4
Tôi vẫn không cam lòng. Bởi đến giờ tôi vẫn chưa bước lên đỉnh cao mà năm xưa tôi từng ao ước.
Vài ngày sau, Nghê Huệ bảo tôi, nhà sản xuất Văn Nguyệt đang ở hội quán Trường Lạc, tôi lập tức lái xe đến đó.
Khi còn bên Chu Đình Yến, anh đã từng dẫn tôi đến đây rất nhiều lần.
Nhân viên phục vụ thấy tôi, vẫn theo thói quen cúi chào, không chút nghi ngờ mời tôi vào trong.
Lúc tôi đẩy cửa bước vào, Nghê Huệ đã ngà ngà say trong phòng, vừa thấy tôi đứng ngây ra đó thì cười lạnh:
“Ngẩn ra làm gì, còn đợi chị dạy nữa à?”
Những năm qua, nhờ có Chu Đình Yến, tôi rất ít khi phải xã giao.
Tôi lóng ngóng rót rượu, cười gượng gạo lấy lòng:
“Anh Trần, đạo diễn Lê, em đã chuẩn bị cho Văn Nguyệt rất lâu rồi, gần như coi bộ phim này là một cột mốc mới trong đời mình. Em có thể tự tin nói rằng, chỉ cần hai người không bỏ rơi em, em nhất định không làm mọi người thất vọng. Em cũng thấy được bao tâm huyết mà mọi người đã dành cho bộ phim. Lẽ nào các anh nỡ lòng sao?”
“Các anh thật sự nỡ để bộ phim này toả sáng một cách đầy khiếm khuyết sao?”
Trên bàn tiệc, những người khác không nói một lời, chỉ im lặng nhìn.
Đạo diễn Lê Dương khẽ nhíu mày, né ánh mắt sang chỗ khác.
Nhà sản xuất Trần Bình đẩy kính lên, đứng dậy, cầm ly rượu trên bàn, cụng nhẹ với tôi rồi ngửa cổ uống cạn.
“Ôn Tịch, mong em có được một cơ hội tốt hơn. Lần này, chúng ta không có duyên.”
Nghe đến đây, ai thông minh cũng hiểu ý là gì rồi.
Ra khỏi phòng, Nghê Huệ nửa người tựa vào tường, châm điếu thuốc, chỉ về cuối hành lang.
“Ôn Tịch, chị dẫn em bao năm qua, cũng vì cái họ Chu đó mà đã không ít lần mắng chửi em. Chị vừa sợ em chia tay, vừa sợ em dây dưa mãi không dứt.”
“Chị đã đoán trước kết cục của em, nhưng không ngờ em lại dùng cách này… đến thần tiên cũng không cứu nổi.”
“Cơ hội cuối cùng của sự nghiệp em đang ở cuối hành lang kia. Chọn đi.”
Cuối hành lang, căn phòng đó — tôi còn quen thuộc hơn bất kỳ ai.
“Anh à, em nói thật, theo đúng quy trình này, chưa đến ba ngày, đảm bảo nó quay lại quỳ dưới chân anh.”
“Chỉ là một con diễn viên trong cái giới bẩn thỉu đó, bày đặt tỏ vẻ thanh cao, từ đầu em đã ngứa mắt rồi.”
“Chính anh cưng nó quá, chiều nó không có giới hạn, giờ nó mới dám ra ngoài làm trò mất mặt anh.”
Người nói là Triệu Khác — anh em thân thiết nhất của Chu Đình Yến.
Tôi còn nhớ rõ lần đầu gặp anh ta, nhìn thì có vẻ thân thiện, luôn miệng gọi tôi là ‘em gái’, hỏi tôi từ đâu tới.
Về sau thấy tôi và Chu Đình Yến xuất hiện cùng nhau, mấy năm qua thái độ với tôi luôn chua ngoa, cay nghiệt.
Chỉ là trước kia, anh ta không bao giờ dám nói trắng ra trước mặt người khác như bây giờ.
Ngày đó, tôi có lẽ còn được sủng ái, nếu Triệu Khác nói một câu, tôi đáp lại mười câu, cãi cho anh ta cứng họng.
Chu Đình Yến khi đó cũng thường chỉ cười, mặc kệ tôi muốn làm gì thì làm.
Nhưng giờ, mặc kệ người ta nói gì…
Trong căn phòng mờ tối, người và vật đều toát lên vẻ xa hoa choáng ngợp.
