Bản thân Minh Minh sống rất thong dong, tự tại.
Nhưng anh chị tôi thì tức sôi máu.
Cho rằng nó sống không có chí tiến thủ.
Họ luôn nặng lời với cháu tôi:
“Sao con nhà người ta đứa nào cũng giỏi giang, còn mày suốt ngày chỉ biết ru rú ở nhà?
Mày kém người ta ở điểm nào chứ?
Sao không biết cố gắng lên?
Tao sao lại sinh ra đứa vô dụng như mày!”
Có lần, cháu tôi giúp người ta vẽ bản thiết kế.
Anh chị tôi chẳng nói chẳng rằng, xông tới xé nát bản vẽ.
“Làm mấy cái này để làm gì?
Thời gian đó không bằng học cách kiếm tiền thì hơn!”
Lại có lần, cháu tôi đang trao đổi với khách hàng về chi tiết hợp tác.
Anh chị tôi tự nhiên chen ngang:
“Con trai tôi sau này là để kiếm tiền lớn, mấy cái việc lặt vặt của cô cậu nó không làm đâu!”
Cứ thế, họ phá hỏng toàn bộ công việc phụ của cháu.
Nhưng lại không hề thấy mình sai, còn ngang nhiên nói:
“Mấy cái thứ con làm chẳng ra sao, nói ra chỉ tổ mất mặt, bỏ sớm thì hơn, chúng tôi làm vậy là vì muốn tốt cho con!”
Cháu tôi bị dồn ép đến mức không chịu nổi, bỏ nhà đến sống với tôi.
Nhưng dù vậy, nó vẫn không thoát khỏi sự mắng nhiếc luân phiên từ anh chị tôi.
Lúc thì họ bảo cháu bất hiếu, không biết kính trọng cha mẹ như con nhà người ta.
Lúc thì lại mắng cháu vô dụng, để phí bao nhiêu cơ hội.
Dưới sự chỉ trích lâu dài, cháu tôi dần trở nên trầm cảm và lo âu.
Cuối cùng, nó đổ hết trách nhiệm vì không thành công lên đầu tôi.
Nó đỏ mắt chất vấn tôi: “Dì à, nếu lúc trước dì không ngăn cản cháu học trường mẫu giáo quốc tế, thì có phải giờ cháu cũng đã thành đạt như con người ta rồi không?
Có phải ba mẹ cháu cũng không mắng cháu nữa không?”
Tôi kiên nhẫn giải thích: “Không phải vậy đâu con.
Người kiếm được bảy, tám trăm triệu mỗi năm là vì họ có cổ phần trong công ty của ba mình.
Người làm quản lý cấp trung ở công ty lớn thì tốt nghiệp trường top đầu, có bằng sáng chế độc quyền, ngày đêm nỗ lực mới có được thành quả.
Còn người tự làm ông chủ, chưa chắc không đang nợ ngập đầu dưới danh nghĩa công ty.
Nhìn ngoài tưởng hào nhoáng, nhưng chưa chắc đã sống tốt hơn con đâu.”
Nhưng cháu tôi đã bị mắng mỏ đến phát điên, chẳng còn nghe lọt tai lời nào.
Nó cứ cố chấp tin vào suy nghĩ của mình, thậm chí cho rằng tôi đang tìm cớ để bao biện.
Đột nhiên, nó mất kiểm soát, đẩy mạnh tôi ngã xuống. Đầu tôi đập mạnh vào góc bàn, máu chảy không ngừng.
Sau đó, nó dàn dựng một vụ tai nạn giả. Chỉ đến khi chắc chắn tôi đã tắt thở, nó mới gọi xe cấp cứu.
Vì tôi và cháu vốn có quan hệ rất tốt, lại sống cùng nhau một thời gian dài.
Nên anh chị tôi chọn cách im lặng.
Những người duy nhất biết về mâu thuẫn trong nhà cũng chẳng ai lên tiếng.
Cảnh sát điều tra không thấy gì bất thường, liền kết luận là tai nạn ngoài ý muốn.
Tôi chưa từng kết hôn, cũng không có con. Bố tôi đã mất.
Nên mẹ tôi nghiễm nhiên trở thành người thừa kế duy nhất.
Nhưng bà không chần chừ một giây nào, lập tức chuyển toàn bộ tài sản cho cháu tôi.
Trước bia mộ của tôi, cháu tôi tỏ vẻ đau buồn. Nhưng tôi rõ ràng thấy nụ cười lạnh lùng thoáng hiện sau lớp mặt nạ.
“Dì ơi, cảm ơn dì. Bây giờ cháu có tiền rồi, ba mẹ không mắng cháu nữa.
Dì thương cháu nhất, như vậy cũng coi như là chết có ý nghĩa rồi, đúng không?”
Thời gian quay trở lại hiện tại. Tôi nhìn cháu mình mặc bộ vest nhỏ mới toanh, có in dòng chữ “Princeton”.
Chữ ấy dường như đã trở thành biểu tượng của tiền tài.
Chị dâu tôi cẩn thận chỉnh lại quần áo cho cháu.
Vừa làm vừa không quên dặn dò: “Học hành không quan trọng bằng việc kết bạn với mấy đứa khác, nhớ chưa?”
Cháu tôi dường như cũng hiểu ý nghĩa lớn lao của việc này.
Ánh mắt kiên định, dáng vẻ ra chiều người lớn, nắm chặt nắm tay tự động viên mình.
Sau đó, nó phồng má, chạy đến bên tôi, làm nũng hỏi: “Dì ơi, cháu mặc vậy có đẹp không?”
Trong mắt tôi, gương mặt ngây thơ hiện tại và nụ cười tàn nhẫn của kiếp trước cứ lần lượt hiện lên.
Phải mất một lúc lâu tôi mới trấn tĩnh lại được.
Gượng cười nói: “Đẹp lắm, rất đẹp.”
Cháu tôi nhảy chân sáo đến trường mẫu giáo.
Nhưng đến tối khi nó về, chị dâu hỏi về tình hình trong ngày.
Sắc mặt lập tức tối sầm: “Cả ngày mà con không làm quen nổi một đứa bạn nào à?”
Cháu tôi vừa nhai bánh bao vừa trả lời, miệng đầy dầu mỡ:
“Ừm, tụi nó quen nhau hết rồi, không ai chơi với con. Con chơi Lego một mình cả ngày.”
Chị dâu ngồi trên ghế, bồn chồn nhúc nhích.
Rõ ràng rất sốt ruột: “Mẹ cho con đi học là để kết bạn chứ không phải chơi Lego!
Mấy đồ chơi đó ở đâu chẳng có, nhà mình thiếu xe mô hình, thiếu Lego bản quyền chắc?”
Cháu tôi cúi đầu lí nhí, trông có vẻ như vừa làm sai chuyện gì đó.
Lúc này anh tôi vừa về đến nhà.
Thấy tình cảnh như vậy liền vội vàng hoà giải: “Mới ngày đầu tiên thôi mà, em gấp làm gì?
Cũng phải cho con thời gian thích nghi chứ.”
Chị dâu vẫn không nguôi: “Mỗi ngày học tốn hơn ba trăm nghìn đấy!
Mai đến lớp phải chủ động làm quen với các bạn, đặc biệt là Tôn Lạc Dương.
Mẹ sẽ giúp con chọn thêm vài đứa nữa để kết thân.
Nhớ chưa?”
Cháu tôi ngoan ngoãn trả lời:
“Dạ, con nhớ rồi.”