5

Quá trình sinh của tôi không thuận lợi.

Có lẽ do bị kích động quá mức.

Dù đã gần như dốc hết sức, đứa trẻ vẫn chưa chịu ra đời.

Cơn đau dần dần làm mờ đi cả thính giác của tôi, cả thế giới như co lại dưới ánh đèn phẫu thuật chói lòa…

Giọng của nữ hộ sinh vang lên như từ nơi xa lắm:
“Nhanh! Sản phụ có dấu hiệu mất ý thức, nhịp tim thai giảm mạnh, chuẩn bị chuyển mổ cấp cứu—”

Trong giấc mơ, một bé gái trắng trẻo chừng bốn, năm tuổi vẫy tay gọi tôi:
“Mẹ ơi, mẹ ơi—”

Khi tôi tỉnh lại, Trần Tấn đang gục trên mép giường bệnh, tay vẫn nắm chặt tay tôi.

Tôi khẽ dùng sức rút tay ra.

Anh lập tức tỉnh dậy, gương mặt phờ phạc sáng lên niềm vui:
“Vy Vy, em tỉnh rồi à?”

Tôi định nói, mới phát hiện cổ họng khô khốc, không phát ra tiếng nào.
Trần Tấn vội vàng rót ly nước ấm, đưa đến bên môi tôi.

Anh còn chu đáo cắm sẵn ống hút cho tôi.

Tôi hỏi:
“Con đâu rồi?”

Anh ôm chầm lấy tôi, phấn khích:
“Vợ ơi, cảm ơn em, em sinh được một tiểu công chúa! Em vất vả rồi.”

“Con được y tá đưa đi tắm rồi.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghiêng đầu sang một bên, không nói thêm gì nữa.

Ngoài cửa sổ, trời tối đen như mực.
Lúc tôi vào viện, vẫn còn là buổi sáng. Vậy mà… đã trôi qua lâu đến vậy rồi.

Trần Tấn thấy tôi không muốn nói chuyện, dường như muốn xoa dịu không khí, liền luyên thuyên kể:

“Vy Vy, em không biết đâu, bên lễ cưới xảy ra chuyện lớn lắm!”

“Tên chú rể mà Giang Niên Niên lấy ấy, hóa ra lại là gay!”

“Trên màn hình lớn của lễ đường, không biết ai đã thay toàn bộ ảnh cưới của họ thành ảnh chú rể nằm trên giường với một người đàn ông khác, cả hội trường nổ tung luôn!”

6

Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, cắt ngang lời anh ta:
“Ra ngoài đi, tôi không muốn nghe nữa.”

Trần Tấn dè dặt quan sát sắc mặt tôi:
“Vy Vy, em vẫn còn giận sao?”

“Bốp!” — Anh ta cầm lấy tay tôi, tự tát mình một cái.

“Vy Vy, em đánh anh đi, miễn là em hả giận.”
“Em không thích nghe chuyện về Giang Niên Niên, sau này anh sẽ không nhắc tới nữa, được không?”

Tôi lặng lẽ nhìn anh ta:
“Tùy anh. Tôi mệt rồi, muốn nghỉ. Anh đi đi.”

Trần Tấn gật đầu:
“Được, anh về nhà nấu bữa tối cho em.”

Cánh cửa phòng bệnh “cạch” một tiếng, đóng lại.

Không lâu sau, y tá đẩy xe nôi em bé vào phòng.

Gương mặt nhỏ nhắn, trắng trẻo, bụ bẫm khiến tôi không kìm được đưa tay khẽ chạm.

Cô bé nhắm mắt, vô thức cọ cọ vào tay tôi.

Trái tim tôi như bị tan chảy.

Đây là đứa bé tôi đã mang nặng đẻ đau suốt mười tháng sao?

Là người thân duy nhất còn lại trên thế giới này của tôi.

Y tá bế con bé lại gần, dạy tôi cách cho con bú.

Tôi cố gắng một hồi lâu mới phát hiện sữa mình ra rất ít.

Y tá mỉm cười, nhẹ nhàng giải thích cho tôi những kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ.

Ví dụ như sau sinh không nên uống quá nhiều canh thịt, mà canh rau lại giúp kích sữa tốt hơn.

