10
Bố tôi sa sút tinh thần suốt một thời gian dài.
Sự nghiệp lụn bại, người yêu rời bỏ, gia đình tan vỡ, cha mẹ coi thường, con gái thì ghét bỏ.
Từng chuyện, từng chuyện như lớp lớp thủy triều dính đặc, cuộn trào đè lên ông, nhấn chìm hoàn toàn.
Mãi cho đến một năm sau.
Có người quen nói, tình cờ bắt gặp mẹ tôi ở một thành phố nhỏ phía Nam.
Đúng dịp nghỉ hè, bố đưa tôi đi tìm.
Thành phố nhỏ, việc tra ra chỗ ở của mẹ dễ như trở bàn tay.
Trước khi gõ cửa căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô.
Bố đã hỏi tôi đến lần thứ sáu, “Bố đẹp trai không?”
Ông đứng trước gương chải chuốt gần hai tiếng đồng hồ, y như một con công đực sắp lên sàn thi đấu.
Phải công nhận, bố tôi có gương mặt điển trai.
Chỉ cần đứng giữa đám đông, đã khiến người khác phải ngoái nhìn vì khí chất nổi bật.
Nhưng tôi cực kỳ khó chịu với ông: “Trơn bóng quá rồi đấy, xài ít nước rửa chén tẩy bớt dầu đi.”
Bố tôi tự tin xách bó hoa hồng.
Ông nghĩ chỉ cần vẫy tay một cái, mẹ chắc chắn sẽ hí hửng chạy lại bên ông.
Thế nhưng khi cánh cổng mở ra, bố tôi như bị điểm huyệt, đứng đơ tại chỗ.
“Cô chú là ai thế ạ? Hôm nay là ngày trọng đại của ba mẹ cháu đó nha!”
Một cậu bé nhỏ xíu thò đầu ra, giọng nói ngọt ngào như kẹo bông, dễ thương đến mức khó tin.
Mẹ tôi…
Từ bao giờ đã có gia đình mới, có cả con trai mới rồi?
11
Sân nhỏ đơn sơ, không rộng, nhưng ấm áp vô cùng.
Dây leo trái cây phủ đầy hàng rào, chó vàng, mèo mập, gà vịt ríu rít.
Mẹ tôi lại khoác lên chiếc tạp dề, bận rộn chuẩn bị một bàn đầy món ngon.
Cơm gà đút lò, sườn hấp, vịt sốt ô mai, đậu hũ tôm nõn.
Những món từng là yêu thích của tôi và bố, giờ đều dành cho chồng mới và con trai riêng của mẹ.
Người đàn ông tên là Tống Lễ, một họa sĩ sa cơ.
Anh ta ôm bó hoa làm từ rau củ, lấy ra một chiếc nhẫn thủ công, quỳ một gối, dịu dàng cầu hôn mẹ tôi, nói sẽ vẽ tranh cho bà cả đời.
Bó hoa hồng lớn trên tay bố tôi rơi xuống đất, cánh hoa vỡ vụn tung tóe.
Mẹ và Tống Lễ quay đầu lại, ngỡ ngàng.
“Thời Việt? Anh đến đây làm gì?”
Giọng mẹ tôi rất lạnh, ánh mắt cũng lạnh như băng.
Tống Lễ lo lắng ôm chặt lấy mẹ, như thể bà là báu vật trong lòng anh.
Bên trong bố tôi lạnh toát.
Ông bước tới, kéo mẹ tôi ra một bên, tách bà và Tống Lễ ra bằng vũ lực.
“Vợ à, anh sai rồi, về nhà với anh đi, ba người mình sẽ sống tốt với nhau.”
Mẹ tôi hất tay ông ra.
Ánh mắt bà lại mang một vẻ thanh thản: “Nếu biết trước có hôm nay, thì cần gì phải làm thế lúc đầu.”
Bà múc cho Tống Lễ và cậu bé mỗi người một bát cơm gà đút lò, mùi thơm lan tỏa khiến tôi không nhịn được mà nuốt nước bọt.
Tống Lễ mỉm cười dịu dàng nhìn mẹ tôi, còn bà thì vừa đút cho con trai riêng ăn, vừa cưng chiều cọ nhẹ mũi cậu.
Như thể họ mới thật sự là một gia đình, còn tôi và bố chỉ là người dưng.
Mu bàn tay bố tôi nổi gân xanh, cổ họng run rẩy.
