11
Kỳ thi tháng đầu tiên của học kỳ lớp 11, Giang Dự từ xếp cuối lớp nhảy vọt lên top 600 toàn khối.
Đám đàn em theo sau cứ một tiếng “đỉnh thật”, hai tiếng “trâu bò quá”.
“Im mồm, tôi đang học từ vựng.”
Giang Dự cầm cuốn sổ từ mini, đi qua hành lang đến trước lớp tôi, dựa vào vòi cứu hỏa, chăm chú đọc thầm.
Bạn cùng bàn thúc cùi tay tôi, thì thầm:
“Hỏi thật nhé, cậu làm cách nào khiến giang hồ trường mình quay đầu làm người vậy? Nghe đồn hè này gặp cậu ta ở lớp học thêm, chăm học dã man.”
Tôi xòe tay trái ra, bĩu môi:
“Chuyển khoản học phí trước, rồi mới truyền bí kíp.”
Sau giờ tan học, trên đường về, cái đuôi tên Giang Dự bắt đầu ve vẩy đầy đắc ý.
“Đoán xem lần này tôi đứng thứ mấy toàn khối?”
“Tôi nghe rồi, hạng 582.”
Giang Dự bày ra bộ mặt “cô thật chẳng thú vị”, nhưng khóe miệng lại nhếch đến tận trời:
“Cô định thưởng gì cho tôi đây?”
Tôi ngửa mặt nhìn trời.
Anh ta tiến bộ được thế này, chẳng lẽ không phải công lao của tôi à?
Ai là người hy sinh cả kỳ nghỉ hè để kèm anh ta học?
Ai là người mỗi ngày sau giờ học ngồi học bài cùng?
Ai là người đem bộ đề tự soạn tâm huyết chia sẻ không giữ lại gì?
Người bình thường không phải trước tiên nên biết ơn người giúp mình sao?
Tên này ngược lại còn dám đòi thưởng.
“Được rồi, mời anh ăn kem.”
Rõ ràng là anh ta hơi thất vọng, bĩu môi thỏa hiệp:
“Thế thì tôi muốn ăn…”
“Chỉ có kem nho sữa, thích thì ăn, không thì thôi.”
12
Sau khi thành tích học tập có bước nhảy vọt rõ rệt, Giang Dự bắt đầu lười biếng trở lại.
Dạo gần đây, anh ta hay đang viết bài thì gục đầu xuống bàn, nghiêng đầu nhìn tôi chằm chằm không chớp mắt.
Tôi tức mình, dí ngón tay vào bài kiểm tra của anh:
“Ngẩn người cái gì mà ngẩn! Viết tiếp đi!”
Anh ta cười lười nhác:
“Cô hiểu gì chứ, tôi đang sạc pin.”
Tôi túm lấy tai anh, kéo đầu anh dậy:
“Có điện chưa? Tỉnh chưa? Không viết nữa tôi lại cho ăn đòn bây giờ!”
Giang Dự xoa xoa tai, mặt mũi đau khổ, lầm bầm cầm bút lên.
Không nghe rõ anh ta lầm bầm gì, hình như là “đồ gỗ”, “hết thuốc chữa”…
Tôi giơ tay tát một cái vào sau gáy anh:
“Đường phụ! Đường phụ! Câu này tôi vừa dạy anh cách đây hai hôm đấy!”
Giang Dự ôm gáy, nhăn nhó:
“Tôi đúng là muốn vào nhà cô thật, nhưng tuyệt đối không phải làm con. Cô cũng đừng coi tôi như cháu có được không?”
Không được, tay tôi lại ngứa rồi, sao tên này lúc nào cũng đáng bị ăn đòn thế chứ?
Yên lặng được hơn chục phút, anh ta đột nhiên đưa tay véo nhẹ tai tôi.
Tôi phản xạ lập tức, tưởng anh ta định chơi trò trả đũa, cũng dùng chiêu kéo tai, trong đầu đã kịp nghĩ xong làm sao bẻ tay anh ta thành hình xoắn ốc.
Ai ngờ quay đầu lại, trước mặt là gương mặt phóng đại của anh ta.
