Gần biên cảnh, lòng lại càng thấp thỏm.

Càng tiến sát trấn Bắc Quan, ta càng cảm thấy bất an trong dạ.

Ta và Chu Minh Quang lớn lên cùng nhau.

Chàng không có cha, ta không có mẹ.

Hai nhà nương tựa vào nhau, cuộc sống tuy nghèo khó nhưng cũng qua được.

Năm Hoằng Thịnh thứ sáu, Giang Nam xảy ra lũ lớn, ruộng đồng chìm trong biển nước.

Quan phủ trưng dụng dân phu đắp đê, A phụ ta là người đọc sách, thân thể yếu đuối, không chịu nổi lao dịch ở bãi đá.

Chưa đầy một tháng đã lặng lẽ qua đời.

Chu thẩm giúp ta lo liệu tang lễ cho A phụ, rồi quay sang dặn Chu Minh Quang:

“Từ nay về sau, Tuyết Dao chính là người nhà chúng ta. Con có một miếng ăn, cũng phải chừa cho con bé một phần.”

Thực tế, Chu Minh Quang luôn nhường cho ta phần ngon nhất trước tiên.

Ngay cả khi A thúc hàng xóm đem sang một miếng điểm tâm, Chu Minh Quang cũng nâng niu bưng đến trước mặt ta.

Ta cắn một nửa, rồi đẩy phần còn lại cho chàng.

Chu Minh Quang cười toe toét:

“Đây là của muội cả đấy. Phần của ta trên đường về đã ăn hết rồi.”

Sợ ta không tin, chàng còn cố ý dùng tay áo lau mép một cách khoa trương.

Ta đành phải ăn nốt phần còn lại.

Vừa quay đầu, lại trông thấy chàng lặng lẽ nhặt tờ giấy dầu lót dưới điểm tâm, đưa lên miệng liếm sạch từng vụn nhỏ.

Kiếp trước không phải không ai mai mối cho ta.

Nhưng ta cứ luôn nghĩ, hay là đợi thêm một chút… lỡ như Chu Minh Quang quay về thì sao?

Một chữ “đợi”… kéo dài suốt năm mươi năm!

4

Mùa đông ở Vọng Bắc thành khắc nghiệt đến tê tái, thế nhưng quán rượu lại càng thêm đông khách.

Có một vị đại thúc gần như ngày nào cũng đến uống vài chén.

Một nửa khuôn mặt ông bị vết đao chém mất, trông dữ tợn đáng sợ.

Nhưng thật ra ông là người vô cùng hiền hòa.

Bọn trẻ trong thành rất thích vây quanh ông đòi ăn kẹo hồ lô.

Mỗi lần, miệng thì than “Túi tiền của đại thúc sắp trống trơn rồi đây”, nhưng tay lại chẳng hề ngần ngại móc bạc ra mua.

Nghe Triệu đại tẩu kể, Lưu thúc là cựu binh trở về từ trấn Bắc Quan.

Một nửa khuôn mặt ấy là do bị đại đao của Bắc Địch chém mất.

Thế nhưng, ông vẫn cầm đao giết được không ít địch quân, ngay cả tướng trấn thủ cũng phải thán phục lòng dũng cảm của ông.

Nghe nói ta định sang xuân sẽ đến trấn Bắc Quan tìm vị hôn phu, Lưu thúc liền cười ha hả hai tiếng:

“Thanh niên bây giờ thật có phúc. Cô nương xinh đẹp thế này mà không quản ngàn dặm tìm đến, hiếm thấy lắm thay!”

Ông hứa sẽ nhờ người quen giúp ta tìm kiếm lúc đến nơi.

Triệu đại tẩu lập tức giục:

“Mau cảm ơn Lưu thúc đi! Ông ấy quen biết rộng, nhất định sẽ giúp được cô tìm ra người cần tìm.”

Ta cảm tạ rối rít, khi ấy còn chưa hay rằng—

Người sống thì dễ tìm, người chết lại khó.

Người đến trấn Bắc Quan tìm thân nhân không ít, nhưng kẻ thực sự tìm được thì chẳng bao nhiêu.

Con trai út của Triệu đại tẩu là đứa trẻ rụt rè, nhút nhát.

Mỗi lần thấy ta ngồi tính sổ sách, nó lại trèo lên ghế, tò mò dán mắt nhìn không chớp.

Ta hỏi nó:

“Muốn học không? Tỷ dạy cho viết chữ nhé?”

Nó đỏ mặt gật đầu.

Từ đó, mỗi ngày chúng ta lại cầm nhánh cây ra sân, viết viết vẽ vẽ lên nền đất.

Triệu đại tẩu mỗi lần nhìn thấy đều cười:

“Đứa nhỏ này nhút nhát lạ thường, chẳng biết giống ai trong nhà nữa.”

Nhưng khi nàng trông thấy con trai cẩn thận viết tên từng người thân trong nhà lên giấy, ánh mắt nàng rực sáng.

