4
Sau khi Hứa Niệm dọn đi, cả không khí xung quanh cũng như thoảng lên mùi vị của tự do.
Quần áo bẩn thay ra, tôi muốn vứt đâu thì vứt, chẳng ai ở bên cạnh lải nhải bắt tôi phải bỏ vào giỏ đồ giặt.
Dù sao thì giúp việc theo giờ cũng sẽ đến dọn dẹp định kỳ.
Tan làm, tôi dẫn Mạnh Yên Nhiên đi ăn khắp nơi, thưởng thức đủ loại đặc sản.
Yên Nhiên không như Hứa Niệm, không bao giờ phá hứng bằng mấy lời lải nhải về “ăn uống lành mạnh”.
Sáng hôm ấy, khi tôi còn đang quấn quýt trên giường với Yên Nhiên, thì điện thoại mẹ gọi đến.
“Tri Viễn à, sao gọi mãi cho Hứa Niệm không được? Tháng này nó chưa gửi thuốc Đông y cho bố mẹ.”
Tôi không muốn nhắc đến chuyện của Hứa Niệm trước mặt Mạnh Yên Nhiên, nên chỉ lấp lửng:
“Dạ được, để con đi lấy thuốc rồi gửi cho bố mẹ.”
Tôi mơ hồ nhớ là Hứa Niệm từng nói cô ấy vẫn luôn đi lấy thuốc cho bố mẹ tôi ở một chỗ quen.
“Con bận thế thì lấy làm gì! Hứa Niệm đâu? Nó tưởng mình là bà hoàng chắc, suốt ngày nằm nhà ăn không ngồi rồi…”
“Phải nói là con nuôi nó từng ấy năm đã là quá tử tế, nó đừng có mà được voi đòi tiên!”
Năm xưa xảy ra chuyện, bố mẹ tôi từng quỳ trước mặt Hứa Niệm, cầu xin cô ấy cứu tôi.
Nhưng sau khi tôi thành đạt, họ lại bắt đầu khinh thường cô ấy từng ngồi tù.
Họ suốt ngày lải nhải bên tai tôi, bảo nhà họ Phó không thể cưới một người từng cải tạo làm vợ, bắt tôi mau chóng chia tay và bù đắp cho Hứa Niệm ít tiền.
Bây giờ họ toại nguyện rồi, vậy mà tôi lại chẳng thể nào nói nên lời.
Tôi vội vàng nói mấy câu cho qua chuyện rồi cúp máy.
5
Lúc họp buổi sáng, bụng tôi bắt đầu đau quặn.
Chắc là do dạo gần đây tôi toàn bỏ bữa sáng, tối lại hay ăn mấy món dầu mỡ khó tiêu.
Dạ dày như bị ai bóp chặt, từng cơn đau như hàng ngàn cây kim châm vào cùng lúc.
Mồ hôi lạnh túa ra đầy trán, lưng cũng ướt đẫm, tôi đành phải ngừng cuộc họp, ôm bụng quay về văn phòng.
Lục khắp túi xách vẫn không thấy lọ thuốc đau dạ dày mà Hứa Niệm từng chuẩn bị cho tôi.
Tôi cầm điện thoại định gọi chất vấn cô ấy, bấm đến giữa chừng mới sực nhớ – chúng tôi đã chia tay rồi.
Tôi thậm chí chẳng nhớ nổi mình hay dùng loại thuốc nào, đành bảo thư ký ra ngoài mua đại mấy viên thuốc giảm đau, uống tạm cho qua.
Đến trưa, Mạnh Yên Nhiên – cả buổi sáng không thấy mặt – lò dò bước vào văn phòng, bám lấy tôi làm nũng:
“Anh ơi, em biết một nhà hàng tư nhân siêu ngon, mình đi ăn trưa cùng nhau nha.”
Cô ấy quấn tay qua cổ tôi, giọng nũng nịu không cho từ chối.
Tôi bất giác nhớ đến vẻ lo lắng xen lẫn đau lòng của Hứa Niệm mỗi lần tôi không khỏe.
Dù năm đó công việc cô bận đến mấy, cô vẫn chăm sóc tôi chu đáo từng chút một.
Ngày trước tôi thấy phiền, vậy mà lúc này lại thấy nhớ đến tách nước mật ong pha dầu mè cô hay chuẩn bị.
Đang thẫn thờ, Mạnh Yên Nhiên vẫn không ngừng lắc lắc người tôi làm nũng.
Tôi hơi khó chịu, kéo tay cô ấy ra:
“Em không biết sáng nay anh đau dạ dày à?”
