“Với lại, tôi lớn tuổi thế này rồi, bọn buôn người có gặp chắc cũng lười bắt. An toàn lắm, đừng lo!”

Chị Phượng vừa thút thít vừa hỏi tôi: “Thế… chị tính đi đâu?”

Tôi gật đầu: “Tôi tính rồi. Tôi muốn đến Bắc Kinh.”

“Nghe nói ở thành phố lớn, lương giúp việc cao. Ở tuổi tôi, mấy nhà máy bình thường đâu có nhận nữa. Suy đi tính lại, chỉ có làm giúp việc là còn kiếm được tiền.”

“Hơn nữa, từ nhỏ tôi đã muốn đến Bắc Kinh một lần. Tôi muốn leo Vạn Lý Trường Thành, muốn nhìn thấy Thiên An Môn, và muốn biết vịt quay Bắc Kinh… có vị thế nào.”

“Nửa đời trước của tôi, đều sống vì người khác.”

“Phần đời còn lại, tôi muốn sống cho chính mình một lần!”

11

Chị Cẩm Phượng lo tôi không có tiền trong người, nên nhờ con trai chị ấy mua giúp tôi vé giường nằm đi Bắc Kinh qua điện thoại.

Tôi không từ chối. Tôi nghĩ, đợi đến khi tới Bắc Kinh, tìm được việc làm rồi, sẽ trả lại tiền cho chị ấy sau.

Vừa mới ngồi lên tàu, điện thoại tôi đã đổ chuông — là con trai gọi.

“Mẹ đang ở đâu đấy? Sao nhà cửa bừa bộn thế này? Con đã bảo mẹ dọn sạch mảnh kính dưới sàn rồi cơ mà?”

Tôi khựng lại một lúc, lòng lạnh đi, hỏi nó một câu:

“Con không thấy máu dưới sàn à?”

“Tay chân mẹ đều bị mảnh kính cứa nát cả rồi. Là dì Cẩm Phượng nhà bên đã đưa mẹ đi bệnh viện.”

Đầu dây bên kia im lặng một lát, rồi giọng con trai tôi lại vang lên, khó chịu:

“Có chút thương tích nhỏ mà cũng phải nhập viện sao? Nếu khỏi rồi thì về đi, nhà cửa còn bề bộn lắm, chờ mẹ về dọn đây…”

“Tôi không về nữa.” – tôi cắt lời nó.

Lại một khoảng im lặng, rồi con trai tôi đổi giọng, quát lên:

“Mẹ nói cái gì cơ? Chỉ vì nhà mình đi ăn đồ nướng mà không rủ mẹ, mẹ định bỏ nhà đi luôn à?”

“Không phải là bỏ nhà đi. Tô Văn Bân, mẹ đi rồi, và sẽ không bao giờ quay lại nữa.”

Nói xong, tôi dứt khoát cúp máy, đưa số của con trai vào danh sách chặn, rồi xóa luôn.

Vài giây sau, chồng tôi lại gọi tới.

“Chu Tú Anh, bà bị điên hả?”

“Tôi chỉ rủ Huệ Quyên đi ăn đồ nướng, không rủ bà thì sao? Có đáng để làm ầm lên, bỏ nhà đi giữa đêm thế không?”

“Nói cho bà biết, biết điều thì mau quay về! Không thì tháng sau tôi cắt hết tiền sinh hoạt!”

Tôi gật đầu: “Được thôi. Từ nay khỏi đưa nữa, ông giữ mà cho Trần Huệ Quyên!”

Nói dứt câu, tôi cũng chặn và xóa số của chồng – Tô Chí Quốc.

Rồi đến lượt con dâu gọi tới — không cần nghe cũng biết cô ta định nói gì.

Chắc chắn lại là kiểu nói: “Tôi sinh cho nhà họ Tô một thằng cháu đích tôn, lại thêm đứa cháu gái, tôi là công thần, bà phải giúp tôi trông cháu cho tốt.”

Nhưng mà, cháu trai cháu gái có theo họ tôi đâu, liên quan gì đến tôi?

Ngày cô ấy mới về làm dâu, tôi lo mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, nên đối xử còn tốt hơn cả con trai ruột.

Ngay cả tiền sinh hoạt hàng tháng, tôi chỉ xin con trai, chưa bao giờ đụng tới tiền của con dâu.

Tôi còn dặn cô ấy để dành lương mua đồ đẹp, son phấn cho bản thân.

Tôi đối xử với con dâu hết lòng hết dạ. Nhưng tôi nhận được gì?

Cô ta chê tôi không có mặt mũi ra ngoài, thà dẫn bồ nhí của chồng tôi đi ăn đồ nướng, lo lắng phục vụ chu đáo, còn tôi thì chưa từng được mời một bữa cơm.

Nhưng cũng chẳng sao nữa. Nếu cô ta thích Trần Huệ Quyên đến vậy, thì từ nay về sau, cứ để Trần Huệ Quyên trông cháu giúp cô ta!

Tôi tiện tay chặn và xóa luôn cả số của con dâu.

Cuối cùng thì tai tôi cũng được yên tĩnh.

Bao nhiêu năm qua, trông cháu lớn rồi lại cháu bé, đã mười năm tôi không có nổi một giấc ngủ trọn vẹn.

Vậy mà hôm đó, nằm trên giường tàu, tôi ngủ một mạch tới sáng, ngon lành như chưa từng được ngủ.

Tàu bây giờ chạy nhanh thật. Mới mở mắt ra đã thấy đến Bắc Kinh rồi!

12

Vừa bước xuống tàu, tôi nhận được một loạt tin nhắn thoại và video từ chị Cẩm Phượng.

“Tú Anh, chị xem đi! May mà tối qua chị trốn đi sớm, không thì hôm nay mệt xỉu luôn đấy.”

Trong video, nhà họ Tô đang loạn hết cả lên từ sáng sớm.

Tối qua ăn đồ nướng về đến nhà thì đã một giờ sáng, ai nấy nóng nực, mệt mỏi, tắm rửa xong là leo lên giường ngủ, chẳng ai buồn dọn đống kính vỡ dính máu dưới sàn.

Sáng ra, chồng tôi — Tô Chí Quốc — vừa ngủ dậy đi vệ sinh thì trượt chân, ngã thẳng vào mảnh kính.

Ông ta gào rú thảm thiết, bắt con trai đưa đi bệnh viện ngay.

Nhưng con dâu tôi thì nói sắp trễ giờ làm, bảo chồng đưa cô ta đi trước đã…

Đúng lúc đó, bé Xuyên Xuyên cũng bật khóc đòi uống sữa.

Bình thường giờ này, tôi đã dậy nấu bữa sáng cho cả nhà, nhà cửa dọn dẹp sạch bóng, sữa cho cháu cũng đã pha sẵn.

Nhưng hôm nay, không còn tôi – người giúp việc không công luôn nhẫn nhịn – nhà chẳng ai dọn, quần áo thay từ tối qua cũng chẳng ai giặt.

ĐỌC TIẾP : https://vivutruyen.net/nguoi-me-bi-bo-quen-trong-ngay-sinh-nhat/chuong-6