11

Tôi cũng dậy theo ông.

Ông vừa đi vừa lẩm bẩm:

“Chút nữa cho mẹ con ra ngoài đi dạo một lát, suốt ngày bị nhốt trong phòng cũng tội lắm.”

“Vâng.”

Hôm qua có quá nhiều người vây quanh hỏi han,

tôi không mua được rượu, mà đồ cho mẹ cũng chưa mua được.

Vương Quốc Hoa vội đi chẻ củi nhóm lửa:

“Trước khi con bị bắt cóc, mẹ con thích chưng diện lắm.

Hôm qua con nói muốn mua cho bà ấy bộ đồ, đáng lẽ ba nên chuẩn bị từ lâu rồi.”

Ông ấy còn chẳng có nổi một bộ tử tế để mặc.

Áo quần rách rưới, dơ bẩn.

Ngủ dưới gầm cầu bao nhiêu năm, còn mong gì hơn?

“Từ giờ con kiếm được tiền… thì—”

“Con à, ba có lỗi với con. Con có tiền thì cứ giữ lấy mà tiêu, còn phải lấy vợ nữa.

Ba với mẹ con già rồi, nửa chân đã bước vào mồ, cũng chẳng còn cần tiêu gì nhiều đâu.”

Ông lại thở dài:

“Bao nhiêu năm qua, ba tiêu sạch tiền rồi.

Giờ con theo ba về, cũng chẳng được sung sướng gì…”

Tôi im lặng một lúc rồi nói:

“Cha nuôi con ngày nào cũng uống rượu.

Hồi nhỏ, ổng uống vào là đánh con, đánh cả mẹ nuôi.

Về sau mẹ nuôi chịu không nổi, bỏ đi, chỉ còn mình con ở lại để đánh.

Lớn lên, con còn phải đi làm kiếm tiền để nuôi ông ta nhậu.”

Tôi nói đến đây, ông không nói gì thêm nữa.

“Đi thôi, để con nấu bữa sáng cho mẹ.

Mẹ thích ăn gì nhất?”

“Mẹ con không kén ăn, chỉ là ăn rất ít, nên gầy.”

Nhà đã lâu không có ai ở, trong bếp chẳng còn gì.

Chờ trời sáng hẳn, tôi ra đầu làng mua ít mì sợi,

rồi sang mượn thêm rau của mấy nhà khác, mới nấu được nồi mì.

Tôi đưa bát mì cho ông:

“Ba đem cho mẹ đi, hình như mẹ sợ con.”

Vương Quốc Hoa sợ tôi buồn, vội vàng giải thích:

“Tại lâu quá rồi… đầu óc mẹ con không tỉnh táo, nên mới không nhận ra con…”

“Không sao đâu, con hiểu mà. Ba đi đi.”

Từ lúc mặt tôi có vết sẹo này,trẻ con trong vùng thường bị dọa bằng tên tôi.

“Mày còn quậy nữa là để Lý Dũng bắt mày đấy!”

Bị dọa như vậy, mấy đứa bé thường khóc thét lên.

Chẳng bao lâu sau, ông quay trở lại.

Vương Quốc Hoa vui vẻ nói:

“Mẹ con hôm nay ăn hết cả tô luôn đấy.

Lâu rồi chưa thấy bà ăn được nhiều như vậy.

Chắc là bà biết đây là con ruột nấu cho ăn.”

Không biết ông nói vậy để an ủi tôi hay thật lòng như thế.

Nhưng ít ra, nghe xong… tôi cũng thấy ấm lòng lắm.

12

Cảnh sát lại liên lạc với tôi.

Lần này, họ tìm đến cha nuôi của tôi.

Lúc đó tôi mới hiểu ra — tôi là đứa trẻ được cha nuôi mua với giá 5.980 tệ.

Thỏa thuận ban đầu là 6.000,vậy mà ông ta còn mặc cả bớt 20 tệ.

Để tránh bị phát hiện, bọn buôn người đã dẫn tôi vòng vèo qua nhiều tỉnh,

vượt hơn một ngàn cây số mới dám “giao hàng”.

Nhưng người tàn nhẫn nhất lại chính là cha nuôi tôi.

Theo lời ông ta khai, vì thấy vết bớt hình hoa mai sau gáy tôi quá đặc biệt,nên ông ta ra tay diệt trừ dấu vết.

Ông ta đổ nguyên nước sôi vừa đun lên cổ tôi.

Lúc đó chỉ cần xoa nhẹ thôi, đừng nói là bớt,

ngay cả da thịt cũng bong tróc ra hết.

Nghe đến đây, tôi đưa tay sờ lên gáy mình.

Da nhăn nhúm, lồi lõm sần sùi.

Nhưng từ lâu… đã không còn cảm giác đau nữa.

Còn về danh tính của bọn buôn người, vì thời gian quá lâu rồi,nên vẫn cần điều tra thêm.

Khi biết tin cha nuôi có thể bị truy tố vì tội mua bán trẻ em,tôi bỗng thấy vết sẹo trên mặt mình lại nhói lên.

Tôi cảm ơn rối rít.

Như thể đang nói lời tạm biệt với chính quá khứ của mình.

Cha nuôi tôi vừa nghèo vừa lười, không lấy được vợ,lần này khai ra, tôi mới biết cả mẹ nuôi cũng là ông ta mua về.