Hay cảm xúc của mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng sữa.

Tôi ghi nhớ từng lời, rồi hỏi:
“Cho tôi hỏi, muốn đặt suất ăn ở bệnh viện thì làm như thế nào?”

7

Trần Tấn đã phản bội lòng tin của tôi hết lần này đến lần khác. Tôi sẽ không trông cậy gì vào anh ta nữa.

Tôi thuê một hộ lý nhiều kinh nghiệm để chăm sóc tôi và em bé.

Chỉ cần bảy ngày, tôi sẽ chuyển lên trung tâm chăm sóc sau sinh trên tầng bệnh viện.

Trần Tấn đến lúc tôi đang ngủ, động tĩnh không nhỏ. Đèn vừa bật lên, tôi lập tức tỉnh dậy.

Hộ lý ngồi cạnh giường cũng giật mình.

Trần Tấn luống cuống mang bình giữ nhiệt đến đặt lên bàn cạnh giường.

Anh ta lau mồ hôi trên trán:
“Xin lỗi Vy Vy, anh đến muộn. Đây là canh gà già anh nấu riêng cho em, nghe nói rất tốt để ra sữa.”

Tôi nhìn lớp mỡ vàng nổi lềnh bềnh trên bề mặt, cảm giác buồn nôn dâng lên.

Hộ lý xen vào:
“Ai nói canh gà già lợi sữa? Không những không có tác dụng, mà còn ức chế tiết sữa nữa.”

Trần Tấn sững người:
“Cô là ai?”

“Tôi là hộ lý do cô Thẩm thuê trong thời gian nằm viện.”

Trần Tấn nhíu mày, nhìn về phía tôi:
“Vy Vy, em thuê hộ lý làm gì? Anh đã xin nghỉ nửa tháng để chăm sóc em rồi mà.”

Tôi khẽ nhếch môi, giọng đầy châm chọc:
“Đợi anh chăm sóc thì chắc tôi chết đói mất.”

“Lúc đó, ‘em gái tốt’ của anh chắc lại đau lòng lắm.”

Trần Tấn nghẹn lời, sau đó vội vàng mở nắp hộp thức ăn khác.

“Không sao, em không uống canh gà thì thử món khác. Thịt kho tàu, tôm xào tỏi, trứng chiên hẹ.”

Hộ lý lại lên tiếng: “Sản phụ vừa sinh xong không nên ăn đồ quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là hải sản là đồ gây dị ứng, không tốt cho vết mổ hồi phục. Còn hẹ thì lại làm mất sữa.”

Gương mặt điển trai của Trần Tấn đỏ bừng, anh ta bực dọc ném nắp hộp giữ nhiệt sang một bên, quay sang ra lệnh:
“Cô ra ngoài!”

Tôi chỉ tay ra cửa, lạnh lùng nói:
“Người nên ra ngoài là anh.”

“Anh đang làm ồn đến con tôi đấy.”

Trước ánh mắt bình tĩnh của tôi, Trần Tấn cuối cùng cũng chịu thua.

Anh ta rời đi, mang theo uất ức và tức giận.

8

Tôi không quan tâm trong lòng anh ta nghĩ gì.
Nếu thật sự có lòng, thì đã không nấu món nào cũng trúng ngay “điểm cấm”.

Huống hồ gì…
Giao đồ ăn vào lúc một giờ sáng?

Tôi tưởng với tính cách của Trần Tấn, ngày hôm sau chắc chắn anh ta sẽ không đến nữa.

Không ngờ, anh ta lại đến.
Còn mang theo suất ăn sau sinh.

Kết quả?
Lại một lần nữa “trúng mìn”.

Là canh móng giò với một lớp mỡ dày nổi lềnh bềnh phía trên.

Quá béo, hộ lý nói dễ làm tắc tia sữa, trong tuần đầu sau sinh tốt nhất đừng đụng đến.

Tôi bảo anh ta đừng mang tới nữa, bệnh viện có suất ăn riêng dành cho sản phụ.

Sắc mặt Trần Tấn có chút khó coi, nhưng vẫn cố gượng giọng:
“Anh sẽ tiếp tục mang đến.”

Đưa đồ ăn xong, anh ta cũng không chịu rời đi.

