Anh ta nói: “Tôi đã xem hết lời khai của mọi người. Vào lúc 2 giờ sáng hôm qua, không ai nghe thấy tiếng la hét nào cả, cũng không ai thấy Trần Bân và bà Lưu đánh Vũ Mai, ngoài cô ra.”

Tôi không tin.

“Sao có thể chứ? Cô ta hét lớn như vậy mà, không thể không ai nghe thấy.”

Tôi bỗng nhớ ra một chuyện: “Tôi nhớ phòng khách nhà dưới lầu họ hôm đó cũng sáng đèn mà, anh hỏi họ chưa? Họ cũng nói là không nghe thấy gì à?”

Anh ta trả lời: “Nhà đó đi ngủ từ rất sớm rồi, không nghe thấy gì cả.”

“Không thể nào, anh nói dối! Rõ ràng tôi thấy đèn phòng khách của họ sáng, còn thấy có bóng người đi lại bên trong qua lớp rèm, rõ ràng là chưa ngủ. Họ nhất định là sợ rắc rối nên mới cố tình nói vậy.”

Tôi rất chắc chắn về điều đó.

Trước kia cũng chính nhà đó từng gọi cảnh sát.

Nhưng rồi lại bị Trần Bân và mẹ hắn quấy rối mãi không buông.

Chuyện đó từng làm ầm lên trong group chung, ai nấy đều bàn tán sôi nổi.

Cả khu đều đồng tình rằng nhà Trần Bân không phải người bình thường, kiểu người này đụng vào là rước họa, tốt nhất nên tránh xa.

Vì vậy tôi chắc chắn họ không nói thật vì sợ phiền phức.

Nhưng cảnh sát mặt lạnh lại nói: “Lời khai của hàng xóm tầng trên cũng khớp với họ, họ không nói dối. Họ thực sự đã ngủ từ sớm.”

Hả?

Tôi càng thêm rối rắm.

Vậy rốt cuộc tối hôm đó tôi đã thấy gì?

Chẳng lẽ tôi bị ảo giác?

3

Khi tôi còn đang mơ hồ, cảnh sát mặt lạnh lại nói tiếp.

Anh ta nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm túc, giọng lạnh tanh hỏi: “Cô có biết rằng khai báo giả sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự không?”

Tôi vừa tức vừa hoang mang: “Ý gì đây? Anh nghi ngờ tôi? Sao lại gọi lời khai thật của tôi là khai giả?”

“Đêm hôm đó động tĩnh lớn như vậy, sao có thể không ai nghe thấy gì? Sao anh không nghi ngờ là họ đang nói dối?”

“Chúng tôi đã xác nhận nhiều lần, tất cả lời khai đều trùng khớp, chỉ có mỗi cô là khác.”

“Thì vì họ sợ phiền phức nên mới giả vờ không biết gì. Tôi đúng là ngốc thật, lại thành thật khai báo. Biết thế tôi cũng nói không biết gì cho rồi, có phải giờ chẳng ai phiền tới tôi không.”

Tôi tức đến mức ngồi phịch xuống ghế, vừa bực vừa lo, sợ họ cho rằng tôi là hung thủ.

“Không lẽ các anh nghi ngờ tôi giết người? Tôi… tôi chỉ là một phụ nữ, làm sao tôi giết nổi Trần Bân – cái gã đàn ông chuyên bạo hành đó.

“Hơn nữa còn có mẹ hắn nữa, bà ta cũng ghê gớm không kém. Tôi gặp cả nhà họ là phải tránh xa, làm sao tôi có thể đánh lại họ chứ?

“Huống gì, tôi đâu có động cơ gì để giết người đâu!”

Tôi suýt nữa đã bật khóc vì hoảng sợ.

Thấy tình hình có vẻ mất kiểm soát, anh cảnh sát trẻ vội lên tiếng trấn an: “Cô hãy bình tĩnh lại một chút.”

