08
Tôi chạy theo ra ngoài, nhét mấy chục đồng lẻ trong túi vào tay chú Lý.
Bây giờ ai cũng thanh toán bằng điện thoại, số tiền mặt này là tôi chuẩn bị sẵn để đổi tiền lẻ.
Chú Lý xua tay liên tục, kiên quyết từ chối:
“Con à, chú không thể nhận tiền của con. Mau theo ba con về nhà đi.”
Tôi ngớ ra, chẳng hiểu sao lại bật miệng hỏi:
“Vậy còn chú thì sao?”
“Nếu không tìm được ở thành phố này, chú sẽ đi thành phố khác.
Chỉ cần có ai nói có người giống con bé nhà chú, chú đều phải đến xem.”
“Con à, về nhà đi, ba con khổ quá rồi.
Giờ ông ấy có thể được giải thoát rồi.”
Chú nói là ba tôi khổ, nhưng cổ áo của chú đã cũ đến mức không đứng nổi, mép vải quăn lại, xệ xuống cổ.
Tôi chợt nghĩ, những người cha mẹ đi tìm con như chú… mới là những người khổ thật sự.
Tôi vẫn lao đến, nhét tiền vào túi chú:
“Nếu chú gặp được con bé, mua gì ngon cho nó ăn nhé.”
Chú Lý không từ chối nữa, cười với tôi:
“Được rồi.”
09
Đây là lần đầu tiên tôi gặp Tống Quế Anh.
Ánh mắt bà ấy mơ hồ ngơ ngác, cứ ngồi trước bàn mà chải đầu.
“Lúc tỉnh lúc không.” – Vương Quốc Hoa thở dài –
“Tỉnh thì còn đi lại được, không tỉnh thì chẳng nhận ra ai, còn đánh người, phải khóa lại trong phòng.”
“Tôi bị bắt khi nào?”
Trước khi quay về, tôi đã làm xét nghiệm ADN.
Vừa tới Dung Thành thì có kết quả — tôi đúng là con ruột của Vương Quốc Hoa.
Lúc ấy ông ôm chặt lấy tôi mà khóc, khóc đến không chịu buông ra.
Ông nhìn về phía mẹ tôi, mắt vẫn còn đỏ hoe:
“Hồi đó mẹ con là cô giáo mầm non, giỏi lắm, học hành đàng hoàng.
Bà ấy rất thích dẫn con ra ngoài phơi nắng.”
“Kết quả là bị người ta bắt con ngay giữa đường.”
Ba tôi lại bật khóc:
“Mẹ con là phụ nữ, làm sao chống nổi bọn chúng?
Chúng nó cả đám người, đến lúc phát hiện thì con đã bị bế đi, mẹ con thì ngã dưới đất, sau đầu đầy máu.”
Ông nói không nổi nữa, phần sau tôi cũng có thể tưởng tượng ra.
Vương Quốc Hoa lúc nào cũng đau lòng khi nhìn thấy vết sẹo trên mặt tôi:
“Ngày xưa chúng tôi nâng như nâng trứng, mà không ngờ con lại sống khổ như thế…”
Ông nói tôi khổ,
nhưng nhìn lại họ, hình như họ còn khổ hơn.
Tống Quế Anh chợt nhìn thấy tôi, sợ đến mức lùi liên tục rồi hét lên.
“Đừng sợ!” – Ba tôi vội chạy lại – “Quế Anh, đây là con mình mà, con trai của chúng ta!”
Nhưng mẹ tôi vẫn không nhận ra tôi, chỉ nhìn vào vết sẹo trên mặt rồi sợ hãi:
“Quái vật! Đánh chết nó! Đánh chết nó đi!”
Tôi thấy nghèn nghẹn.
Vẫn không nhịn được mà lùi lại vài bước.
Người phụ nữ ấy, vì tôi mà suýt mất mạng.
