Tôi chỉ lặng lẽ nhìn khuôn mặt giả tạo của bọn họ, không nói thêm một lời.

Muốn đánh rắn thì phải đánh trúng bảy tấc, bài học từ kiếp trước cho tôi biết: nếu vạch trần quá sớm, chỉ khiến chúng nổi điên phản kháng.

Về đến nhà, mẹ tôi đang ngồi dưới ánh đèn dầu vá quần áo.

Bà nheo mắt xỏ kim, trên mặt đầy những nếp nhăn vì vất vả suốt bao năm.

Tôi nhìn mà lòng chua xót: “Mẹ, đừng vá nữa.”

Mẹ tôi thở dài: “Huệ Quyên, đừng nghĩ nhiều… nhà mình khổ, là số khổ rồi con à…”

Tôi lắc đầu, giọng kiên định: “Mẹ, con muốn huỷ hôn với Trần Trạch Dân.”

“Huỷ hôn?” Mẹ tôi sững người, giọng run run.

“Năm đó chú Trần ngã xuống nước, là ba con đã lao vào hố băng kéo ông ấy lên. Nhưng vì kiệt sức nên ba mới chết đuối. Nhà họ Trần mới lập tức gán hôn ước. Giờ con đòi huỷ, người ta đồn ra thì sau này con lấy ai?”

Tôi siết chặt bàn tay, móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay. Ký ức kiếp trước lại trào về.

Năm Trần Trạch Dân thi đậu cấp ba, nhà hắn viện cớ “có hôn ước” mà ép gia đình tôi đưa 30 ký phiếu lương thực.

Trước kỳ thi đại học vài hôm, mẹ hắn lại nói: “Con Huệ Quyên sau này cũng là dâu nhà họ Trần, đưa đồ cưới qua trước đi.”

Rồi thẳng tay bắt đi con gà mái già duy nhất và hết sạch trứng mà mẹ tôi dành dụm suốt nửa năm.

Thậm chí sau khi hắn thi đậu đại học, để gom đủ tiền mua vé tàu cho hắn, mẹ tôi đã đem bán chiếc vòng bạc duy nhất.

“Chuyện huỷ hôn cứ để con lo.”

Tôi lấy từ lớp lót trong áo bông ra tờ giấy báo trúng tuyển, cẩn thận mở ra:
“Mẹ, con đậu rồi!”

Tay mẹ tôi run rẩy dữ dội, nâng tờ giấy lên đọc kỹ từng chữ: “Huệ Quyên… cái này… thật đấy à?”

“Thật mà.”
Tôi đem hết chuyện kiếp trước kể lại không giấu giếm.Nước mắt rưng rưng trong mắt mẹ:
“Con gái mẹ chịu khổ nhiều quá rồi… bao năm qua một mình gánh hết… đều tại mẹ vô dụng, để con bị người ta chà đạp như vậy…”

Tôi ôm chặt lấy mẹ: “Mẹ, không phải lỗi của mẹ. Mọi chuyện qua rồi. Kiếp này, mẹ con mình sẽ sống thật tốt. Con sẽ đưa mẹ lên thành phố hưởng phúc.”

3

Tôi đến nhà Trần Trạch Dân, vừa hay mẹ hắn đang ngồi ở bậc cửa nhặt rau.

Thấy tôi đến, bà ta cười niềm nở: “Ôi chà, con Huệ Quyên đến rồi à, đúng lúc lắm, giúp bác—”

“Bác Trần, hôm nay cháu đến để huỷ hôn.” Tôi đặt tờ hôn ước lên bàn đá trong sân.

“Huỷ hôn á?”

Mẹ Trần lập tức đứng bật dậy: “Đây là hôn sự mà ba con dùng mạng sống để đổi lấy đó! Con có biết mình đang làm gì không hả?”

Ba Trần ngậm điếu thuốc đi ra từ gian chính: “Con gái à, sao lại phải thế? Trạch Dân sắp thành sinh viên rồi, được theo nó là phúc phần của con mà.”

Phúc phần? Các người chỉ sợ tôi huỷ hôn rồi không moi thêm được gì từ nhà tôi nữa thì có!

Trần Trạch Dân vừa về tới, thấy tờ hôn ước trên bàn liền sa sầm mặt: “Huệ Quyên, anh đã nói là sau khi tốt nghiệp sẽ đón em lên thành phố. Em làm thế này là tự hạ thấp mình đấy.”

Tôi che giấu sự căm hận trong mắt, mỉm cười nhẹ nhàng: “Em cũng chỉ nghĩ sau này lỡ thật sự được lên thành phố, người ta lại nói em bám lấy hôn ước từ nhỏ, mất mặt lắm.”

Ánh mắt Trần Trạch Dân lóe lên, nghĩ đến việc sớm muộn cũng muốn cắt đứt với tôi, giờ tôi chủ động rút lui lại là cơ hội tốt, còn giữ được mặt mũi cho hắn.

Thế là hắn làm bộ đau lòng quay sang đám người vây quanh: “Tôi thật lòng muốn đưa Huệ Quyên lên thành phố hưởng phúc, mà cô ấy lại cứ đòi huỷ hôn…”

Vừa nói, hắn vừa rút tờ giấy báo trúng tuyển ra vung vẩy: “Mọi người thấy rồi đấy, tôi sắp thành sinh viên Thanh Bắc rồi, sau này khối cô gái muốn lấy tôi!”

Đám đông bắt đầu bàn tán rôm rả, mấy bà thân quen với nhà họ Trần cũng hùa theo.

“Đã vậy thì hôn ước này hôm nay tôi xé tại chỗ luôn!”

Hắn túm lấy tờ hôn ước, “xoẹt” một tiếng xé toạc, từng mảnh giấy rơi lả tả xuống đất.

Xong xuôi, hắn đắc ý nhìn tôi: “Từ Huệ Quyên, cô đừng hối hận! Khi tôi vào Thanh Bắc rồi, cô cũng chẳng còn xứng với tôi đâu!”

“Anh Trạch Dân nói đúng. Là em không biết điều.” Tôi bình thản nói, rồi xoay người rời khỏi nhà họ Trần.

Một tuần sau, nhà họ mở tiệc mừng “lên đại học” rình rang ngay tại sân phơi làng.

Tiếng nhạc “Hỉ Dương Dương” vang lên liên tục qua chiếc loa cũ kỹ, Trần Trạch Dân mặc bộ vest rộng thùng thình, đứng trên bục phát biểu dựng tạm. Phía sau lưng hắn là tấm vải đỏ to, viết bốn chữ lớn: “Song kiêu Thanh Bắc.”

“Bà con cô bác!”

Trần Trạch Dân gào to qua micro: “Hôm nay mở tiệc mừng đỗ đại học, là để cho cả huyện này biết: từ cái vùng núi nghèo rớt mồng tơi của chúng ta, đã bay ra hai con phượng hoàng vàng!”

Bên dưới vỗ tay rầm rầm, dân làng xếp hàng dài lên tặng quà mừng cho hai người họ.

Cụ Lý lưng còng, run run bưng theo con gà mái già, lảo đảo bước lên: “Trạch Dân à, gà nhà nuôi đó, mang theo lên thành phố mà bồi bổ, sau này đừng quên bà con mình nghe con.”

Thím Vương thì vừa lau nước mắt, vừa dúi vào tay Trần Trạch Dân năm đồng bạc—số tiền bà bán trứng dành dụm suốt ba tháng trời.