14

Kể đến đây,

câu chuyện dường như đã có một cái kết.

Tôi thường nghĩ, nếu nó thật sự kết thúc tại đây thì cũng tốt.

Nhưng đời đâu dễ như mình muốn.

Câu chuyện… vẫn còn tiếp diễn.

Tôi phát hiện trên người ba có rất nhiều vết thương.

Ông kể, có vết là do thấy người giống tôi ngoài đường, lại gần hỏi thăm rồi bị đánh vì bị tưởng nhầm là kẻ xấu.

Có vết là do mệt mỏi kiệt sức trong quá trình tìm tôi, rồi ngã bị thương.

Có vết là do lúc giúp người khác chống lại bọn buôn người, ông bị đánh trọng thương.

Vết sẹo lớn nhất là một đường dài như con rết bên chân trái.

Ông nói:

“Cái này hả? Có năm đó bị xe tông, gãy chân.”

Ông còn cười hề hề:

“Cũng may tài xế không bỏ chạy, thế là được đưa đi mổ luôn.”

Còn đầu gối ông thì… ông không nói, nhưng tôi cũng đoán được.

Chắc là từng quỳ rất nhiều lần.

Đầu gối ông thâm đen, sần sùi.

Tôi hiểu chứ.

Trời mưa là mấy vết thương cũ sẽ đau trở lại.

Nên bây giờ ông đi đứng cũng không vững.

Trước kia, lúc bán cơm chiên, tôi chẳng có tham vọng gì lớn lao.

Chỉ mong không chết đói là được, thậm chí chưa từng nghĩ đến chuyện lấy vợ.

Còn bây giờ, tôi lại dựng lại quầy cơm chiên của mình.

Tôi muốn được đàng hoàng nuôi lại ba mẹ một lần nữa.

Ba tôi muốn ra công trường làm việc,

nhưng với thân thể của ông sau bao nhiêu năm lăn lộn, đã chẳng còn chịu nổi nữa rồi.

Tôi bảo ông cứ chăm sóc mẹ thật tốt,rảnh rỗi thì phụ tôi rửa rau, như vậy đã giúp tôi được nhiều rồi.

Vừa nghe đến “giảm gánh nặng”, ông lập tức nhận lời không do dự.

Lúc khách đông, mẹ tôi sẽ ở trong căn phòng nhỏ chờ chúng tôi.

Ba rửa rau rất chăm chú.

Ông cứ nói, đời ông gặp được nhiều người tốt,giờ tìm lại được con trai rồi, nhất định phải báo đáp xã hội.

“Người ta giúp ba chuyện gì vậy?”

Lúc rảnh, tôi cũng muốn biết thêm về quá khứ của mình,vì tôi đang cố lấp đầy ký ức đã mất suốt mười bảy năm qua.

“Lúc đầu nhà mình vẫn còn chút tiền, ba nhớ tìm con xong là tiêu sạch mấy vạn.

Ba không đi làm được, mẹ con lại bị thương, sau đó là nghèo dần.

Nghèo nhất là lúc ba phải quỳ lạy người ta xin bữa cơm để sống.”

“Nhưng ai cũng tốt lắm.”

Ông nói là “họ”, chứ không phải “ông ấy”.

Có lẽ ông nhận ra mình lỡ lời, nên vội vàng an ủi tôi:

“Ba như này là may mắn rồi, ít ra còn tìm lại được con.

Bạn bè đồng hành với ba, có người tìm suốt hai mươi mấy năm vẫn chưa có tin gì.”

Khó… thật sự rất khó.

Đối với những người như chúng tôi, cuộc sống luôn vô cùng gian nan.

Tay ông vẫn không ngừng làm việc.

“Lúc con ba tuổi, đã biết viết tên mình rồi đó.

Mẹ con dạy con từng nét một.”

Chỉ là sau đó… tôi quên mất.

Hôm ấy, rất nhiều phụ huynh mặc áo khoác in dòng chữ “tìm con” đến trước quầy cơm chiên của tôi.

Ai nấy đều cầm tấm bảng tìm con to tướng.

Gương mặt họ hằn rõ sự mỏi mệt, u uất, và đầy vết dấu năm tháng.

