Thời tiết nắng gắt, mặt mũi họ đỏ gay cả lên, nhưng khi chạy ngang qua tôi, vẫn không quên liếc tôi với ánh mắt khiêu khích, đầy đắc ý.
Phải rồi, tội lớn nhất đều đổ lên đầu tôi, thì năm cây số có đáng gì với họ đâu.
Tôi cố giữ cho đầu óc tỉnh táo, sắp xếp lại mớ suy nghĩ hỗn loạn trong đầu.
Nhà trường vì muốn tránh chuyện ầm ĩ, chắc chắn sẽ xử lý qua loa, không điều tra sâu hơn.
Nếu muốn lấy lại sự trong sạch cho mình, tôi không thể trông chờ vào nhà trường — tôi phải báo công an.
Và phải báo ngay lập tức.
Nếu không, để họ về chuẩn bị thêm các “chứng cứ” giả thì lúc đó tôi thật sự bị định tội oan.
Nhưng… tôi không có điện thoại, thì báo thế nào đây?
Tôi liếc sang khu giảng đường, nhìn qua từng phòng làm việc, tất cả đều khóa chặt.
Phòng bảo vệ!
Chờ lúc các bạn học chạy đến đoạn xa nhất, sự chú ý của giáo viên và lãnh đạo không đặt lên tôi, tôi lập tức lao nhanh về phía phòng bảo vệ.
Vừa chạy được mười mét, phía sau đã vang lên tiếng hét: “cậu ta bỏ chạy rồi! Trần Tử Huyên bỏ chạy rồi!”
Huấn luyện viên và ban giám hiệu nhanh chóng đuổi theo.
Từ hôm qua đến giờ bị nhốt trong nhà gỗ ngột ngạt, tôi không có chút gì bỏ vào bụng, cơ thể suy kiệt, hai chân mềm như bún.
Nhưng tôi biết, tôi bắt buộc phải chạy, bằng mọi giá.
Tiếng bước chân và tiếng la hét sau lưng càng lúc càng gần, tôi không dám quay đầu lại, nghiến răng, cắm đầu chạy tới.
Khi xông vào được phòng bảo vệ, hai chân tôi đã không chống đỡ nổi nữa, ngã gục xuống đất.
Tôi nhân cơ hội quỳ xuống, dập đầu liên tục: “Chú ơi, xin chú, cho cháu gọi một cuộc điện thoại, cháu cầu xin chú…”
Bác bảo vệ bị tôi dọa cho giật mình, vội nhấc ống nghe, đưa cho tôi.
Tiếng bước chân bên ngoài và tiếng gọi dồn dập càng lúc càng gần.
Tôi run rẩy bấm số 110.
“Cháu là Trần Tử Huyên, sinh viên năm nhất của Đại học Ký Bắc, cháu đang ở phòng bảo vệ trường… làm ơn hãy cứu cháu!”
Ngay khi tôi vừa cúp máy, đám đông đã tràn vào phòng bảo vệ.
“cậu chạy gì? cậu định làm gì hả?”
Tôi yếu ớt lau mồ hôi trên trán, đối diện thẳng với hiệu trưởng đang giận dữ: “Báo công an.”
“Báo công an? Em có biết báo công an sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nhà trường không? Có chuyện gì không thể ngồi xuống nói chuyện đàng hoàng mà phải báo công an?”
Tôi lạnh lùng nhìn ông ta, trong mắt không còn một chút tôn trọng nào dành cho một người thầy:
“Vậy thầy có biết việc vô cớ gán tội danh lên đầu một học sinh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời cậu ấy ra sao không?”
“Thầy chỉ nghe lời họ nói mà vội vàng kết tội em, chẳng lẽ em không được quyền rửa sạch oan ức cho mình sao?”
Hiệu trưởng tức tối gằn giọng: “Cả lớp đều chỉ mặt gọi tên em, chẳng lẽ lại oan cho em được?”
“Dù có thật là oan, em cũng nên tự soi lại mình! Tại sao có nhiều người như vậy mà không ai đứng về phía em? Chứng tỏ em làm người có vấn đề!”
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta: “Vậy nếu ngày mai có mấy người cùng đồng thanh tố thầy từng giết người, thì thầy cũng đã giết người thật à?”
“Đánh giá đúng sai không dựa vào chứng cứ mà chỉ cần xem đông hay ít người sao?”
“Bịa đặt vu khống người khác thì không sao, nhưng bị vu khống thì lại bị kết tội là có vấn đề về nhân cách?”
“Đừng có ngụy biện! Tôi đã cho em cơ hội chứng minh mình rồi, nhưng em có bằng chứng gì không?”
“Vậy những người tố em có bằng chứng gì? Chẳng phải ai đưa ra cáo buộc thì người đó phải chứng minh sao?”
Một bạn học sốt sắng xen vào: “Bọn tôi đông người chính là bằng chứng! cậu báo công an thì có ích gì chứ!”
Nhưng ánh mắt bọn họ đã lộ rõ sự hoảng loạn khi thấy tôi thật sự gọi cảnh sát.
Họ vốn tưởng nhà trường ra mặt xử lý là tôi sẽ sợ hãi mà im lặng, chấp nhận gánh tội, thậm chí học lại.
Nào ngờ tôi lại kiên quyết khiến mọi chuyện vỡ lở.
Tôi nhất định phải làm lớn chuyện, bởi vì sau bài học của kiếp trước, nếu không tự mình đòi lại sự thật, bọn họ sẽ chỉ càng lấn tới.
Phải đập nát mọi sự vu khống ngay từ đầu, thì tôi mới có thể tự bảo vệ chính mình.
Tiếng còi xe cảnh sát mỗi lúc một gần, trái tim tôi dần dần bình ổn lại.
Vừa khi cảnh sát bước xuống xe, hiệu trưởng đã vội vàng tiến tới, túm lấy tay họ: “Đồng chí cảnh sát, chỉ là mấy em học sinh nghịch dại thôi, không phiền các anh, nhà trường có thể tự xử lý được…”
Nhưng cảnh sát chẳng thèm để ý, đảo mắt nhìn quanh: “Ai là người báo án?”