Mẹ tôi lập tức khen: “Bảo bối ngoan quá.” Rồi quay sang nhìn tôi.

Bà ném hạt dưa vào đĩa, hừ lạnh một tiếng: “Hứa Phan, tao biết ngay là mày ích kỷ. Đến lúc nguy hiểm thật, chắc chắn mày không cứu tao nổi.”

Vậy là, chỉ vì một truyền thuyết cổ lỗ sĩ nhảm nhí, tôi lại bị gán cho cái tội bất hiếu.

Nhưng lần này thì khác.

Khi mẹ vừa nhắc đến chuyện “hiếu thảo là phải cắt thịt cho mẹ ăn”, tôi không vội vã lên tiếng.

Tôi quay sang nhìn Hứa Miêu.

Cô ta vẫn giữ nụ cười đầy tự tin như kiếp trước, lại lần nữa nép vào lòng mẹ, nũng nịu nói:
“Mẹ ơi, nếu mẹ bệnh, con cắt bao nhiêu thịt cũng được.”

Mẹ hôn nhẹ lên má cô ta, hài lòng vô cùng. Rồi ngẩng đầu lên, nhìn tôi bằng ánh mắt ghét bỏ thẳng thừng.

Tôi vươn vai một cái, vừa làm bài tập bảo vệ mắt, vừa lười biếng nói:

“Nhưng con hy vọng mẹ sống lâu trăm tuổi, mãi mãi không bao giờ bị bệnh.”

Mẹ tôi sững người nhìn tôi đầy kinh ngạc.

Bà chắc không hiểu sao đứa con gái lúc nào cũng đờ đẫn, bị chê là bất hiếu như tôi, đột nhiên lại nói chuyện trôi chảy như vậy.

Mẹ ngẩn ra vài giây rồi hếch miệng mỉa mai: “Hứa Phan, có phải mày không muốn cắt thịt cho tao nên mới nói vậy không?”

Tôi cười khẽ, ghé sát lại gần mẹ, bắt đầu vén áo bà lên. “Mẹ thương bà ngoại như thế, để con xem thử mẹ đã cắt chỗ nào cho bà ăn nhé?”

Mợ đang hóng chuyện bên cạnh không nhịn được, bật cười “phụt” một tiếng.

Mẹ tôi lập tức đổi sắc mặt, hất tay tôi ra rồi chỉnh lại áo quần.

“Hứa Phan! Mày lại phát điên gì đấy? Không phải giáo viên nói mày là học sinh giỏi sao? Học sinh giỏi mà cũng tin mấy chuyện ngu ngốc thời xưa à?”

Mẹ tôi là thế đấy.

Những lời người khác khen tôi, bà luôn biến nó thành vũ khí để châm chọc lại tôi.

Tôi quay lại bàn trà, tiếp tục ngồi làm bài, vừa làm vừa đáp tỉnh queo:

“Nhưng lúc nãy em gái cũng tin mà, sao mẹ không chê bai em? Vì em học dốt không phải học sinh giỏi à?”

Câu này như chọc đúng tổ kiến lửa. Mẹ lập tức ôm lấy Hứa Miêu, đang đỏ hoe cả mắt, rồi chỉ vào tôi, gằn giọng:

“Hứa Phan! Mày bớt bày trò chia rẽ tình cảm mẹ con tao đi!”

Cứ như tôi không phải là con gái bà vậy.

Mẹ tôi bắt đầu lải nhải như súng liên thanh: “Hứa Phan, học giỏi thì sao? Học rồi đổ vào bụng chó à? Mấy tháng trước mẹ bị gãy xương, không phải Miêu Miêu xin nghỉ học về chăm mẹ đấy à?”

Chuyện là thế này— Mấy tháng trước mẹ bị xe điện đâm vào chân, ngón chân út bị rạn xương.

Bác sĩ bảo không nghiêm trọng.

Nhưng mẹ lại nhân cơ hội đó để thử lòng tôi và Hứa Miêu, hỏi đứa nào có thể xin nghỉ học ở nhà chăm bà.