Có lẽ đây là lần đầu tôi tỏ thái độ, gương mặt cô ấy lập tức sầm xuống.
“Chỉ là đau dạ dày thôi mà, uống cốc nước nóng là được, đàn ông con trai mà yếu đuối vậy sao!”
Tôi thấy bất lực, cố giữ giọng nhẹ nhàng:
“Yên Nhiên, bọn mình đang yêu nhau, anh không khỏe, em là bạn gái thì ít nhất cũng nên quan tâm một chút chứ?”
Cô nàng tiểu thư dựng ngược đôi mày liễu, trừng mắt hét lên:
“Phó Tri Viễn, anh có bị nhầm không vậy? Anh muốn em làm con chó trung thành như bạn gái cũ của anh hả?”
“Em nói cho anh biết, không bao giờ có chuyện đó đâu! Em là thiên kim tiểu thư được nâng niu chiều chuộng từ bé. Anh lớn hơn em bao nhiêu tuổi, em đến với anh là để được anh chăm sóc, chứ không phải để em phục vụ anh! Mong anh hiểu điều đó!”
Tôi không hiểu sao lại bất giác nghĩ đến Hứa Niệm.
Cô ấy cũng là con gái duy nhất trong nhà, được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ. Khi mới quen tôi, cô ấy thậm chí còn chẳng phân biệt nổi rau cần với ngò rí.
Thấy tôi không dỗ như thường lệ, Mạnh Yên Nhiên nổi giận, hất hết đống hồ sơ trên bàn xuống đất, rồi giận dữ đập cửa bỏ đi.
Tôi ôm lấy bụng vẫn còn đau âm ỉ, thở hắt một hơi thật dài.
Sau đó, tôi liên hệ người quen bên SA để lấy chiếc túi da hiếm mà cô ấy thích.
Yêu một cô gái trẻ là thế, được hưởng sự nhiệt tình, năng lượng của họ, thì cũng phải chấp nhận cái giá đi kèm – họ luôn đòi hỏi nhiều hơn về mặt cảm xúc.
Còn Hứa Niệm thì luôn biết cách điều chỉnh cảm xúc rất nhanh, nên cuộc sống bên cô ấy cứ êm ả đến mức… nhàm chán.
Sực nhớ bố mẹ vẫn đang chờ thuốc, tôi bèn giao cho thư ký đi mua giúp.
Không lâu sau, thư ký báo lại:
“Luật sư Phó, phòng khám Đông y đó không nhận khách mới. Dù là khách cũ thì cũng phải đặt lịch trước một tuần.”
Tôi hết cách, đành mặt dày nhắn tin cho Hứa Niệm:
“Em có thể giúp anh giới thiệu lại với phòng khám được không?”
Nhưng tin nhắn vừa gửi đi như rơi vào hư vô. Cho đến tận cuối giờ làm việc vẫn không có hồi âm.
Tôi ngồi trước bàn làm việc chất đầy tài liệu, cau mày đến nhăn tít, cây bút trong tay bị tôi ném mạnh xuống mặt bàn.
Tôi kéo lỏng cà vạt, cố nén bực bội để đặt bàn ăn tối và hoa, rồi còn phải hạ mình đi dỗ dành Mạnh Yên Nhiên.
May mà cô nàng giận nhanh thì cũng nguôi nhanh.
Vừa ôm lấy chiếc túi hàng hiệu tôi tặng, ánh mắt cô ấy sáng lên vì bất ngờ, thân hình mềm mại dán sát vào tôi, vừa cười vừa gọi:
“Chồng ơi, em yêu anh chết mất!”
Cơ thể trẻ trung ấy cuốn sạch mọi mệt mỏi trong ngày của tôi, tôi không nhịn được mà kéo cô ấy ra băng ghế sau xe “xử lý” luôn tại chỗ.
Xong việc, tôi định đến nhà cô ấy để tiếp tục cuộc vui, nhưng cô nàng hôn nhẹ lên má tôi, nghịch ngợm nói:
“Tối nay ba mẹ em tới, có người phải ngủ cô đơn rồi nha ~”
Tôi chưa được thỏa mãn nên có hơi cụt hứng.
Nhưng không hiểu vì sao, từ khi chia tay Hứa Niệm đến giờ đã hơn nửa tháng, tôi vẫn chưa từng dẫn Mạnh Yên Nhiên về nhà.
Không còn Hứa Niệm, căn nhà chẳng còn ánh đèn ấm áp chờ đợi tôi nữa.
Nhưng nghĩ lại thì, chỉ là tự mình bật đèn lên thôi mà.
