6
Năm ngoái, tôi mua một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ, một phòng khách, không nói với ai.
Mẹ tôi sau khi sắp xếp lại đồ đạc, vẫn còn sợ hãi chưa dứt.
“Chân Ái à, con nói xem, con cầm dao làm gì chứ? Nhỡ đâu tự làm mình bị thương thì biết sao đây, lần sau đừng dại dột thế nữa nghe chưa.”
Tôi ngồi xuống cạnh mẹ, nhẹ nhàng ôm lấy bà, nói:
“Vì con đã hạ quyết tâm phải đưa mẹ đi cho bằng được.
Giống như năm con thi đại học xong, mẹ cũng cầm dao đưa con rời khỏi quê vậy.”
Lúc tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, ông bà nội lần đầu tiên trong đời chủ động bảo hai mẹ con về quê một chuyến, nói là để ăn mừng việc tôi đậu đại học.
Nhưng khi về đến nơi, tôi mới phát hiện — đó căn bản là một cái bẫy.
Nghe người ta nói con gái mà vào được đại học thì giống như diều đứt dây, một đi không trở lại.
Ông bà tôi lo sốt vó.
Bởi họ đã lên kế hoạch dùng tiền sính lễ của tôi để trợ cấp cho anh cả — đứa cháu trai mà họ luôn ưu ái.
Họ cùng ba tôi và anh tôi bàn bạc, tìm một gia đình cùng quê điều kiện xem như tương xứng, nhận của họ mười vạn làm sính lễ, rồi tổ chức một bữa cơm gọi là “tiệc cưới”.
Sau đó định bụng để bên đó đưa tôi về, rồi giở trò “gạo nấu thành cơm”, sự đã rồi, chuyện sẽ xong.
Tôi nhận thấy có điều không ổn, lập tức đá đổ bàn ăn rồi bỏ chạy.
Nhưng thế cô sức yếu, tôi bị họ bắt lại.
Mẹ của gã kia thấy tôi cứng đầu, liền giục con trai mau đưa tôi về nhà “giải quyết cho xong”.
Chúng bịt miệng tôi bằng giẻ rách, dùng dây thừng trói chặt tôi.
Tên kia vác tôi lên vai, từng bước một đi về phía nhà hắn.
Lúc tôi tuyệt vọng đến mức muốn chết, mẹ tôi – lúc đó đang bị nhốt trong nhà kho – chẳng biết lấy từ đâu ra con dao làm bếp, lao thẳng về phía tôi.
Mái tóc rối bời, người bẩn thỉu, nhưng tay cầm dao, thấy người là vung lên, bằng một thân một mình, mẹ cứu tôi ra khỏi tay bọn họ.
“Bà xem đứa nào dám đụng vào con gái tôi? Ai không sợ chết thì cứ xông vào đây!”
“Con gái tôi giỏi giang, phải được học đại học! Ai dám hủy hoại nó, tôi liều mạng với người đó!”
Năm đó, tôi đang tuổi lớn, đã cao tới mét bảy.
Còn mẹ tôi, chưa tới mét sáu.
Thêm vào đó là nhiều năm cực khổ làm việc nặng, nên bà gầy gò chỉ còn da bọc xương.
Nhưng lúc đó, tôi thấy mẹ cao lớn vô cùng.
Cao hơn cả trời, rộng hơn cả đất.
Ông bà nội tôi sau đó dọa tự tử, treo cổ, nhảy sông để ép mẹ tôi.
Mẹ vẫn không mềm lòng.
Bà báo cảnh sát, ba tôi và gã kia bị tạm giam nửa tháng.
Mẹ sợ họ tiếp tục giở trò, nên đưa cho tôi hết số tiền có được trên người:
“Con gái à, mẹ vô dụng, đây là tất cả tiền mẹ có. Con ra ngoài sống, đừng bao giờ quay lại nữa.”
Tôi muốn mẹ đi theo, nhưng bà nhất quyết không chịu.
Lúc đầu, tôi trách bà dốt nát.
Sau này mới hiểu, mẹ tôi không ngu.
Chỉ là bà bị cái thời đại ấy trói chân trói tay.
Từ nhỏ bà đã bị dạy rằng, đàn ông là trời, là đất.
Phụ nữ sinh ra là để hầu hạ đàn ông, để sinh con nối dõi.
Bà chưa từng được học hành đến nơi đến chốn, cũng chưa từng thấy thế giới rực rỡ ngoài kia.
