14

Thời gian Hứa Tấn Nam xuất hiện quanh tôi ngày càng nhiều.

Như thể anh đang dùng toàn bộ sức lực để chứng minh tấm lòng chân thật của mình.

Anh để tâm đến từng chi tiết nhỏ liên quan đến tôi.

Bất cứ chuyện gì liên quan đến tôi, anh đều dốc hết khả năng để làm tốt nhất.

Đến mức đồng nghiệp xung quanh tôi còn tưởng hai đứa sắp quay lại thật.

Cho đến một tháng trước khi tôi chuẩn bị về nước.

Gia đình bất ngờ gửi đến một tin tức…

Vì sự sơ suất của y tá chăm sóc, ba tôi bị nghẹn đờm trong đêm, không được hút kịp thời, dẫn đến viêm phổi nặng.

Khi tôi cùng Hứa Tấn Nam về nước, vội vàng đến bệnh viện, ba đã được đưa vào phòng ICU.

Tôi như mất toàn bộ sức lực, ngồi phịch xuống băng ghế ngoài hành lang. Nhưng chỉ vài giây sau, tôi lại bật dậy, vội vàng gọi cho mẹ.

May mắn thay, thời gian gần đây tinh thần của mẹ ổn định hơn, bà vẫn ở nhà, một mình bình an vô sự.

Sợi dây căng chặt trong tôi bất chợt được thả lỏng, sự mệt mỏi lập tức dâng lên từng đợt.

Hứa Tấn Nam đứng trước mặt tôi, nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, cẩn thận như sợ tôi sẽ vỡ tan.

“Thanh Vu, đừng sợ, còn có anh ở đây.”

Lời an ủi lúc nào cũng dễ nói ra, nhưng nỗi khổ phía sau thì chưa bao giờ vì mấy câu nói đó mà nhẹ đi được.

Sau khi ba chuyển ra khỏi ICU, thứ chờ đợi là chuỗi ngày chăm sóc kỹ lưỡng, không thể rời mắt.

Hứa Tấn Nam thuê cho tôi y tá tốt nhất.

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ.

Y tá có thể có lúc mệt, tranh thủ chợp mắt, nhưng tôi thì không.

Tôi phải luôn trông chừng máy theo dõi nhịp tim của ba, canh giờ xoay người để tránh lở loét.

Hứa Tấn Nam ngày nào cũng đến bệnh viện cùng tôi.

Anh muốn giúp đỡ.

Nhưng mỗi lần nhìn tôi thành thạo lau người cho ba, bưng bô đi lại, thậm chí có khi còn phải trực tiếp xử lý chất bẩn… anh đều chết lặng.

Cánh tay đang đưa ra cứ khựng lại, không dám chạm vào tấm drap giường đã bẩn.

Những lúc như vậy, tôi chỉ mỉm cười, bảo anh xuống siêu thị nhỏ dưới lầu mua vài món đồ sinh hoạt.

Tôi hiểu — cú sốc trần trụi thế này, đối với một cậu ấm từ bé sống trong nhung lụa, vẫn là quá sức chịu đựng.

Thật ra, tôi có thể hiểu.

Nhiều năm qua, tôi đã quen với việc sống bên một thân xác không còn linh hồn, dốc toàn bộ sức lực để chăm sóc, rồi bất ngờ ứng phó với đủ chuyện.

Tôi cũng từng tuyệt vọng, từng nghĩ đến buông xuôi.

Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cắn răng vượt qua tất cả.

Bởi vì còn sống, tức là còn hy vọng.

Còn Hứa Tấn Nam thì khác.

Đây là cuộc sống tôi đã quá quen, nhưng lại không phải thế giới của anh.

Anh không thể thực sự cảm nhận.

Về sau, Hứa Tấn Nam lại chủ động đề nghị giúp tôi chăm mẹ.

“Dì chỉ bị vấn đề tâm lý thôi mà, chắc anh xoay sở được.”

Tôi nhìn dáng vẻ tự tin của anh, không nói gì, chỉ lặng lẽ dẫn anh về nhà.

Căn nhà cấp bốn chưa đầy hai mươi mét vuông, chật kín đồ đạc cũ kỹ, ve chai và những thứ không tên.

Đây là lần đầu tiên Hứa Tấn Nam đến nhà tôi.

Mặc dù anh sớm đã biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi.

Mặc dù anh đã chuẩn bị tinh thần.

Nhưng khi bước xuống xe, anh vẫn đứng sững trước cửa nhà, không thốt nên lời.

