Sắp đến Tết, tôi và chồng chuẩn bị lái xe về quê.
Ngay ngày xuất phát, “bạch nguyệt quang” trong lòng chồng ôm chó đến, khóc lóc kể lể rằng cô ta không mua được vé tàu.
Chồng tôi lập tức đuổi tôi xuống xe:
“Có thêm con chó thì quá số người rồi. Em tự đi mua vé tàu mà về quê.”
Nhưng anh ta rõ ràng biết vé tàu đã bán hết từ lâu rồi mà!
Mẹ chồng cũng tỏ vẻ khó chịu:
“Tiểu Mai đang sốt, con nhẫn tâm nhìn nó không có xe mà đi à?”
Tôi nhìn những bông tuyết rơi dày đặc ngoài trời, dứt khoát xuống xe, đồng thời dọn hết mấy món đồ Tết tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chồng khinh thường nói:
“Đồ keo kiệt! Mấy món đồ Tết đó ai mà quan tâm, cầm đi cho khuất mắt!”
Tôi khẽ cười.
Họ đâu biết rằng, tận thế giá lạnh sắp ập đến rồi.
Những món đồ Tết họ chê bai không đáng giá kia, sau này sẽ là bảo vật cứu mạng.
1
“Gia Tĩnh, Tiểu Mai đang sốt, lại còn ôm theo một con chó. Xe mình vượt quá số người rồi, em tự tìm cách mua vé tàu về nhé.”
Bạch nguyệt quang của chồng ngồi bên khóc lóc:
“Anh Chí Thành, chị dâu, em xin hai người đó… Em đang sốt, người không còn sức lực nữa…”
Mẹ chồng thì xót xa nhìn cô ta:
“Con khỏe mạnh thế, sao lại tranh chỗ với người bệnh làm gì?”
Tôi đang sắp xếp đồ Tết vào cốp xe, nghe đến đây thì dừng lại.
“Giờ tất cả vé tàu đều bán hết rồi, em về kiểu gì?”
Chồng né tránh ánh mắt tôi:
“Bố mẹ lớn tuổi, Tiểu Mai thì sốt, anh phải lái xe… Đành để em chịu thiệt chút.”
Tôi bật cười lạnh lùng. Đúng là… lời nói chẳng khác gì kiếp trước!
Tôi đã sống lại. Khi mở mắt ra lần nữa, tôi quay lại đúng cái ngày cả nhà chuẩn bị về quê ăn Tết.
Kiếp trước, chồng vì thương Tiểu Mai bị sốt, nhất định đòi đưa cô ta theo. Tôi phản đối kịch liệt, giữ được chỗ của mình.
Trên đường về quê, gặp bão tuyết, nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống âm 34 độ.
Rất nhiều xe bị kẹt cứng trên đường cao tốc. May mắn là tôi chuẩn bị rất nhiều đồ Tết, trong đó có cả hai cái chăn mới. Nhờ mấy món đó mà cả nhà cầm cự được năm ngày.
Sau đó, chồng nhận được một cú điện thoại, liền quay sang tôi gào lên:
“Tất cả là tại em máu lạnh vô tình, Tiểu Mai bị chết cóng rồi! Nếu cô ấy lên được xe của anh, đã không chết như thế!”
Anh ta hận tôi đến tận xương tủy. Lúc đồ ăn ngày càng cạn kiệt, anh và bố mẹ chồng bàn bạc âm thầm giết tôi.
Trước khi chết, tôi quỳ gối cầu xin anh tha mạng.
Anh giẫm lên mặt tôi, gương mặt dữ tợn:
“Cô chết đi, bớt một người ăn, chúng tôi có thể sống thêm vài ngày. Chính cô hại chết Tiểu Mai, cô phải đền mạng cho cô ấy!”
“Nghe thấy không? Có đồng ý hay không?”
Lời chồng khiến tôi bừng tỉnh, kéo tôi trở lại hiện thực.
Tôi ngẩng đầu, nhìn tuyết rơi mỗi lúc một dày, chợt có ý nghĩ trong đầu.
“Tôi đồng ý nhường chỗ. Nhưng đồ Tết là tôi mua, tôi giữ lại.”
Nghe tôi nói vậy, Tiểu Mai liền bật cười:
“Chị dâu à, chị keo kiệt thật đó. Chỉ là chút đồ Tết thôi mà.”
Mẹ chồng cũng tiếp lời:
“Thì để lại đi, ai mà thèm. Về quê tôi mua lại cái khác, còn đắt tiền hơn mấy cái này ấy chứ!”
