13
Giang Trạch đối với tôi thật sự rất tốt, ngoài bố mẹ ra, anh ấy là người tốt với tôi nhất.
Anh ấy luôn chăm sóc tôi một cách vô thức, mỗi ngày đều thay đổi đủ kiểu bánh ngọt mang đến cho tôi.
Một món đồ nếu tôi chỉ nhìn lâu hơn một chút, thì hôm sau nó nhất định sẽ nằm gọn trên bàn tôi.
Mỗi khi đến lượt tôi phụ trách vẽ bảng tin lớp, không cần hẹn, anh ấy luôn đến lớp sớm hơn tôi, mua sẵn bữa sáng đặt ngay ngắn trên bàn.
Tôi thấp bé, nên mỗi lần vẽ bảng đều phải đứng lên ghế.
Giang Trạch lo lắng vô cùng, sợ tôi trượt chân, sợ tôi té, sợ tôi trẹo mắt cá.
Thế là anh ấy luôn kiên quyết phải giữ chặt cái ghế cho tôi mới yên tâm.
Dù còn ngái ngủ, anh ấy cũng vừa ngáp vừa nắm ghế, không dám rời tay.
Trời nóng quá, anh ấy sẽ lấy chai soda lạnh đặt lên má tôi để giúp tôi mát hơn.
Quen thân rồi, Giang Trạch dường như cũng chẳng thèm giả vờ lạnh lùng nữa.
Vì vậy, tôi thật khó mà liên hệ anh ấy với cái hình tượng “Giang Trạch truyền kỳ” trong lời đồn.
Tôi thấy mấy tin đồn toàn là bịa đặt.
Rõ ràng Giang Trạch tôi quen — vừa kiêu ngạo, vừa trẻ con — hoàn toàn không đáng sợ chút nào cả.
Tôi và Giang Trạch ngày càng thân thiết, thế là bắt đầu xuất hiện những lời bàn tán kiểu “gái ngoan chơi chung với học sinh cá biệt”.
Không biết ai đã lan truyền đến tai giáo viên chủ nhiệm, tôi bị gọi vào văn phòng để “nhắc nhở”.
Cô giáo nhìn tôi, giọng nhẹ nhàng đầy quan tâm:
“Tiểu Tranh, cô hiểu con mà. Con là một học sinh rất ngoan, bố mẹ cũng dạy con rất tốt, con…”
Còn chưa nói hết câu, tôi đã ngắt lời:
“Cô muốn nói là, không nên chơi với bạn Giang Trạch, đúng không ạ?”
Cô gật đầu, vẻ mặt nhẹ nhõm như thể tôi rất hiểu chuyện:
“Cô biết con là một học sinh tốt. Thành tích của con đủ sức thi vào Thanh Hoa hay Bắc Đại. Cô tin là con biết rõ điều quan trọng nhất lúc này là gì.”
Tôi im lặng đứng đó. Tôi là kiểu học sinh nhút nhát trong lớp.
Tính tình hiền lành, mềm mỏng, nhát đến mức chẳng dám phản kháng.
Nếu là trước đây, ai nói gì tôi cũng gật đầu làm theo, chưa từng cãi lại ai.
Nhưng giờ, hình như tôi không thể chịu nổi khi có người nói xấu Giang Trạch nữa rồi.
Tôi nhìn thẳng vào cô giáo:
“Cô ơi, từ khi nào mà thành tích lại là tiêu chuẩn để đánh giá một học sinh tốt hay xấu vậy ạ? Con thấy bố mẹ bạn Giang cũng đã dạy bạn ấy rất tốt.”
Cô chủ nhiệm sững người, như không ngờ tôi lại phản bác, biểu cảm trên mặt cứng đờ:
“Cô không có ý đó, Tiểu Tranh à. Cô chỉ muốn nói là… con nên giao lưu nhiều hơn với những bạn học giỏi, như vậy thành tích của con sẽ tốt hơn.”
“Cô không nói bạn Giang Trạch không tốt, chỉ là cô lo bạn ấy sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Dù sao đây cũng là thời điểm rất quan trọng.”
