Niềm vui nhen nhóm trong lòng vì mẹ lo lắng, ngay lập tức bị dập tắt.

Trước kỳ thi tốt nghiệp cấp hai, muốn tự ý sửa nguyện vọng của tôi, đổi từ Nhất Trung sang trường trung cấp — cũng là vì tôi?

Giờ tôi thi đậu Nhất Trung rồi, lại bắt tôi bỏ thi đại học để học trường nghề — cũng là vì tôi sao?

Về đến nhà, bố đang ngồi xổm trong sân hút thuốc, thấy tôi vào thì ngẩng đầu liếc một cái.
Trong mắt toàn là tia máu.

Tôi quay mặt đi không muốn nhìn ông, ông ho mấy tiếng.

“Đỗ Nam, nếu con thực sự muốn học cấp ba thì cứ đi học đi.”

Tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên, Hứa Dĩ An ngập ngừng nói:

“Bố, nếu con bé cũng đi học thì bố mẹ có phải vất vả quá không ạ? Con chỉ là… thấy thương bố mẹ thôi.”

Bố tôi dứt khoát kết luận:

“Quyết định vậy đi. Bố đã nói chuyện với thầy giám thị rồi. Sau khai giảng con đi thi vượt lớp, nếu đậu thì học cùng lớp với An An.”

“Nhất Trung xa lắm, con là con gái, không có xe đạp đi lại cũng không an toàn. Học ở trường Phụ Trung vẫn hơn, còn có An An chăm sóc lẫn nhau.”

Tôi cúi đầu, không nói gì.

Tôi hiểu – đây đã là sự nhượng bộ lớn nhất mà bố mẹ dành cho tôi rồi, tôi không thể đòi hỏi hơn nữa.

Trong sân, quần áo và quần dài do xưởng phát thay lương được phơi kín cả dây, chỉ có Hứa Dĩ An là được mặc váy hoa rực rỡ.

Hai tháng thoáng cái đã trôi qua.

Trong phòng làm việc, im phăng phắc, chỉ có tiếng bút viết sột soạt.

Thầy giám thị cầm bài thi của tôi lên, hài lòng gật đầu.

Thi đậu kỳ thi vượt lớp, tôi theo thầy đến lớp 11 – lớp 5.

Lớp 5 chỉ là lớp bình thường của trường Phụ Trung, đừng nói Thanh Hoa hay Bắc Đại, ngay cả đại học bình thường mà có người thi đậu cũng là hiếm có.

Vậy mà Hứa Dĩ An, người học lẹt đẹt đến thế, lại đột nhiên thi đậu Thanh Hoa – chẳng ai nghi ngờ sao?

Lòng tôi càng thêm kiên định – kiếp này tôi nhất định sẽ bảo vệ bằng được giấy báo trúng tuyển, nắm lấy cơ hội thay đổi số phận, tuyệt đối không để bản thân rơi vào cảnh như trong những dòng chữ kỳ lạ kia — tinh thần rối loạn rồi bị xe đâm chết.

Khi tôi bước vào lớp học, lớp vốn ồn ào cũng chợt yên tĩnh trong chốc lát.

Ánh mắt của mọi người — có người tò mò, có kẻ khinh bỉ, cũng có vài người địch ý — đều dồn về phía tôi.

Tôi làm như không thấy, sau khi tự giới thiệu xong liền chọn một chỗ gần cửa sổ ngồi xuống.

Chuông tan học vang lên, một nhóm người vây lấy tôi.

3

Người dẫn đầu cười cợt nói đầy ác ý:

“Không phải thủ khoa khối cấp hai của trường sao? Sao không vào Nhất Trung mà lại hạ mình tới cái lớp bình thường như chúng tôi vậy?”

“Hahaha, chắc là gian lận thi cử bị phát hiện, Nhất Trung không nhận nữa, phải nhờ vả thầy giám thị xin vào bằng cửa sau.”

“Còn nói là học giỏi nên được nhảy lớp? Học sinh giỏi nào lại chọn học ở Phụ Trung chứ? Cô ta coi chúng ta là đồ ngốc chắc?”

Nói rồi hắn đá mạnh vào bàn tôi, cả bọn cười hả hê bỏ đi.

Tôi cúi xuống nhặt lại bài thi và sách vở rơi vãi dưới đất, thì một bàn chân đạp thẳng lên trang giấy.

Hứa Dĩ An nghiến răng:

“Hứa Đỗ Nam, đừng vội đắc ý. Bố mẹ lúc nào cũng thương yêu tao nhất! Nếu không phải mày làm loạn bỏ nhà đi, khiến hàng xóm cười chê, thì giờ mày đã bị đẩy vào trường nghề rồi, chẳng ai quan tâm đến sống chết của mày đâu!”

Tôi hất mạnh chân cô ta ra, nhặt tờ giấy thi lên, dùng gôm chà đi dấu giày.

Bình thản nói: “Không ai muốn tranh giành với mày cả.”

Tình thương vô điều kiện mà bố mẹ dành cho Hứa Dĩ An, tôi từng ghen tị, từng khóc lóc ăn vạ, thậm chí giả bệnh chỉ mong được họ đoái hoài.

Nhưng tất cả đều vô ích.

Tôi giờ không còn là đứa trẻ ngu ngốc ngày xưa nữa, càng không thèm làm mấy chuyện tự rước nhục vào thân như vậy.

Những ngày sau đó, cuộc sống của tôi không hề yên ổn.

Ngăn bàn toàn rác, ghế ngồi bị mất, sách giáo khoa thì bị vẽ bậy.

Tôi biết rõ ai là kẻ đứng sau, nhưng không có thời gian để chấp nhặt.

Tôi chỉ có hai năm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Chỉ có một cơ hội duy nhất.

Vì nhảy lớp nên nền tảng chưa vững, mấy lần thi lớn điểm tôi đều thấp tệ, kỳ thi cuối kỳ lần này còn chẳng vào nổi top 100 toàn trường.

Giáo viên chủ nhiệm vô cùng thất vọng, nhưng lập tức quay sang vui mừng vì thành tích “tiến bộ vượt bậc” của Hứa Dĩ An — từ hạng bét vươn lên top đầu.

Trên đường về nhà, Hứa Dĩ An vui vẻ đến mức vừa đi vừa hát, phấn khởi vượt mặt tôi.

“Hứa Đỗ Nam, mày định về nhà ăn nói với bố mẹ thế nào đây?”

Bốp! — tôi nhắm mắt lại, để mặc bảng điểm bị quăng thẳng vào mặt.

Bố giận dữ gào lên:

“Học hành kiểu gì mà ra nông nỗi này, còn mặt mũi nào mà về nhà?”

“Bố đã nói bao lần rồi, bảo mày học trung cấp, sau này đi dạy rồi lấy chồng cho dễ. Mày thì mơ mộng trên trời, mà sức thì chẳng bằng tờ giấy!”