Cố Thì Thanh cẩn thận cất viên đá hình trái tim, quay sang dặn tôi:

“Nhớ giặt khô bộ quần áo mới của anh hôm nay nhé, mai anh còn mặc.”

Tôi ngẩn ra: “Quần áo mới nào cơ?”

Cơ thể anh ta khựng lại trong thoáng chốc:

“Em chưa may à?”

À, tôi nhớ ra rồi.

Kiếp trước, đúng ngày sinh nhật ba mươi tuổi của anh ta, tôi tự tay may cho anh ta một bộ đồ, dùng loại vải tốt nhất và kỹ thuật cao nhất của xưởng may.

Hồi đó anh ta nói sao nhỉ?

Mắng tôi hoang phí, xa hoa lãng phí, rồi xách bộ đồ bỏ đi.

Nhìn tôi ngây ra, trong mắt Cố Thì Thanh thoáng hiện lên chút bực bội:

“Thôi được! Mặc đồ cũ cũng được, nhưng vài hôm nữa em phải bù lại cho anh. Tấm lòng là quan trọng nhất!”

Tôi mỉm cười nhìn anh ta.

Kiếp trước tôi đã nuôi hư anh ta, kiếp này, như ý nguyện của anh ta, anh ta sẽ quay về sống thanh bạch.

“Chờ chút.”

Anh ta dừng chân, như tràn đầy hy vọng:

“Anh biết mà, em chắc chắn có…”

Tôi đổ một nắm hạt hướng dương vào tay anh ta:

“Quà nhẹ nhưng tình nặng. Thầy Cố vốn coi thường vật chất, tôi hiểu mà.”

Tôi phun vỏ hạt ra:

“Đây, tấm lòng của tôi.”

Giống như bị bóc trần lớp mặt nạ, Cố Thì Thanh giận tím mặt:

“Lục Tuân! Em nhất định phải làm nhục tôi vậy sao?”

“Anh biết mấy năm qua ăn của em, dùng của em, em có oán giận, nhưng anh cứ nghĩ em sẽ ủng hộ anh, hiểu cho lý tưởng làm thơ viết sách của anh.”

“Không ngờ em vẫn chỉ là hạng người tầm thường, đầu óc chỉ biết tiền bạc, không thể ngẩng mặt với đời!”

Nói xong, anh ta vứt nắm hạt hướng dương xuống đất, để lại cho tôi một bóng lưng đầy cao ngạo.

Tôi bật cười.

Phải rồi, hơn bốn mươi năm ủng hộ, vẫn thua xa một viên đá hình trái tim.

Vừa cười, nước mắt tôi đã ướt đẫm hàng mi.

Trời hửng sáng, ánh trăng nhạt nhòa nơi chân trời.

Trong nhà, mấy người kia vẫn còn ngủ say.

Bầu trời mờ mịt thế này, kiếp trước vì lo chuyện cơm áo gạo tiền, tôi đã thấy vô số lần.

Nhưng từ nay về sau, những gì tôi làm, chỉ vì chính tôi.

Tôi kéo hành lý đơn sơ, lên xe khách tiến về thành phố.

Chờ đợi chuyến tàu tới Thâm Quyến.

Chừng mười phút trước khi tàu khởi hành, một giọng nói quen thuộc vang lên ngoài sân ga:

“A Tuân! Đợi đã! Anh có chuyện muốn nói!”

Là Cố Thì Thanh.

Anh ta bị nhân viên nhà ga cản lại, trông nhếch nhác như kẻ gây rối, chẳng còn nửa phần phong thái văn nhân.

Tôi đặt hành lý xuống, đứng đối diện anh ta qua hàng rào chắn.

Cố Thì Thanh thở hổn hển, cố gắng biện bạch:

“Giang Ức ở quê sống khổ quá, anh mới đón cô ấy về. Nhà mình đâu thiếu bát cơm của cô ấy, em cần gì phải làm lớn chuyện?”

“Anh với cô ấy chưa từng có gì hết, em vì chuyện này mà bỏ nhà đi, có đáng không?”

Đúng vậy.

Kiếp trước, kiếp này, anh ta với Giang Ức thật sự chưa từng làm gì quá giới hạn.

Nhưng ngoại tình trong tâm trí, cũng là ngoại tình.

Thậm chí còn ghê tởm hơn cả ngoại tình thể xác — vì nó có thể kéo dài suốt cả cuộc đời.

Ký ức chồng chất trong đầu tôi, càng nghĩ càng thấy ghê tởm.

Tôi không thể tưởng tượng nổi suốt bốn mươi mấy năm kiếp trước, trong đầu Cố Thì Thanh luôn ôm ấp hình bóng một người khác, rồi vẫn thản nhiên lấy tôi, sinh con, chung chăn chung gối.

Thật sự là buồn nôn đến tận cùng.

Tôi khẽ bật cười.

“Cố Thì Thanh, cô ta sống khổ ở quê, nên anh đón cô ta về đây, bắt tôi chăm sóc hộ à?”

“Trên đời này làm gì có chuyện tốt như vậy? Bao nhiêu năm học hành của anh đổ hết vào bụng chó rồi sao?”

Người thân quen nhất, mới biết chỗ nào đâm dao mới đau.

Cố Thì Thanh sợ nhất bị nói rằng, cả đời đọc sách, cuối cùng chẳng nên trò trống gì.