Tôi thật sự muốn đến gần bà, nhưng bà lại sợ tôi.
Bao năm nay, tôi đã nghe đủ lời đồn, rằng tôi là đứa trẻ bị mua về.
Vì thế tôi từng oán hận họ không biết bao nhiêu lần.
Nhưng ngay khoảnh khắc đó, bao nhiêu hận thù đều tan biến.
Tôi mở miệng hỏi:
“Có rượu không?”
Ba tôi gật đầu:
“Có, để ba đi mua. Tối nay cả nhà mình uống một bữa cho ra trò!”
Ông phấn khởi đi ra ngoài, trước khi đi còn không quên khóa cửa phòng của mẹ.
Thấy tôi nhìn chằm chằm vào động tác đó, ông ngượng ngùng giải thích:
“Nếu không khóa, bà ấy sẽ chạy lung tung. Bà từng chạy mất mấy lần, ba đi tìm cực lắm…
Sau này nhà chỉ còn hai cha con mình, thì khỏi cần khóa nữa.”
Từ cửa sổ, tôi thấy bà vẫn còn giơ tay đập “quái vật”.
Tôi tính đi theo ba mua rượu, tiện thể xem có thể mua bộ đồ mới cho mẹ không.
Vừa bước một bước, sau lưng vang lên tiếng nói:
“Tiểu Kiệt, đừng sợ, mẹ bảo vệ con.”
“Lại đây, trốn sau lưng mẹ, đừng sợ…”
Người ta thường nói đàn ông không dễ gì rơi lệ.
Mà tôi… cũng đã lâu rồi không khóc.
10
“Làng này lâu rồi mới náo nhiệt như vậy đấy.”
Thậm chí cả đài truyền hình cũng đến.
Một đứa trẻ bị bắt cóc suốt mười bảy năm mà còn tìm lại được,
trong miệng người dân, đó chính là một kỳ tích.
Vương Quốc Hoa đối mặt với micro, cả người căng thẳng thấy rõ.
“Cảm ơn những người tốt bụng, cũng cảm ơn chính quyền… Tôi tìm nó mười bảy năm trời rồi.”
Nhưng ánh mắt ông rạng rỡ vô cùng.
Như thể vừa trúng giải năm mươi triệu, ông hồ hởi ôm lấy tôi:
“Nó vẫn còn sống, chỉ cần nó khỏe mạnh là tôi mãn nguyện rồi.
Giờ được tìm thấy rồi, tôi còn vui đến chẳng biết nói gì nữa.”
Vương Quốc Hoa chất phác, lời lặp đi lặp lại cũng chỉ có chừng đó.
Nhưng tôi biết ông ấy thật sự rất hạnh phúc.
Người trong làng cũng thi nhau góp lời kể về nỗi khổ của ông:
“Ổng thật không dễ dàng gì, ai cũng khuyên bỏ cuộc mà ổng vẫn cứ đi khắp nơi tìm.”
“Bao nhiêu năm, tiền nhà cũng tiêu hết để tìm con, giờ còn nợ ngập đầu.”
“Vợ thì hóa điên, nhà cũng tan hoang…”
Từng lời một, ghép lại thành một hình ảnh hoàn chỉnh — một Vương Quốc Hoa đầy khổ đau và kiên cường.
Tôi nhìn về phía căn nhà.
Hồi nhỏ tôi từng tưởng tượng rất nhiều về gia đình mình sẽ thế nào.
Chỉ không ngờ… nó lại cũ nát đến vậy, và bên trong còn có mẹ tôi bị khóa cửa.
Lúc này, micro được đưa sang phía tôi.
Phía bên kia hỏi:
“Cháu còn nhớ lúc bị bắt đi là như thế nào không?”
Tôi lắc đầu:
“Còn nhỏ quá, không nhớ được. Người nuôi tôi nói tôi bị bỏ rơi.”
Vừa nghe câu đó, Vương Quốc Hoa lại bật khóc.
