, cầm dao bếp đòi giết tôi để “đổi vận”.
Tôi sợ đến phát khóc, vừa chạy vừa la khắp sân.
Mẹ tôi tưới nước ngoài vườn về, vừa bước vào đã thấy cảnh tượng kinh hoàng:
Ba tôi cầm dao định dí lên cổ tôi, tôi hoảng quá đưa tay lên đỡ, lòng bàn tay lập tức rướm máu.
Mẹ lao đến giành dao với ba bằng tay không.
Trong lúc giằng co, ba vung dao chém một nhát, rạch toạc cả cánh tay mẹ.
Vết thương sâu đến mức lộ cả xương.
Lúc đó, ông bà nội – những người vẫn đang ngồi xem kịch một bên – mới bước tới can ngăn.
Họ không đưa mẹ đi viện.
Chỉ gọi bác sĩ trong làng đến khâu vài mũi cho mẹ, rồi tiện thể khử trùng cho vết thương của tôi.
Tôi mở lòng bàn tay ra, hai vết sẹo vẫn còn rõ mồn một.
“Mẹ quên rồi, nhưng con thì không.”
“Con không quên ba từng cố giết con.
Không quên ông bà từng định bán con. Cũng không quên suốt những năm tháng lớn lên, hai mẹ con mình đã khổ sở thế nào trong cái nhà đó!”
Mắt mẹ tôi ngân ngấn nước: “Khi tiễn con lên đại học, mẹ đã dặn con phải đi thật xa, đừng bao giờ quay lại.
Con bé này… sao cứ bướng mãi vậy?”
“Không phải con bướng!”
Tôi bắt đầu bật khóc:
“Là mẹ đã kéo con ra khỏi cái hố bùn lầy nhà họ Triệu. Nên giờ con cũng muốn kéo mẹ ra.”
“Nhưng tại sao, khi con đã đặt cái thang trước mặt mẹ rồi, mẹ lại vẫn không chịu trèo lên?
Tại sao mẹ lại cứ muốn nhảy xuống cái hố đó lần nữa?”
Tôi vừa khóc vừa nhìn mẹ, đối diện trong im lặng.
Nước mắt tôi rơi thành từng giọt nặng nề xuống sàn.
Cuối cùng, mẹ đã gật đầu.
Bà ký vào đơn ly hôn.
Sự đồng ý của bà không hoàn toàn vì tôi khóc lóc cầu xin.
Mà vì tôi đã đưa bà xem toàn bộ những tin nhắn mà ba và anh tôi gửi để uy hiếp tôi những năm qua.
Từ khi tôi đậu đại học, tôi hầu như không quay về nhà.
Ba và anh trai lấy được số điện thoại của tôi từ máy mẹ. Rồi liên tục nhắn tin bắt tôi chuyển tiền cho họ, viện đủ lý do: bệnh tật, mời khách, cưới vợ, mua nhà…
Nếu tôi không chuyển tiền, họ sẽ gửi cho tôi những tấm hình mẹ bị đánh đến bầm dập mặt mày.
Nhưng tôi đâu có ngu.
Tôi đã tham khảo ý kiến của mấy anh chị học ở khoa luật. Họ nói, người thân mà tống tiền nhau, vẫn cấu thành hành vi phạm pháp.
Tôi vẫn chuyển tiền như yêu cầu. Nhưng mỗi lần đều lưu lại đầy đủ ảnh, tin nhắn và cả hóa đơn chuyển khoản.
Rồi tôi cứ thế nhìn hình phạt của họ — từ “dưới ba năm tù”… chuyển thành “từ ba năm đến mười năm tù giam”.
Gửi họ vào tù là chuyện rất dễ.
Nhưng điều kiện tiên quyết là mẹ tôi phải thực sự dứt khoát rời khỏi nhà họ Triệu, không còn vì họ mà bận lòng nữa.