Ở trung tâm đám đông là người đàn ông đang được vây quanh, im lặng nghịch chiếc bật lửa màu bạc trong tay.
“Ba ngày? Tôi cá là ngày mai nó chịu không nổi rồi.”
“Theo tôi thì phải trả đũa nó bằng chính cách của nó. Đến lúc nó quay lại phụ thuộc vào anh, thì anh lại đá nó một cú…”
Tôi nhìn thẳng vào Chu Đình Yến — gương mặt ấy, người từng thì thầm bên tai tôi suốt những đêm dài, người tôi yêu đến mức không còn đường lui.
Lúc ấy, cơn gió đêm đông ùa qua hành lang, gào thét xuyên qua lồng ngực tôi.
Tôi không nghe thêm nữa, xoay người rời đi.
Người đàn ông vùi mình trên sofa cuối cùng cũng chịu nâng tay, gõ nhẹ lên mặt bàn, thản nhiên nói:
“Tôi làm việc, không tới lượt cậu chỉ tay năm ngón.”
Anh liếc cảnh cáo Triệu Khác một cái:
“Tôi nhớ là tôi từng nói, đừng có mở miệng linh tinh trước mặt tôi. Não bị lừa đá à?”
“Ôi chà, đúng là đại tình thánh, còn bênh vực nữa cơ đấy.”
Chu Đình Yến lười biếng liếc anh ta một cái, đứng dậy, cầm áo khoác đi ra ngoài.
Có người khẽ huých vào tay Triệu Khác, thấp giọng:
“Bớt nói đi, không phải anh từng khá ủng hộ Ôn Tịch à? Còn có một năm quà sinh nhật là ý tưởng của anh cơ mà?”
Triệu Khác hít một hơi thật sâu, nhìn bóng Chu Đình Yến rời đi:
“Ủng hộ cái mẹ gì, một con nhỏ quê mùa suốt ngày tỏ vẻ khinh thường hết cái này đến cái khác. Mẹ nó, giả thanh cao, nhìn thấy là ngứa mắt.”
“Giờ còn chọc đúng lúc không nên chọc, không thấy rõ là nó căn bản không muốn chia tay với Ôn Tịch à?”
“Chu Đình Yến là người thế nào? Cậu từng thấy ai dám đạp thẳng vào mặt anh ta mà vẫn bình an vô sự chưa?”
“Chẳng phải vì người đó là Ôn Tịch sao?”
Triệu Khác không nói gì thêm, chỉ nhìn theo bóng Chu Đình Yến, phả ra một làn khói trắng.
5
Tôi quen Chu Đình Yến khi tôi còn đang chạy vai quần chúng trong đoàn phim.
Hồi đó, nghề săn sao còn là thứ toả sáng rực rỡ, chỉ cần một ánh mắt tinh anh là có thể vẽ nên biết bao giấc mơ thuần khiết của các cô gái.
Tôi cũng nằm trong số đó.
Ký ức về lần bị một người săn sao đuổi theo trên phố đã xa lắm rồi, tôi chỉ nhớ câu anh ta từng khen tôi:
“Cô sinh ra là để làm minh tinh.”
Khi ấy, tôi rất tự tin và kiêu ngạo. Học giỏi như tôi thì diễn xuất có gì khó?
Đừng nói với tôi rằng diễn xuất không cần học vấn. Diễn xuất, ngoài thiên phú, thì chính là học tập và chăm chỉ.
Tôi học gì cũng nhanh, cũng giỏi. Học diễn cũng chẳng có gì to tát. Cùng lắm thì luyện tập đến cùng. Có tiền thì tôi đi học lớp diễn xuất. Chẳng phải chuyện lớn lao gì.
Chỉ tiếc là, săn sao chỉ phát hiện chứ không nuôi dưỡng. Sau đó, sống chết gì là tự lực cánh sinh.
Ngay cả vai diễn đã nắm chắc trong tay, cũng có thể bị người khác cướp mất.
Chu Đình Yến lần đầu nghiêm túc đá vào chân tôi là lần thứ ba anh đến đoàn phim:
“Đi theo tôi đi. Tôi rất giàu. Em muốn đóng phim gì, tôi đều có thể lo được.”