Ông đưa tay vuốt lên mặt tôi:
“Nó đã mua con về rồi… sao lại còn đánh con chứ?”
Ống kính máy quay lia thẳng vào mặt tôi — nơi có vết sẹo đó.
Không chỉ trên mặt, mà còn hằn trong tim.
“Hồi nhỏ tôi cũng thường tự hỏi,
tại sao mình chẳng làm gì mà cũng bị đánh?
Giờ tôi hiểu rồi… chắc vì tôi không phải con ruột.”
Dù tôi không muốn kể khổ trước ống kính,nhưng khi đã tìm được ba mẹ ruột,biết rằng mình không phải đứa trẻ bị vứt bỏ,một nỗi nghẹn ngào trong ngực cuối cùng cũng được trút ra.
Sau đó, phóng viên nhìn thẳng vào camera,nói rằng nhà nước đang tăng cường xử lý nạn buôn bán trẻ em,đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh phải chú ý hơn đến con cái,ở nơi đông người thì càng không được lơ là.
Trong làng, mọi người tự phát tổ chức lễ chào đón tôi trở về.
Có lẽ vì ai cũng biết Vương Quốc Hoa sống quá khổ,nên bàn ghế đều là mượn góp,ngay cả món ăn trên bàn cũng là các nhà mang đến.
Lần đầu tiên trong đời, tôi uống rượu thoải mái như vậy trước mặt nhiều người lạ.
Vừa mới vào tiệc không bao lâu, Vương Quốc Hoa đã gắp một bát đầy thịt cho mẹ tôi, còn kèm theo một cái bánh bao.
Tôi đi cùng ông mang lên phòng.
Tôi thấy mẹ cầm bánh bao lên, theo thói quen định đổ xì dầu ra chấm.
Vương Quốc Hoa vội nắm lấy tay bà:
“Hôm nay không cần chấm xì dầu, hôm nay có thịt rồi, ăn thịt đi.”
Tôi thấy sống mũi mình cay xè.
Tôi lại nhớ đến người mẹ trong bức ảnh cũ — gọn gàng, sáng sủa, ánh mắt rạng rỡ, nụ cười tràn đầy sức sống trước ống kính.
Vương Quốc Hoa lại khẽ thở dài:
“Cô ấy theo chú… cũng chịu khổ nhiều rồi.”
Tiệc kết thúc.
Trời tối.
Không còn tiếng ồn, chỉ lác đác vài tiếng chó sủa vang vọng đâu đó.
Vương Quốc Hoa lôi từ trong áo ra một chai Nhị Quả Đầu.
Tôi nhìn ông:
“Chẳng phải uống rồi à?”
Ông đã say khướt, nhưng vẫn lẩm bẩm:
“Rượu ba hứa với con… phải là hai cha con mình uống riêng.”
Chúng tôi lại ngồi uống thêm một tiếng đồng hồ nữa.
Tôi lục ra ít đậu phộng, bóc vỏ rồi rang lên làm món nhắm.
Trước khi ngủ, ông nói:
“Tối nay… cuối cùng cũng ngủ được một giấc yên lành rồi.”
Vì nhà bỏ không đã lâu, chỉ có mỗi phòng ngủ chính còn tạm ở được.
Hai người đàn ông ngủ chung giường cũng chẳng sao.
Nhưng đến ba bốn giờ sáng, ông bỗng ngồi bật dậy.
Tôi bị ông làm giật cả mình.
Tôi mở mắt ra, ông cũng ngơ ngác một lúc.
Tay đang cầm áo chợt khựng lại:
“Làm ồn con à? Ba quen rồi, giờ này ngày nào cũng dậy cả.”
“Sớm vậy sao?”
“Ra ngoài sớm thì biết đâu sẽ tìm được sớm…”
Thì ra, mười bảy năm qua, ông chưa từng có một giấc ngủ trọn vẹn.