Trưởng thôn và trợ lý nín cười đến đỏ mặt.
Hợp đồng ký xong, cả làng như mở hội.
Dì Lý mang đến một rổ cua vừa bắt được, cười tươi rói nói: “Tiểu Ngư à, nhờ có con, làng mình mới có tương lai đó!”
Chú Vương vác đến một thùng nhím biển, đập đập vào vai Từ Dịch: “Tổng giám đốc Từ, sau này nhớ ghé thường xuyên nhé! Hải sản làng tôi đảm bảo đủ cho anh ăn! Dù sao cũng là của anh mà ha!”
Ngay cả mấy nhóc con hàng xóm cũng chạy qua, bu quanh Từ Dịch reo lên: “Chú Từ! Sau này chú còn ở chung với chị Tiểu Ngư không ạ?”
Từ Dịch nhướng mày, giọng đùa cợt: “Sao tôi là chú, mà cô ấy lại là chị?”
Tôi: “…”
Mấy đứa nhỏ như được kích hoạt, lí lắc hét: “Chị ơi! Anh rể ơi!”
Tôi vớ ngay cái chổi đuổi: “Biến! Bài tập làm xong chưa mà ở đây lắm mồm!”
Bọn nhỏ cười khúc khích rồi chạy biến, sân nhà cuối cùng cũng yên tĩnh trở lại.
Tôi quay đầu lại, thấy Từ Dịch đang nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt sâu thẳm khiến người ta rợn da gà.
“Nhìn cái gì mà nhìn?” Tôi trợn mắt dọa anh ta.
Anh bật cười khẽ, rồi đột nhiên nói: “Linh Tiểu Ngư, em có biết tại sao anh nhất định phải quay lại không?”
Tôi cảnh giác: “Đừng nói là vì cái bát cơm của anh đấy nhé.”
Anh lắc đầu, đứng dậy, từng bước tiến về phía tôi.
Tôi lùi lại, lưng chạm vào tường, tim đập thình thịch.
Anh cúi xuống, giọng trầm khàn: “Vì chỉ ở đây, anh mới cảm thấy mình là con người.”
Tôi sững sờ.
Anh đưa tay, nhẹ nhàng phủi vảy cá dính trên mặt tôi, giọng hiếm khi nghiêm túc:
“Anh đã trả sáu nghìn, hợp đồng cũng ký rồi.”
“Giờ anh có thể tiếp tục làm thùng cơm của em chưa?”
Chẳng lẽ tôi ở ngoài mạng lâu quá?
Bây giờ thùng cơm mà cũng tranh giành nhau làm à?
Tôi nghiêm túc nhìn anh: “Anh hiểu lầm rồi, chúng tôi không coi anh là người.”
Nụ cười của Từ Dịch cứng lại: “Khoan đã, em im—”
“Anh là thần tài của làng tôi đó! Một ngày anh muốn ăn mười con cá cũng được! Đừng nói cái bát màu vàng, mai tôi đi gom đủ bộ bảy sắc cầu vồng, đỏ cam vàng lục lam chàm tím, mua hết cho anh luôn!”
Từ Dịch cười gằn: “Linh Tiểu Ngư, sao trông em bình thường mà cái miệng lại có vấn đề thế?”
5
Ba mẹ tôi lúc còn sống rất được lòng mọi người trong làng.
Năm tôi tám tuổi, họ ra khơi đánh cá thì gặp phải cơn bão bất ngờ.
Thuyền bị lật, cả hai không bao giờ quay về nữa.
Từ đó, tôi lớn lên ở làng chài này, ăn cơm nhà người ta nuôi.
Canh cá của dì Lý, dưa muối của mợ Phương, tiền tiêu vặt mà chú Vương lén đưa cho tôi, và cả tiền trưởng thôn bỏ ra cho tôi đi học đại học…
Họ đối xử với tôi như con ruột, còn tôi cũng xem họ là người thân không máu mủ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi không chút do dự quay về làng chài.
Các bác trong làng mắng tôi ngốc nghếch: “Tiểu Ngư à, con học giỏi thế, ở lại thành phố không tốt hơn à!”
Nhưng họ không hiểu.
Mỗi sáng sớm, tôi có thể nghe mợ Phương gọi ngoài sân:
“Tiểu Ngư! Ra lấy bánh bao mới hấp đây!”
