Chàng nắm thật chặt trong tay, đốt ngón trắng bệch, sắc mặt lúc đỏ lúc xanh, lần đầu lớn tiếng quát mắng:

“Đồ hồ đồ! Làm việc kiểu gì thế hả? Trong này còn có vật chưa dọn, ngươi cũng dám xốc bừa lên?”

Tiểu đồng cuống cuồng, chẳng kịp nghĩ ngợi: “Tiểu nhân có tội! Mong thiếu gia thứ lỗi!”

“Chỉ nói một tiếng ‘có tội’ thì ích chi? Vả miệng! Vả thật nặng vào!”

Tiểu đồng mặt mày xám ngắt, quỳ gối xuống đất, tự tát mình lia lịa: “Tiểu nhân sai rồi! Thiếu gia mở lượng hải hà!”

Thiếu gia liếc nhìn ta một cái.

Ta trong lòng rối bời, chẳng biết nên lui hay đứng lại mà cùng chịu trách.

Bởi ta hiểu rõ — ta đã trông thấy điều không nên trông.

Nhưng cuối cùng, thiếu gia cũng chẳng trách ta, chỉ chậm rãi hỏi: “Tường An, ngươi vốn chẳng phải kẻ lắm lời. Những điều nên nói, không nên nói, ngươi đều hiểu rõ. Ta có thể tin ngươi chăng?”

“Thiếu gia, ngài hoàn toàn có thể.”

Thiếu gia khẽ ‘ừ’ một tiếng, rồi phất tay áo, hậm hực bỏ đi.

Đây là lần đầu tiên từ khi ta vào phủ, thấy thiếu gia phát lửa giận.

Tiểu đồng vẫn đang tự vả, âm thanh ‘bốp bốp’ vang vọng giữa trưa nắng.

Mà trong đầu ta, lại cứ lặp đi lặp lại hình ảnh chiếc đồng tâm khóa khi nãy.

Ta trông rõ ràng — trên đó khắc rõ ngày sinh và ngày tử của một nữ nhân.

Ấy là đồng tâm khóa của một người đã khuất.

Trong lòng ta dâng lên một luồng cảm xúc khó nói thành lời — mơ hồ, đè nén.

Bỗng một bàn tay vỗ mạnh lên vai, làm ta giật mình tỉnh khỏi suy tư.

“Con gái! Nghĩ gì đấy? Mau theo mẹ, mẹ có chuyện muốn nói.”

“Thưa mẹ, người nên gọi con là Tường An.”

“Phải phải phải, mẹ lại quên quy củ, là vì vui quá đó thôi.”

Chúng ta đứng tại một chỗ vắng người.

Thấy vẻ mặt bà hớn hở không che giấu nổi, ta hỏi: “Có phải là thưởng ban từ lão gia đã xuống rồi chăng?”

Mẫu thân vui đến run cả tay, giơ một ngón tay lên làm hiệu.

“Ý gì vậy? Một trăm lượng bạc?”

“Là một tòa nhà!”

Ta gật đầu: “Thảo nào mẹ hớn hở đến thế. Song nhà ở Lâm Châu thì giá rẻ, sợ là chẳng tăng giá được mấy.”

Mẫu thân như bị lửa đốt chân, dậm chân rối rít: “Là nhà ở Kinh Thành! Kinh Thành đó! Một tòa nhà ở Kinh Thành!”

“Con gái à, nhà mình phất lên rồi!”

5

Ta chẳng thể ngờ lão gia lại rộng tay đến thế, ban cho một tòa nhà ở chốn kinh kỳ.

Quả nhiên, nhập kinh làm quan, khác biệt một trời một vực.

Ta ngồi dưới mái hiên, cào lớp đất bám trên ống quần, ngửa đầu trông trời, trong lòng bỗng nhớ cha tha thiết.

Chúng ta sắp vào kinh thành, còn cha — mãi mãi yên nghỉ dưới gốc đa quê cũ.

Lúc còn sống, cha nghèo đến mức không có nổi một gian nhà tử tế, chỉ tá túc trong ngôi nhà đất mục nát, gió thổi là nghiêng, mưa rơi thì dột.

Giờ đây, mẹ con ta cùng đệ đệ đã có một mái nhà của riêng mình.

