Lần này, bố chồng lại muốn qua mặt tôi. Tôi nhân cơ hội nói luôn:

“Bố, chuyện lớn thế này, con phải đi cùng bác cả.”

Bố chồng vẫn định từ chối.

Trong đám đông ai nấy đều đứng về phía tôi, thấy vậy bố chồng đành xuống nước:

“Thôi được, tối nay để bác cả con đến nhà mình ngồi lại, chúng ta cùng bàn bạc.”

“Mọi người giải tán đi, giải tán đi.”

Tối đó bác cả hoàn toàn không tới nhà. Bố chồng ăn cơm xong thì ra ngoài, một lúc sau quay về, bảo đã nói chuyện với bác cả rồi, mai bác sẽ lên thành phố.

Tôi đang lau ảnh thờ của Vệ Dân thì bố chồng nhăn mặt, tỏ vẻ không vui:

“Chuyện còn chưa rõ ràng, con có thể cất cái ảnh này đi được không?”

Tôi từ chối: “Người ta vẫn nói chuẩn bị trước áo quan ảnh thờ thì có thể đổi vận, biết đâu treo ảnh lên lại giúp anh ấy tai qua nạn khỏi.”

Bố chồng giận dữ quay người bỏ đi.

Sáng hôm sau trời còn chưa sáng rõ, chợt nghe trong sân vang lên một tiếng hét thảm.

Là mẹ chồng, bà ấy bị bò đá.

Kiếp trước, để cản tôi đến chỗ làm của Vệ Dân trên thành phố, mẹ chồng giả vờ bị bò giẫm lên chân.

Lần này, để con bò nổi điên thật, đêm hôm trước tôi đã đổ thêm một bát máu gà vào máng của nó.

Bò rất nhạy cảm với mùi máu tanh, chỉ cần ngửi thấy là dễ phát cuồng.

Quả nhiên, chẳng mấy chốc trong sân vang lên tiếng bố chồng cầu cứu:

“Tiểu Cầm, mau ra đây, mẹ con bị bò đá rồi!”

Tôi uể oải ngồi dậy, mặc quần áo, mắt nhắm mắt mở bước ra sân.

Chỉ thấy dưới đất là một vũng máu, mẹ chồng nằm đó, miệng còn rỉ máu, có vẻ bị đá rất nặng.

Tôi vội vàng kêu lên:

“Bố, mau tìm xe đưa lên thành phố, mẹ bị đá thế này, có khi nội tạng cũng bị tổn thương rồi, chậm trễ là mất mạng đấy!”

Sau khi chết, tôi từng lơ lửng bên cạnh Vệ Dân và vợ anh ta một thời gian dài, trong đầu vẫn nhớ rõ, hình như lễ cưới của họ chỉ còn vài ngày nữa.

Bây giờ mà lên thành phố, có khi lại kịp ngay đúng dịp.

3

Tôi vội vã gọi hàng xóm đến giúp.

Bố chồng ban đầu không đồng ý lên thành phố, nhưng mọi người cùng nhau đưa mẹ chồng đến trạm y tế trong làng. Bác sĩ chân đất trong làng vừa xem qua đã lắc đầu:

“Không được rồi, bác gái nên đi thành phố kiểm tra. Ở đây thiết bị không đủ, tôi cũng không chữa nổi.”

Mẹ chồng nằm trên xe, ho không ngừng, mặt trắng bệch, còn nôn ra mấy ngụm máu.

Bố chồng ngồi hút thuốc lào, cúi đầu trầm ngâm, cuối cùng nghiến răng:

“Đi thành phố.”

Tôi về nhà gửi con gái cho cô Mập hàng xóm, mang theo đồ dùng cá nhân của mẹ chồng, cùng bố chồng lên thành phố.

Đến khi sắp xếp cho mẹ chồng nhập viện xong cũng đã trưa. Bụng tôi réo liên tục, bụng bố chồng cũng kêu vang.

Bố chồng bảo tôi đi mua đồ ăn. Tôi lật túi trống không ra cho ông xem:

“Bố, con không còn tiền. Số tiền mang theo đã đóng hết cho tiền viện phí rồi. Con phải về làng vay thêm của hàng xóm.”

Bố chồng nhìn tôi một lúc, rồi vung tay ra hiệu bảo tôi đi.

Vừa ra khỏi cổng bệnh viện, tôi không quay về làng mà rẽ thẳng đến đơn vị của Cảnh Vệ Dân, tìm thẳng đến chú Trương – đồng nghiệp cũ của bố tôi.

Năm đó, bố tôi bị tai nạn trong nhà máy, phía nhà máy bồi thường bằng cách cho người nhà thế chân vào làm. Cảnh Vệ Dân bảo làm việc vất vả, nhất định giành suất đó.

Công việc hiện tại của Cảnh Vệ Dân là nhờ chú Trương giúp đỡ sắp xếp.

Tôi muốn đến thẳng lễ cưới của hắn để lật mặt con người thật, tất nhiên không thể thiếu chú Trương.

Gặp được chú Trương, tôi kể rõ sự việc, mượn ông 50 đồng viện phí cho mẹ chồng rồi quay về làng.

Tôi kể lại tình hình bệnh viện, nói bác sĩ nói có thể phải mổ.

Mọi người nghe tin đều lo, nói muốn vào viện thăm mẹ chồng.

Tôi không từ chối.

Có người mang theo trứng gà, có người đem đường đỏ nhà làm. Hôm sau, cả đoàn mười mấy người rồng rắn lên thành phố.

Sau khi thăm mẹ chồng, tôi dẫn mọi người ra ngoài ăn cơm.

Từ thị trấn lên thành phố phải mất hai tiếng ngồi xe, nhưng với mọi người trong làng, lên thành phố chẳng khác nào bước vào một thế giới mới – cái gì cũng thấy lạ, cái gì cũng thấy hay.

Tôi dựa theo trí nhớ, dẫn mọi người đến nhà hàng lớn nhất thành phố – Nhà hàng Nhân Dân.

Điều quan trọng hơn là… đám cưới của Cảnh Vệ Dân chính là tổ chức ở đây.