3
Tôi nghĩ, sau 12 năm đèn sách, ít ra tôi cũng xứng đáng có một buổi tiệc như vậy.
Nhưng mẹ tôi lại do dự bàn với tôi:
“Tâm Tâm, hay là mình đừng làm nhé?”
Lý do là:
“Tiểu Ý tốt nghiệp cả năm rồi vẫn chưa tìm được việc. Nếu mình tổ chức, họ hàng bạn bè đều tới, chắc chắn sẽ hỏi. Con bé lại thấy mất mặt, tâm trạng càng tệ thêm.”
“Con hiểu cho chị con một chút đi.”
Tôi im lặng rất lâu, không nói gì.
Tôi hiểu cho chị, nhưng chị đã từng hiểu cho tôi chưa?
Lẽ ra kỳ nghỉ hè này phải là quãng thời gian tôi được sống thoải mái nhất, vậy mà lại nhuốm đầy u uất.
Tôi vẫn đi dự tiệc mừng của bạn bè, khi có ai hỏi, tôi chỉ cười gượng nói ba mẹ còn đang chọn ngày.
Gần cuối tháng 8, chuyện nói dối bắt đầu khó giữ nổi.
Mỗi ngày tôi đều lo lắng không biết phải làm sao để tiếp tục chối quanh.
Rồi một hôm, mẹ tôi đột nhiên bảo sẽ tổ chức tiệc mừng cho tôi.
Tôi mừng đến phát điên, đồng thời cũng rất thắc mắc.
Chẳng phải mẹ từng nói vì nể mặt chị, tôi không được tổ chức sao?
“Chị con tìm được việc rồi, không sợ bị nói này nói nọ nữa.”
Lúc đó tôi mới biết, mẹ đã phải chạy vạy cỡ nào để nhét được Trình Ý vào đài truyền hình.
Nhưng dù sao có tiệc vẫn là điều tốt.
Tôi không có nhiều quần áo đủ đẹp để mặc tiệc. Trái lại, Trình Ý vì học chuyên ngành phát thanh truyền hình nên sắm không ít váy vóc lộng lẫy.
Mẹ muốn tôi mượn một chiếc của chị để mặc, nhưng tôi bỗng trở nên bướng bỉnh, nhất định đòi mua đồ mới.
Cuối cùng, sau một hồi năn nỉ, tôi cũng mua được một chiếc váy trắng suông đơn giản.
Vừa về đến nhà, tôi liền thấy Trình Ý mặc chiếc váy đuôi cá ôm sát, màu trắng, đứng trước gương ngắm nghía.
Cô ấy kéo váy ở phần eo, tự nhận xét:
“Cũng được đấy, khỏi cần bóp eo. Mai tao mặc cái này.”
Chiếc váy ấy nổi bật và quyến rũ đến mức hoàn hảo, tôn lên vóc dáng nóng bỏng của chị tôi.
Từ trước đến nay, đứng cạnh người chị rực rỡ như ánh mặt trời, tôi luôn trở nên lu mờ.
Nhưng khoảnh khắc đó, cảm giác tự ti dâng lên đến đỉnh điểm.
Tôi siết chặt chiếc túi đựng váy mới mua, như thể đang cố giữ lấy chút tôn nghiêm cuối cùng.
Tôi dè dặt mở lời:
“Chị… em muốn nhờ chị một chuyện. Ngày mai chị có thể đừng mặc chiếc váy này không?”
“Tại sao?”
Dưới ánh nhìn sắc lạnh của Trình Ý, tôi đành cắn răng tiếp tục:
“Nó hơi lấn át người khác. Chị mặc như vậy, mọi người sẽ chỉ nhìn chị. Nhưng mai là tiệc mừng của em…”
Tôi càng nói càng nhỏ tiếng, như thể mình đang làm điều gì sai trái.
Trình Ý bỗng bật cười.
Sau đó, cô ấy nhẹ nhàng dùng ngón trỏ lau giọt nước mắt vì cười, đi đến đẩy vai tôi đứng trước tủ quần áo của chị.
Cô chỉ vào hàng váy áo rực rỡ nhiều kiểu, nói:
“Không phải mày muốn chị đổi cái khác sao? Váy tao đầy đây, mày thích cái nào thì chọn đi.”
Từ ngày thất nghiệp, tính khí của Trình Ý trở nên kỳ quặc. Không ai dám chọc vào, vì một khi chọc giận, chị sẽ trả đũa gấp đôi.
Chị lại có cái miệng sắc như dao, nói một câu cũng khiến người ta nghẹn họng.
Tôi sợ chị nổi giận, vội nói:
“Chị không đổi cũng được mà…”
“Đổi chứ, sao lại không đổi.”
Trình Ý nói bằng giọng như lẽ đương nhiên, đầy khinh bỉ:
“Nhưng tao nói trước–bất kể tao mặc gì, mọi người cũng chỉ nhìn tao thôi.”
“Trình Tâm, mày tin không? Cho dù tao có mặc một mảnh giẻ rách, mọi người cũng sẽ chỉ nhìn tao, chẳng ai để ý đến mày cả.”
Tôi và Trình Ý cách nhau 5 tuổi, nên những cảnh hai chị em cãi vã thường thấy trong các gia đình khác, gần như chưa từng xuất hiện ở nhà tôi.
Thiên nga kiêu hãnh sao lại phải tranh cao thấp với con sẻ tầm thường?
Khi Trình Ý nói câu ấy với tôi, tôi không kịp phản ứng gì.
Chỉ có nước mắt là chạy nhanh hơn suy nghĩ.
Trình Ý hất ra một tiếng “Giả tạo”, buông tay khỏi vai tôi, sắc mặt đầy chán ghét, thay giày rồi đi thẳng ra khỏi nhà.
Rõ ràng là Trình Ý nổi giận vô cớ, nhưng người bị mẹ tôi càm ràm lại là tôi.
“Chị con ăn mặc đẹp là làm rạng danh cho con, chẳng lẽ phải mặc rách rưới mới vừa lòng con chắc?”
“Lòng dạ thì nhỏ nhen.”
Chuyện này… thật sự là lỗi của tôi sao?
Tôi bắt đầu hoài nghi bản thân.
Nhưng vẫn không nhịn được mà đáp lại:
“Dự tiệc cưới, phù dâu cũng đâu có ăn mặc lấn át cô dâu.”
Mẹ tôi không ngờ đứa con gái út ít nói năng luôn rụt rè lại dám cãi lời.
Bà bực bội xua tay, muốn dẹp yên mọi chuyện:
“Được rồi, không tổ chức tiệc thì con không vui. Tổ chức rồi thì con lại sinh chuyện. Còn lắm lời nữa thì khỏi tổ chức, cho yên nhà yên cửa.”
Đến nước này, buổi tiệc mừng mà tôi mong chờ suốt hai tháng… tôi cũng chẳng còn muốn tham dự nữa.
Nhưng tôi đã hồ hởi thông báo với tất cả thầy cô và bạn bè thân thiết, không thể đột ngột hủy bỏ.