Nhưng tình yêu dành cho tôi, khiến bà đủ dũng khí để chống lại tất cả những gì người ta nhồi nhét vào đầu bà.
7
Ngày thứ hai sau khi mẹ chuyển đến nhà tôi, cậu tôi gọi điện tới.
Nói mẹ già rồi mà không biết điều, bỏ cả nhà lại để theo con gái bất hiếu đi hưởng phúc.
“Tiểu Huệ à, làm gì có ai làm mẹ như em chứ, Thiết Trụ với thằng cháu không biết nấu ăn, em bỏ họ ở nhà là định để họ chết đói à?”
“Đàn ông mới là chỗ dựa lớn nhất, mới đáng tin cậy. Em ở với con Chân Ái được bao lâu? Nó rồi cũng phải lấy chồng, là người nhà khác, cuối cùng em chẳng phải cũng phải quay về nhà sao?”
“Nghe lời anh đi, về xin lỗi cả nhà một tiếng, thế là xong. Em cứ làm loạn như vậy thì ra cái thể thống gì?”
Mẹ tôi ngồi trên sofa, cầm điện thoại mà luống cuống không biết phải làm gì.
Bà kể hết mọi chuyện cho cậu nghe.
Cậu tôi đáp ở đầu dây bên kia:
“Trời ơi, có gì to tát đâu. Bên sui gia đến thì phải tiếp đón cho đàng hoàng chứ, thằng cháu là đàn ông, dỗ vợ vui lên, sau này sinh cho em đứa cháu mập mạp, nở mày nở mặt nhà họ Triệu mình!”
Ánh mắt mẹ tôi dần trở nên u ám.
Dù bà vẫn còn hy vọng… nhưng hy vọng ấy, thật mong manh.
Nhưng vào khoảnh khắc cậu gọi tới, chắc hẳn mẹ tôi vẫn hy vọng cậu là người đứng về phía mình.
Ông bà ngoại mất không lâu sau khi mẹ lấy chồng, bên nhà mẹ chỉ còn lại một mình cậu.
Nhưng cậu tôi thì… dường như luôn thích đứng về phía “nhà có đàn ông”.
Tôi giật lấy điện thoại từ tay mẹ.
“Cháu là Triệu Chân Ái đây, cậu.”
Đầu dây bên kia im lặng.
Tôi không quan tâm, tự mình nói tiếp:
“Thứ nhất, theo như cháu biết, mẹ cháu hiện tại vẫn họ Phùng, không phải họ Triệu.”
“Thứ hai, cháu hiện chưa có ý định kết hôn, mà cho dù có đi chăng nữa, cũng sẽ không chọn một gia đình không tôn trọng mẹ cháu.”
“Thứ ba, ba cháu và mấy người kia đều là người trưởng thành có đầy đủ tay chân. Ngoài việc không có lương tâm ra thì cháu chưa thấy họ có khuyết tật trí tuệ gì. Nếu họ thật sự chết đói trong nhà, cháu chỉ có thể niệm một câu A Di Đà Phật.”
Cậu tôi ấp úng mãi, vẫn không nghĩ ra được câu nào để phản bác, cuối cùng đành lôi chiêu bài muôn thuở của người lớn ra.
“Triệu Chân Ái, người lớn nói chuyện, mày có phần chen vào à?”
Tôi thừa hiểu nói chuyện với kiểu người vô lý như vậy chỉ tổ tốn thời gian, bèn cúp máy luôn.
Tôi không ngờ được, câu tôi nói như lời nguyền, ba tôi thật sự suýt nữa thì chết ở nhà.
8
Khi đang làm việc, tôi nhận được điện thoại của mẹ.
Giọng mẹ cực kỳ hoảng hốt, nói ba tôi bị ngộ độc khí gas, phải đưa vào viện.
Nhà cũ từ lâu rồi, thuộc khu chung cư cũ kỹ, hệ thống gas trung tâm vẫn chưa được lắp đặt.
Gia đình vẫn đang dùng bình gas mini.
Nghe đâu hôm đó, Lý Thanh Thanh bảo anh tôi dậy nấu bữa sáng.
Anh ta bật bếp vài lần không được, lại quên khóa van gas, rồi dẫn cả nhà vợ ra ngoài ăn sáng.
Ăn xong quay về, vừa mở cửa đã thấy mùi khí gas nồng nặc, ba tôi nằm trên giường gọi không dậy.
Tôi chỉ thấy buồn cười.
Gọi là… báo ứng.