Mùi hương riêng biệt của Giang Dự tràn vào khoang mũi, khoảng cách quá gần, ánh sáng từ đèn bàn chiếu xuống khiến không khí bỗng chốc trở nên mập mờ khó tả.
“T… tính làm gì vậy?”
Có lẽ anh ta không ngờ tôi lại quay đầu đột ngột, cũng đứng hình một lúc.
Nhìn tôi chăm chú vài giây, sau đó giả vờ bình tĩnh lùi lại, giữ khoảng cách như cũ.
Tay thì khẽ che cổ, mà cổ anh đỏ ửng như máu, đỏ đến tận mang tai.
“Không có gì… chỉ là nhìn thấy nốt ruồi trên tai cô.”
Anh ta khẽ nói, “Dễ thương thật.”
13
Kỳ thi cuối kỳ học kỳ hai lớp 11, Giang Dự như một chú ngựa ô lừng danh từ lớp học yếu, nhảy vọt lên top 200 của toàn khối.
Lúc bảng điểm được công bố, anh ta chẳng ngại ánh mắt soi mói của người khác, lao thẳng vào lớp tôi như một cơn gió.
“Hạng 198! Cô đã hứa với tôi rồi đấy, đừng quên đấy nha!”
Nói xong lại như gió cuốn mà biến mất.
Cả lớp đang ồn ào bỗng im bặt trong một giây, sau đó lại rộ lên như vỡ chợ.
Bạn cùng bàn thò đầu sang, mặt mày thần bí, cung kính bái lạy:
“Tớ không cần biết cậu đã cải tạo cậu ta kiểu gì, tớ cũng muốn tiến bộ! Xin hãy nhận lấy đầu gối nhỏ của tôi!”
Tôi và bạn cùng bàn cười phá lên, khóe miệng không thể ngăn được mà cứ nhếch mãi.
Tên này thật không đơn giản, chỉ với một “điều kiện” làm phần thưởng mà có thể phấn đấu vào tận top 200.
Tối hôm đó lúc ngồi làm bài tập, rõ ràng cả hai đang ngồi cùng bàn, vậy mà anh ta lại phải làm màu truyền giấy cho tôi.
Tôi tưởng trong tờ giấy là chuyện gì ghê gớm, ai ngờ mở ra xem thì thấy…
【Nghĩ kỹ phần thưởng rồi, cô chơi với tôi một ngày.】
“Tên thần kinh! Cái này nói luôn không được à? Tốn giấy.”
Giang Dự phấn khởi:
“Cô đồng ý rồi nhé?”
“Ừm.”
Tôi dè dặt bổ sung:
“Nhưng tôi không bỏ tiền cho anh đâu đấy.”
Anh ta chọt chọt góc dưới tờ giấy, ánh mắt nóng rực nhìn tôi, trông y hệt lúc tôi bắt anh ký hợp đồng mua gói học riêng.
“Viết tên vào đây.”
“Viết gì nữa? Tôi đồng ý rồi mà?”
Anh ta nhét bút vào tay tôi, suýt chút nữa lôi cả tay tôi ký tên:
“Phải có giấy trắng mực đen, không thì cô lại nuốt lời.”
14
Tới ngày hẹn, tôi dậy từ rất sớm, nhưng lại đứng ngẩn người trước tủ đồ cả nửa tiếng.
Tôi nhìn chiếc váy hoa mình hầu như chưa từng mặc, do dự rất lâu, cuối cùng vẫn chọn bộ đồ đơn giản: áo thun và quần dài.
Thế mà lề mề thế nào, khi tôi đến được quảng trường trung tâm thì vẫn còn tận bốn mươi phút nữa mới đến giờ hẹn.
Tuyệt đối không được nhắn tin cho tên đó.
Nếu để anh ta biết tôi tới trước lâu như vậy, chắc chắn lại được dịp mà lên mặt.
Tôi đứng một lúc, rồi tìm một bậc thềm trong quảng trường ngồi xuống, chống cằm nhìn dòng người qua lại để giết thời gian.
Nhưng lần chờ đợi đó, lại kéo dài đến tận hoàng hôn.
Điện thoại của Giang Dự không liên lạc được, tin nhắn WeChat cũng không trả lời.
