Quả nhiên, anh ta lùi lại hai bước, như bị đâm trúng chỗ hiểm.

“Lục Tuân! Miệng em thật ác độc! Anh nói cho em biết, nếu không vì cái đính ước từ nhỏ, em nghĩ anh thèm cưới một người đàn bà đầy bụng tính toán như em chắc?”

Tôi hơi nghiêng đầu, từng chữ từng chữ bật ra lạnh lẽo:

“Anh cưới tôi, là vì năm xưa Giang Ức chê anh nghèo, không thèm ngó tới.”

Kiếp trước, nhờ có tôi nuôi nấng cơm no áo ấm, nên anh ta mới ảo tưởng mình tài giỏi lắm. Đến kiếp này, lại còn mơ tưởng ăn bám thêm lần nữa.

Anh ta vung tay áo bỏ đi:

“Lục Tuân, cô đi rồi thì đừng quay về! Đến lúc khóc lóc xin xỏ, tôi cũng không nhận cô là vợ nữa đâu!”

Tiếng còi tàu vang lên.

Tôi kéo vali, ngoái đầu nhìn lại nơi này lần cuối.

Yên tâm đi, sẽ không bao giờ trở lại.

5

Chuyến tàu lắc lư, chở theo một linh hồn đã mệt mỏi, đi về nơi thuộc về cô ấy.

Năm 1980, Thâm Quyến.

Trình độ học vấn của tôi không cao, nhưng tôi nhớ, thời điểm này, phải đặt chân tới đây.

Kiếp trước vì gia đình, tôi chôn chân ở một xưởng may nhỏ bé, phí hoài cả đời, không có cơ hội chứng kiến thời đại huy hoàng này.

Khi mũi giày vừa chạm đất, ánh mặt trời đỏ rực chiếu thẳng xuống người tôi.

Mọi thứ bừng bừng sức sống.

Không chỉ là thời đại, mà còn có tôi — Lục Tuân, ba mươi tuổi, căng tràn nhựa sống.

Tôi thuê một căn phòng nhỏ, cuộc sống đơn giản nhưng đầy hy vọng.

Cầm theo mấy mẫu may mẫu, tôi tới xưởng may lớn nhất Thâm Quyến lúc bấy giờ.

Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ kiếp trước, tôi nhanh chóng xin được việc.

Tiếng máy may rộn rã, trở thành nhịp đập thúc đẩy ngày tháng của tôi tiến lên.

Hóa ra rời khỏi thị trấn nhỏ kia, bên ngoài cũng chẳng có cơn giông bão nào ghê gớm cả.

Tôi gặp những người mà kiếp trước chưa từng gặp, thấy những phong cảnh mà kiếp trước chưa từng thấy.

“Chị Tuân ơi, nghe nói chị sắp được đề bạt làm tổ trưởng xưởng rồi đó!”

Một cô bé tóc tết hai bím vui vẻ chạy tới báo tin.

Tôi đặt công việc xuống, mỉm cười gật đầu.

Một buổi chiều tan ca như mọi ngày.

Bất ngờ có một gã đàn ông bẩn thỉu lao tới kéo tay tôi.

Tôi không nói không rằng, vung túi xách đập thẳng.

“A Tuân! Là anh đây! Đừng đánh nữa!”

Người tới chính là Cố Thì Thanh.

Mắt anh ta đầy tơ máu, cả người trông tiều tụy đến thảm hại.

“A Tuân, về nhà với anh đi, nhà loạn hết cả rồi, em còn ở đây làm gì?”

Tôi giật mạnh cổ tay ra, lạnh lùng:

“Tôi không về.”

“Em biết không, anh đã khổ sở thế nào để tìm em? Anh lục tung hết các xưởng may ở Thâm Quyến mới tìm được.”

Nói xong, anh ta còn giơ bàn tay nứt nẻ của mình ra khoe.

Tôi không chút biểu cảm, buông một tiếng:

“Ồ. Không liên quan tới tôi.”

Nếu đôi tay nứt nẻ này gọi là chịu khổ, vậy thì mấy trăm vết sẹo lớn nhỏ trên tay tôi kiếp trước, tính là gì?

Anh ta như bị lửa thiêu, rụt tay lại, gượng hỏi:

“Vậy còn Niệm Ức? Em cũng bỏ mặc con bé sao? Em muốn nhìn chúng tôi chết đói à?”

Tôi hỏi lại:

“Anh có thơ văn thi phú, có trăng hoa tuyết nguyệt. Cố tiên sinh, mấy thứ tục vật như cơm áo gạo tiền anh đâu thèm để mắt?”

“Còn Cố Niệm Ức, để Giang Ức chăm sóc không phải tốt hơn sao? Dù sao, các người cũng là một nhà mà.”

Bàn tay anh ta siết chặt bên người, sống lưng vẫn cứng cỏi như cây tùng.

“A Tuân, em đừng gây rối nữa. Em biết mà, viết thơ cũng cần cảm hứng. Đói bụng thì lấy gì viết?”

“Hơn nữa, năm xưa em lấy anh, một người đàn bà thực dụng gả cho một kẻ đọc sách như anh vốn đã không môn đăng hộ đối, bao năm qua em cũng không thiệt thòi.”

“Vậy nên, về đi. Nhà cần em.”

Những lời anh ta nói ra đầy miễn cưỡng, như thể đó là sự sỉ nhục to lớn đối với lòng tự trọng của mình.

Tôi suýt thì bật cười vì tức:

“Cố Thì Thanh, anh thì giỏi lắm. Ăn xong rồi mắng chủ nhà, ăn không đủ lại gọi mẹ, đến chó sói còn không giả bộ giỏi bằng anh.”

Anh ta không tin nổi mà lùi lại hai bước, lẩm bẩm:

“A Tuân, rõ ràng kiếp trước em đâu có như vậy… sao bây giờ lại…”

Tôi thay anh ta nói nốt câu:

“Tại sao kiếp này lại thay đổi?”

Trên mặt anh ta hiện rõ vẻ kinh ngạc.

“Chẳng lẽ… em cũng trọng sinh?”

Tôi cười khẽ, không phủ nhận cũng chẳng thừa nhận:

“Ông trời rất công bằng. Anh có cơ hội đi tìm lại ánh trăng năm xưa, tôi cũng có cơ hội làm lại cuộc đời.”

“Cố Thì Thanh, kiếp này anh không cần phải viết chồng thư dày cộp để tưởng nhớ cô ta nữa đâu.”

Đồng tử anh ta co rút:

“Em… em đã thấy hết rồi?”

“Đúng vậy, đã thấy hết rồi. Thấy được mình kiếp trước đã ngu ngốc tới mức nào.”

Chương 6 tiếp: https://vivutruyen.net/40-nam-gong-ganh-nuoi-chong-van-bi-phan-boi/chuong-6