Ông ta bênh con trai, bỏ mặc vợ bệnh nằm nhà, đi chơi với nhà sui.
Kết quả, đến lượt ông ta bị bỏ mặc.
Tôi nói với mẹ:
“Cứ từ từ, đừng vội đi bệnh viện. Con tan làm rồi con chở mẹ đi. Dù sao ba cũng chưa chết ngay được đâu.”
Nhưng mẹ tôi thì nổi tiếng là mềm lòng.
Tôi đến bệnh viện thì thấy mẹ đang quỳ dưới đất, dùng khăn lau vết nôn của ba.
Lý Thanh Thanh ngồi vắt chân trên ghế chơi điện thoại, anh tôi thì chẳng thấy bóng dáng đâu.
Tôi hít một hơi, tức đến phát run, đẩy mạnh cửa phòng bệnh bước vào.
Lý Thanh Thanh nhướng mắt nhìn tôi một cái, cười khẩy:
“Hôm trước đi thì nói sống chết không liên quan gì nữa mà? Giờ sao lại còn mặt dày quay lại?”
Ánh mắt cô ta liếc sang mẹ tôi, vẻ châm chọc càng rõ hơn.
Động tác lau sàn của mẹ tôi cũng khựng lại.
Tôi lấy từ trong túi ra một xấp giấy tờ, giơ lên trước mặt cô ta:
“Mẹ tôi tới để làm tròn trách nhiệm cuối cùng của một người vợ.
Còn tôi, tới để đưa đơn ly hôn cho ba tôi.”
Lý Thanh Thanh lập tức ngẩng đầu khỏi điện thoại.
Ba tôi đang nằm nhắm mắt nghỉ ngơi cũng trợn tròn mắt, nhưng vì chưa hồi sức nên chỉ ú ớ phát ra vài tiếng.
Lý Thanh Thanh giật lấy tập giấy trong tay tôi, định xé.
Tôi chẳng mảy may sợ hãi:
“Cứ việc xé, tôi có cả đống bản sao. Mà tôi cũng chẳng tiếc mấy đồng tiền in.”
Mẹ lau xong sàn, đi về phía bồn nước giặt khăn.
Tôi đi cùng bà ra ngoài.
Bộ quần áo mẹ mặc là tôi mua, dù đã chọn size nhỏ nhất, mặc lên vẫn rộng thùng thình.
Mẹ tôi biết tôi đang tức lắm, liền lên tiếng trước:
“Gia Minh nói ba con bị ngộ độc cũng nặng, mấy người kia thì… trông có giống ai biết chăm sóc không? Mẹ không tới, không biết ba con bị hành hạ tới mức nào.”
Một luồng khí nghẹn lại ngay cổ họng tôi, khô khốc, khó thở.
Tôi gần như muốn bật cười vì tức.
“Con thấy cái lão già đó đáng thương sao?”
Tôi run rẩy chỉ tay về phía phòng bệnh:
“Họ đã từng thương xót mẹ chưa?
Mẹ nằm viện lần đó, có ai trong số họ đưa cho mẹ một hộp cơm không?
Con nghe mẹ kể về chuyện đó, đau lòng đến mức chỉ biết rơi nước mắt.
Còn họ thì sao? Ngoài việc trách móc mẹ, sai khiến mẹ, họ đã từng làm được gì cho mẹ?”
Cơn giận bất ngờ của tôi khiến mẹ giật mình cả người.
Thật ra tôi cảm nhận được rõ, từ sau khi dọn ra khỏi nhà anh tôi, tinh thần mẹ vẫn luôn không tốt.
Mẹ tôi vốn là một người phụ nữ nông thôn truyền thống đến mức cố chấp.
Lúc nào cũng cho rằng “gia đình hòa thuận thì vạn sự hưng”.
Chuyện gì cũng có thể nhịn, nhịn rồi sẽ qua.
Nếu không phải vụ lần đó trong bệnh viện khiến mẹ đau lòng tột độ, thì có lẽ bà cũng chẳng đủ can đảm để đòi ly hôn, cũng chẳng dọn ra khỏi nhà anh tôi.
Nhưng cảm xúc ấy có thể kéo dài bao lâu?
Đối với những người hiền lành, thời gian có thể mài mòn tất cả.
Có thể khiến họ quên đi những tổn thương sâu sắc nhất, nhớ lại vài ký ức ít ỏi tạm coi là hạnh phúc.
Rồi lại tha thứ.
Lại quay về.
Lại dẫm lên vết xe đổ.
Nhưng…
Tại sao chứ?