Tiền trong nhà đều dùng để “mua” người —còn lại thì nghèo tới mức chẳng có nổi miếng thịt để ăn.

Cơm trắng chan muối là chuyện bình thường.

Tôi phải làm việc mỗi ngày: cho gà ăn, trồng rau,nếu làm không xong thì bị đánh.

Tôi còn nhớ lần bị đánh nặng nhất là bị treo ngược trên cây ngoài cửa,ông ta đánh xong rồi bỏ mặc tôi treo lơ lửng suốt nửa đêm.

Cuối cùng là mẹ nuôi lén thả tôi xuống,nếu không, tôi đã phải bị treo đến sáng.

Lần này, trước khi rời đi, tôi mang theo toàn bộ số tiền mình tự kiếm được.

Tôi cũng không chút do dự mà bán luôn chiếc xe đẩy bán cơm chiên.

Chắc là trong lòng tôi đã muốn rời khỏi nơi đó từ rất lâu rồi,đến mức chẳng thèm thu dọn hành lý, cứ thế mà bỏ đi.

Cả một đời này, chỉ vì cha nuôi muốn có con trai,tôi đã bị đánh cắp… mười bảy năm cuộc đời.

Còn ông ta — chỉ là một con súc sinh, chỉ quan tâm làm sao để tôi sống sót, chứ không phải sống cho ra con người.

Tôi chỉ học được vài năm phổ cập, rồi nghỉ học sớm.

Biết chữ một cách miễn cưỡng, sau đó bước vào đời, lăn lộn đủ kiểu.

Hai mươi tuổi rồi.

Ngoài việc biết xào cơm ngon, tôi chẳng có kỹ năng nào khác.

Cũng chẳng có điểm gì gọi là ưu tú.

Tôi hay nhìn những sinh viên bằng tuổi mình tới mua cơm.

Họ cầm iPad, trong đó đầy những bài giảng, những tri thức.

Cũng là cái balo nặng trĩu ấy, mà trong balo tôi chỉ toàn là đồ nghề, cơm hộp, hoặc mớ đồ lặt vặt từ bao giờ chẳng nhớ.

Vương Quốc Hoa đang bàn với tôi:

“Con ở nhà chăm mẹ nhiều một chút nhé, bà nhớ con lắm.

Ba sẽ ra ngoài kiếm việc làm, còn khoản nợ con đừng lo.”

Tôi lấy thẻ ngân hàng trong túi ra:

“Tiền con tự kiếm được. Con sẽ mua lại xe đẩy, sau quay lại bán ở khu ẩm thực nào đó là được.”

Khi nói về tương lai,hai cha con đàn ông chúng tôi lại có vẻ lạ lẫm, khách khí.

Thậm chí cả cách trò chuyện cũng dè dặt.

Mười mấy năm bị chia cắt,dù có cố gắng cũng không thể lập tức thân thiết như xưa.

Tôi đâm ra ngượng ngập,liền kiếm cớ rút lui,rồi đi tìm mẹ.

Bà đang ngồi yên lặng trong sân,trên tay cầm một quyển sách, lật xem một cách an tĩnh.

Tôi bỗng có một cảm giác rất mãnh liệt,liền quay sang Vương Quốc Hoa đang chuẩn bị ra ngoài:

“Ba, con sẽ chữa khỏi cho mẹ.”

Ông như khựng lại.

Quay đầu nhìn tôi:

“Con vừa gọi gì ba đấy?”

“Ba.”

“Ừ…” — Ông khẽ gật đầu, tay lại lau nước mắt,

“Con xem, ba năm mươi tuổi rồi, mà vẫn cứ dễ xúc động.

Nhưng mà… đây là lần đầu tiên, kể từ khi mất con, ba lại nghe con gọi ba.”

13

Lại gần mới thấy,

Tống Quế Anh không phải đang đọc sách,

mà là đang nhìn mấy tấm ảnh kẹp trong sách.

Có một tấm tôi nhìn rất quen —chính là tấm hình tôi hồi nhỏ được phóng to treo trên xe đạp của Vương Quốc Hoa.

Mấy tấm còn lại thì khiến tôi sững người.

Tôi tham lam nhìn đứa trẻ trong ảnh — là chính tôi hồi còn có một tuổi thơ hạnh phúc.

Mải mê đến nỗi không nhận ra mình đã lại gần Tống Quế Anh quá mức.

Bà quay đầu lại thấy tôi, hoảng sợ đến mức làm rơi cả sách lẫn ảnh.

Rồi bà hoảng hốt chạy thẳng vào phòng, đóng sầm cửa lại.

Nhưng bà vẫn lén nhìn tôi qua khe cửa sổ.

Thấy tôi cúi xuống nhặt ảnh, bà quýnh quáng đến mức xoay vòng trong phòng.

Tôi nhặt từng tấm ảnh, kẹp lại vào sách, rồi nhẹ nhàng đưa qua khe cửa sổ còn đang hé:

“Con không phải người xấu đâu… Mẹ, con là Vương Thắng Kiệt.”

Bà có vẻ chẳng hiểu Vương Thắng Kiệt là ai,chỉ nhìn tôi rất lâu, rất lâu.

Đột nhiên, bà giật lấy cuốn sách trên tay tôi,rồi lập tức đóng sập cửa sổ lại.

Nhưng ít ra…hôm nay, tôi không còn là “quái vật” nữa.