Mẹ tôi là người luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng, nhưng lại đặt nặng đạo đức đối với người khác.
Biết bản thân tiếp tục ở lại nhà họ Triệu chỉ khiến tôi thêm phiền toái, cảm giác tội lỗi đó sẽ lấn át sự lưu luyến của mẹ dành cho cái gọi là “gia đình”.
Đó cũng là lý do thứ hai khiến suốt mấy năm qua, tôi vẫn chuyển tiền cho ba và anh tôi.
10
Trời có mắt, ba tôi sau vụ ngộ độc khí gas thì để lại di chứng liệt nửa người.
Anh tôi và nhà vợ anh miễn cưỡng trả viện phí, miễn cưỡng đưa ông về nhà.
Ban đầu còn vì áy náy nên anh tôi có chăm ba được đôi chút.
Nhưng bệnh nhân bị liệt thì sinh hoạt khó khăn, cần người chăm sóc thường xuyên, trong khi Lý Thanh Thanh thì là kiểu người suốt ngày chỉ biết làm màu, cuộc sống của anh tôi chẳng khác gì địa ngục.
Anh ta bắt đầu gọi điện cho mẹ tôi, khóc lóc than vãn.
Nói rằng trước đây anh không hiểu chuyện, không nên quá thiên vị nhà vợ.
Nói nếu mẹ chịu quay về, anh sẽ quỳ xuống xin lỗi.
Trong mắt tôi, tất cả chỉ là nước mắt cá sấu.
Nhưng mẹ thì lại có chút lung lay.
Bà nhìn tôi, ánh mắt do dự.
Tôi mấp máy môi, dùng khẩu hình nói ba chữ:
“Tiền bồi thường.”
Sau khi đưa mẹ về từ bệnh viện, tôi nhanh chóng nhờ người quen sắp xếp cho mẹ một công việc giúp việc nhà.
Lương tháng tám triệu, ở ngay cùng khu với nhà tôi, buổi tối còn có thể về nhà nghỉ.
Mẹ tôi chưa từng nghĩ mình có thể kiếm được mức lương cao đến vậy, bà làm việc chăm chỉ, đối đãi tốt với cả nhà chủ, ai cũng hài lòng.
Có việc rồi, mẹ tôi đi đứng cũng nhẹ nhàng, tự tin hơn.
Cả con người như được thay da đổi thịt.
Phòng hờ bất trắc, tôi nói dối mẹ rằng trong hợp đồng lao động có ghi điều khoản bồi thường.
Nếu trong thời gian hợp đồng mà tự ý nghỉ việc, thì phải bồi thường cho bên thuê gấp mười lần lương tháng.
Nghe xong mẹ sợ tái mặt:
“Nhiều vậy, mẹ lấy đâu ra tiền mà đền chứ!”
Tôi bình thản đáp:
“Chỉ cần mẹ không chủ động nghỉ thì sẽ không sao hết.”
Tôi lại cố tình hỏi:
“Hay là mẹ không muốn ly hôn nữa, định quay lại nhà họ Triệu chăm đám hút máu đó?”
Mẹ cắn môi không nói gì.
Tôi làm ra vẻ buồn bã:
“Nếu mẹ nhất quyết quay về, con cũng không ngăn được. Cùng lắm thì con tiếp tục bị ba và anh tống tiền, cùng lắm thì con trả thay mẹ khoản bồi thường…”
Mẹ tôi lập tức nắm chặt tay tôi:
“Chân Ái à, mẹ tuyệt đối sẽ không khiến con khổ nữa đâu. Mẹ sẽ ở lại đây làm việc kiếm tiền, hai mẹ con mình sống yên ổn với nhau.”
Với người như mẹ tôi – dễ mềm lòng – thì không thể chỉ nghe lời hứa miệng.
Phải có ràng buộc cụ thể.
Ví dụ như bây giờ.
Chỉ cần nghĩ đến tiền bồi thường, cho dù có lung lay đến mấy, mẹ cũng không dám nhận lời quay lại nhà họ Triệu.
