5

Một mình ta lên chiếc thuyền khách xuôi về phương Nam, thuận dòng mà đi.

Dòng sông cuồn cuộn chảy, kéo giãn khoảng cách giữa ta và kinh thành ngày một xa hơn.

Mỗi lần thuyền rẽ qua một khúc quanh, thành trì chất chứa những ký ức say lòng kia lại thêm phần mờ nhòa.

Phải đi thật xa, xa đến mức Lục Hoài An vĩnh viễn không thể tìm thấy ta.

Thủ đoạn của lão phu nhân, ta hiểu quá rõ — nếu bà phát hiện giữa ta và Lục Hoài An vẫn còn dây dưa, e rằng khó mà sống nổi đến đầu xuân năm sau.

Ta tựa vào lan can thuyền, nhìn ánh nắng vỡ thành từng vảy bạc trên mặt sông.

Giữa những tia sáng chói mắt ấy, khuôn mặt của Lục Hoài An mơ hồ hiện lên.

Một cơn đau âm ỉ quen thuộc truyền đến nơi ngực, như có ai đang dùng dao cùn chậm rãi rạch vào tim.

Đáng lẽ phải tỉnh táo từ sớm.

Giữa ta và chàng, khác biệt như mây với bùn, vốn là vực sâu không thể vượt qua.

Kẻ không nơi nương tựa như ta, có thể sống sót đến ngày hôm nay, đã là ông trời rủ lòng thương xót.

Đột nhiên một cơn đau nhẹ truyền đến nơi bụng dưới, ta chợt nhớ ra đã trễ kinh hơn nửa tháng.

Có lẽ do những ngày qua vất vả bôn ba, thân thể có phần mỏi mệt.

Sau năm ngày lênh đênh trên sông, thuyền cuối cùng cũng cập bến tại một thị trấn nhỏ hẻo lánh ở vùng Giang Nam.

Ta gắng gượng đôi chân lảo đảo bước xuống thuyền, bến tàu huyên náo tiếng người.

Ta vẫn chưa biết phải đi đâu, thì chợt thấy không xa phía trước, một thiếu niên áo quần rách rưới đang co mình bên mép sông.

Trên mặt cậu có vết thương, khóe miệng rỉ máu.

Cảnh ngộ cô độc giống nhau khiến ta không khỏi nhìn cậu lâu hơn vài phần.

Bà lão bán trà kể rằng, đó là một đứa trẻ khổ mệnh không cha không mẹ, thường ngày nhờ vác đồ thuê kiếm vài đồng cắc để sống qua ngày.

Hôm nay chẳng biết chọc phải ai, bị đám lưu manh ở bến tàu đánh cho một trận thê thảm.

Cậu ngồi lặng lẽ một mình trên bậc đá ven sông, dùng ống tay áo sờn rách lau máu trên mặt.

Ánh hoàng hôn kéo dài bóng hình cậu xuống đất, gầy guộc đến mức trông như một nhánh lau ngả nghiêng trong gió.

Ta bước lại gần cậu, lấy từ túi gấm ra một miếng bạc nhỏ.

Cậu ngẩng đầu lên, trong đôi mắt đen như hắc diệu thạch tràn đầy vẻ khó tin.

“Cậu tên gì?”

“A Đại.” Cậu đáp khẽ, giọng nói còn mang theo run rẩy vì đau.

A Đại là một đứa trẻ thật thà.

Tuy không giỏi ăn nói, nhưng làm việc lại vô cùng chắc chắn.

Cậu dẫn ta đi tìm người môi giới nhà đất, lại theo ta băng qua khắp các con phố lớn ngõ nhỏ, xem qua mấy căn nhà.

Cuối cùng chọn được một tiểu viện yên tĩnh, tường trắng mái ngói đen, tuy không xa hoa nhưng mang nét thanh nhã đặc trưng của vùng Giang Nam.

Đẩy cánh cửa son đã bong tróc mở ra, đập vào mắt đầu tiên là cây táo già nơi tiền viện.

Trên cây táo già kết đầy những quả đang ngả từ xanh sang đỏ, nhìn mà thấy lòng vui lạ.

Nghĩ đến mùa thu sắp tới, những trái táo này hẳn có thể ủ thành rượu ngọt dịu mát lòng.

Tiễn người môi giới đi rồi, một cơn choáng váng bất ngờ ập đến khiến ta không kịp trở tay.

Một trận đau quặn như xé toạc truyền đến từ bụng dưới, trước mắt bỗng tối sầm, ta rơi vào một màn đen vô tận.

Khi mở mắt lần nữa, là gương mặt A Đại đầy lo lắng, bên cạnh là một lão đại phu râu tóc bạc phơ.

