Mọi người xung quanh nghe thấy, lập tức xì xào chỉ trích Cố Thì Thanh là kẻ vô tích sự.
Sĩ diện mỏng như giấy, mặt Cố Thì Thanh xanh mét, nhỏ giọng cầu xin:
“A Tuân, em trả trước đi, dù sao Giang Ức và con gái cũng còn ở đây, đừng làm ầm lên.”
Giang Ức núp ở phía sau, lộ rõ vẻ bối rối, hiển nhiên không ngờ lại xảy ra chuyện khó xử như vậy.
Tôi đề nghị với chủ quán cho ghi nợ, sau này bắt Cố Thì Thanh tự mình thanh toán.
Không ngờ Cố Thì Thanh vì muốn giữ cái gọi là cốt cách văn nhân, thà cắn răng nuốt nhục cũng không chịu.
Anh ta tháo chiếc nhẫn bạc trên tay xuống:
“Đem cái này cầm tạm, sau này tôi sẽ tự mình chuộc về.”
Ánh mắt tôi dừng lại trên chiếc nhẫn bạc, sống mũi cay cay.
Đó là kỷ vật ngày cưới của tôi và anh ta, cũng là món quà duy nhất mà năm đó chúng tôi có thể lấy ra làm sính lễ.
Vậy mà giờ đây, anh ta lại không chút do dự đem cầm cố.
Cũng tốt thôi.
Tình nghĩa hai đời, đến đây cũng xem như kết thúc.
Tôi xoay người bỏ đi.
Cố Thì Thanh vội đuổi theo:
“A Tuân, anh sẽ chuộc lại, em đừng giận.”
Tôi bật cười thành tiếng:
“Chuộc lại? Cố Thì Thanh, anh lấy gì mà chuộc? Mấy bài thơ văn của anh chắc?”
Ánh mắt anh ta tối sầm lại, cố lên giọng dạy dỗ:
“Lục Tuân, em nhất định phải làm anh mất mặt đến vậy sao? Em có biết tiền tài là vật ngoài thân, chỉ có văn chương tài hoa mới là báu vật không thể vứt bỏ?”
Tôi dừng chân, cười khẩy:
“Xin lỗi, tôi chỉ là một kẻ biết tính toán buôn bán, không hiểu mấy thứ cao siêu đó.”
Sau đó, tôi quay đầu nhìn Giang Ức và Cố Niệm Ức đang lặng lẽ theo sau:
“Đi tìm người biết trân trọng văn chương của anh đi.”
Cố Thì Thanh á khẩu, không thốt nổi lời nào.
Kệ anh ta với gương mặt đen sì như đáy nồi, tôi quay lưng về thẳng nhà.
4
Hôm sau, để vớt vát sĩ diện trước mặt Giang Ức, Cố Thì Thanh chủ động dẫn cô ta tới xưởng may của tôi, chọn mấy bộ quần áo có kiểu dáng đẹp.
Tôi thản nhiên ôm tập hợp đồng chuyển nhượng trong lòng, bảo nhân viên ghi lại hóa đơn đúng giá thị trường.
Không vội, rồi sẽ có chủ mới đến tính sổ với họ.
Sau khi nhận được khoản tiền cuối cùng từ việc bán xưởng, tôi thu dọn hành lý, chỉ đợi sáng mai lên đường.
Cố Thì Thanh thấy tôi chuẩn bị bao lớn bao nhỏ thì ngạc nhiên hỏi:
“Em định đi đâu vậy?”
Tôi qua loa đáp:
“Ra ngoài một chuyến.”
Anh ta chống trán, bật cười khổ:
“Vẫn là A Tuân chu đáo, biết mai là sinh nhật anh, còn thu dọn hành lý sẵn cho cả nhà.”
“Vậy cũng tốt, cả nhà bốn người mình cùng đi chơi một chuyến.”
Tôi suýt nữa bật cười vì sự tự tin ngây thơ của anh ta.
“Cả nhà bốn người?”
Anh ta chắc chắn tôi sẽ mềm lòng:
“Đúng vậy, anh với Niệm Ức từ lâu đã coi Giang Ức như người nhà rồi.”
“Em cứ yên tâm, chỉ coi là người nhà thôi, không có gì khác.”
Vừa dứt lời, Giang Ức từ ngoài chạy vào.
Cô ta đã gần ba mươi, vậy mà vẫn cố tỏ vẻ hồn nhiên ngây thơ.
“Anh Cố, em chuẩn bị quà sinh nhật cho anh nè, mau xem đi!”
Giang Ức hai tay dâng lên một viên đá hình trái tim còn to hơn trước, đưa cho Cố Thì Thanh.
Mặt anh ta sáng rỡ như đứa trẻ:
“Ôi, Giang Ức thật có lòng quá, món quà không tốn tiền mà lại đầy ý nghĩa như vậy, hợp quá rồi.”
Giang Ức bỗng cao giọng, cố ý quay sang nhìn tôi chằm chằm.
“Anh Cố coi tiền bạc như rác rưởi, khí tiết thanh cao như mai như trúc thế kia, sao lại thèm để mắt tới mấy thứ vật ngoài thân.”
Tôi nghe không hiểu cái kiểu văn vẻ của bọn họ, chỉ lặng lẽ bóc hạt hướng dương trong tay.
Họ không cần của cải vật chất đúng không?
Vậy thì từ ngày mai, trong nhà này sẽ không còn sót lại một xu, để khỏi chướng mắt họ.