“Bình tĩnh? Giờ anh bảo tôi bình tĩnh kiểu gì? Các người đều nghi ngờ tôi là hung thủ, tôi làm sao mà bình tĩnh nổi?”

Anh cảnh sát trẻ nói: “Hiện tại mọi chuyện vẫn chưa có kết luận. Chúng tôi chỉ đang tiến hành điều tra theo quy trình, mong cô phối hợp và giữ bình tĩnh.

“Hãy tin chúng tôi, nếu sự việc không phải do cô làm, nhất định chúng tôi sẽ trả lại sự trong sạch cho cô. Chúng tôi tuyệt đối không làm oan người vô tội.”

Sau đó, tôi bị thẩm vấn liên tục, phải nhớ lại mọi chi tiết không ngừng nghỉ, cùng một chuyện cứ phải kể đi kể lại.

Họ thậm chí còn mang lời khai của người khác ra, so sánh từng câu từng chữ với lời khai và thời gian của tôi.

Tôi không dám bỏ sót bất kỳ chi tiết nào, cũng không dám nói sai một chữ, chỉ sợ nếu có gì sai lệch thì tôi sẽ bị xem là nghi phạm, bị gán tội giết người.

Lúc đó thì có rửa oan cách mấy cũng vô ích.

Tôi mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng lại buộc phải gồng mình giữ tỉnh táo tuyệt đối.

Thế nhưng vì lời khai của tôi hoàn toàn không khớp với những người khác, nên tôi liên tục bị hỏi dồn đến cứng họng.

Cảnh sát mặt lạnh thu dọn bản ghi chép, lạnh lùng nói:

“Rất xin lỗi, nhưng theo tình hình hiện tại thì cô có quá nhiều nghi vấn, nên chúng tôi sẽ tạm giữ cô theo đúng quy định.”

Tôi: “…”

4

24 tiếng sau, vì không có bằng chứng chứng minh tôi là hung thủ, tôi được thả về nhà.

Tưởng như mọi chuyện đã kết thúc, ai ngờ tôi lại bị bắt lần nữa.

Lúc đó, tôi đang gặp bác sĩ tâm lý.

Bác sĩ bảo tôi hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì cả.

Vậy thì kỳ lạ thật — nếu không phải ảo giác, không phải hoang tưởng, thì tại sao chỉ mình tôi thấy và nghe được, còn những người khác thì không?

Chẳng lẽ thật sự là tất cả bọn họ đều đồng loạt nói dối?

Vẫn là căn phòng thẩm vấn cũ, vẫn là hai cảnh sát cũ: Tiền Hạo Trạch mặt lạnh và anh cảnh sát trẻ Tiểu Ngô.

Tiền Hạo Trạch lạnh giọng hỏi tôi:

“Dương Dương, theo điều tra của chúng tôi, cô đã từng ly hôn, đúng không?”

Tôi gật đầu: “Đúng vậy.”

Anh ta lại lấy ra một tấm ảnh đưa tôi xem.

“Chồng cũ của cô tên là Trần Bân, chính là người trong ảnh, đúng không?”

Tôi lại gật đầu: “Là anh ta.”

Tiền Hạo Trạch nheo mắt lại: “Lần trước khi thẩm vấn, sao cô không nói với chúng tôi về mối quan hệ giữa cô và người chết?”

Ánh mắt soi mói của anh ta khiến tôi thấy bất lực vô cùng.

“Chuyện đó thì liên quan gì đến vụ án chứ? Tôi và hắn đã ly hôn từ lâu, không còn bất kỳ quan hệ gì nữa. Cái chết của hắn thực sự không liên quan gì đến tôi.”

“Vậy lý do hai người ly hôn là gì?”

Tôi nhíu mày đầy mệt mỏi. Những ký ức đó tôi thật sự không muốn nhớ lại, càng không muốn nói ra.

Nhưng vì sự trong sạch của bản thân, tôi không thể không nói.