Nghe nói anh là thiếu gia nhà giàu từ Bắc Kinh, bạn của anh thì đang theo đuổi nữ chính trong đoàn, còn anh thì cau có, chẳng buồn để tâm.
Trông thì có vẻ như sẽ không bao giờ quay lại nữa, vậy mà cuối cùng anh lại đến ba lần.
Tôi ngẩng đầu nhìn anh — anh đúng là rất đẹp trai, đẹp đến mức khiến người ta lóa mắt.
Tôi không thèm để ý, cúi đầu xới hộp cơm nguội ngắt trước mặt:
“Chém gió vừa thôi.”
Anh chỉ cười mà không đáp. Mấy diễn viên quần chúng đi ngang còn ghé lại xin chữ ký, anh hất cằm về phía tôi:
“Đây là nghệ sĩ nhà tôi. Đừng thấy cô ấy đang ngồi xổm ăn hộp cơm ba tệ mà xem thường. Tin không, sau này chữ ký của cô ấy quý hơn vàng, muốn mua cũng chưa chắc mua được.”
Cô gái đỏ mặt xấu hổ chuyển quyển sổ về phía tôi, đầu óc tôi còn đang lâng lâng, viết tên mình bằng nét chữ ngay ngắn. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ký tặng ai đó.
Sau này tôi đã ký biết bao nhiêu lần, nhưng chưa từng có lần nào khiến tim tôi đập rộn ràng như lần đầu ấy nữa.
Anh nói sau này tôi sẽ nổi tiếng khắp nơi, không phải vì anh quá tin vào năng lực của tôi.
Mà vì, đối với anh, việc nâng đỡ một người nổi tiếng chỉ như nhấc nhẹ một ngón tay.
Lúc theo đuổi, anh chẳng hề che giấu. Vừa ngông cuồng, vừa lỳ lợm.
Tôi nhìn anh hết lần này đến lần khác, rồi nói:
“Tôi sau này sẽ trở thành đại minh tinh. Anh chịu nổi chuyện yêu trong bóng tối không?”
Anh cười như chế giễu, lại như chấp nhận:
“Gan thì bé, mơ thì lớn.”
Cho đến nhiều năm sau, tôi vẫn không hiểu hết quyền lực của anh lớn tới đâu.
Dù lúc yêu sâu đậm nhất, tôi cũng chưa từng cố dò xét.
Tôi chỉ biết, chỉ một câu nói vu vơ của tôi, chỉ một cuộc điện thoại của anh, thì tài nguyên mà tôi không bao giờ dám mơ đến sẽ lập tức được đưa đến trước mặt.
Anh không quan tâm luật lệ, cũng chẳng màng công bằng. Mọi chuyện đều tùy hứng.
Tôi nhìn kịch bản được đưa tới tay — vai nữ chính vốn đã được chốt nhưng lại bị rút khỏi phút chót.
Tôi im lặng rất lâu, không biết phải mở miệng thế nào.
Anh chẳng hề cho rằng đó là việc đáng để suy nghĩ, nhưng vẫn chịu mở miệng, kiên nhẫn giải thích:
“Dùng một dự án có tài nguyên ngang hàng để đổi với cô ấy, em không cần lo, bên kia cũng rất hài lòng.”
Đó là một bộ phim bom tấn được đặt làm riêng, là công ty quản lý thành lập độc lập, là hợp đồng đại diện xa xỉ không cần thử việc.
Khi ấy, chỉ cần tôi gật đầu, tôi có thể dễ dàng một bước lên mây.
Nhưng tôi còn trẻ, trong lòng luôn giấu một khát vọng phải đấu một trận công bằng với thế gian, tôi luôn muốn khiến ước mơ của mình toả sáng một cách đường hoàng.
Tôi không muốn lúc đứng cạnh anh phải cúi đầu, tôi muốn được ngẩng cao đầu sánh vai bên anh.
Cách anh nhìn người và “đánh giá đầu tư” luôn giống nhau, y hệt như bao cô gái từng đến trước tôi.
Người ta mang lại niềm vui cho anh, anh cũng không tiếc gì. Những tài nguyên đủ khiến một người rực sáng, với anh chẳng đáng là gì, nhưng đổi lại, lại khiến anh cảm thấy dễ chịu.
Rất lời lãi. Cũng chẳng tốn chút sức lực.
Sau vài lần bị tôi từ chối, anh liếc tôi một cái, hờ hững buông lời:
“Thôi được, tuỳ em.”