Trước đây mẹ tôi luôn xoay quanh ông, bất kể có chuyện gì, người đầu tiên bà nghĩ đến luôn là ông — như thể ông là chiếc ô lớn, dùng để che chắn cho bà khỏi mọi sóng gió.
Nhưng giờ đây, chiếc ô đó đã là của người khác.
“Vợ à, trước đây là anh mù mắt, tưởng là em tráo ngọc phỉ thúy của mẹ anh nên mới hủy hôn lễ, không đăng ký kết hôn. Anh thật sự không ngờ chính người nhà em lại hãm hại em như thế.
“Lúc đầu anh chỉ xem Cố Ảnh như em gái, anh không ngờ cô ta lại chủ động đến vậy. Khi ấy anh không biết phải làm sao, muốn nói cho em biết nhưng sợ em không chấp nhận, nên mới giấu.”
Ánh mắt ông tan vỡ, tim trống rỗng, đầu cũng trống rỗng.
“Cho anh một cơ hội chuộc lỗi nữa, anh cầu xin em.
“Chúng ta từng nương tựa vào nhau, chẳng ai có thể chia cắt được mình.”
Nói đến cuối cùng, ông khóc không thành tiếng, nước mắt không kìm nổi tuôn ra, giọng khàn đặc.
“Mình làm lại đám cưới nhé, đến Ý đi.
“Em chẳng phải rất muốn đến đảo Puli sao? Mình tổ chức lễ cưới ở đó, rồi đi đăng ký kết hôn, được không?”
“Không.”
“Tôi đã có gia đình mới, hiện giờ tôi sống rất hạnh phúc.”
“Tôi chỉ mong anh đừng bao giờ đến gần tôi nữa.”
Mẹ không ngẩng đầu lên nhìn ông, chỉ chăm chú đút cơm cho cậu bé.
Nhưng tôi thấy rõ, tay cầm muỗng của mẹ khẽ run lên.
Bố tôi không cam lòng, liền đẩy tôi ra trước.
“Phải rồi, là Trấn Trấn, con gái cưng của chúng ta — chính con bé đã giúp em rửa sạch tội danh.
“Trấn Trấn học nhảy lớp lên lớp 8 rồi, bố mẹ anh vẫn luôn khen em, nói con gái được dạy dỗ rất tốt.”
Nghe vậy, cậu bé ôm chặt lấy tay mẹ, giọng ngọng nghịu an ủi bà.
“Mẹ ơi, có phải chị kia độc ác làm mẹ buồn không? Để con đánh chị ấy cho mẹ!”
“Mẹ ơi, mẹ ăn một miếng đi, ăn đồ ngon vào rồi sẽ không buồn nữa.”
12
Tim tôi thắt lại.
Tôi cứ nghĩ mẹ đã ngộ ra điều gì đó sau quãng thời gian nằm trong ICU.
Nhưng hóa ra bà vẫn bị mắc kẹt ở nguyên chỗ cũ.
Bà lại khoác lên chiếc tạp dề đã tháo xuống, tưởng rằng chỉ cần trốn sau lưng một người đàn ông là có thể tránh khỏi mưa gió cuộc đời.
Nào hay, chính những người đàn ông đó lại mang đến cho bà vô vàn giông bão.
Không thể chịu nổi nữa.
Tôi bước lên một bước, giật phăng chiếc tạp dề đã bạc màu vì giặt quá nhiều.
Ném mạnh xuống đất, dẫm lên mấy cái.
“Mẹ đến cõi đời này chỉ để rửa nồi, nấu cơm, giặt đồ cho đàn ông thôi sao?”
Mẹ tôi cuối cùng cũng ngẩng đầu nhìn tôi, khuôn mặt bỗng chốc trắng bệch.
Tôi nhặt lên chiếc nhẫn sắt rẻ tiền thô ráp, cười khẩy: “Người đàn ông này đến cầu hôn cũng chẳng buồn bỏ công sức, mẹ thích anh ta ở điểm nào? Thích anh ta ăn bám? Thích anh ta tay trắng? Hay thích cái miệng không làm gì ngoài nói?”
Một câu đâm thẳng vào tim phổi Tống Lễ.
Sắc mặt anh ta tối sầm, nhưng vẫn cố gắng mỉm cười ôn hòa.
“Nhà họ Thời các người có quyền có thế, nhưng cũng không cần khinh thường người khác, càng không cần giẫm đạp lên tấm chân tình của tôi dành cho vợ mình.”