Họ đều thật lòng chúc mừng Vương Quốc Hoa.

Nhưng chỉ một lúc sau, như nhớ đến chính mình vẫn chưa tìm được con,nét mặt họ lại chuyển sang buồn bã.

Có người lên tiếng:

“Lão Vương à, chúc mừng ông thoát khỏi đội ngũ tìm con rồi, sau này được hưởng phúc nhé.”

Ba tôi hôm đó rửa rất nhiều rau.

Ông nhờ tôi xào cơm mời mọi người, nhất quyết không lấy tiền.

Còn quay sang giải thích với tôi:

“Họ giúp ba nhiều lắm…”

“Con biết mà, con biết mà…”

Về đến nhà.

Mẹ đang nhặt rau.

Bà lặng lẽ, không nói gì.

Tôi bước lại gần:

“Mẹ, con là Tiểu Kiệt đây.”

Bà lập tức nhìn tôi:

“Tiểu Kiệt?”

Tôi gật đầu.

Bà như nhớ ra điều gì đó, liền chạy tới tủ lục lọi.

Bà lấy ra một đống đồ chơi và quần áo, đều còn mới, chỉ là để quá lâu nên lớp vỏ đã ngả màu vàng ố.

Quần áo từ nhỏ đến lớn,quà tặng thì không món nào trùng nhau.

Bà ôm lấy từng món, nói:

“Của Tiểu Kiệt… của Tiểu Kiệt…”

Đôi mắt bà đã gần như mù vì khóc quá nhiều.

Tiểu Kiệt đang đứng trước mặt bà,vậy mà bà lại không thể nhận ra nữa rồi.

Cũng đúng lúc tôi trở về được tháng thứ tư…

Vương Quốc Hoa lâm bệnh nặng.

15

Nhiều năm rong ruổi khắp nơi đã khiến cơ thể ông kiệt quệ đi rất nhiều.

Ăn gió nằm sương, khi no khi đói, chỉ một trận cảm nhẹ… mà ông như không gượng dậy nổi nữa.

Uống thuốc cũng không đỡ,đưa vào viện cũng chẳng có ích gì.

Tôi đón Vương Quốc Hoa về nhà.

Ban ngày chăm sóc, cho ông uống thuốc.

Ban đêm vẫn đi bán cơm chiên.

Ông áy náy nói:

“Cả đời này ba chẳng chăm được cho con, cũng không chăm nổi mẹ con.

Khó khăn lắm mới có cơ hội bù đắp… vậy mà giờ lại…”

Tôi lau nước mắt cho ông:

“Con chẳng phải đã về rồi sao?

Cơm con xào ngon lắm, chẳng lẽ để mẹ con đói được à?”

Có lẽ… ông đã mệt mỏi quá lâu rồi.

Cuối cùng cũng đến lúc phải nghỉ ngơi.

16

Bệnh đến như núi đổ.

Chẳng bao lâu sau, ông không thể rời khỏi giường được nữa.

Còn mẹ tôi… hình như lại đỡ hơn.

Dạo gần đây không còn nổi cơn nữa.

Có vẻ bà đã quen với sự có mặt của tôi trong ngôi nhà này.

Thậm chí, bà còn có thể vào bếp nấu mì cho Vương Quốc Hoa.

Không biết bà có nhận ra chồng mình sắp không qua khỏi không,chỉ biết dạo này bà cứ quanh quẩn bên ông suốt.

Vương Quốc Hoa thì vẫn luôn nhớ tới tôi.

Thỉnh thoảng lại kéo tôi lại gần, chỉ cho mẹ tôi xem:

“Tiểu Kiệt, con trai của chúng ta đây.”

Sau khi nghe quá nhiều lần,cuối cùng mẹ tôi cũng khẽ gật đầu:

“Tiểu Kiệt…”

Bộ đồ mới tôi mua cho ông,ông không nỡ mặc, chỉ gấp gọn cất trong tủ.

Giờ… lại thành bộ đồ tang.

Tôi đút ông ăn cơm chiên tôi làm,

ông bảo ngon,nhưng chỉ ăn được vài miếng.

Tối đó, tôi ngồi cạnh ông.