Nàng nâng niu cất tờ giấy ấy vào ngực áo, như thể ôm trọn cả một báu vật.

Qua rằm tháng Chạp, hương Tết trong thành ngày một rõ rệt.

Mọi nhà bắt đầu mổ heo, hấp bánh bao, rộn ràng chuẩn bị năm mới.

Thế nhưng, ngay trước Tết, vào một đêm yên ả không ngờ tới—

Trống trận trong thành đột ngột vang lên ầm ầm.

5

Triệu đại tẩu đập rầm rầm vào cửa phòng ta:

“Tuyết Dao! Mau dậy đi, người Bắc Địch đang tấn công thành rồi!”

Ta bàng hoàng tỉnh dậy.

Vọng Bắc thành vốn được nhiều cửa ải bảo vệ xung quanh, theo lý thì dẫu có bị tấn công, cũng phải là các ải tiền tiêu cản trước.

Vậy mà giờ đây, giặc đã đánh tới tận thành chính.

Triệu đại tẩu dẫn theo mọi người chạy tới chân thành, động tác vô cùng thuần thục.

Nam nhân ra tuyến đầu chiến đấu, nữ nhân thì phụ giúp vận chuyển vật tư, cung tiễn.

Thấy tay chân ta gầy yếu, Triệu đại tẩu bảo ta khuân bao đựng đầu tên, còn nàng thì đi vác đá.

Những khối đá dùng cho máy bắn đá lớn đến mức một người ôm vừa khít.

Vậy mà Triệu đại tẩu một mình vẫn có thể nhấc lên.

Ta thấy nàng cắn răng, trán nổi gân xanh, nhấc một khối đặt xuống xong lại quay đi nhấc tiếp khối khác.

Trên tường thành, từng người bị thương hoặc đã chết lần lượt được đưa xuống.

Máu tươi loang lổ đầy đất, khiến ta choáng váng hoa mắt.

Không biết giờ này Chu Minh Quang đang ở đâu.

Không biết chàng đã từng trải qua bao nhiêu trận thế giống như thế này.

Những người nằm xuống kia, liệu người nhà của họ có giống như ta ở kiếp trước—vẫn còn nơi quê nhà khắc khoải mong chờ?

Có lẽ, kiếp trước của Chu Minh Quang, cũng chính là vào một đêm bình thường đến tầm thường như thế này…

Gặp phải đại quân Bắc Địch công thành, vội vàng lên tường giữ trận, rồi khi quay xuống—đã là một thi thể lạnh ngắt.

Nhưng rất nhanh, ta không còn thì giờ để buồn thương hoài niệm nữa.

Quản sự thấy ta chạy chậm, liền đuổi ta về hậu phương chăm sóc thương binh.

Trong một căn phòng tồi tàn, người ta trải từng cánh cửa gỗ thành giường nằm.

Những tấm cửa này, đều là tháo ra từ nhà dân trong thành.

Trong phòng đầy rẫy tiếng rên rỉ ai oán, người bị thương liên tục được đưa vào, cũng có người được khiêng ra ngoài.

Ở hậu phương, ta không rõ tình hình nơi tiền tuyến ra sao.

Chỉ biết rằng—những cánh cửa được trải ra càng lúc càng nhiều, căn phòng cũng dần chật kín.

Nghe nói có một số thương binh là từ các ải lân cận được điều đến tiếp viện.

Ta bắt đầu chăm chú quan sát từng khuôn mặt một.

Thành thật mà nói, ta đã bắt đầu không còn nhớ rõ dung mạo của Chu Minh Quang nữa.

Chỉ nhớ mang máng chàng có đôi mày rậm, mắt to, khi cười thì miệng cũng nở lớn.

Nhưng ta và chàng mới xa nhau chưa đầy ba năm—chắc hẳn chàng vẫn sẽ nhận ra ta chứ?

Dù hiện giờ ta đã nghe lời quân y, lấy khăn che mặt, chỉ để lộ đôi mắt.

Nếu chàng không nhận ra, ta nhất định sẽ giận suốt ba ngày ba đêm!

Nhất định phải để chàng chạy theo ta, dỗ dành một phen cho ra trò, ta mới chịu nguôi ngoai.

6

Một tiếng rên đau đớn cắt ngang dòng suy nghĩ trong đầu ta.

Là quân y đang rút mũi tên cho một thiếu niên mười sáu tuổi.

Mũi tên gần như xuyên thủng cả vai cậu.

Quân y dùng lưỡi dao cong nung đỏ, cẩn thận rạch vào da thịt để lấy đầu tên ra.

Thiếu niên cắn chặt nửa đoạn thân tên, cổ họng phát ra từng tiếng rên rỉ nghẹn ngào, cố dằn nén.

Cậu thiếu niên ấy còn nhỏ hơn Chu Minh Quang, nhìn dáng vẻ thì hẳn vẫn chưa cưới vợ.