Ngày tôi nghỉ việc, cả giới tài chính phát điên.

Một nhà phân tích cấp cao, lương năm hàng chục triệu, nói nghỉ là nghỉ.

Sếp tôi tưởng tôi bị điên, đập bàn quát lớn: “Thẩm Thu Trì! Não cô bị úng nước à? Biết bao nhiêu công ty săn đầu người đang nhắm vào vị trí này của cô không hả!”

Đám đồng nghiệp thì tưởng tôi leo được cành cao hơn, ánh mắt nhìn tôi toàn là tò mò dò xét.

Chỉ có tôi biết rõ.

Tôi mệt rồi.

Thật sự rất mệt.

Ngày nào cũng đối mặt với tiền bạc, thứ tôi nhìn không phải là biểu đồ K-line, mà là vận khí, nợ nghiệp, thậm chí là… tử khí quấn lấy người ta.

Bấm bàn tính kêu lách cách còn không bằng tôi nhẩm tính một cái là ra kết quả chuẩn xác.

Nhưng nhìn thấu quá nhiều thì mọi thứ chẳng còn ý nghĩa gì.

Đặc biệt là khi cô phải đối diện một ông tổng công ty niêm yết, ăn mặc chỉn chu bóng bẩy, mà ấn đường thì đen kịt, trên đầu còn treo lơ lửng một luồng sát khí báo họa máu đổ, cô vẫn phải cười nói vui vẻ với ông ta, rồi ký hợp đồng mấy trăm triệu.

Mệt.

Mệt tới mức không thở nổi.

Tôi chỉ muốn tìm một nơi không ai biết tôi là ai.

Mở một cửa tiệm nhỏ.

Nuôi một con mèo.

Phơi nắng.

Ăn chơi chờ chết.

Sống sớm cuộc đời về hưu như một cán bộ già.

Quá ổn.

Mang theo số tiền tích góp khổng lồ suốt bao năm, tôi lang thang đến một thị trấn hạng mười tám, dựa núi nhìn sông.

Đường lát đá xanh, tường trắng ngói đen, trong không khí thoang thoảng hương hoa quế.

Chính là nơi này rồi.

Tôi thuê lại một cửa tiệm nhỏ ở góc phố cổ.

Trước đó là một tiệm trà sữa đã phá sản, trang trí hồng lòe loẹt, sến súa đến phát ngấy.

Tôi phất tay một cái, đập sạch.

Sơn lại tường trắng, lót sàn gỗ nguyên bản, dựng cả một bức tường sách, xếp đầy sách tôi săn được từ các khu chợ cũ – toàn sách thật sự có thể đọc, cộng thêm vài chậu trầu bà nửa sống nửa chết.

Trước cửa treo một bảng gỗ nhỏ viết tay, chữ do tôi tự viết, mang theo chút ý trấn nhà an thần:

【Thu Trì Tiểu Trúc】

Giờ mở cửa: tùy tâm trạng.

Chính: cà phê (tùy duyên), trà nước (tùy ý), ngồi ngẩn người (miễn phí).

Phụ: không có.

Rất ổn.

Rất hợp với khí chất dưỡng già của tôi.

Ngày khai trương, tôi tự pha cho mình một ly cà phê thủ công, cuộn tròn trong chiếc ghế mây cũ bên cửa sổ, ánh nắng ấm áp rọi thẳng lên người.

Híp mắt lại, lắng nghe tiếng rao hàng lơ lửng bên ngoài.

A…

Đây mới gọi là cuộc sống.

Đại sư huyền học?

Cái gì cơ? Không quen, không biết.

Chưa yên ổn được ba ngày.

Rắc rối đã tự tìm đến cửa.

Bên cạnh là một tiệm may thủ công lâu đời, mở cũng phải hơn chục năm, chủ tiệm là một dì họ Lưu, tay nghề giỏi, tính tình thì chanh chua thẳng thắn.

Chéo đối diện mới mở một tiệm “Thời trang may đo cao cấp”, ông chủ là một thanh niên tóc bóng mượt, mặt mũi bảnh chọe, họ Vương.

ông chủ Vương chê tiệm của dì Lưu chắn “tài lộ” của mình, còn khinh thường đám khách quen già cả ở khu này là “quê mùa”, không xứng với đẳng cấp “cao cấp” của hắn.

Ban đầu thì đổ nước bẩn, đổ rác ngay trước cửa tiệm của dì Lưu.

Dì Lưu chống nạnh chửi giữa phố, hắn cũng không ngán, cứ cười cười nhơn nhơn.

Sau đó thì quá đáng hơn, thuê mấy đứa thanh niên ăn chơi hư hỏng, nửa đêm đến đập kính tiệm dì Lưu.

Rầm một cái, kính vỡ đầy đất.

Dì Lưu gọi công an, mà bọn đó chạy nhanh, không bắt được tại trận.

ông chủ Vương bày ra bộ mặt vô tội: “Dì Lưu à, dì đắc tội ai rồi à? Chuyện này không liên quan gì đến cháu đâu nha!”

Dì Lưu tức đến run rẩy, đứng trước đống kính vỡ mà lau nước mắt.

Mấy người dân trong phố bu lại thành vòng tròn, bàn tán không ngừng, phẫn nộ thì có, nhưng cũng chẳng làm gì được ông chủ Vương.

Người ta có tiền, thuê được cả đám du côn.

Tôi bưng ly cà phê đã nguội ngắt, tựa vào khung cửa tiệm mình, nhìn cái mặt đắc ý của ông chủ Vương mà chán ngán.

Ấn đường hắn hẹp, đuôi mày tán loạn, sống mũi gãy khúc — điển hình của tướng mặt ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết hại người lợi mình.

Ngay lúc này, giữa trán hắn có một vệt sát khí xám đen, lẫn mùi tanh, uốn lượn như con rắn nhỏ.

Tch.

Sắp thành hình rồi.

Nghiệp tới nhanh thật đấy.

Dì Lưu khóc lặng người, quay đầu lại thấy tôi — đứa hàng xóm mới dọn đến — có hơi ngại, vội vàng lau nước mắt.

“Tiểu Thẩm à, để cháu chê cười rồi.”

“Không sao đâu, dì Lưu.” Tôi bước lại gần, cúi xuống nhặt một mảnh kính vỡ khá to, cạnh sắc nhọn.

Viền kính có vết đỏ mờ mờ, không phải máu, mà giống… chu sa trộn thứ gì đó bẩn bẩn.

Khí xấu nhẹ.

“ông chủ Vương cũng tin mấy thứ này ghê ha?” Tôi vừa ngắm mảnh kính vừa hỏi bâng quơ.

Dì Lưu sửng sốt: “Hả? Nó… tiệm nó thờ cái tượng gì đó, dán bùa vàng đầy cả chỗ, nhìn mà phát rợn.”

Chuẩn luôn.

Nuôi tiểu quỷ.

Hoặc là xài mấy loại bùa tà môn không ra gì, định ép vận tài phát lên.

Tiếc là tâm địa chẳng sạch, gốc rễ thì yếu.