Tôi bỗng nhiên nhận ra, ngoài số điện thoại và WeChat, tôi chẳng còn cách nào khác để liên lạc với anh.
Anh rất ít khi nhắc đến chuyện của bản thân — nhà ở đâu, ba mẹ ra sao, cũng chưa từng giới thiệu bạn bè.
Ngoài Hà Dĩ Hằng, giữa tôi và anh ấy thậm chí chẳng có người bạn chung nào.
Tôi đã quen với việc anh chủ động xuất hiện, quen với cảm giác anh luôn quanh quẩn bên cạnh.
Nhưng lại chưa từng nghĩ tới, nếu một ngày nào đó anh đột nhiên biến mất, tôi biết phải tìm ở đâu?
Sợi dây kết nối mỏng manh giữa hai chúng tôi, chỉ cần anh nhẹ tay kéo, lập tức đứt lìa.
Cho đến khi trời bắt đầu lất phất mưa, dòng người trên phố vội vã đi qua, chỉ còn lại tôi ngơ ngác đứng lại giữa quảng trường.
Tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xám xịt, chợt nhận ra — Giang Dự, sẽ không đến nữa.
15
Cả mùa hè năm đó, Giang Dự hoàn toàn mất liên lạc.
Tôi tìm được số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm lớp anh, hỏi địa chỉ nhà, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: anh có lẽ đã rời khỏi thành phố Ninh Tân, vì ba mẹ anh đã làm thủ tục chuyển trường cho anh rồi.
Tôi cầm điện thoại, đầu óc trống rỗng, rồi ngồi lại võ quán suốt cả buổi chiều.
Khi Hà Dĩ Hằng đến, tôi đã mệt rã rời nằm vật trên đệm mềm, khăn mặt ướt đẫm mồ hôi trùm kín mặt.
“Bác trai bảo hôm nay cậu lạ lắm, kêu tớ đến xem thử.”
Tôi dùng khăn mặt dụi lên gò má, sau đó mới ngồi dậy:
“Ông ấy toàn lo chuyện đâu đâu.”
Hà Dĩ Hằng nhìn tôi rất lâu, rồi hỏi:
“Có liên quan đến Giang Dự không?”
“Tên đó là cái thá gì.” Tôi gắt lên, “Từ nay đừng nhắc đến anh ta nữa.”
Cho đến khi nhập học trở lại, Giang Dự vẫn bặt vô âm tín.
Những người xung quanh dường như cũng có thỏa thuận ngầm, không ai nhắc đến tên anh nữa.
Cuộc sống tựa hồ như chẳng thay đổi gì.
Hà Dĩ Hằng vẫn đợi tôi trước cửa lớp sau giờ tan học, cùng tôi đi dưới ánh chiều hoàng hôn, cùng tôi đến võ quán dạy phụ, cùng nhau làm bài tập, ôn đề.
Rõ ràng bên cạnh tôi luôn có người đồng hành, nhưng thỉnh thoảng tôi lại ngẩn ngơ, nhìn nhầm thành một gương mặt khác.
Không còn ai líu lo bên tai, không còn trò giả vờ ngầu, mọi thứ yên tĩnh hơn hẳn.
Tôi nghĩ rằng, lòng mình đã lặng như vẻ ngoài.
Cho đến một đêm nọ, điện thoại bỗng nhận được một tin nhắn từ số lạ:
【Hẹn gặp ở Đại học Z, đợi tôi.】
Tin nhắn ấy như một hòn sỏi nhỏ ném vào mặt hồ phẳng lặng, làm dấy lên từng vòng sóng gợn.
Tôi tim đập như trống trận, tay run nhẹ khi gọi lại số đó.
Nhưng chỉ có giọng nữ máy móc vang lên:
“Xin lỗi, số điện thoại quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”
Từ ngày hôm đó, dù tôi không còn nhắc đến người ấy, nhưng đã dán một tờ giấy nhớ có ghi “Đại học Z” lên tường.
Mỗi đêm tĩnh lặng, tôi thi thoảng lại mở tin nhắn ấy ra xem, nhìn rất lâu, sau đó lấy lại tinh thần, tiếp tục lao vào biển bài tập.