Dù sao thì… nhà vệ sinh nhà anh còn rộng và sang hơn cả căn nhà này.

Suốt bao năm qua, tôi chưa từng đưa Hứa Tấn Nam về nhà.

Vì tôi không muốn để anh thấy — một Giang Thanh Vu thấp kém và nghèo hèn đến mức nào.

Tôi không biết, lúc này, liệu anh có hối hận với quyết định theo đuổi tôi hay không.

Tôi chỉ biết một điều…

Khi tôi phơi bày toàn bộ lá bài xấu xí và bất lực của bản thân ra trước mặt anh…

Thì mối quan hệ giữa chúng tôi — chắc chắn sẽ không còn khả năng tiến thêm một bước nào nữa.

15

Ngày ba tôi xuất viện về nhà, Hứa Tấn Nam vẫn ở bên cạnh, phụ tôi lo liệu mọi việc.

Anh mặc một chiếc áo khoác màu lạc đà quen thuộc — chính là món quà tôi từng tặng cho anh.

Khi đó giữa chúng tôi là cả một vực sâu vận mệnh, tôi cứ cố gắng tìm đủ cách để thu hẹp khoảng cách, mong đổi lấy một chút ngang hàng.

Có lẽ Hứa Tấn Nam nhận ra ánh mắt tôi đang dừng lại trên người anh.

Anh đưa tay lau mồ hôi trên trán, rồi ngẩng đầu, nở một nụ cười với tôi.

Đôi mắt anh vẫn sáng, vẫn đẹp đến dịu dàng.

Tựa như vầng trăng treo trên bầu trời.

Lúc còn trẻ, tôi bướng bỉnh, cố chấp, ngạo mạn đến không ai quản nổi.

Biết rõ là chuyện vô vọng, vẫn cứ lao đầu theo đuổi, chạy mãi về phía mặt trăng.

Nhưng bây giờ, sau khi đã đi qua trăm ngàn bến bờ, tôi không còn cố chấp đuổi theo mặt trăng nữa.

Tôi bước lên, nhẹ nhàng vỗ vai anh.

“Cảm ơn anh vì thời gian qua đã giúp đỡ rất nhiều. Ăn một bữa với em nhé, em mời.”

Trong một quán lẩu ven đường bình dân, tôi và Hứa Tấn Nam ngồi đối diện nhau.

Giữa là nồi lẩu nghi ngút khói, Hứa Tấn Nam vừa gắp đồ ăn cho tôi vừa hỏi về kế hoạch sau này.

“Em còn định tiếp tục phát triển ở nước ngoài không? Nếu cần, anh có thể mua một căn biệt thự độc lập ở đó cho em.”

“Xây bên bờ biển cũng được, anh nhớ em từng nói muốn có một căn nhà gần biển.”

“Hay là em định về nước làm việc? Vậy cũng tốt. Anh có ba căn nhà ở Hải Thành, đến lúc đó anh đưa em hết chìa khoá và mã mở cửa.”

“Dù em chọn gì, anh đều vô điều kiện ủng hộ công việc của em…”

Anh cứ thế một mình nói mãi, nụ cười dịu dàng vẫn ở trên môi, như đang vẽ ra một tương lai đầy hy vọng.

Tôi đặt đũa xuống, yên lặng nhìn anh.

“Hứa Tấn Nam, anh theo đuổi em, ba mẹ anh có biết không?”

Nụ cười trên môi anh lập tức đông cứng.

Trước đó không lâu, mẹ của Hứa Tấn Nam từng đến bệnh viện tìm tôi.

Không giống những tình tiết cẩu huyết trong phim ảnh, bà không hống hách hay mỉa mai.

Ngược lại, bà đến thăm bố tôi, rất lễ độ, dịu dàng an ủi tôi.

Từ đầu đến cuối, bà không nói một lời khó nghe nào.

Trước khi rời đi, bà nói:

“Tiểu Giang, con là một cô gái thông minh, chăm chỉ và rất có chí tiến thủ.”

“Nhưng con và Tiểu Nam… không phù hợp.”

Thật ra, bà không cần phải nói, tôi cũng đã sớm biết.

Chúng tôi, cách nhau quá xa.

Từ đầu đến cuối, tôi luôn rất tỉnh táo.

Tôi đã nói với bà rằng — tôi chưa từng ở bên Hứa Tấn Nam, trước kia không, và sau này cũng không.

Tôi hít sâu một hơi, bình tĩnh và lý trí nhìn anh.

“Hứa Tấn Nam, anh thấy rồi đó, cuộc đời em vốn dĩ là một mớ hỗn loạn.”