Anh tôi bên kia điện thoại tức đến mức gào lên, chửi thề không ngừng, tiếng chửi vọng qua loa ngoài nghe rõ mồn một.
Tôi dứt khoát cúp máy, rồi kéo hết số người thân nhà họ Triệu trong danh bạ mẹ vào danh sách chặn.
11
Không liên lạc được với mẹ, anh tôi đến chặn tôi dưới tòa nhà công ty.
Giữa giờ nghỉ, tôi nhìn thấy bóng dáng anh từ trên tầng qua ô cửa kính lớn, cố tình không đi xuống bãi giữ xe mà ra cửa chính để anh ta chặn được mình.
Có lẽ cũng biết mình từng làm những chuyện không ra gì, anh kéo tôi vào một con hẻm vắng.
“Triệu Chân Ái, mày giấu mẹ ở đâu rồi?”
“Tôi có giấu đâu. Bà ấy đang đi làm, bận rộn suốt ngày, không nghe máy là chuyện bình thường.”
“Làm?”
Anh tôi cười khẩy:
“Bà ấy không bằng cấp, không kinh nghiệm, làm gì ra hồn? Mày bảo bà ấy cút về mà chăm ba đi! Tao sống thế này chịu hết nổi rồi!”
Tôi nhìn anh ta từ đầu đến chân — mặt mũi hốc hác, râu ria xồm xoàm, áo dính đầy vết dầu mỡ.
Tôi bật cười:
“Mẹ đang làm giúp việc cho người ta, lương tám triệu một tháng. Nếu các người muốn bà ấy quay lại, cũng được thôi — trả bà ấy sáu triệu một tháng, đảm bảo ngày mai bà quay về hầu hạ các người chu đáo.”
“Mày nằm mơ à!”
Anh tôi gào lên tức tối: “Bà ấy chăm sóc chúng tao là điều hiển nhiên! Có ai mà mẹ già chăm cả nhà lại còn đòi tiền không? Chỉ có hai mẹ con mặt dày nhà mày mới làm ra mấy trò như thế!”
Mặt dày…
Buồn cười thật đấy, trên đời này còn ai mặt dày hơn nhà họ Triệu các người nữa sao?
Thấy mặt tôi lạnh tanh, anh tôi mới sực nhớ ra hôm nay mình đến là để cầu xin.
Anh ta đổi giọng ngay lập tức:
“Chân Ái à, chuyện này không thể trách anh được. Mẹ mình ngu thật đấy, chị dâu em bảo làm gì là làm nấy. Em nói xem, lấy được vợ đâu phải dễ, anh chẳng phải dỗ dành người ta một chút hay sao?”
“Triệu Gia Minh,” tôi nói, “mẹ không ngu. Mẹ chỉ là… yêu thương anh.”
Vì yêu anh, yêu cái nhà này, nên mẹ mới nhẫn nhục chịu đựng, hy sinh hết lòng.
Còn trong mắt mấy người như anh, mẹ chỉ là một con ngốc hết thuốc chữa.
Anh tôi khựng lại một giây, rồi giơ tay thề thốt đầy vẻ chắc chắn:
“Anh biết rồi, anh biết rồi. Anh hứa, nếu mẹ về nhà, nhất định anh sẽ không để mẹ phải khổ nữa đâu. Thật đấy! Cả Thanh Thanh cũng nhớ mẹ lắm, còn định tổ chức tiệc đón mẹ về nữa đó!”
Tôi tất nhiên chẳng tin một lời nào. Nhưng tôi vẫn theo anh ta quay về nhà họ Triệu một chuyến.
Lý do rất đơn giản:
Muốn nộp đơn ly hôn thì phải có sổ hộ khẩu của người trong cuộc.
Mà sổ hộ khẩu nhà tôi thì bị ba tôi khóa chặt trong tủ.