Anh ta nhìn mẹ tôi, ánh mắt dịu dàng như sao trời rơi đầy xuống lòng.
“Em không biết đâu, từ khi em đến, sân nhà anh đầy rau và dưa, gối ôm mọc ra kẹp tóc, sàn nhà đầy tóc em rụng, căn nhà trống trải cũng hóa thành đầy hoa nở.”
Đúng là dân nghệ thuật, đến việc của người giúp việc mà cũng có thể nói hoa mỹ đến vậy.
Mà thật ra còn không bằng giúp việc.
Ít ra người giúp việc nhà tôi có lương, có bảo hiểm, có ngày nghỉ, có quyền nghỉ việc bất cứ lúc nào.
Tôi lườm Tống Lễ một cái, ánh mắt lạnh như dao.
“Chú nói thì hay hơn hát.
“Mẹ cháu cho chú một ngôi nhà tràn đầy hoa, vậy chú cho mẹ cháu được gì?
“Là mấy chai bia chất đống trong góc, là đồ chơi vứt đầy nhà, là giày dép bừa bãi, là quần áo bẩn chất như núi chưa giặt…”
Tôi lại tiến thêm một bước, ép mẹ phải nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Tại sao mẹ lại tự rẻ rúng mình như thế?
“Cả đời mẹ chỉ trốn dưới mái hiên của người khác sao, chẳng lẽ mẹ không thể tự làm cái ô cho chính mình à?”
Sau một tràng mắng như vũ bão, lớp mặt nạ bình tĩnh của mẹ tôi cuối cùng cũng vỡ vụn, bà không nhịn được nữa mà che mặt khóc nấc lên.
Không hiểu sao, tim tôi bỗng nhói lên một cái.
Giống như có cây kim nhọn đâm bất ngờ, khiến máu nhỏ từng giọt li ti.
Tôi chợt nhớ đến buổi triển lãm tranh của Tống Lễ.
Mấy chục bức tranh, vẽ toàn là mẹ tôi.
Mẹ tôi quét nhà, mẹ tôi giặt đồ, mẹ tôi phơi đồ, mẹ tôi nấu cơm, mẹ tôi dọn phòng, mẹ tôi đan áo len, mẹ tôi trồng rau ngoài vườn…
Phần chú thích triển lãm trông thì có vẻ rất ấm áp.
[Trọn đời chỉ vẽ một người — Tặng cho hiền thê mẫu mực trong mắt tôi: Cố Ý]
Tôi nhớ đến tiếng “mẹ ơi” ngọt như kẹo của cậu bé kia, đến cả đứa trẻ lạnh lùng như tôi cũng thấy trái tim mình như muốn tan thành nước đường.
Thế nhưng tôi và bố, đã từng cho mẹ được gì?
Lạnh nhạt, lạnh lùng, lạnh lẽo, lời nói cay nghiệt, ánh mắt lạnh như băng.
Mẹ tôi sống trong khổ đau quá lâu, đến mức chỉ cần ai cho bà một chút ngọt ngào là đủ để lấp đầy cả trái tim, dù chút ngọt đó có hòa với thuốc độc, bà cũng sẵn lòng nuốt vào.
Tôi chưa từng đi đôi giày của bà, chưa từng bước qua con đường bà đã đi, vậy tôi lấy tư cách gì để trách móc bà của quá khứ?
Giữa màn mưa mù sương đó, bà cũng đang lạc lối, chẳng thể nhìn rõ phương hướng phía trước.
13
Mang theo quyết tâm tất thắng mà đến, cuối cùng lại bại trận quay về.
Bố tôi buồn rầu như dầu chiên trên chảo nóng.
Chỉ sau một đêm, khay gạt tàn đầy cả mấy chục đầu lọc thuốc lá.
Từng là người được yêu sâu đậm, bố tôi luôn ngẩng cao đầu, ỷ thế tự tin.
Lần này, ông cuối cùng cũng cúi đầu.
Ông thuê nhà sát bên nhà mới của mẹ.
Không thể lười biếng công việc, ông chỉ có thể chọn cách bay đi bay lại giữa hai nơi.
Cúi mình nịnh nọt, hễ rảnh là lại bám riết lấy mẹ tôi không buông.
Gửi cho mẹ cả đống “tiểu luận” sướt mướt.
Tôi: “Không có dấu chấm câu, bố muốn làm mẹ ngộp thở chết à?”