Tôi cười thầm trong bụng.
Đám người này không biết, chỉ lát nữa thôi, những món đồ Tết mà họ chê bai sẽ là thứ giữ mạng người trong tận thế bão tuyết.
Trước khi đi, Tiểu Mai ghé sát tai tôi thì thầm:
“Chị dâu, anh Thành vẫn để ý em hơn đấy. Chị ghen tị phải không?”
Ghen tị sao?
Tôi nhìn bọn họ hớn hở lái xe lên đường — con đường lao thẳng đến cái chết — tôi có gì phải ghen tị?
Sau khi cả nhà chồng lái xe rời đi, tôi đứng nhìn trời tuyết mỗi lúc một dày, lặng lẽ trầm tư.
Thời gian của tôi không còn nhiều. Nhiều nhất là hai ngày nữa thôi, hàng loạt thành phố sẽ bị bao phủ bởi bão tuyết.
Tôi quyết định ở lại thành phố, từ bỏ việc về quê.
Tôi lập tức gọi điện cho ba mẹ, gửi cho họ một danh sách những món đồ cần chuẩn bị để đối phó với thời tiết cực đoan.
Ba tôi hơi nghi ngờ khi thấy trong danh sách có cả máy phát điện quay tay, tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng vẫn gật đầu đồng ý chuẩn bị theo yêu cầu. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Chiếc xe duy nhất trong nhà bị Ngô Chí Thành lái đi rồi, tôi chỉ có thể bắt taxi.
Tôi cần phải tích trữ thật nhiều vật tư, càng nhiều càng tốt. Kiếp trước tôi chết quá sớm, chẳng biết tận thế sẽ kéo dài bao lâu. Chỉ có thể chọn cách tích trữ càng nhiều càng tốt.
Tôi không thể ở lại căn nhà hiện tại nữa. Tôi lo nhà chồng không chết trên đường thì cũng quay lại tìm tôi.
Để đảm bảo an toàn, tôi cần một chỗ trú ẩn mới.
Chẳng mấy chốc, tôi đã chọn được nơi:
Biệt thự ở quê của bà ngoại cô bạn thân.
2
Căn biệt thự tôi định đến cách đây không xa, lái xe chỉ mất nửa tiếng. Gia đình cô bạn thân tôi đã chuyển vào sống ở Hải Nam từ lâu, nên căn biệt thự này bị bỏ hoang nhiều năm.
Tôi đã xin phép cô ấy và dặn dò thêm rằng cũng nên tích trữ vật tư. Bởi ở kiếp trước, ngay cả một nơi ấm áp như Hải Nam cũng bị kéo vào đợt cực lạnh khắc nghiệt.
Việc đầu tiên tôi làm là đến ngân hàng rút khoản tiết kiệm định kỳ — tổng cộng được hai trăm triệu. Sau đó, tôi vay thêm ở tất cả các nền tảng có thể vay được, miễn là trong khả năng chi trả sau khi bán nhà.
Trong tay có tiền, tôi thấy yên tâm hơn nhiều. Tôi bắt taxi đến siêu thị lớn nhất trong thành phố, bắt đầu mua hàng loạt thực phẩm.
Tận thế đến rồi, nếu chỉ ru rú trong nhà mà không có gì để ăn thì chán chết mất. Tích trữ đồ ăn là việc bắt buộc.
Về thực phẩm, tôi ưu tiên những loại bảo quản lâu được. Gạo, bột mì — mỗi loại tôi mua ba trăm bao. Bánh quy nén giúp no lâu, tôi lấy mười thùng. Đồ hộp có thời hạn sử dụng dài và vẫn giữ được dinh dưỡng — trái cây hộp, thịt hộp, hải sản hộp, tôi mua năm mươi thùng. Mì gói, lẩu tự sôi — tôi chọn các vị hợp khẩu vị, gom tổng cộng một trăm thùng.
Vật dụng sinh hoạt cũng không thể thiếu. Giấy vệ sinh, băng vệ sinh — tôi mua đủ dùng trong hai năm. Gia vị, đường, dầu ăn — tôi cũng mua số lượng lớn. Các loại snack như hạt khô, socola, bánh quy, khoai tây chiên… tôi không bỏ qua món nào. Nước ngọt có gas cũng là thứ không thể thiếu.
Về nước uống, tôi mua đủ nước suối đóng chai cho một người dùng trong một năm. Ngoài ra, tôi đặt mua thiết bị lọc nước đơn giản, vì mua trong nội thành nên hôm sau là giao tới.
Lo sợ mất điện, tôi mua thêm một thùng nến.