2

Oanh Oanh đã làm hộ chiếu cho tôi từ nửa năm trước, định rủ tôi qua Úc chơi. Nhưng lúc đó con dâu vừa sinh em bé, tôi không rảnh đi đâu.

Giờ nghe tin tôi quyết định sang thăm, con bé mừng rỡ như bắt được vàng, liền gọi một cô bạn đến giúp tôi làm hồ sơ xin visa.

Cô gái ấy rất dễ thương, chạy tới chạy lui giúp đỡ đủ điều, không hề chê tôi vụng về.

“Dì ơi, cùng lắm là đợi một tuần thôi ạ. Được duyệt là cháu báo dì liền.”

Một tuần thôi, cũng không lâu.

Trên đường về nhà, tôi cảm thấy không khí hôm nay thật dễ chịu, thơm tho lạ thường, ngay cả con chó trong thang máy cũng thấy đáng yêu.

Tôi vốn rất sợ chó, vậy mà chẳng hiểu sao hôm nay lại lấy hết can đảm xoa đầu nó. Hóa ra không đáng sợ như tôi nghĩ, nó còn vẫy đuôi với tôi nữa.

Tâm trạng vui vẻ kéo dài cho đến khi tôi về tới trước cửa nhà.

Chưa kịp mở cửa, tôi đã nghe tiếng con dâu — Trần Kiều — đang nổi giận.

“Thằng nhỏ không phải con bà chắc? Nhìn một cái cũng không thèm nhìn! Trẻ con còn đỏ hỏn mà để đói đến khóc lả đi! Cái nhà này chết hết rồi à!?”

Tay tôi khựng lại ngay chốt cửa, rồi giả vờ như không nghe thấy gì, bình thản bước vào.

Vừa thấy tôi, Dư Mậu — con trai tôi — đang cúi đầu giả vờ đáng thương, lập tức trút giận như tìm được cái cớ.

“Mẹ! Cả buổi chiều mẹ đi đâu vậy!? Tiểu Bảo đói khóc muốn chết!”

Dư Thường như cũng sống lại, khoanh tay sau lưng từ phòng ngủ bước ra, mặt nặng như chì:

“Ra ngoài thì cũng phải dắt Tiểu Bảo theo chứ.

Chúng tôi có biết dỗ đâu. Thằng cháu khóc cả buổi chiều.

Có việc gì ra ngoài sao không nói tiếng nào? Về trễ thế này, cơm cũng chưa nấu, cả nhà ăn gió Tây chắc!…”

Tôi vốn định không gây chuyện, vì sắp được đi thăm con gái.

Nhưng nhịn rồi lại nhịn, cuối cùng vẫn không nhịn nổi.

“Không biết dỗ thì học.”

Oanh Oanh nói rồi, chẳng ai sinh ra đã biết nấu cơm, giặt đồ, trông con. Dư Thường cả đời chưa từng giặt một cái áo, rửa một cái chén.

Từ hôm nay, tôi cũng không làm nữa.

Không biết nấu ăn thì học, không học được thì đói.

Chắc vì buổi chiều hai vợ chồng tôi có lời qua tiếng lại, thấy tôi vẫn còn giận, Dư Thường ngậm miệng lại.

Nhưng Dư Mậu thì vừa bị vợ mắng một trận, giờ lại bị tôi làm khó, không nhịn nổi:

“Mẹ, mẹ sao vậy!? Mẹ định bỏ mặc luôn hả?

Kiều Kiều đi làm cả ngày, con cũng vừa được nghỉ hôm nay. Mẹ ở nhà rảnh rỗi nhất, mẹ không nấu cơm thì ai nấu!?”

Tôi không buồn cãi nhau, tự mình đi vào phòng, để lại ba người trong phòng khách nhìn nhau ngơ ngác, rồi bắt đầu thì thầm sau cánh cửa:

“Bố? Mẹ bị sao vậy?”

“Biết đâu! Chẳng tài cán gì mà lắm chuyện, giống như trong miệng có lỗ, ăn không được quả dâu nào là nổi điên luôn.”

“Trời ơi, chỉ vì chuyện nhỏ vậy thôi á? Biết vậy con để lại cho mẹ hai quả. Ngày mai mua thêm là được chứ gì…”

Trần Kiều không nói gì, chỉ bế con về nhà mẹ đẻ.

Tối đó tôi không nấu cơm.

Sáng hôm sau cũng không làm bữa sáng.

3

Tôi hiếm khi nào ngủ nướng, vậy mà hôm nay lại nằm dài tận trưa. Bên ngoài đã loạn cả lên.

Dư Mậu dậy muộn, cuống cuồng chuẩn bị đi làm.

“Mẹ ơi, cái áo sơ mi trắng của con mẹ để đâu rồi? Hôm nay con có họp, cần mặc cái đó, mẹ ủi chưa?”

“Chưa giặt.”

“Thế giờ phải làm sao?”

Dư Mậu đơ người luôn tại chỗ.

Dư Thường đi theo sau lưng nó, hối tôi dậy.

“Bà không giặt đồ thì thôi, nhưng con sắp đi làm rồi, bà dậy nấu tạm gói mì đi, tôi ăn xong còn đi hẹn câu cá với lão Lý nữa.”

Tôi bèn trùm chăn kín mít:
“Tôi mệt, mấy người tự lo đi.”

Ngoài chăn im lặng mấy giây, rồi Dư Thường hừ lạnh một tiếng.

“Bà không nấu thì tôi ra ngoài ăn! Tôi không tin rời khỏi bà thì trái đất ngừng quay! Có giỏi thì cả đời đừng nấu nữa! Cả nhà phải đi ăn ngoài, xem bà chịu được mấy ngày!”

Tôi nghĩ thầm, chắc tầm sáu ngày là cùng, đến lúc đó dù không muốn, họ cũng phải tự lo lấy.

Chờ cho họ đi hết, tôi mới dậy, ra khỏi nhà tìm mấy chị em bạn già.

Chị bạn tôi may mắn hơn, chồng mất sớm, lại được đền bù đất lần hai, giờ sống sung sướng, ngày ngày đi nhảy quảng trường.

Nghe tôi bảo sắp ra nước ngoài, chị kéo tôi vào trung tâm thương mại cao cấp.

“Đi nước ngoài không mua mấy bộ đồ đẹp à? Nhìn bộ bà đang mặc này, bạc màu hết cả rồi. Cái áo này tôi thấy bà mặc từ mười năm trước rồi đấy.”

Gương soi toàn thân bên cạnh phản chiếu mái tóc điểm sợi bạc và cổ tay áo ố màu, làm tôi có chút ngẩn ngơ.

Rõ ràng ba mươi lăm năm trước, tôi cũng từng là cô gái thích chưng diện.

Lúc cưới, Dư Thường còn nói sẽ để tôi cả đời làm cô gái nhỏ của ông ta.

Vậy mà thời gian trôi qua, chớp mắt đã thành một bà lão.

Chị bạn tôi lựa cho tôi mấy bộ, còn hào phóng bảo sẽ tặng.

Tôi từ chối liên tục, quen sống tiết kiệm rồi, cuối cùng cũng chỉ lấy một bộ, mà bộ đó cũng tới ba trăm nghìn, làm tôi thấy xót cả ruột.