4

Tôi nhìn ra cửa sổ – gió thu thổi xào xạc, lá vàng trải khắp sân.

Tôi mỉm cười đội chiếc mũ đầu hổ ấy cho con gái.

Vừa vặn, lại đáng yêu vô cùng.

Trong lá thư hồi âm, tôi cảm ơn món quà ý nghĩa, nói rằng cả tôi và con đều rất thích.

Tôi cũng dặn em nên tập trung vào việc học, nỗ lực không ngừng, luôn hướng về phía mặt trời mà tiến bước.

Tôi nói thêm, vì chuyển công tác nên đã không còn ở đơn vị cũ, không biết nhiều về tình hình của Lưu Đông.

Tuy nhiên, tôi gửi cho em thông tin liên lạc của Lý Phương.

Kể từ đó, Lưu Hạ vẫn đều đặn gửi thư mỗi tháng, chưa bao giờ gián đoạn.

Một đứa trẻ biết ơn và giàu tình cảm, thật sự rất quý giá.

Thời gian trôi qua thật nhanh, đã hơn một năm kể từ ngày tôi trở lại cuộc sống bình thường sau trận lũ.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghĩ đến Lưu Đông – đứa trẻ tôi từng một tay nuôi lớn.

Nhớ lại cùng thời điểm năm ngoái, nó bị nhiễm viêm gan, tôi đã ở khu cách ly của bệnh viện suốt hai tháng để chăm sóc.

Giờ đây, chắc nó đang được Lý Phương chăm sóc chu đáo, bệnh tình có lẽ đã thuyên giảm.

Sợ Lưu Hạ lo lắng, tôi không nhắc gì đến trận dịch viêm gan bùng phát gần như khắp Thượng Hải trong thư gửi em.

Không ngờ, không lâu sau tôi lại nhận được một gói hàng do Lưu Hạ gửi.

Bên trong là các loại thảo dược như ngũ vị tử, nhân trần, cam thảo… được đóng gói cẩn thận, đầy ắp.

Những vị thuốc này đều có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan.

Rõ ràng, em đã biết bằng cách nào đó rằng Thượng Hải đang bùng phát dịch viêm gan.

Năm 1988, dịch viêm gan A bùng phát tại Thượng Hải.

Các bệnh viện chật kín bệnh nhân, buộc phải mở thêm giường bệnh tạm thời tại các đơn vị, xí nghiệp.

Thông tin này được đăng tải rộng rãi trên khắp các tờ báo lớn.

Đứa trẻ ấy, với khả năng nhỏ bé của mình, đã tự đi hái thuốc nam, phơi khô rồi gửi cho tôi.

Một hôm, tôi đeo khẩu trang đến bệnh viện mua thuốc huyết áp cho mẹ chồng, bất ngờ gặp lại Lý Phương.

Vừa thấy tôi, cô ấy đã than thở liên tục.

Hóa ra, Lưu Đông đang nằm viện đúng tại bệnh viện này.

Lý Phương nói: “Biết thế tôi đã nhận nuôi chị gái rồi. Con bé này thể chất quá kém, ba ngày hai bận đổ bệnh thì thôi đi, đằng này cả thành phố đang bùng phát viêm gan, nó cũng đua đòi đổ bệnh.”

Tôi hỏi: “Trong nhà chỉ có mỗi nó mắc bệnh thôi à?”

“Đúng vậy. Mà bệnh này còn lây nữa. Cả nhà đều trách tôi, nói đáng lẽ không nên nhận nuôi nó.” – cô ấy thở dài.

Tôi an ủi: “Chỉ cần chú ý điều trị, bệnh này vẫn có thể khỏi được.”

Cô lắc đầu: “Trong nhà còn có một đứa nhỏ nữa, tôi đâu có thời gian mà chăm sóc nó kỹ càng. Giờ mỗi ngày tôi chỉ ghé qua mang hai bữa cơm thôi.”

Một đứa trẻ chỉ mới bảy tám tuổi, mắc bệnh viêm gan, phải nằm viện một mình – nghĩ thôi đã thấy thương tâm.

Nhưng tôi không còn thấy thương hại nữa.

Ở kiếp trước, cũng đúng vào khoảng thời gian này, tôi đã tự nguyện vào khu cách ly chăm sóc nó từng li từng tí, ngày đêm không rời.

Vậy mà trong lòng nó vẫn chỉ nghĩ đến “mẹ Lý Phương”.

Giờ thì hai bữa cơm đặt ngoài cửa khu cách ly, đó là điều con bé xứng đáng nhận được.

Trên đường từ bệnh viện trở về, tôi lại tình cờ gặp một người đồng nghiệp cũ.

Hôm nay thật đúng là ngày “náo nhiệt”.

“Lưu Mai! Lâu quá không gặp!” – anh ấy hồ hởi chào tôi.

Tôi dừng xe, đáp lại bằng sự thân thiện rồi trò chuyện vài câu.

“Tôi vừa gặp Lý Phương, cô ấy đang mang cơm cho con bé ở bệnh viện.”

“Ồ, mang cơm à?” – giọng anh ấy nghe có vẻ đầy ẩn ý.

Anh kể: Gia đình Lý Phương đã sớm cảm thấy hối hận vì nhận nuôi một đứa trẻ yếu ớt bệnh tật như vậy.

Khi Lưu Đông còn khoẻ, việc nhà như lau dọn, giặt giũ, cô bé đều làm cùng với Lý Phương. Gia đình cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.

Nhưng từ lúc dịch viêm gan bùng phát toàn thành phố, Lưu Đông là người đầu tiên trong nhà mắc bệnh – mà bệnh lại còn lây nhiễm.

Ngay lập tức bị đưa vào viện cách ly.