Tôi không thể ở lại lâu – con gái tôi vẫn đang ở nhà một mình.
Tôi lau nước mắt, khẽ nói:
“Mẹ yên tâm. Con sẽ chăm sóc bản thân thật tốt.”
Rồi rời khỏi nghĩa trang.
3
Vừa bước vào nhà, con gái đã nhào tới ôm chầm lấy tôi:
“Mẹ ơi, ba đến rồi.”
Tôi nhìn về phía cửa bếp – anh ta đang đứng đó, mặc chiếc tạp dề hồng của tôi, tay cầm muôi sắt:
“Cơm sắp xong rồi, mau đi rửa tay đi.”
Tôi định nói gì đó, nhưng thấy con bé cười tươi rói, cuối cùng chỉ đành im lặng.
Chu Việt lần lượt bê từng món ra bàn, còn múc cho tôi một bát cơm, đặt ngay trước mặt.
“Anh không cần về ăn Tết với ba mẹ à?”
Anh ta nhìn tôi, không trả lời, chỉ gắp cho con gái một chiếc cánh gà.
Anh không nói, tôi cũng chẳng muốn nói.
Trong phòng chỉ còn tiếng cười máy móc phát ra từ chương trình xuân trên TV, tạo nên chút không khí lễ tết gượng gạo.
Con gái cứ nhấp nhổm, mong chờ được đốt pháo hoa, ăn cũng chẳng tập trung.
“Ăn ngoan đi, lát mẹ đưa con xuống dưới đốt.”
Chu Việt liền nói theo:
“Ba cũng đi với con.”
Con bé cười toe toét.
Cơm nước xong, tôi và con ngồi xem chương trình xuân, Chu Việt vào bếp rửa bát.
Một lát sau, anh ta cầm điện thoại xem xong rồi lập tức ra ngoài, thậm chí không mặc áo khoác.
An An liếc ra cửa, dè dặt hỏi:
“Ba còn quay lại không mẹ?”
“Có chứ.”
Con bé lúc này mới yên tâm, tiếp tục xem TV.
Không lâu sau, Chu Việt quay về, ngồi xuống cạnh tôi, tỏ vẻ muốn nói gì đó.
Tôi không để ý. Một lúc sau, anh ta lên tiếng:
“Em cãi nhau với ba à?”
Tôi quay sang nhìn anh:
“Sao anh biết?”
Anh ta lấy trong túi ra một tờ giấy:
“Ba bảo anh đưa cho em.”
Tôi cầm lấy xem – là một tờ giấy vay nợ ba mươi ngàn, có điểm chỉ dấu vân tay.
“Tết nhất rồi, đừng giận ba nữa.”
Tôi nhìn màn hình tivi, tay nắm lấy tay con gái, cố nén cơn giận đang dâng lên trong lòng.
Nhưng Chu Việt vẫn tiếp tục lải nhải:
“Anh với ba anh cũng hay cãi nhau, nhưng dù sao cũng là cha con ruột, có giận mấy rồi cũng hòa. Người lớn mà, đều là vì muốn tốt cho mình thôi.”
“Tập trung mà xem tivi đi.” – tôi lạnh lùng liếc sang, mong anh ta hiểu mà dừng lại.
Nhưng Chu Việt lại không hiểu ánh mắt đó, vẫn nói tiếp:
“Anh biết em luôn thấy ba thiên vị Lâm Huyên, nhưng anh hiểu ông. Dù gì Lâm Huyên cũng là con riêng, đương nhiên phải khách sáo một chút.
Còn em là con ruột – như người ta nói đó, hay giận dỗi nhất là với người mình thương.”
“Chu Việt,” tôi gọi tên anh, “anh còn nhớ cái vết sẹo trên cánh tay em mà em từng kể không?”
Anh gật đầu, nói nhớ.
Năm đó tôi mười tuổi, Lâm Huyên bị bệnh, ngày nào cũng phải uống thuốc bắc.
Ba tôi và dì Tống đều đi làm, việc sắc thuốc đương nhiên giao cho tôi.
Mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà, ba đều dặn đi dặn lại:
“Phải chăm sóc em con cho tốt.”
Em gái?
Thật ra, Lâm Huyên chỉ kém tôi hơn chục ngày tuổi.
Tôi từ nhỏ đã làm hết việc nhà, muốn mua tài liệu học cũng phải tự đi nhặt dây nhôm bán lấy tiền.
Còn cô ấy, trước khi lấy chồng, thậm chí còn không biết nấu mì gói.
Tôi chưa từng than vãn.
Nghe lời ba, tôi tận tâm chăm sóc em.
Nhưng hôm đó nồi đất bị nổ, tôi né kịp, nhưng nguyên cánh tay vẫn bị thuốc nóng bắn trúng, phồng rộp cả lên.
Ba về nhà thấy vậy thì xót xa, định đưa tôi đi viện.
Nhưng dì Tống ôm Lâm Huyên đứng chắn ở cửa, cô ấy trông rất yếu.
Dì nói:
“Nhà mình chỉ còn từng đó tiền, ông chọn một đứa đi.”
Cuối cùng, tôi bị bỏ lại ở nhà.
Tôi dùng cách cũ, lấy lòng trắng trứng bôi lên tay để giảm đau.
Nhưng chẳng có tác dụng gì.
Tôi còn nhỏ quá, cả cánh tay đầy bọng nước, tôi không biết nên tìm ai, cũng không biết làm sao để bớt đau.
Sau đó tay bị nhiễm trùng, tôi sốt rồi ngất xỉu ngay trong lớp.
Là cô giáo đưa tôi đi bệnh viện, còn bỏ tiền ra lo viện phí.
Miếng da hoại tử bị cắt bỏ từng lớp, tôi mở mắt nhìn chằm chằm, chẳng kêu la gì, như thể không hề thấy đau.
Từ hôm đó, trên tay tôi để lại một vết sẹo lớn, lồi lõm gồ ghề.
Đã nhiều năm trôi qua, vậy mà đến giờ, tôi vẫn không dám mặc áo ngắn tay vào mùa hè.
Chu Việt cau mày, nhìn tôi với ánh mắt xót xa:
“Ba cũng đâu cố ý, mình làm con thì nên biết thông cảm cho người lớn…”
4
Tôi và Chu Việt quen nhau từ thời đại học.
Anh là người có tiếng trong trường, lại được nhiều người theo đuổi, tôi không ngờ anh lại chủ động theo đuổi tôi.
Lúc đó, tôi vất vả mưu sinh từng ngày.