Buổi chiều thì ngồi tám chuyện với dì Lý bên mép bến tàu, nghe bà ấy lẩm bẩm:
“Chú Vương hồi trẻ đẹp trai lắm đó nha.”
Cuộc sống như vậy còn tuyệt vời hơn gấp vạn lần so với sự cô đơn giữa phố thị cao tầng.
Cho đến dạo gần đây, chính quyền bất ngờ thông báo sẽ thu hồi đất làng chài, quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng.
Cả làng rơi vào hoảng loạn.
Trưởng thôn lo đến bạc nửa đầu tóc, mợ Phương ôm con mèo nuôi mười mấy năm mà khóc: “Căn nhà này là vợ chồng tôi từng viên gạch một mà xây, phá rồi thì biết làm sao?”
Nhưng chúng tôi không có tiền, không có quan hệ, chỉ có thể bất lực chờ bị đuổi đi.
Rồi Linh Tiểu Hải rời đi, Từ Dịch trở lại.
Anh ta thu mua lại làng chài, chẳng biết dùng cách gì mà ép chính quyền phải thay đổi quy hoạch.
Từ lúc đó, cuộc sống ngày một tốt hơn.
Căn nhà cũ kỹ của mợ Phương cuối cùng cũng được xây lại, bà ấy cười tít mắt kéo tôi đi xem: “Tiểu Ngư, nhìn xem, gạch này chắc chắn lắm! Mai mốt có bão cũng không lo nữa!”
Con trai trưởng thôn sắp cưới vợ, nghe đâu mua được căn hộ trong thành phố.
Ngày cưới, cả làng đều sẽ đến uống rượu mừng.
Thiệp mời của Từ Dịch thì do chính trưởng thôn cùng vợ con mang tới tận nhà.
Dì Lý làm cá muối càng lúc càng phát đạt, giờ cung cấp thẳng cho chuỗi nhà hàng cao cấp thuộc Tập đoàn Từ thị, giá cả cũng tăng gấp ba.
Ngay cả ông Trương hồi trước suốt ngày tranh chỗ với tôi ngoài chợ cá, giờ thấy tôi là cười niềm nở: “Tiểu Ngư à, cậu… Tổng giám đốc Từ có cần tài xế không? Con trai bác vừa thi đậu bằng lái!”
Tôi: “…”
Từ Dịch – thần tài sống – đã trở thành bảo vật quý của cả làng.
Trừ tôi ra.
Vì chỉ mình tôi biết vị “Tổng giám đốc Từ” này ở riêng phiền phức cỡ nào.
Ví dụ như bây giờ, anh ta đang ngồi giữa sân nhà tôi, ung dung bóc cua, vừa bóc vừa chê bai:
“Linh Tiểu Ngư, cua em hấp bị già rồi.”
Tôi lườm: “Thấy già thì đừng ăn.”
Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi, khóe miệng cong lên: “Không được, mỗi tháng bỏ ra sáu nghìn, bao ăn bao ở, anh phải ăn cho đáng tiền.”
Tôi: “…”
Người này hết bệnh rồi mà vẫn bám dính không chịu đi, nói là công ty có anh trai quản lý.
Anh ta bảo có tình cảm với làng chài, cần ở lại giám sát chất lượng hải sản.
Ở trong nhà tôi, mỗi tháng trả sáu nghìn tệ.
Bao ăn bao ở, thỉnh thoảng còn kèm cả bữa khuya.
Đúng lúc này, mợ Phương hấp tấp chạy vào, tay còn xách một giỏ vải tươi mới hái.
“Tiểu Ngư! Tổng giám đốc Từ!” Mợ cười tít mắt, mắt gần như thành một đường kẻ, “Đến, đến, ăn thử cái này xem, ngọt lắm!”
Từ Dịch lập tức đổi mặt, từ vẻ đáng đánh chuyển sang lịch sự, lễ phép nhận lấy: “Cảm ơn mợ Phương.”
Tôi: “?”
Đổi mặt nhanh vậy luôn hả?
Mợ Phương vỗ vai tôi, hạ giọng nói nhỏ: “Tiểu Ngư à, người tốt như Tổng giám đốc Từ, con nhớ đừng bắt nạt người ta nhé.”
Tôi: “???”