“Chúc mừng cô nương, mạch hỉ đã thành, thai đã hơn một tháng rồi.” Lời của lão khiến ta chấn động không thôi.

Ngón tay ta vô thức đặt lên bụng vẫn còn phẳng lặng, nước mắt bỗng lặng lẽ rơi xuống.

Trong thân thể đã phiêu bạt bấy lâu này… lại đang mang trong mình một sinh mệnh cùng ta chia chung huyết mạch.

A Đại tiễn lão đại phu rời đi xong, vẫn đứng nhìn ta nằm yếu ớt trên giường mà không chịu rời khỏi.

Trong phòng phủ đầy bụi, cậu lặng lẽ kéo nước giếng, lau sạch bàn ghế sáng bóng, lại đổ đầy nước vào chum.

Khi ta ngất đi, trong túi vẫn còn bạc, vậy mà cậu không hề động đến một xu — tấm lòng chân thành ấy khiến ta xúc động.

“A Đại,” ta nhẹ gọi cậu, “mỗi tháng một lượng bạc, ngươi có nguyện ý ở lại không?”

Cậu bỗng quỳ sụp xuống, trán đập mạnh lên nền gạch xanh: “Ân lớn của phu nhân, A Đại không cầu bạc tiền, chỉ mong có cơm ăn áo mặc.”

Trời dần sẩm tối, bóng cây táo đung đưa in lên bức tường hồng nhạt.

Từ xa vọng lại tiếng mõ canh lờ mờ, giữa thị trấn xa lạ này lại khiến lòng ta an yên đến lạ.

Có lẽ, ta và cậu — hai mảnh bèo trôi — thật sự có thể bén rễ tại nơi này.

6

Khi rời khỏi nhà họ Lục, ngoài ngân phiếu ra, ta chẳng mang theo hành lý gì.

Sáng hôm sau, A Đại theo ta ra chợ, cùng nhau sắm sửa đủ thứ vật dụng sinh hoạt.

Cậu dùng một chiếc đòn gánh, gánh hết mọi thứ đi theo sau ta.

Ta mua cho A Đại hai bộ y phục, thêm hai đôi giày mới.

A Đại cố từ chối, nhưng cuối cùng vẫn đỏ mắt mà nhận lấy.

Ta bảo cậu gọi ta là tỷ tỷ, đừng gọi là phu nhân nữa.

A Đại vui mừng gật đầu, như thể cuối cùng cũng có được người thân trên đời này.

Căn nhà cũ cô tịch bấy lâu, sau khi sắm sửa đầy đủ đồ đạc, bỗng chốc tràn ngập hơi thở ấm áp của nhân gian.

Lúc trời sẫm tối, ta nhìn nồi canh đang sôi sùng sục trên bếp.

Bất chợt lòng dâng lên một cảm xúc khó tả — từ sau khi mẫu thân mất, đây là lần đầu tiên ta có cảm giác thuộc về một mái nhà.

“A nương ơi, A Đường cuối cùng cũng có nhà rồi.”

“A Đường… cũng đã có đứa con của riêng mình…”

Ánh nến lay động chiếu rọi cả căn phòng trong sắc vàng ấm áp, ta khẽ vuốt ve bụng dưới, thì thầm tự nhủ.

“Bảo bối, con cứ từ từ lớn lên.”

“Về sau, trên con đường đời này, sẽ luôn có A nương dắt con đi từng bước, từng bước một.”

7

A Đại là một đứa trẻ siêng năng, trời chưa sáng đã dậy chẻ củi đun nước, nồi cháo trên bếp lúc nào cũng nấu vừa độ, thơm ngào ngạt.

Từ khi được ăn no mặc ấm, khuôn mặt vốn tái nhợt của A Đại dần dần có thêm sắc máu, ngay cả dáng người cũng đứng thẳng hơn so với trước kia.

Thân thể ta cũng không phụ lòng, đứa bé trong bụng vô cùng ngoan ngoãn, ngoài chiếc bụng ngày càng nhô cao nhắc ta về sự hiện diện của nó, thì chưa từng khiến ta chịu chút khổ sở nào.

Vải bông mua từ mấy hôm trước, ta đã đo người rồi chừa thêm ba tấc, ngồi dưới gốc cây táo, cẩn thận từng mũi kim từng đường chỉ mà khâu lại.

Phải để rộng một chút, mới đủ chỗ cho những đổi thay trong tương lai.

Sáng sớm, ta đếm hai mươi đồng tiền đồng đưa A Đại đi chợ mua thức ăn.

Mãi đến khi mặt trời gần đứng bóng, mới thấy cậu lảo đảo trở về.

Trong giỏ tre ngoài miếng thịt heo ta dặn, còn có thêm một con cá chép tươi roi rói đang vùng vẫy.