Tôi khẽ mỉm cười, giọng bình thản:
“Cô ơi, con vẫn không đồng ý với quan điểm đó. Kết quả học của con phụ thuộc vào năng lực, không phải vì con chơi với ai. Bạn Giang Trạch sẽ không ảnh hưởng đến thành tích của con đâu.”
Cô giáo càng lúc càng khó xử, định nói thêm gì đó thì tôi đã cầm bài kiểm tra, không muốn ở lại thêm:
“Cô ơi, con còn bài cần ôn, con xin phép về lớp trước ạ.”
Nhưng vừa bước ra khỏi văn phòng, tôi đã khựng lại.
Ngoài cửa, Giang Trạch đang đứng dựa vào tường, hai tay đút túi, trong tay xách một túi cà chua bi đã rửa sạch.
14
Tôi không biết anh ấy đến từ bao giờ, cũng không rõ đã nghe được bao nhiêu.
Tôi nhẹ nhàng gọi:
“Giang Trạch.”
Anh ấy đứng thẳng, ánh mắt đen thẫm không lộ rõ cảm xúc.
Tôi nhìn anh ấy, hơi lo lắng:
“Bạn đừng để ý đến mấy lời ban nãy…”
Chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị búng một cái lên trán.
Tôi kêu lên đau, ôm lấy trán:
“Làm gì vậy!”
Giang Trạch cong mắt, giọng dịu dàng bất ngờ:
“Nghĩ gì lung tung đấy? Tôi ổn mà.”
Anh ấy xoa xoa trán tôi:
“Không phải bảo về làm bài à? Về đi, cà chua bi này rửa sạch rồi đấy, mang về ăn đi.”
Nói rồi, anh đưa túi cà chua cho tôi rồi quay người đi thẳng.
Anh ấy giả vờ như không sao, nhưng tôi lại thấy rõ ánh mắt anh vừa rồi tối đi rất nhiều.
Trước kia không ai dám nói xấu Giang Trạch, vì anh ấy có tiền, có thế, đánh nhau thì khỏi bàn.
Nhưng bây giờ, có lẽ vì anh ấy ngoan ngoãn quá lâu rồi, nên người ta dần quên mất… anh từng là kiểu người như thế nào.
Khi Giang Trạch quay lại lớp mình, ai cũng nhìn ra trạng thái của anh không ổn, chẳng ai dám lên tiếng, sợ chọc giận anh.
Ai cũng nghĩ anh nhất định sẽ truy ra kẻ tung tin đồn và “xử” người đó cho hả giận.
Nhưng không — Giang Trạch cả ngày hôm đó chỉ im lặng ngồi một chỗ.
Ngày hôm sau, anh không nói không rằng, tự kéo bàn của mình từ hàng cuối lên ngay cạnh bục giảng.
Đối diện với ánh mắt ngạc nhiên của giáo viên, anh thản nhiên ngồi xuống, nhìn thẳng cô giáo:
“Ngồi đây nghe giảng rõ hơn. Cô cứ tiếp tục dạy đi ạ.”
Ai cũng biết, nhà họ Giang giàu có cỡ nào, quyên góp cho trường không biết bao nhiêu.
Máy lạnh, thư viện, sân thể thao… toàn là nhà họ Giang tài trợ.
Đừng nói là đổi chỗ ngồi, Giang Trạch mà muốn hái sao trên trời, chắc giáo viên cũng phải tìm cách đưa được xuống.
Giáo viên có thể không ưa anh ấy, nhưng không ai dám nói thẳng mặt.
Thế mà anh lại không chọn cách bịt miệng dư luận, mà chọn thay đổi bản thân.
Lúc tôi biết chuyện, trong lòng có một cảm xúc khó gọi tên dâng lên.
Giang Trạch… hình như còn tốt hơn những gì tôi tưởng.
Thế là lớp 11, ban 8 – lớp học có thành tích tệ nhất – bắt đầu xuất hiện hiện tượng khiến ai cũng phải bất ngờ.
Anh Giang “trùm lớp” của họ, mỗi lần gặp bài khó là kéo ghế bạn học đứng đầu lớp qua, ngồi xuống hỏi:
“Câu này hình như hơi khoai nhỉ?”