Ông đột nhiên vẫy tay gọi:

“Tiểu Kiệt, nằm đây với ba một lát được không?”

Tôi cởi giày, lên giường.

Bàn tay ông đưa lên, chạm vào mặt tôi.

Ngón tay run rẩy, cứ lần mò trên vết sẹo của tôi mãi không rời.

Ông sống hơn tôi mấy chục năm,vậy mà giờ nhìn lại còn gầy yếu hơn cả tôi.

Ông xoay người lại:

“Ba ôm con một chút được không?”

Tôi nghiêng người, cố thu mình nhỏ lại.

“Hồi con còn nhỏ, ba có thể nhấc bổng con qua đầu ấy chứ.

Mỗi lần như vậy mẹ đều la, sợ ba làm rơi con.”

“Giờ ba muốn ôm con một cái… cũng không ôm nổi nữa rồi.”

“Mẹ con đẹp lắm, nổi tiếng cả làng.

Bà ấy còn giỏi nữa, là giáo viên, người ta ai cũng bảo ba theo đuổi mẹ là cóc ghẻ đòi ăn thịt thiên nga.”

“Tiểu Kiệt… Dù mấy năm nay mẹ con không thể chăm sóc con,nhưng hồi sinh con ra cũng khổ lắm.

Lúc sinh bị khó, phải dùng kẹp mới lấy con ra được.

Mẹ đau đến mức nằm liệt giường cả tháng trời.

Hôm ấy, lúc họ cướp con, mẹ con giằng lại không nổi.”

Ông đang lo cho mẹ.

“Ba yên tâm… Con sẽ chăm sóc mẹ thật tốt.”

“Ừ…”

Cuối cùng, ông vẫn lặp lại câu đó:

“Ba có lỗi với hai mẹ con.”

Nói là ông ôm tôi,nhưng thật ra… là tôi đang ôm ông.

Tôi mất mười bảy năm… mới tìm lại được ba tuổi của mình.

Còn ông, tìm tôi suốt mười bảy năm…cuối cùng cũng chỉ sống thêm được mấy tháng.

Làm sao mà không tiếc được chứ?

17

Người ta vẫn hay nói: “Nuôi con để dưỡng già.”

Mà tôi… vừa lo xong tang lễ cho ba,lại giống như đứa trẻ mồ côi không ai cần.

Lúc ba còn sống, ban ngày ông có thể ở bên cạnh mẹ,nên mẹ cũng chịu khó ra ngoài nhiều hơn.

Giờ tôi phải đi kiếm tiền,mẹ lại chỉ biết lặng lẽ ngồi trong phòng.

Nhưng bà không phát bệnh.

Chỉ khi ra mộ ba, bà mới khóc.

Tôi dìu bà, sợ bà đứng không vững.

Về đến nhà, mẹ bất ngờ lật tung giường lên.

Tôi cản bà lại, nhưng bà cứ nhất quyết làm,không còn cách nào, tôi đành để bà lật đệm lên.

Khi tôi ngẩng đầu nhìn,bóng dáng của ông ấy… đã không còn nữa.

Trong cái hòm bụi phủ ấy,là rất nhiều cuốn sổ tay.

Bên trong ghi chép từng nơi ông đến tìm tôi, từng mốc thời gian, từng người ông đã gặp.

Tôi không thể tưởng tượng được,sau từng ấy lần thất vọng,ông đã phải gom góp bao nhiêu dũng khí để tiếp tục bước tiếp.

Quyển sổ tay mới nhất,dừng lại ở cái ngày ông tìm thấy tôi tại Dung Thành.

Dòng cuối cùng ông viết là:

“Nếu thật sự là nó, thì có chết tôi cũng cam lòng.”

18

Tin tốt duy nhất… là trước khi Vương Quốc Hoa mất,

cảnh sát đã báo cho chúng tôi biết — họ đã bắt được kẻ buôn người.

Hắn ta đã bắt ít nhất hơn mười đứa trẻ,cuối cùng bị kết án tử hình.

Vương Quốc Hoa… đã nghe được tin ấy.

Cầu mong thế giới này không còn nạn buôn người.

Cầu mong những đứa trẻ đi lạc… đều tìm được đường về nhà.