“Có thể hôm qua em còn đứng trong toà cao ốc ở Seattle, nói chuyện tự tin như người thành đạt.”

“Nhưng giây tiếp theo, em đã phải quay về căn nhà chưa đến hai mươi mét vuông, sống cùng ve chai, rác vụn và gián.”

Đôi mắt Hứa Tấn Nam tối sầm, anh lộ rõ vẻ lo lắng.

“Thanh Vu, anh biết, nhưng anh có thể thuyết phục bố mẹ chấp nhận em…”

Tôi lắc đầu.

“Không phải vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận.”

“Mà là — chúng ta vốn không thuộc về cùng một thế giới.”

“Anh có gia thế, có điều kiện sống dễ dàng, đường hoàng.”

“Còn em thì ngụp lặn dưới đáy, phải vắt kiệt sức chỉ để kiếm được vài đồng tiền lẻ.”

“Ngày xưa, đúng là em đã muốn bất chấp tất cả để đuổi theo anh.”

“Nhưng thế giới của anh rộng lớn và hào nhoáng như thế, làm sao em có thể sánh bước cùng anh?”

“Huống hồ, thế giới của em đâu cho phép em bồng bột như vậy.”

“Không cho phép em từ bỏ mọi thứ để đi theo anh, không cho phép em vượt rào chen vào tầng lớp không thuộc về mình.”

Em — một bông tử đằng mọc trên vách đá cheo leo — số phận định sẵn là phải gồng gánh cả nhành hoa nặng trĩu, từng chút một vươn lên mà sống.

Hứa Tấn Nam khựng lại, cổ họng nghèn nghẹn, khó khăn cất tiếng.

“Nếu như… nếu như anh rời khỏi nhà họ Hứa, không còn sự can thiệp của bố mẹ, thì chúng ta…”

“Đừng ngốc nữa.”

“Hứa Tấn Nam, anh đã bao giờ nghiêm túc nghĩ đến chuyện chúng ta ở bên nhau sẽ ra sao chưa?”

“Anh rời khỏi nhà họ Hứa rồi, anh có thể cùng em chen chúc trong căn nhà nhỏ chưa tới hai mươi mét vuông không?”

“Anh có thể hút đờm, lật người cho ba em không?”

“Anh có thể sống với một người mắc bệnh tâm thần mà không nổi cáu không?”

“Anh không thể.”

Một khi đã là gian khổ, thì chính là cưỡng cầu.

Mà đã là cưỡng cầu — vậy sao phải cố chấp ở bên nhau, để rồi cả hai cùng kiệt sức và tan vỡ?

“Vì vậy, Hứa Tấn Nam… đừng đến tìm em nữa. Đừng làm phiền cuộc sống của em nữa.”

Đến đây là kết thúc rồi.

16

Hôm tròn ba tháng tôi quay về làm việc trong nước, tôi nhận được quyết định điều động từ công ty tổng, bổ nhiệm làm trưởng dự án tại chi nhánh thành phố bên cạnh.

Thành phố đó giá nhà không quá cao, tôi dùng số tiền tích cóp được mấy năm qua mua một căn hộ hai phòng ngủ, rộng 60 mét vuông.

Nhà không lớn, nhưng rất sạch sẽ.

Có một phòng ngủ hướng nắng, trên bậu cửa sổ là mấy chậu sen đá xanh mướt, rèm trắng nhẹ nhàng lay động trong ánh mặt trời rực rỡ.

Khoảnh khắc cầm tờ sổ hồng trên tay, tay tôi run lên, nước mắt không kìm được rơi xuống.

Có cay đắng.

Có vui mừng.

Cũng có một sự buông bỏ đầy nhẹ nhõm.

Sau nhiều năm bôn ba trong sự náo nhiệt và phù hoa của thành phố, cuối cùng tôi cũng nhờ vào chính mình, cho bố mẹ một mái nhà sáng sủa, sạch sẽ.

Cho bản thân một tương lai đàng hoàng.

Đây là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời tôi.

Tôi hiểu rõ, chặng đường phía trước chắc chắn vẫn còn nhiều gian nan và thử thách.

Nhưng chỉ cần quay về ngôi nhà này, tất cả mỏi mệt sẽ tan biến.

Trước khi rời đi, tôi mời những người đồng nghiệp cũ một bữa tiệc chia tay.

Cô gái từng gặp Hứa Tấn Nam trước đây, khẽ thở dài:

“Chị Thanh Vu, thật đáng tiếc…”

“Quanh đi quẩn lại sáu, bảy năm, chị đã dành cho anh ấy nhiều năm thanh xuân như vậy, cuối cùng vẫn là chia xa.”