Tuy nằm ở ngoại thành Kinh sư, nhưng có nhà, có sân, ra cửa là đồng ruộng bát ngát, ngô cao quá đầu người — cảnh ấy khiến lòng ta tràn đầy hy vọng về tương lai.

Chớp mắt, đã mười lăm năm trôi qua.

Lão gia vì thân thể suy nhược, đã cáo lão về hưu từ năm năm trước.

Đại công tử nay đã bước qua tuổi ba mươi, càng thêm trầm ổn, điềm đạm.

Thân hình vốn gầy như trúc nay đã rắn chắc hơn nhiều, nước da cũng sạm lại đôi phần.

Chỉ có một điều vẫn chẳng đổi thay — chàng vẫn chưa thành thân, trong phòng chẳng có lấy một nữ nhân.

Phu nhân và lão gia nay cũng thôi không kỳ vọng vào hôn sự của chàng nữa, cũng vì vậy mà đại công tử sống nhẹ nhõm hơn phần nào.

Còn Nhị công tử – Tuấn Diễn, nay mười lăm tuổi, là một tiểu tử lanh lợi, tinh ranh như khỉ.

Tính tình lại mê gái mê sắc, hôm nay ăn vụng phấn son của cô A, mai lại cầm khăn tay của cô B, lòng dạ chẳng định.

Lão gia phu nhân lại bắt đầu lo lắng: “Tuấn Diễn, con rốt cuộc thích cô nương nào?”

Tuấn Diễn cười hì hì: “Con thích hết!”

“Nhưng lấy vợ thì chỉ được lấy một, con muốn lấy ai?”

“Không lấy ai hết!”

Bất ngờ, một ngày kia, trong phủ xảy ra đại sự.

Nhị công tử từ tư thục trở về, trà không uống, cơm không ăn, nằm liệt trên giường, bệnh tình nguy kịch.

Lang trung bắt mạch, thần sắc nghi hoặc, liên tục lắc đầu:
“Lạ lắm! Mạch tượng này… như thể là của người đã khuất, nhưng rõ ràng nhị công tử vẫn còn sống…”

“Ngươi nói nhăng nói cuội gì đó! Dám nguyền rủa nhi tử ta hay sao!”

Phu nhân nghe xong, tức đến nghẹn khí mà ngất lịm.

Mẫu thân ta vội vàng cho người đưa phu nhân hồi viện.
Chỉ riêng đại công tử vẫn giữ được bình tĩnh, không hoảng không loạn.

Chàng tiễn nhóm lang trung đầu tiên, lại mời thêm một lượt nữa. Song tất cả đều lắc đầu, nói rằng bệnh này không trị được, e là đã xúc phạm quỷ thần.

Cứ thế mà kéo dài, nhị công tử không sống quá ba ngày.

Lúc này, ngay cả lão gia cũng vì thương con quá độ mà ngã bệnh.

Toàn phủ như chìm trong cõi tử khí, kinh hoảng rợn người.

Vì muốn cứu đệ đệ, đại công tử cũng đã dốc hết vốn liếng.

Chàng chỉ là một viên quan nhỏ, vậy mà dám vào cung cầu thánh thượng hạ chỉ, triệu tập danh y khắp thiên hạ đến cứu mạng đệ.

Chàng thưa rằng: Nếu Hoàng thượng chịu ban chỉ, thì thần nguyện bỏ bút theo gươm, xuất chinh nơi biên cương, chống lại dị tộc hung tàn không ngớt quấy phá biên thùy.

Dị tộc ấy, tiếng ác lan xa, nghe danh đã khiếp. Không ít tướng lĩnh chiến tử dưới nanh vuốt của chúng.

Triều đình đầy những võ tướng chẳng sợ chết, nhưng tất cả đều sợ dị tộc.

Bởi dị tộc giỏi điều khiển bầy sói dữ.

Trong chiến trận, vô số binh sĩ bị phanh thây bởi răng sói.

Chết rồi là may, còn nếu bị bắt sống, tất sẽ bị lột da tế thần, theo tín ngưỡng quỷ dị của chúng.

Lời đại công tử vừa dứt, triều đình chấn động. Hoàng thượng lập tức viết chiếu thư.

Ngay trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, đệ đệ ta bỗng nhất quyết muốn gặp ta.

Chương 4 tiếp: https://vivutruyen.net/ta-la-nguoi-co-chi-khi/