Nhưng mẹ chồng tôi lại lăn ra đất ăn vạ, đòi bằng được tôi phải trả vé máy bay, mua vé tàu cho bà.
Không thì bà sẽ không đi Vân Nam nữa.
Tôi bị mẹ chồng làm cho rối tung lên, lúc lấy vé ra xem thì mới phát hiện vé tàu dịp Quốc khánh cháy sạch rồi.
Vé ghế cứng đi Vân Nam đã hết từ lâu.
Nhưng mẹ chồng tôi cứ khăng khăng phải tiết kiệm mấy chục tệ đó.
Bà còn nói: “Vé đứng hai ngày thì sao, chẳng phải tôi từng đứng rồi à?”
Bắt tôi phải đặt vé tàu cho bà.
Tối đó, chồng tôi vừa tan làm về đến nhà thì hỏi tôi.
“Mẹ lớn tuổi rồi, hiếm khi có dịp đi chơi, sao em lại đặt vé tàu cho mẹ?”
“Đi Vân Nam xa như vậy mà là vé đứng, nếu mẹ có chuyện gì thì sao bây giờ?”
Nghe chồng nói vậy, tôi liền liếc mắt lên và phản bác lại:
“Gì mà tôi đặt vé cho bà, là bà chê vé máy bay đắt, làm ầm lên đòi đi tàu chứ gì nữa?”
Nói xong, tôi lấy đoạn ghi hình lúc cãi nhau với mẹ chồng trong ngày ra đưa cho chồng xem.
May mà từ lúc mẹ chồng dọn tới ở, tôi đã lắp camera trong nhà.
Nếu không có cái này, thì chẳng phải tôi đã bị mang tiếng là con dâu độc ác hành hạ mẹ chồng rồi sao.
Tôi không gánh nổi cái tội danh đó đâu.
Thấy tôi đưa ra bằng chứng, chồng tôi cũng im lặng, chỉ lúng túng nói:
“Mẹ làm vậy cũng vì muốn tiết kiệm thôi mà…”
Tôi nhân cơ hội hỏi lại:
“Mẹ lớn tuổi vậy rồi, đi tàu một mình chắc gì an toàn, hay là anh đi với mẹ luôn, tiết kiệm được thêm một vé nữa đấy.”
Tôi cố tình nhấn mạnh hai chữ “tiết kiệm” khi nói với chồng.
Nói xong liền giả vờ muốn hoàn vé máy bay của anh ấy.
Chồng tôi vội vàng ngăn lại:
“Thôi thôi, xa vậy anh chịu không nổi, mẹ đã thích chịu khổ thì cứ để mẹ chịu đi!”
3
Vì tàu hỏa khởi hành sớm hơn máy bay, nên sáng sớm hôm sau, tôi và chồng phải đưa mẹ chồng ra ga.
Đi ngang qua siêu thị, tôi bảo chồng dừng lại để mua chút đồ ăn vặt cho mẹ chồng ăn trên đường.
Nhưng mẹ chồng lại lắc đầu ngay.
“Đúng là con dâu phá của, đồ trong siêu thị vừa đắt lại vừa dở, có tiền đó thì mua gì chẳng tốt hơn.”
Tôi thấy lời mẹ chồng cũng không sai, trong siêu thị cũng chỉ mua được mấy thứ như bánh mì, mì ly.
Vừa dở vừa không tốt cho sức khỏe.
Tôi liền khuyên bà ra tàu mua cơm hộp, cơm trên tàu thường nấu tại chỗ, dù không ngon thì cũng hơn mì gói.
Chồng tôi cũng đồng tình, lấy ra hai ngàn tệ đưa cho mẹ, bảo bà mua thứ mình thích ăn.
Ai ngờ mẹ chồng vừa nhận tiền, chẳng những không cảm ơn, mà còn giơ tay tát bốp vào đầu chồng tôi.
“Đúng là thằng con phá của, bị con vợ dạy hư rồi, có chút tiền là quên trời quên đất.”
“Cơm hộp trên tàu đắt như thế, tôi mà để họ lấy tiền tôi à.”
Nói xong, bà ta lôi từ trong hành lý ra một cái túi, thần thần bí bí.
Bên trong là hơn chục quả trứng luộc.
Còn có bánh bao, cơm trắng, và cả thức ăn thừa từ hai hôm trước.
Nhìn đống đồ mẹ chồng moi ra, tôi lập tức nhận ra vấn đề.
Dù đã vào tháng mười, nhưng thời tiết vẫn chưa mát mẻ hẳn, có những ngày nóng chẳng khác gì mùa hè.
Bà lại đi tàu xanh cũ kỹ, không có điều hòa, ngồi kín bưng rất ngột ngạt.
Trong môi trường đó, thức ăn cực kỳ dễ hỏng.
Trứng luộc có thể để được một hai ngày, nhưng đồ ăn thừa từ hai ngày trước thì chưa kịp lên tàu đã hỏng mất rồi.
“Mẹ à, nếu mẹ muốn ăn bánh bao chấm đồ mặn, con mua cho mẹ ít dưa muối mang theo nhé, còn đống đồ ăn thừa kia thì bỏ đi.”
Tôi biết mẹ chồng rất keo kiệt.
Nếu nói sẽ mua gà quay hay lạp xưởng cho bà mang theo ăn mà bảo bà bỏ đồ ăn thừa thì bà nhất định không chịu.
Nên tôi đổi cách, chỉ nói mua dưa muối, còn phần kia thì nên vứt.