Mấy lần định mở lời, lại không biết nói gì, cứ quanh quẩn trong phòng.

Tôi xem anh ta như không khí.

Khi thì vịn tay hộ lý xuống giường tập đi.
Khi thì chơi với con, cho con bú.
Hoặc trò chuyện với hộ lý, học vài mẹo chăm bé.

Sau đó, chắc là cảm thấy tự mình làm khó mình, Trần Tấn lặng lẽ rời đi.

Cứ như thế, năm ngày liên tiếp, Trần Tấn mang đồ ăn đến cho tôi.

Tôi không đụng một miếng.

Bởi vì… lần nào anh ta cũng “vô tình” mang đến những món tôi không thể ăn.

Đến ngày thứ sáu, anh ta mang đến một hộp giữ nhiệt đựng chè rượu nếp với bánh trôi.

“Vy Vy, trước đây em thích món này nhất mà? Đây là công thức của Niên— à không, anh làm theo công thức, em thử xem?”

Dù anh ta đổi giọng rất nhanh, tôi vẫn nghe rõ chữ “Niên” lỡ miệng.

Thì ra là vậy.

Dù Trần Tấn có ngu đến đâu, cũng không thể bữa nào cũng sai toàn món kiêng của sản phụ.

Hóa ra… phía sau có người cố ý.

Tôi chợt nhớ lại bài đăng của Giang Niên Niên trên mạng xã hội hôm qua, chỉ là ảnh bữa cơm đơn giản.

Chú thích bên dưới là:
“Món anh trai thích nhất.”

Trùng hợp thay, giống hệt với bữa tối Trần Tấn mang đến hôm qua.

Hộ lý lại lên tiếng nhắc nhở:
“Anh Trần, trong món này có rượu. Vợ anh đang cho con bú, không được dùng.”

Sắc mặt Trần Tấn lập tức tối sầm lại.

Anh ta nắm chặt tay, nhìn tôi chằm chằm:
“Thẩm Vy, em thấy vui lắm đúng không? Em cố ý sai người bắt lỗi anh à?”

Tôi thầm đảo mắt trong lòng:
“Tôi còn chẳng rảnh đâu. Mà nói thật, tôi cũng chẳng thèm ăn đồ ăn thừa của người khác.”

Nghe đến đó, Trần Tấn khựng lại, theo phản xạ mà biện hộ:
“Không phải đồ thừa! Là anh và Niên Niên chưa ăn thì đã lấy phần cho em rồi.”

Trần Tấn luống cuống, lỡ miệng nói ra sự thật.

Dưới ánh mắt nửa cười nửa không của tôi, mặt anh ta đỏ lên từng chút một.
Cuối cùng như nhận thua, cúi đầu, nói lí nhí:

“Được rồi… Được rồi… Suất ăn sau sinh mấy ngày qua đều là Niên Niên nấu.”
“Cô ấy vất vả nấu từng bữa, anh cũng không nỡ đuổi đi ngay, nên mới ăn cùng cô ấy phần còn lại.”
“Niên Niên cảm thấy hôm em sinh mà gọi anh đi là có lỗi, nên cô ấy muốn chuộc lỗi bằng cách nấu đồ ăn cho em. Tay còn bị bỏng khi nấu cơm đấy.”
“Thật ra cô ấy không muốn anh nói với em là cô ấy nấu, Vy Vy… Niên Niên thật sự không có ý xấu. Anh chỉ muốn em đừng hiểu lầm cô ấy.”

“Sao em không thể giống anh, chỉ coi cô ấy là em gái thôi…”

Giọng Trần Tấn càng nói càng nhỏ, cuối cùng ngay cả chính anh cũng nói không nổi nữa.

Anh nghĩ tôi sẽ tức giận, sẽ nổi đoá.

Nhưng tôi phát hiện, mình chẳng có cảm giác gì cả.

“Ly hôn đi.”

Từ ngày tôi vỡ ối – ngày dự sinh – ý nghĩ ly hôn đã quanh quẩn trong đầu tôi.

Đến khi nói ra rồi,
trong lòng bỗng nhẹ đi hẳn…
Như một tảng đá lớn cuối cùng cũng rơi xuống.