2

Thật ra hôm nay tôi đến tìm ông ấy là để cùng đi thăm mộ mẹ.

Ông sẽ lấy cớ đi mua thuốc lá, rồi hai cha con tôi sẽ nhanh chóng chạy xe đến nghĩa trang, đốt giấy cho mẹ.

Trước bia mộ, chúng tôi sẽ diễn một màn cha hiền con thảo.

Ông trang nghiêm hứa với mẹ tôi:

“Kiều Kiều, anh sẽ chăm sóc con bé thật tốt. Em cứ yên tâm bên đó sống cho vui vẻ, tiêu tiền cho thoải mái, đừng bận tâm chuyện ở đây.”

Vừa nói vừa khóc, vừa nghẹn ngào nói xin lỗi:

“Hồi em còn sống, anh không cho em được cuộc sống như em mong muốn…”

Tôi chỉ lặng lẽ đứng nhìn, không rơi một giọt nước mắt.

Ra khỏi nghĩa trang, ông sẽ vội vàng lái xe máy về nhà như chạy trốn.

Dì Tống sẽ buông lời chua cay:

“Lại đi thăm con vợ chết toi của ông à? Chắc không quên nói xấu tôi vài câu đâu nhỉ?”

Ba tôi sẽ cười hì hì:

“Nói gì thế, tôi chỉ đi mua thuốc lá thôi.”

Thật ra dì Tống luôn biết, bà ngầm cho phép.

Sau đó, ba tôi sẽ nhanh chóng chuyển cảm giác tội lỗi với mẹ tôi sang người phụ nữ bên cạnh.

Tôi và dì Tống là hai người hiểu rõ ông nhất trong nhà này.

Mẹ tôi thì khác. Trong lòng bà, ông là người đàn ông tốt nhất thế gian.

Chính vì thế, bà không thể chấp nhận được việc ông phản bội, nên đã quyết tâm dẫn tôi rời khỏi nhà.

Năm nay, tôi đi thăm mộ một mình.

Vừa tới nơi, điện thoại reo.

Tôi liếc nhìn – ba đã trả lại khoản tiền ba mươi ngàn mà tôi chuyển cho ông.

Ngay sau đó là một đoạn tin nhắn thoại:

“Kiều Kiều, ba biết mấy năm nay con đã chịu nhiều tủi thân rồi… ba không có bản lĩnh, không có tiền, không thể cho con cuộc sống tốt đẹp.”

Mũi tôi cay xè.

Tôi chợt nhớ tới năm học trung cấp, ông lén đến thăm, dúi cho tôi mười tệ – là số tiền ông đã giấu kỹ dành riêng cho tôi.

Tôi hỏi nhỏ:

“Mẹ ơi, con có nên trách ông ấy không?”

Tôi ngồi yên, ngồi thật lâu cho đến khi có tiếng bước chân phía sau.

Tôi quay đầu lại, thấy ba đứng đó, bên cạnh là Tống Phương.

“Tới đây làm gì?” – tôi siết chặt tay, nhìn lên tấm ảnh mẹ trên bia mộ, tim bỗng thắt lại.

Tống Phương mỉm cười:

“Kiều Kiều à, em gái con vừa mua nhà, chưa có tiền sửa sang. Nhà thì cũng chẳng khá giả gì… Con vừa mới chuyển cho ba ba mươi ngàn đúng không? Ổng lỡ tay bấm nhầm, nên mới trả lại.”

Tôi nhìn sang ba – chỉ vì ba mươi ngàn này, ông thật sự dẫn người đến đây, phá vỡ sự yên nghỉ của mẹ?

“Rồi sao nữa?”

Tống Phương sầm mặt, thúc cùi tay vào hông ông.

Ba tôi ho khẽ:

“À… ba lỡ tay, con… con chuyển lại được không? Xem như ba mượn con.”

“Mượn gì mà mượn? Có ai làm cha mà phải vay tiền con gái không? Mày tưởng nuôi mày lớn là miễn phí à?” – Tống Phương chen ngang.

Tôi nhìn ông, trong lòng vẫn còn chút mong chờ.

Thật vô dụng, tôi biết… Nhưng tôi không kiểm soát được.

Tôi vẫn muốn gìn giữ chút bình yên, hy vọng một ngày nào đó, người ba từng yêu thương tôi sẽ quay lại.

Nhưng ông quay mặt đi, không nhìn tôi.

Tôi bật cười:

“Nuôi tôi là nghĩa vụ, tôi là con ruột của ông. Còn Lâm Huyên mới là người ông nuôi không công.”

“Câm miệng!” – người đàn ông vốn luôn nhẫn nhịn đột nhiên gào lên – “Tống Phương là bề trên của mày!”

Tống Phương dụi đầu vào vai ông mà khóc lóc.

Ông càng nổi giận:
“Bà ấy những năm qua hết lòng chăm sóc mày, còn sai ở đâu chứ? Mau xin lỗi!”

Tôi vẫn đứng yên.

Trong lòng chợt hiện lên tờ tiền mười tệ nhàu nát kia, cùng ánh mắt dịu dàng của ông khi căn dặn tôi giữ gìn sức khỏe.

Tờ tiền đó tôi vẫn còn giữ.

Tôi từng học rất giỏi, nhưng cuối cùng lại chọn học trung cấp – vì nơi đó không thu học phí.

Còn Lâm Huyên thi trượt cấp ba, ông chạy vạy khắp nơi, tốn bao nhiêu tiền mới xin cho nó được học ở trường cấp ba tốt nhất thành phố.

Nếu ông không đạp đổ hết, thì mười tệ đó, tôi có thể tự dối mình suốt đời.

“Nghe chưa? Mau xin lỗi!”

Tôi rút điện thoại, chuyển lại ba mươi ngàn.

“Con chuyển rồi.” – giọng tôi rất bình tĩnh, lòng trống rỗng, chẳng còn cảm xúc gì nữa – “Làm ơn đừng gây chuyện trước mặt mẹ con nữa.”

Như vừa tỉnh ngộ, ông cứng người lại, quay đầu nhìn tấm ảnh trên mộ, rồi quay lại nhìn tôi, trong mắt là một nỗi hối hận mơ hồ.

Có lẽ vì gương mặt ông quen thuộc.

Có lẽ vì tôi vẫn luyến tiếc thứ gọi là “cha con”.

Nên mỗi lần ông nhìn tôi như vậy, tôi đều mềm lòng, tìm lý do để tha thứ.

Nhưng… tôi sẽ không để ông lừa lần nào nữa.

Tống Phương nhìn vào điện thoại của ông, xác nhận đã nhận tiền, hừ lạnh rồi quay đi.

Ông vẫn đứng nguyên tại chỗ, không nhúc nhích.

Tôi nhìn ông mỉa mai:

“Chưa đủ à? Nếu ba cần thêm thì cứ nói,con có bán hết tài sản cũng sẽ trả đủ cho ba.”

Ông như bị giáng một đòn, lảo đảo lùi lại vài bước, suýt nữa thì ngã.

“Ba… xin lỗi con, là ba vô dụng…”

“Đủ rồi, đi đi. Để mẹ con yên lòng ăn Tết.”

Ông mắt đỏ hoe, nhìn tôi thật sâu rồi lặng lẽ rời đi.

Tôi nhìn ảnh mẹ, nước mắt không kìm được mà trào ra.