Căn nhà rộng lớn trở nên lạnh lẽo, vắng vẻ, yên tĩnh đến đáng sợ.
Ánh mắt tôi lướt qua chiếc bàn ăn đã lâu không dùng, bất giác dừng lại ở một chiếc nhẫn bạc màu.
Đó là chiếc nhẫn tôi dùng đồng tiền đầu tiên kiếm được mua tặng Hứa Niệm – chiếc nhẫn đơn giản, giá trị không cao, nhưng cô ấy luôn trân trọng vô cùng.
Dù sau này tôi có khả năng tặng cô những món giá trị hơn, cô vẫn luôn đeo chiếc nhẫn đó ở ngón áp út tay trái.
Cô từng nói, chỉ khi tôi cầu hôn bằng nhẫn kim cương, cô mới đồng ý thay.
Vậy mà giờ đây, chiếc nhẫn từng được nâng niu như báu vật lại bị cô bỏ mặc, nằm trơ trọi trên bàn ăn.
Tôi không hiểu sao, trong đầu lại nảy ra ý định gọi cho cô để “hỏi tội”.
Và càng khó hiểu hơn, là trong lòng tôi lại trào lên một tia hứng khởi.
Cuối cùng cũng có lý do chính đáng để gọi cho cô.
Tôi thuần thục bấm số của Hứa Niệm, môi còn chưa kịp nhếch lên thành nụ cười, thì nét mặt đã cứng đờ lại.
Cô ấy… đã chặn số tôi.
6
Trong lòng tôi hơi tức – bao nhiêu năm tình cảm, Hứa Niệm nói cắt là cắt, chẳng luyến tiếc gì.
Nhưng rồi lại thấy nhẹ nhõm. Nếu cô thật sự dứt khoát, không còn níu kéo, vậy thì càng tốt.
Tôi đảo mắt nhìn quanh căn nhà quen thuộc, rồi nhìn sang chiếc giường trống không, bỗng thấy đêm nay lạnh lẽo lạ thường.
Tôi gọi cho Mạnh Yên Nhiên để nghe giọng ngọt ngào nũng nịu của cô ấy, nhưng gọi mấy lần đều không ai bắt máy.
Chắc do lúc nãy trên xe tốn quá nhiều sức, cô đã ngủ từ sớm rồi.
Nghĩ lại, từ khi chia tay Hứa Niệm, tôi cứ mải mê ở bên Mạnh Yên Nhiên, còn chưa thực sự “sống độc thân” ngày nào.
Thế là tôi gọi vài người bạn thân rủ nhau ra bar uống rượu.
Tụ tập với hội bạn đại học, vừa uống vừa tám chuyện dĩ nhiên là rất vui – nếu như họ không cứ liên tục nhắc đến Hứa Niệm.
“Ê, mày với hoa khôi trường tụi mình yêu nhau cũng hơn mười năm rồi nhỉ? Giờ cũng không còn trẻ nữa, sự nghiệp thì vững rồi, tính khi nào cưới về để tụi tao còn chuẩn bị uống rượu mừng đây?”
Tôi cười gượng, cố gắng lảng qua chuyện khác.
Ai ngờ chỉ mấy câu sau lại có người lôi cô ấy ra tiếp:
“Tri Viễn, dạo này chuyện mày với cô trợ lý nhỏ mới tới sôi sục lắm đấy nhé. Là anh em thì tụi tao cũng phải nhắc nhở mày đôi lời – làm người thì đừng quên cội nguồn. Mày có được ngày hôm nay, công lao của Hứa Niệm không nhỏ đâu đấy.”
Một người khác cũng tiếp lời:
“Đúng rồi, trong đám tụi mình mày là người đáng ghen tị nhất. Hứa Niệm vừa thông minh lại biết điều, lúc nóng lúc lạnh đều thấu đáo, mà lại yêu mày sâu sắc như thế. Trên đời tìm đâu ra người thứ hai như vậy?”
Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, chỉ gật gù cho có.
Rõ ràng những gì tôi đạt được là nhờ tôi tự mình chiến đấu, từng vụ kiện, từng cuộc tiếp khách, thế mà trong mắt mọi người, nửa công lao lại thuộc về Hứa Niệm.
Tuy ngoài miệng không nói, nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ thấy công bằng.
Thế mà lời chia tay với Hứa Niệm lại chẳng sao thốt ra được.
Tôi uống cạn ly rượu, lấy cớ “vợ quản chặt” để đứng dậy cáo từ rời khỏi quán.
Trong lòng âm thầm quyết định, đã đến lúc phải thay đổi lại cả vòng bạn bè.