Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mấy cái cần câu của Dư Thường chất đống trong nhà toàn loại đắt tiền, còn chẳng dùng tới.

Nghĩ thế, tôi liền lấy thêm một bộ nữa, chọn tròn tám trăm nghìn cho số đẹp, mua luôn không do dự.

Tôi về nhà thì Dư Mậu còn chưa tan làm, nhưng Dư Thường đã về từ sớm, ngồi tựa trên ghế sofa, ánh mắt là lạ nhìn tôi, như đang canh chừng điều gì đó.

Tôi chỉ liếc qua ông ta, rồi dừng ánh mắt ở túi trái cây trên bàn trà.

Thấy tôi nhìn, Dư Thường hất cằm đầy tự mãn.

“Loại này hai mươi mấy nghìn một ký đó, biết làm phiền người khác chưa? Mau ăn đi rồi còn nấu cơm!”

Miệng túi mở to, bên trong là hơn chục quả dâu tây héo rũ, nhìn một cái là biết hàng ế mấy ngày, toàn dâu dập, dâu hỏng.

Chưa rửa, chắc chắn ông ta cũng chẳng định ăn — vì đó là mua cho tôi.

Trước kia cũng vậy, thứ gì ngon thì dành cho chồng, cho con, phần tôi là đồ thừa, đồ hỏng.

Khi ấy nhà khó khăn, tôi cũng không thấy có gì đáng kể.

Nhưng bây giờ, Dư Thường có lương hưu hằng tháng, con cái cũng trưởng thành cả rồi.

Tôi không muốn ăn nữa.

Ngay trước mặt ông ta, tôi cầm túi dâu vứt thẳng vào thùng rác.

Chưa để ông ta kịp nổi giận, tôi lên tiếng trước.

“Hỏng rồi, ăn không được.”

Rồi thừa lúc ông ta còn chưa phản ứng kịp, tôi quay người bước vào bếp.

Trước khi về nhà, con dâu gọi bảo tối nay nhà thông gia sẽ đến chơi. Dù sao cũng là khách, không thể để người ta đói bụng được.

4

Trần Kiều xuất thân từ gia đình đơn thân, bố cô ấy bị tai biến cuối năm ngoái, liệt nửa người, giờ nhìn còn yếu hơn xưa, phải ngồi xe lăn đến nhà tôi.

Vừa ngồi vào bàn ăn, Trần Kiều đã nói thẳng ý định muốn đón bố về nhà chăm.

“Mẹ à, bố con không thể tự lo được. Con tính rồi, thuê người chăm sóc ít nhất sáu triệu một tháng, mà con với Dư Mậu gộp lương lại chưa đến hai mươi triệu, thực sự không gánh nổi. Chi bằng đợi cô hộ lý kia nghỉ, con đón bố qua đây ở cùng, cả nhà cùng chăm sóc.

“Nhà mình còn dư một phòng chứa đồ, dọn sạch sẽ cho bố ở là được. Căn hộ hiện giờ bố con đang ở cho thuê, tiền đó cũng đỡ được phần nào sinh hoạt phí.”

Tôi còn chưa kịp mở miệng thì Dư Thường và Dư Mậu đã gật đầu đồng ý ngay tắp lự.

“Đúng rồi, đúng rồi, con rể cũng như con trai, hiếu thảo với bố vợ là chuyện nên làm.”

“Yên tâm đi Kiều Kiều, cả nhà mình chung tay, nhất định sẽ chăm sóc tử tế.”

Món sườn kho tôi chuẩn bị kỹ càng để đãi khách bỗng chốc trở nên nhạt như nước lã trong miệng.

Tôi ngẩng đầu lên, nhìn về phía Dư Thường và Dư Mậu, giữa những câu tán thành như vẹt.

“Là các anh chăm à?”

Con trai và con dâu ngày nào cũng phải đi làm, còn Dư Thường thì là kiểu đàn ông chưa từng đụng tay vào nước lạnh. Trọng trách này cuối cùng chắc chắn sẽ đổ lên đầu tôi.

Hình ảnh những năm trước tôi ngày đêm chăm sóc cha mẹ chồng bệnh tật lại ùa về trong đầu.

Người già ốm yếu không thể đánh cũng không thể mắng, suốt ngày gây chuyện, thật sự rất mệt mỏi.

Tôi phải rất vất vả mới tiễn được hai ông bà ấy đi yên lành, giờ lại bắt tôi chăm thêm một người nửa thân bất toại nữa, nghĩ đến mà ngạt thở.

Giọng tôi rất nhẹ, nhưng đủ để làm bầu không khí trên bàn ăn đóng băng ngay lập tức.

Dư Thường nhíu mày.

“Mấy hôm nay bà cứ hầm hầm, rốt cuộc bà muốn gì? Chẳng phải chỉ là chăm người bệnh sao? Trước giờ bà vẫn làm được đấy thôi, giờ sao lại không làm được nữa?”

Ông ta đặt bát xuống bàn.

“Trang Quế Hương, chiều nay bà tiêu của tôi tám trăm nghìn, mua bộ quần áo gì thế, làm bằng vàng chắc? Thôi thì coi như tôi tiêu tiền giải xui. Nhưng bà đừng có làm tới, nếu bà còn thế nữa, đừng hòng tôi đưa thêm đồng nào!

“Già rồi, không lo cho con cho cháu, bà định bỏ nhà theo mấy cái thứ lăng nhăng ngoài kia, định ly hôn à? Già rồi mà còn bày trò?”

Hai chữ “ly hôn” làm tôi khựng lại.

Phải rồi, ly hôn.

Trước đây sao tôi chưa từng nghĩ đến?

Thấy tôi im lặng, Dư Thường dịu giọng xuống.

“Tôi biết bà không vui, nên chiều nay tôi mới đặc biệt đi mua dâu tây cho bà đó thôi. Người ta sống phải biết đủ.”

Dư Mậu cũng gật đầu liên tục.

“Đúng đó mẹ! Con không phải con ruột của mẹ sao? Giúp tụi con một chút thôi mà, khó vậy à?”

Dư Mậu trông y hệt bố nó hồi còn trẻ, gương mặt đầy bất mãn, như thể tôi đang mắc nợ nó điều gì.

“Tùy các người, tôi không lo nữa.”

Vừa dứt lời, cái bát trong tay Dư Thường bay thẳng về phía tôi.

Rồi “choang” một tiếng, vỡ tan trên nền nhà.

“Được lắm! Không cần bà! Chỉ là chăm một người thôi mà, tưởng không có bà là nhà này sụp chắc? Bà không lo thì tôi lo! Dư Mậu, từ nay coi như không có người mẹ này!”

Tôi ôm trán, máu đã rỉ ra, bàng hoàng không biết phải phản ứng thế nào.

Đến khi hoàn hồn lại, cả nhà đã đứng dậy bỏ bàn ăn.

Dư Mậu còn lầm bầm:

“Mẹ, mẹ cũng đừng trách bố, mẹ quá đáng thật! Có tí chuyện mà cứ làm ầm ĩ lên.”

Đêm đó, tôi gọi cho con gái, hỏi về chuyện ly hôn.