Tiếc sao?

Có lẽ là có.

Dù gì sáu năm cũng là quãng thời gian quý giá.

Nhưng nghĩ kỹ lại, hành trình yêu thầm Hứa Tấn Nam, tôi cũng không phải ra về tay trắng.

Bản chất của sự ngưỡng mộ, là muốn trở thành — và vượt qua.

Những năm đó, tôi mượn ánh sáng từ Hứa Tấn Nam, để thấy một thế giới hoàn toàn mới, từ đó xác định được phương hướng của chính mình.

Tôi cũng nhờ thích anh, vì muốn đến gần anh, mà từng bước trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Hứa Tấn Nam, có thể chưa bao giờ là mặt trăng của tôi.

Nhưng ít nhất đã từng có một khoảnh khắc, ánh trăng ấy thực sự chiếu rọi lên người tôi.

Giúp tôi đi được từng bước, từng bước, về phía trước.

Trước khi đi, Hứa Tấn Nam đến gặp tôi lần cuối.

Trên con đường ngập tràn hoa xuân, anh đứng từ xa nhìn tôi.

Thấy tôi ngoảnh lại, anh mím môi, nở nụ cười dịu dàng mà đượm buồn.

“Khi nào em quay lại, để anh đến đón.”

Tôi lắc đầu.

“Nếu không có gì đặc biệt, em sẽ không quay lại nữa.”

Anh bước mấy bước về phía tôi, gió thổi bay vạt áo khoác xám dài.

Rất nhiều lời dường như mắc nghẹn nơi cổ họng.

Cuối cùng, chỉ có thể nghẹn ngào nói ra một câu:

“Thanh Vu… anh rất hối hận.”

“Anh hối hận vì suốt sáu năm ở cạnh em, đã không đủ dũng cảm.”

“Nếu anh sớm nhận ra lòng mình, nếu anh vượt qua được những thực tế mà anh vẫn luôn sợ…”

Tôi khẽ cười.

Chuyện đó giờ đã không còn quan trọng nữa.

Từng có lúc tôi vì gia cảnh nghèo khó mà mặc cảm, tổn thương đến thương tích đầy mình để theo đuổi một người.

Tình yêu của tôi từng vụng về, thiếu tự tin, vừa tự ti vừa không dám đối diện.

Nhưng giờ đây, tôi đã có thể thật sự chấp nhận hiện thực.

Và nhẹ nhõm bắt đầu học cách yêu lấy chính mình.

Tôi đã đi thật xa, vòng thật nhiều đường, mới trở nên mạnh mẽ, mới học được cách tự tin.

May mà… vẫn chưa muộn.

Tôi vẫy tay chào Hứa Tấn Nam, quay người kéo vali rời đi.

Phía xa, ánh chiều cam rực rỡ xuyên thủng tầng mây.

Tôi ngẩng đầu lên, kiên định bước về phía trước.

Tôi — người từng ngồi co ro ở góc bàn làm việc nhỏ xíu, mải miết chạy vì miếng cơm manh áo.

Hậu ký “Câu Chuyện Dang Dở”:

Năm Hứa Tấn Nam ba mươi hai tuổi, anh một lần nữa nhìn thấy Giang Thanh Vu tại trung tâm hội nghị.

Lúc này cô đã là trưởng khu vực Hoa Đông, tỏa sáng rực rỡ giữa đám đông.

Anh muốn bước đến chào cô, nhưng xung quanh cô người đông đến mức nhấn chìm anh hoàn toàn.

Cô gái nhỏ từng đứng sau anh, từng ngước nhìn anh đầy ngưỡng mộ…

Cuối cùng cũng đã lột xác, trở thành mặt trời của chính mình.

Suốt bốn năm qua, bố mẹ anh không ngừng giới thiệu những đối tượng xem mắt phù hợp.

Nhưng không một ai có thể khiến trái tim anh rung động.

Anh chợt nhớ đến lần đi chùa cùng bố mẹ tháng trước.

Vị sư thầy chỉ mỉm cười lắc đầu, để lại một câu:

“Giới hạn thấp nhất của cô ấy… là anh.”

“Còn giới hạn cao nhất của anh… lại là cô ấy.”

Từng lời không nhắc đến báo ứng.

Nhưng từng chữ… đều là báo ứng.

Kẻ hèn nhát phụ lòng người thật tâm…

Mãi mãi không xứng chạm tới hạnh phúc.

Hết