Vừa về nhà ăn Tết, tôi còn chưa kịp ngồi xuống thì ba đã ném quyển sổ ghi chép vào trước mặt.

Tôi mở ra xem, bên trong ghi chi chít: “Lâm Kỳ chín tuổi bị ho, mua thuốc hết mười tệ”, “Lâm Kỳ mười bốn tuổi, mua quần áo Tết hết bảy mươi tệ”… Cộng lại cũng chưa đến ba vạn.

Tôi hỏi:
“Ý gì đây?”

Ông hừ lạnh một tiếng:

“Không phải mày từng nói sao, người trong nhà cũng phải sòng phẳng rõ ràng, giờ thì tính thử cái sổ nợ này.”

Tôi lập tức hiểu ra.

Mấy hôm trước, con gái tôi bệnh nặng cần tiền gấp, tôi mới đòi lại khoản tiền từng cho em kế vay.

Còn bây giờ, ông đang thay đứa con gái không cùng máu mủ đó đòi lại “công bằng” cho nó.

1

“Con bé là em gái mày đấy, chỉ có mười vạn mà mày cũng đòi lại à?”

Ông quát to, vừa nói vừa liếc mắt về phía phòng ngủ, rồi cau mày ra hiệu bảo tôi im miệng.

Cánh cửa phòng ngủ “rầm” một tiếng đóng lại.

Ba tôi thở phào nhẹ nhõm, cười gượng rồi hạ giọng nói:

“Ba cũng hết cách… dì con bị bệnh tim, không thể kích động được… ba đâu thật sự muốn đòi tiền con.”

Cái kịch bản này, hai cha con tôi đã diễn suốt hơn hai mươi năm.

Ông bảo ông khó xử, đứng giữa hai bên rất mệt mỏi.

Lại nói tôi là con ruột, dù có mắng chửi hay đánh đập cũng không thấy xa lạ.

Nhưng con bé kia thì khác, là con của mẹ kế mang đến, không được phép mắng, không được phép đánh, phải chiều chuộng dỗ dành mới “gia hòa vạn sự hưng”.

Tôi hiểu cho ông, nên mỗi lần dù có tủi thân đến đâu, tôi cũng đều cố gắng phối hợp.

Nhưng lần này, tôi không muốn diễn nữa.

Tôi cầm lấy quyển sổ, nghiêm túc lật xem.

“Lâm Kỳ nằm viện Tết nguyên đán, chi hết bảy trăm tệ.”

“Lâm Kỳ mua bút máy năm tệ.”

“Lâm Kỳ sửa giày một tệ rưỡi.”

Từng khoản đều ghi rõ họ tên, rành rọt không sót một đồng.

“Ba.”

“Ờ?” – ông đặt tách trà xuống, nhìn tôi. “Sao thế?”

Ông già đi nhiều, trông khác hẳn hình ảnh trong ký ức của tôi.

Hồi đó, ông rất cao, mà tôi thì còn bé, mẹ vẫn còn sống.

Tôi từng nghĩ ông là người cao lớn nhất trên đời, có ông ở đó, tôi và mẹ chẳng cần sợ điều gì.

Ông hay cười – bị lừa cũng cười, bị bắt nạt cũng cười, bị mẹ mắng xong vẫn quay lại nháy mắt với tôi rồi cười.

Còn bây giờ, ông suốt ngày cau có, thở dài, không còn ánh mắt dịu dàng khi nhìn tôi như xưa nữa.

Ngày trước ông từng nói: tôi là món quà tuyệt vời nhất mà ông nhận được từ ông trời.

Ông nói sẽ luôn là chỗ dựa cho tôi, không để ai bắt nạt tôi cả đời này.

Tôi hỏi: “Con mấy tuổi thì về sống ở nhà này vậy?”

“Tám tuổi.” – ông đáp ngay, ánh mắt dịu lại khi nhìn ra cửa sổ, “Lúc đó con chỉ cao hơn bậu cửa một chút, mỗi chiều đều đứng đó nhìn chú Trương nấu ăn bên kia đường, ba còn bảo con chào hỏi người ta, nhớ không?”

Tôi lắc đầu: “Không nhớ nữa rồi.”

Ông cười khẽ: “Cha mẹ mà, luôn nhớ tất cả mọi chuyện liên quan đến con cái.”

Thật sao?

Tiếc là… ông đã nhớ nhầm người rồi.

Người ông bảo khi đó không phải tôi, mà là Lâm Huyên.

Chẳng lẽ ông quên rồi?

Lúc chú Trương nấu ăn, dì Tống cũng đang nấu, còn tôi thì ở trong bếp phụ bà ấy nhặt rau, vo gạo.

Về sau tôi thường phải đứng lên ghế để nấu cơm cho cả nhà.

Tôi nhớ khẩu vị từng người, chưa từng làm sai hay than mệt.

Chỉ có Lâm Huyên là đứa hay đứng ở bậu cửa, ngây ngô nhìn trời, ngửa đầu ôm cổ ba tôi đọc:

“Lúc thì xếp hình chữ nhân…”

Còn ông thì dịu dàng nhắc:

“Lúc thì xếp hình chữ nhất, hôm qua ba mới dạy con mà.”

“Sao thế?” – ông nhìn tôi ngạc nhiên – “Con khóc à?”

“Có phải ba lớn tiếng quá làm con sợ không?”

Ánh mắt ông lộ rõ vẻ sửng sốt.

Từ sau khi mẹ mất, tôi chưa từng khóc trước mặt ông lần nào.

Tôi không trả lời.

Chỉ lặng lẽ lau nước mắt, đóng sổ lại:

“Ba tính ba vạn à? Tính kỹ chưa?”

Ông sững người, vẻ mặt khó hiểu.

“Cả mấy cọng dây cột tóc cũng ghi ra thì chắc là tính kỹ lắm rồi.”

Tôi rút điện thoại, tìm cuộc trò chuyện gần nhất giữa tôi và ông trên WeChat – từ nửa năm trước.

Khi đó ông bị ốm, tôi gửi ông 5,000 tệ.

Sáu tháng qua, tôi đã trải qua nhiều chuyện – ly hôn, con gái nhập viện.

Ông biết cả, nhưng chưa từng hỏi lấy một câu.

Tôi nhanh tay chuyển cho ông 30,000 tệ.

“Tám tuổi con vào nhà này, mười tám tuổi lên đại học.
Từ lúc đó đến nay, ba chưa từng phải chi một đồng cho con nữa.”

Mắt ông chớp chớp, trong đôi mắt đã đục mờ ấy dường như lấp lánh một chút ân hận.

“Tất cả những gì con nợ ba, hôm nay con đã trả đủ rồi.”

Tôi đứng dậy, cầm túi xách:

“Từ giờ, ba cứ xem như… không có đứa con gái này nữa.”