Đứa đứng đầu lớp run rẩy cầm bút:
“Cái này… cái này là câu cơ bản mà…”
Giang Trạch cau mày, đọc lại đề một cách nghiêm túc:
“Cơ bản đến mức nào?”
Thủ khoa lớp ấp úng:
“Câu này… là câu cho điểm.”
Giang Trạch cầm bút, nhàn nhạt nói:
“Ồ, tôi không biết làm.”
Thế là thủ khoa lớp lau mồ hôi trên trán, run rẩy lôi sách toán ra, bắt đầu giảng cho Giang Trạch từ… trang đầu tiên.
Về sau, bàn học của cậu ta cũng bị Giang Trạch kéo lên ngồi cạnh bục giảng, trở thành bạn cùng bàn “bất đắc dĩ”.
15
Mỗi ngày tan học, tôi tự nguyện trở thành “gia sư tại chỗ” cho Giang Trạch.
Tôi muốn anh ấy tiến bộ, nên càng lúc càng thân với anh hơn.
Nhưng mỗi ngày đối mặt với gương mặt đẹp trai như vậy, trong lòng thật sự khó mà không rung động.
Không biết từ khi nào, số lần tôi đỏ mặt ngày một nhiều, nhịp tim đập cũng ngày một nhanh hơn.
Giang Trạch tốt với tôi đến mức khiến tôi không thể nào tiếp tục làm ngơ với cảm xúc trong lòng.
Tôi cắn bút, cuối cùng cũng không nhịn được mà hỏi:
“Giang Trạch.”
“Hửm?”
“Tại sao… bạn lại đối xử tốt với mình như vậy?”
Giang Trạch ngừng lật sách, buột miệng đáp:
“Thích thì mới muốn đối xử tốt chứ. Đối xử tốt với bạn, mình vui. Vậy thôi, không có lý do.”
Ngoài cửa sổ, gió khẽ lướt qua ngọn cây, xào xạc.
Nắng rọi nghiêng nghiêng lên gương mặt nghiêng góc cạnh của Giang Trạch, trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ còn nghe thấy nhịp tim của chính mình.
Ánh mắt anh ấy quá đỗi chân thành, như có điều gì đó sắp thốt ra khỏi miệng.
Tôi hoảng hốt quay mặt đi.
Tôi cảm nhận được sự rung động trong lòng mình — nhưng tôi không thể nào đáp lại tình cảm ấy.
Bố mẹ tôi đều là giáo viên. Tình yêu của họ, đi kèm với kỷ luật và kỳ vọng.
Tình cảm giữa họ từ lâu đã cạn kiệt, nhưng vì tôi mà họ vẫn gượng ép sống chung.
Tôi lớn lên trong một môi trường nghiêm khắc. Trong nhận thức của tôi từ bé — học sinh thì không được yêu sớm.
Điều họ nói nhiều nhất chính là:
“Con là tất cả của ba mẹ. Mọi tâm huyết của ba mẹ đều dồn vào con. Những điều ba mẹ làm, đều là vì con. Đừng để ba mẹ thất vọng, được không?”
“Nghe lời ba mẹ, đừng gây chuyện, đừng mơ mộng mấy thứ vớ vẩn. Tập trung học hành. Nếu mà dám yêu đương, thì cả đời con coi như xong.”
Thật ra, tôi không tin rằng chỉ vì yêu sớm mà cuộc đời một người sẽ hủy hoại.
Nhưng tôi cũng không muốn khiến bố mẹ mình thất vọng.
Họ không muốn tôi làm gì, tôi sẽ không dám làm.
Tình cảm không thể đáp lại, tâm tư thiếu nữ không thể kìm nén — tôi bị mắc kẹt giữa hai chiều suy nghĩ.
Tôi không biết phải đối mặt với Giang Trạch thế nào.
Tôi ghét chính bản thân mình — lúng túng, rụt rè, yếu đuối.
Nhưng tôi không ngờ, khoảng cách giữa tôi và Giang Trạch lại đến nhanh như vậy.