Con trai tôi định kết hôn vào mùng Một Tết.
Lễ cưới đòi sính lễ 188.000 tệ, ba món vàng giá 80.000 tệ, nhà và xe đều phải mua mới và trả hết một lần.
Hôm đến dạm hỏi, bên thông gia còn đưa ra một cuốn sổ ghi nợ, bắt nhà tôi thanh toán toàn bộ.
Đó là chi phí nuôi dưỡng con gái họ từ bé đến lớn, đến cả “tiền sữa mẹ” cũng có!
Vậy chẳng khác nào nhà tôi bỏ tiền ra để mời về một cô con dâu nuôi từ nhỏ?
Đến ngày cưới, họ còn đưa ra đủ loại quy định với con trai tôi.
“Nếu nhà chúng tôi cần, con rể phải lập tức có mặt, góp công góp của không được than vãn, nếu không chính là không thật lòng với con gái chúng tôi!”
“Phải sắp xếp cho em trai vợ một công việc nhà nước lương hơn chục ngàn, sau này cưới vợ, mua nhà mua xe, anh rể cũng phải lo. Nếu sinh con, mỗi tháng còn phải gửi tiền nuôi dưỡng.”
Vì mỹ nhân, con trai tôi gật đầu cái rụp.
Trò khiến người ta tức nhất là nhà gái liên tục viện cớ để vòi thêm tiền ngay trong ngày cưới.
Cô dâu cũng thấy việc này rất hợp lý.
“Bố mẹ em nuôi em khôn lớn không dễ dàng gì, anh cho họ chút tiền thì sao?”
Con trai tôi thì bắt đầu mất kiên nhẫn giục tôi.
“Mẹ, sao mẹ cứ phải phá đám trong ngày vui này? Nhà mình đâu có thiếu tiền, toàn người nhà cả, mẹ rộng lượng một chút đi!”
Tôi tức đến mức lật tung bàn tiệc.
Mẹ không thiếu tiền, nhưng cũng không để người ta ăn vạ thế này!
Muốn cưới thì tự bỏ tiền ra cưới đi!!
…
1
“Tiền sữa mẹ á?”
Tôi chỉ vào dòng ghi trong sổ, sốc không nói nên lời.
Đây là cuốn sổ ghi lại từng khoản chi nuôi con gái của nhà thông gia tương lai.
Ghi chi tiết đến mức từng lon sữa, bộ quần áo, kẹp tóc, băng vệ sinh cũng có.
Không ngờ lại có cả hạng mục “tiền sữa mẹ”.
Bà mẹ vợ tương lai, Trương Xuân Phương, ngả người trên ghế sofa với dáng vẻ ngạo mạn.
“Vì để Tiểu Khiết lớn lên khỏe mạnh, tôi phải chấp nhận thân hình xấu đi, sức khỏe giảm sút để cho bú, khoản này không nên tính à?”
Tôi bật cười chua chát.
Sinh con, nuôi con khôn lớn chẳng phải là bổn phận làm cha mẹ sao?
Thế mà còn lấy đó làm cớ để đòi tiền?
Cách hành xử này đúng là quá trơ trẽn.
Tôi không nhịn được buông một câu mỉa mai:
“Nếu tính kiểu đó, tôi cũng nên làm một cuốn sổ cho hai người nhỉ? Nuôi dạy con trai tôi thành người thế này cũng đâu phải chuyện đơn giản.”
Vừa nhắc tới tiền, Trương Xuân Phương liền trợn mắt, giận dữ nói:
“Sao có thể giống nhau được?!”
“Con gái tôi gả qua là người nhà các người rồi, chứ con trai các người đâu có về sống nhà tôi, dựa vào gì bắt tôi trả tiền?!”
“Nếu không vì Tiểu Khiết nhất quyết yêu con trai chị, tôi đã không đồng ý cuộc hôn nhân này. Ai mà chẳng biết con nhà góa phụ nuôi lớn thì không nên gả vào!”
Được lắm, không chỉ tìm cớ vòi tiền, còn lôi cả chuyện gia cảnh ra để xúc phạm tôi?
Thấy sắc mặt tôi sa sầm, ông bố vợ tương lai, Triệu Quang Minh, vội lấy cùi chỏ huých bà vợ.
Ông ta cười làm lành:
“Thông gia thông gia, bà nhà tôi ăn nói vụng về, chị đừng để bụng!”
“Nhưng đúng là như bà ấy nói, con gái tôi gả đi là nước đổ đi, coi như chúng tôi mất con gái rồi.”
“Bao năm nuôi dưỡng, cũng nên được bù đắp chút chứ? Hay thế này, tôi giảm giá cho chị, đưa 800.000 là được.”
Bán con mà còn biết khuyến mãi nữa cơ đấy.
Đúng là vợ chồng cùng giường, không ai kém ai.
Con trai tôi – Trần Hạo – sợ tôi làm hỏng hôn sự, cứ liên tục nháy mắt ra hiệu.
“Mẹ, Tiểu Khiết giỏi thế, chút sính lễ với mấy điều kiện này có là gì đâu? Mẹ đừng làm khó dễ nữa!”
Tôi lườm nó một cái, vừa giận vừa thất vọng.
Thằng nhóc này bị tình yêu làm mờ mắt, giờ người ta đã trắng trợn vòi tiền như vậy, sau này còn trò gì nữa chứ?
Tôi chẳng qua chỉ muốn dằn mặt họ một chút, vậy mà nó lại không hiểu lòng mẹ.
Thôi được, cưới thì cưới, hai đứa sống với nhau là được, đừng phiền đến tôi là xong.
Nhưng tôi không ngờ, ngay trong ngày cưới đã xảy ra chuyện…
2
Sáng sớm mùng Một, Trần Hạo dẫn theo một đoàn xe rầm rộ đi rước dâu.
Theo yêu cầu của nhà họ Triệu, cả đoàn xe đều là Rolls-Royce, Bentley, Maybach – toàn xe sang hạng nhất.
Dọc đường đi, rất nhiều người dân đứng xem náo nhiệt, thậm chí còn lên cả hot search trong thành phố.
Tôi đang ở nhà dặn dò cô giúp việc chuẩn bị lần cuối, sợ đám họ hàng nhà gái đến mà không tiếp đãi chu đáo.
Không ngờ, tài xế Lưu Cường đột nhiên gọi điện đến.
Tôi bắt máy, thắc mắc:
“Giờ này chắc các cậu tới nhà họ Triệu rồi nhỉ? Đang làm đến đoạn nào rồi?”
Lưu Cường là người lái xe chính của xe hoa, tôi đã dặn anh ta cập nhật tình hình để còn tiện ứng phó.
“Cô Linh à, bên nhà họ Triệu đông người quá, bao lì xì chúng ta mang theo không đủ rồi! Cậu chủ bảo cô nghĩ cách xử lý đi!”
Tôi sững người.