Hứa Miêu thì học dở tệ, thi cấp hai không đủ điểm, mẹ phải chạy vạy đủ kiểu mới cho vào được trường nghề.

Nhưng vào rồi thì ngày nào cũng hút thuốc, uống rượu, trốn học, đánh nhau, thành tích xếp thứ tám từ dưới lên.

Học cũng như không học.

Còn tôi thì khác. Tôi học trường trọng điểm của thành phố, luôn thuộc top ba học sinh giỏi nhất toàn khối.

Sắp thi đại học, tôi đâu thể nghỉ?

Vậy mà mẹ lại ghi thêm vào hồ sơ “bất hiếu” của tôi một dấu mực to đùng vì lý do đó.

Tôi cúi đầu làm bài, nhưng miệng thì vẫn không nhịn được:

“Mẹ nói đúng, em gái có xin nghỉ. Nhưng em ấy chăm mẹ kiểu gì? Bữa sáng là con nấu, trưa thì mẹ với em ăn đồ ăn dư buổi sáng, tối thì gọi đồ ngoài.

Con học về lúc mười một giờ đêm, còn phải giặt đồ, lau nhà.

Em ấy ngoài việc nằm trên giường mẹ chơi game, còn làm được gì? Một cốc nước cũng chưa từng rót cho mẹ đúng không?”

Mợ tôi cười sảng khoái như chờ đúng dịp: “Ôi chà, Phan Phan, sao lại khác lời mẹ con nói thế nhỉ? Mẹ con kể Miêu Miêu ngoan lắm, sau này còn trông cậy nuôi mẹ nữa cơ!”

Hứa Miêu nhìn sang mợ, rồi nước mắt bắt đầu rơi lã chã.

Giọng cô ta đầy uất ức: “Chị ơi, chị ghét em đến vậy sao? Chị cứ phải nói em không ra gì mới được à?”

Tôi âm thầm đáp lại trong lòng: “Em không phải cái gì cũng dở đâu… Ví dụ như quyến rũ bạn trai chị—em giỏi lắm đấy.”

4

Có những người, nhắc đến là y như rằng xuất hiện.

Vừa nghĩ xong, điện thoại tôi reo.

Nhìn lên màn hình—là Thẩm Chu.

Hứa Miêu cũng thấy cái tên đó.

Cô ta chớp mắt, cố nhịn nước mắt, cười nhẹ nhàng đầy yếu đuối: “Chị à, đừng để ý đến em… mau nghe điện thoại đi.”

Kiếp trước, cũng chính vào ngày xảy ra hỏa hoạn, tôi mới phát hiện— Hứa Miêu đã cặp kè với Thẩm Chu từ lâu.

Tính ra thì đến thời điểm này, chắc hai người họ đã “qua lại” được một thời gian kha khá rồi.

Chỉ có tôi là ngu ngơ, không hề hay biết gì cả.Tôi cố nuốt cục nghẹn trong lòng, đưa tay nhấn nút nghe máy.

Tôi hít sâu một hơi, dịu dàng nói một tiếng:

“Alo.”

Hứa Miêu cắn môi, trong mắt vụt qua một tia ghen ghét.

Tôi bắt được ánh nhìn đó ngay lập tức.

Tôi cầm điện thoại đi ra ban công. Đầu bên kia vang lên giọng Thẩm Chu: “Phan Phan, đang làm gì thế?”

Tôi liếc nhìn Hứa Miêu rồi lạnh nhạt đáp: “Làm đề.”

Thẩm Chu ừ nhẹ một tiếng: “Không xem TV với em gái à?”

Kiếp trước, lúc nghe được giọng anh ta, tôi đã không kìm được mà bật khóc.

Tôi kể với anh ta rằng lại chọc giận mẹ, tự trách sao mình không biết ăn nói như Hứa Miêu.

Anh ta thở dài, bảo sẽ nói chuyện với Hứa Miêu giúp tôi. Tôi đưa điện thoại cho cô ta, hai người trò chuyện hơn nửa tiếng.