Qua hàng rào, ông đưa cho mẹ chiếc bánh kem tinh xảo, bảo rằng đã phí biết bao nguyên liệu và thử nghiệm mấy ngày mới làm ra.
Tôi: “Bố ơi, tem của tiệm bánh vẫn chưa bóc kìa.”
Cố tình dầm mưa đến phát sốt, chờ mẹ đến cứu như năm xưa ngồi trong kho, mong mẹ mang cho một miếng gì đó để ăn.
Tôi: “Bệnh thì đi viện, mẹ con đâu phải bác sĩ.”
…
Mẹ tôi không hề để ý tới ông.
Tống Lễ canh bố tôi như kẻ trộm, thấy ông vừa đến là kéo mẹ tôi đi ngay.
Tôi cũng thay đổi chiến thuật.
Dù sinh ra đã lãnh cảm, không biết nói lời ngọt ngào, không biết làm nũng dịu giọng, nhưng tôi biết học.
Tôi bắt đầu chủ động trò chuyện với mẹ.
Kể chuyện học hành, kể chuyện ông bà nội, kể cả chuyện ông bà ngoại.
Sau khi phá sản, là con đường cùng, là địa ngục, là những lời than thở không dứt, là những cuộc mắng nhiếc lẫn nhau không ngừng.
Để gượng dậy lại, họ ép dì út tái hôn.
Nhưng dì út đâu có ngu như mẹ tôi, sau khi lấy được tiền sính lễ, liền một mình trốn sang nước ngoài.
Chặn hết tất cả liên lạc.
Nhà trai vừa mất tiền sính lễ lại không cưới được người, trong lúc cãi vã đã đánh gãy một tay một chân của cậu tôi.
Bà ngoại vì mệt mỏi tinh thần mà bệnh liệt giường.
Ông ngoại tuy trị khỏi xuất huyết não nhưng để lại di chứng, không có tiền hồi phục, suốt năm phải chống gậy.
Cả nhà chen chúc trong căn nhà thuê chật hẹp.
Ngày ngày chịu cảnh chủ nợ chặn cửa, chửi rủa, ném rác, tạt sơn.
Tung tóe rối ren như bãi chiến trường.
Mắt mẹ tôi ánh lên vừa bất ngờ vừa nghi ngờ.
Dĩ nhiên tôi sẽ không nói cho bà biết.
Mấy bức thư pháp và đồ sứ đó thật ra là tôi bảo cậu đi tìm người làm giả… đồ chơi.
Để đáp lại, tôi đưa hết tiền lì xì tiết kiệm cho ông ta.
Còn đồ thật, tôi đều giấu kỹ.
Nhưng từ góc nhìn điều tra của ông nội, thì lại là cậu tôi chạy ngược chạy xuôi làm hàng giả tinh xảo, khiến nhà họ Thời không cách nào phân biệt thật giả.
Nhưng thế giới này, chỉ có góc nhìn — không có sự thật.
Nhân lúc thái độ của mẹ có chút mềm lại, tôi tâm sự thật lòng với bà.
“Mẹ à, cái gọi là ‘hiền thê lương mẫu’, là có làm mẹ, có làm vợ, nhưng lại chẳng có chính mình.”
“Dù mẹ có vào vai gì đi chăng nữa, trước tiên vẫn phải trở thành phiên bản tốt nhất của chính mẹ, vì lá bài tẩy của cuộc đời mẹ, vĩnh viễn là mẹ mà thôi.”
Lúc đầu mẹ quay mặt đi, suốt cả quá trình không nhìn tôi lấy một cái, nhưng dần dần, ánh mắt bà dừng lại nơi tôi.
Khó khăn mở lời:
“Trấn Trấn, vì sao lúc trước con lại muốn dì út làm mẹ?”
Tôi cũng khó khăn cất tiếng:
“Vì mẹ không hề vui vẻ, con không muốn mẹ bị giam cầm trong nhà họ Thời.
“Con biết trong tim mẹ có một ‘mẹ’ rực rỡ ánh vàng, người đó yêu mẹ, muốn mẹ tự tin, tươi tắn, hạnh phúc.”
Trời biết, để nói được lời an ủi như thế này, tôi phải lấy hết can đảm, luyện tập trước gương không biết bao nhiêu lần!
Mẹ tôi buông bỏ sự đề phòng, trong mắt đã ngân ngấn lệ.