5

Hai bố con nói là làm liền. Cô hộ lý vừa rời đi, hành lý của bố Trần Kiều đã được chuyển vào nhà.

Cùng lúc đó, con gái tôi báo tin visa xin gấp đã được duyệt, vé máy bay cũng đã đặt xong, chuyến bay sáng sớm ngày kia.

“Mẹ đừng lo gì hết, vừa xuống máy bay là thấy con ngay.”

Có lẽ là sự ăn ý giữa mẹ con, tôi không nói gì với hai cha con họ, mà Oanh Oanh cũng không nói.

Ngày đầu tiên thông gia về nhà, Dư Thường quả thực làm như lời hứa, bắt tay vào chăm sóc.

Chỉ là khi thay bỉm, ông ta nôn suýt không chịu nổi, lúc lau người thì lại gồng cả nửa tiếng mới không ói.

Chăm được đúng một ngày, đến tối lúc Dư Mậu về, ông ta lập tức bắt đầu than vãn.

“Cái lưng bố sắp gãy rồi, mà có người như không nhìn thấy gì, cả ngày chỉ biết ngồi trên sofa xem tivi, lương tâm đem cho chó gặm rồi chắc.”

Tôi coi như không nghe thấy, lặng lẽ dọn dẹp mấy chậu cây cảnh ngoài ban công.

Hai chậu hải đường này rất khó chăm, tưới nhiều hay ít đều dễ chết. Mà mang ra nước ngoài thì không tiện, tôi đành gửi cho bạn già nuôi giúp.

Dư Thường vừa mỉa mai vừa đá xoáy, Dư Mậu cũng bắt đầu học theo bố, nói năng móc mỉa.

Hai cha con họ nhìn tôi đầy mong chờ, hy vọng tôi lại một lần nữa cúi đầu, nói vài câu dễ nghe để dẹp yên chuyện.

Nhưng tôi quay người, bước thẳng vào phòng ngủ.

Tôi hiểu quá rõ hai người họ rồi.

Lúc nào cũng nhắm đúng điểm yếu là tôi mềm lòng, cứ làm bộ nhận trách nhiệm trước, đến lúc thật sự làm thì lại vứt hết sang tôi gánh.

Chỉ là lần này, e là họ sẽ phải tự chịu khổ.

Sống với nhau hơn ba mươi năm, Dư Thường chưa từng thấy tôi cứng rắn đến mức cả mềm lẫn cứng đều không lay nổi. Trong lòng ông ta vẫn luôn nghĩ, tôi sẽ không nỡ làm căng.

Tối đó, ông Lý lại rủ đi câu cá, Dư Thường chẳng ngần ngại gì, lập tức nhận lời.

Còn cố ý bật loa ngoài khi nghe điện thoại, ngay trước mặt tôi.

Tôi đương nhiên nghe thấy.

Nhưng ông ta đã không nói với tôi một tiếng, thì tôi cũng coi như không biết. Sáng sớm hôm sau, tôi ra khỏi nhà trước ông ta một bước.

Chỉ không ngờ rằng, khi tôi trở về thì… chìa khóa không mở được cửa nữa.

Ổ khóa là loại mới toanh, chìa cũ hoàn toàn vô dụng.

Tôi gọi cho Dư Mậu.

Đầu dây bên kia ậm ờ nửa ngày, cuối cùng mới nói ra được một câu:

“Mẹ, mẹ gọi xin lỗi bố đi… Con còn phải đi làm, chuyện người lớn với nhau, con cũng không tiện xen vào…”

Nghe đến đây thì tôi còn không hiểu nữa sao?

Rõ ràng là Dư Thường cố tình.

Tôi không cho ông ta ra khỏi nhà, thì ông ta cũng không cho tôi vào nhà.

Qua cánh cửa sắt, tôi nghe rõ tiếng Dư Thường giận dữ vọng ra:

“Giờ biết quay về rồi à? Ra ngoài cho lắm vào! Thích đi thì đi luôn đi, đừng có về nữa!”

Tôi đứng lặng ngoài cửa một lúc lâu.

Không hiểu vì sao, mọi chuyện trong quá khứ bỗng ào ào ùa về như phim tua ngược, rồi dừng lại ở một đoạn ký ức xa xưa.

Năm đó, khi tôi vừa sinh Dư Mậu, còn chưa hết cữ, thì phát hiện Dư Thường đưa mắt đưa tình với một bà góa nhà bên.

Đó là lần tôi làm ầm lên dữ dội nhất.

Tôi ôm Dư Mậu, vừa khóc vừa chạy về nhà mẹ đẻ.

Khi đó, tôi thực sự đã nghĩ đến chuyện ly hôn.

Nhưng chưa được một tuần, tôi đã nghe chị dâu than với anh trai:

“Nhà mình đã chẳng dư dả gì, giờ lại thêm mẹ con em nó… Con gái lấy chồng rồi còn quay về nhà đòi ăn nhờ ở đậu?”

Mẹ tôi cũng khuyên nhủ:

“Đàn ông mà, ai chẳng có tí tật xấu. Miễn là nó vẫn biết đường về nhà là tốt rồi. Vì hai đứa con, nhịn một chút thì qua thôi. Con đã lấy chồng rồi, gái có chồng như bát nước đổ đi, nhà mình cũng khó mà xen vào.”

Lúc đó, tôi mới nhận ra mình đã không còn chốn để về.

Thế là, đành lủi thủi quay lại nhà chồng.

Hồi đó, Dư Thường cũng từng làm trò như thế — khóa cửa không cho tôi vào. Mãi đến khi Dư Mậu khóc nấc lên từng tiếng, ông ta mới chịu mở cửa.

Vừa mở vừa nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khỉnh:

“Biết quay về rồi à?”

Đêm qua, con gái tôi hỏi sao mẹ lại muốn ly hôn.

Lúc đó, tôi chưa biết trả lời thế nào.

Còn bây giờ, tôi đã có câu trả lời.

Việc mà khi trẻ mình không đủ dũng khí để làm, chẳng lẽ lại định cả đời cũng không dám?

6

May mà hành lý của tôi đã được gửi sang nhà bạn từ sớm.

Ở nhờ một đêm cũng chẳng sao.

Sáng sớm hôm sau, chị bạn lái xe đưa tôi ra sân bay.

Trước khi lên máy bay, Dư Mậu nhắn cho tôi một tin:

[Mẹ, mẹ có thể đừng bướng bỉnh như vậy được không? Gọi điện hay nhắn cho bố một câu xin lỗi khó đến thế sao? Mẹ làm thế, con với vợ con thành người dưng trong chính cái nhà này.]
Dư Thường cũng gửi một tin nhắn:

[Trang Quế Hương! Bà giỏi rồi đấy! Tôi không cản bà nữa, nếu thích thì ly hôn luôn đi!]

Tôi chỉ nhắn lại một chữ “Được”, sau đó tắt nguồn điện thoại, thay sang chiếc SIM mới mà bạn của Oanh Oanh đã chuẩn bị sẵn cho tôi.

Chị bạn già ngồi bên cười cười:
“Thật sự ly hôn à?”

Tôi cũng mỉm cười:
“Còn nhiều ngày để sống, đổi cách sống thử xem.”