Sau này, nhờ một bộ phim cung đấu nổi đình nổi đám, tôi cuối cùng cũng nổi tiếng chỉ sau một mùa hè oi bức.
Cái giá của sự nổi tiếng là xa cách ngày càng nhiều. Năm đó, số lần tôi gặp được anh chưa đầy đầu ngón tay.
Phần lớn thời gian là anh đợi tôi. Thỉnh thoảng không đợi được, lại cầm vé máy bay bay về.
Cho đến lần đó, khi tôi đang quay phim ở Thanh Hải, đột nhiên bị anh chặn toàn bộ liên lạc.
Sau khi đóng máy, tôi xin nghỉ nửa tháng, bay về Bắc Kinh để dỗ anh.
Anh lúc yêu thì rất dễ tổn thương, nhưng lại cũng rất dễ dỗ dành.
Tôi chỉ cần kéo vali, đứng trước cửa nhà anh là anh đầu hàng.
Tôi dùng tám năm, từ một người có cũng được, không có cũng không sao trong lòng anh, trở thành cái tên ăn sâu vào máu thịt, không thể gỡ bỏ.
Những rễ cây đó cắm chặt trong xương tủy anh, cũng quấn lấy hồn phách, tim gan tôi.
Lúc ấy, tôi không hiểu — rõ ràng là anh đã đặt tôi trong lòng, vậy mà vẫn không hài lòng với công việc của tôi. Nhưng anh lại cam lòng dốc toàn lực giúp tôi.
Cho đến khi cuộc cãi nhau đó xảy ra, tôi mới hiểu vì sao.
Khi ấy anh còn chưa chín chắn như bây giờ, vẫn trẻ người non dạ, dễ bị cảm xúc chi phối rồi tổn thương cả hai.
“Điện thoại không nghe, tin nhắn không trả lời. Anh cần một người bạn gái có mặt mọi lúc, không phải người có thể gặp chuyện nguy hiểm bất cứ lúc nào. Diễn xuất quan trọng đến vậy sao? Ngay cả mạng sống cũng không cần nữa à?”
“Anh trong lòng em rốt cuộc là gì? Người dưng? Kẻ ngoài cuộc? Không dám công khai, cũng chẳng cần đến anh? Nếu thế thì còn yêu đương cái gì?”
Chúng tôi mỗi người một ý, đứng ở hai đầu dây, như trò kéo co im lặng, không ai chịu buông.
Tôi lột trần bản thân, chỉ mong được thấu hiểu:
“Em liều mạng đi đóng phim, em muốn đoạt giải, thật nhiều giải, như vậy mẹ anh sẽ không xem thường em nữa. Em luôn nghĩ rằng, chỉ khi có được địa vị xã hội nhất định, em mới xứng với anh.”
“Anh bảo em dùng gì để đấu tranh? Ngoài con đường đóng phim, em đâu có lối tắt nào để leo lên trời?”
Anh chỉ lạnh lùng nhìn tôi:
“Cho dù em gom hết tất cả giải thưởng trên đời, thì sao? Ai sẽ coi trọng mấy thứ vô nghĩa đó? Em muốn địa vị, muốn giải thưởng, chỉ cần một câu của anh là đủ. Em tự dằn vặt mình ra nông nỗi này, rốt cuộc là vì cái gì?”
“Nếu em thật lòng muốn đứng bên anh, thì nên nghĩ cách đi trên con đường anh đã sắp đặt cho em, chứ không phải lãng phí thời gian vào mấy chuyện vô ích này!”
Lời anh nói quá nặng, nặng đến mức vết thương cũng bật máu.
Sau đó anh cúi đầu, xin lỗi tôi hết lần này đến lần khác.
Cả đời anh chưa từng cần phải xin lỗi ai, vậy mà bao nhiêu câu xin lỗi ấy, anh đều dành cho tôi.
Vì cái gì chứ? Nhiều lần tôi cũng tự hỏi chính mình, tôi rốt cuộc là vì cái gì?
Vì một tình cảm không đáng giá? Vì đồng tiền cũng không xứng đáng?
Chu Đình Yến, anh luôn hỏi tôi, rốt cuộc anh là gì trong lòng em?
Thì đây chính là câu trả lời.
Ước mơ mà tôi từng nâng niu như bảo vật, lại bị tôi dùng làm cái giá để yêu anh.