Như mọi ngày, tôi chuẩn bị xong bữa tối rồi đi đón hai cô con gái sinh đôi tan học buổi tối về nhà.

Chưa mở cửa đã nghe tiếng cười nói rộn ràng bên trong.

Bước vào nhà, tôi thấy bố mẹ chồng và cả gia đình em chồng – Xuân Miểu Miểu – đã ngồi đầy đủ. Trên bàn toàn là đồ ăn thừa, trong phòng đầy mùi rượu và khói thuốc.

Tôi mỉm cười chào hỏi, rồi thắc mắc: “Có dịp gì đặc biệt sao ạ? Bố mẹ và em cũng đến hết thế này?”

Mẹ chồng – người lúc nào cũng nghiêm khắc – nay miệng cười đến tận mang tai:
“Tất nhiên là ngày tốt rồi! Nhà ta phát tài lớn!”

Tôi ngẩn người, quay sang nhìn chồng: “Xuân Thiên Thiên, anh trúng số rồi à?”

Chồng tôi – Xuân Thiên Thiên – làm công nhân trong nhà máy hóa chất. Từ trước đến nay, tiền thưởng cao nhất anh từng được chỉ là năm nghìn đồng. Ngoài việc anh kiên trì mua vé số mỗi ngày thì chẳng có cách nào làm giàu khác.

“Em nói đúng! Nó trúng tận năm trăm triệu lận đó!” – bố chồng hớn hở khoe khoang.

Tôi chết lặng.

Hai cô con gái sinh đôi lập tức vỗ tay reo hò: “Wow! Vậy là tụi con thành con nhà giàu rồi sao?”

“Hừ! Con gái thì chỉ tổ tốn tiền. Tiền nhà này chỉ dành để lại cho các cháu trai thôi.” – mẹ chồng lườm tôi, cười nhạt đầy khinh bỉ – “Cô không đẻ được con trai, không xứng làm dâu nhà tôi. Sáng mai đi ly hôn đi.”

Tôi hoảng hốt nhìn sang chồng: “Xuân Thiên Thiên…”

“Ly hôn đi, anh để lại căn nhà cho em.” – Xuân Thiên Thiên mặt đỏ bừng vì rượu, ánh mắt nhìn tôi đầy vẻ bố thí.

Nước mắt tôi lập tức tuôn rơi, lòng nghẹn đắng.

Tôi và anh là thanh mai trúc mã, quen nhau từ hồi còn cởi truồng tắm mưa. Anh luôn là vận động viên xuất sắc, còn tôi thì sợ nhất là chạy đường dài.

Từ tiểu học đến trung học rồi lên cấp ba, mỗi lần thi chạy anh đều đứng ngoài cổ vũ tôi, chạy theo tiếp sức cho tôi.

Tôi cứ ngỡ, đời này anh sẽ mãi ở bên tôi như thế. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi từ bỏ công việc lương cao ở thành phố lớn, quyết định theo anh về quê.

Lúc kết hôn, anh nói sẽ nuôi tôi.

Tôi tưởng “nuôi” nghĩa là để tôi an nhàn chăm hoa, uống trà, tập yoga. Nhưng hóa ra “nuôi” của anh là để tôi nấu cơm, giặt giũ, lau nhà, sinh con, làm osin không công và nghe lời bố mẹ anh sai bảo.

Hai năm trước, tôi phẫu thuật tim và không thể sinh con được nữa. Từ đó tôi càng trở thành món đồ bỏ đi trong mắt chồng và nhà chồng, bị khinh rẻ đủ điều.

“Tôi muốn nuôi con.” – tôi nắm chặt tay hai cô con gái.

Bố chồng nồng nặc mùi rượu trừng mắt: “Cô không có việc làm, nhà mẹ đẻ thì nghèo rớt, lấy gì nuôi nổi tụi nó?”

Em chồng vừa bóc tôm cho hai cậu con trai quý tử vừa cười nhạt: “Chúng nó không ngu đến mức bỏ làm con nhà giàu theo cô đi lượm ve chai đâu.”

“Con muốn theo mẹ.” – hai bé gái mỗi đứa ôm một bên, kiên quyết nói.

Tôi mỉm cười hạnh phúc, ôm chặt lấy các con.

Trong ngôi nhà lạnh lẽo này, hai cô con gái luôn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của tôi.

“Cũng phải thôi, ngu ngốc hệt như mẹ tụi nó.” – mẹ chồng cười khẩy – “Toàn là thứ tốn của. Muốn đi thì cứ đi, để lại nhiều tiền hơn cho các cháu trai nhà tôi là tốt rồi.”

“Đây là giấy ly hôn, cô ký vào đi, căn nhà này sẽ là của cô.” – Xuân Thiên Thiên lảo đảo bước tới, lạnh lùng ném bản thỏa thuận ly hôn lên người tôi, không mang chút cảm xúc nào.

Tôi cầm tờ giấy trong tay, rất lâu vẫn chưa nhúc nhích.

“Mười lăm năm cô gả vào nhà này, Thiên Thiên nuôi cô mười lăm năm, chẳng làm được chuyện gì mà còn được trắng tay một căn nhà, cô cũng đừng có không biết điều.” – mẹ chồng châm chọc.

Tôi nhìn bọn họ. Từ lúc bước chân vào nhà này, giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp là tôi; mang thai, sinh con, kèm con học cũng là tôi; ông bà đau ốm, con cái sốt cao đi viện, trông nom lo liệu – vẫn là tôi.

Con lớn lên, tôi đi làm công việc thời vụ, việc nhà vẫn không hề thiếu sót.

Vậy mà trong mắt họ, tôi lại là một kẻ vô dụng?

Không lạ gì khi người ta nói:

Người ngày nào cũng rửa bát, chỉ cần một lần không rửa là bị mắng lười.

Người cả trăm năm chẳng đụng tay, chỉ cần rửa một lần là được tung hô.

Và:

Người biết điều, chỉ cần một lần không nhún nhường, sẽ bị cho là vô tâm.

Kẻ ương bướng, chỉ cần tỏ ra ngoan một chút, sẽ được khen không ngớt.

Tôi cứ thế sống lặng lẽ hơn mười năm trời.

Nỗi đắng chát dâng lên trong lòng, tôi mở bản thỏa thuận ly hôn ra xem kỹ từng dòng.

Căn nhà này chưa đầy 80 mét vuông, là nhà cưới của chúng tôi. Hai bên gia đình cùng góp tiền mua, lúc đó giá 390.000, giờ bán cao lắm cũng chỉ được 900.000.

Nhà họ Xuân chịu để lại cho tôi, xem như cũng đã rộng lượng lắm rồi. Tôi cũng chẳng mong gì hơn.

Chương 2: Hai đứa con trai song sinh của chồng cũ

“Tôi xem lại, sao không ghi rõ tiền cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là bao nhiêu?” – tôi nhìn tờ thỏa thuận, mặc dù mục nào cũng có nhưng đều để trống, chắc là tải mẫu trên mạng về.

Bốp!