Tôi nhìn từng gương mặt đầy lo lắng sợ tôi từ chối, lòng chua xót không thôi. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn gật đầu đồng ý.

Thế là tôi chờ, chờ mãi. Cho đến một ngày, tôi không thể rời khỏi giường. Tim đập liên hồi, mồ hôi lạnh túa ra ướt hết người, từng giọt nhỏ vào mắt khiến tôi không thể mở nổi. Tôi muốn kêu cứu nhưng không thể phát ra tiếng, càng không nói đến việc với tay lấy điện thoại gọi cấp cứu.

Lúc mở mắt ra một lần nữa, cảnh tượng đã hoàn toàn thay đổi. Dù rất khó tin, nhưng tôi biết rõ — tôi đã trọng sinh.

Có lẽ đến cả ông trời cũng thấy tôi quá khổ cực, nên mới cho tôi thêm một cơ hội để lựa chọn lại từ đầu.

“Cảm ơn bác sĩ, tôi sẽ về bàn với chồng tôi.”

2.

Về đến nhà, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách hút thuốc. Hai đứa con vừa ăn xong bữa cơm giao thừa, đã về phòng riêng của mình.

“Về rồi đấy à? Em cũng thật là, lấy kết quả khám sức khỏe lúc nào chẳng được, lại cứ phải chọn hôm nay. Cả bàn ăn bày ra chẳng ai dọn, trong nhà thì toàn mùi đồ ăn.”

Tôi nhìn mâm cơm tất niên mà mình cặm cụi chuẩn bị cả ngày, giờ chỉ còn lại đống bát đĩa bẩn. Đến một miếng tôi còn chưa kịp ăn. Lo xong cho cả nhà, tôi đã phải chạy ngay đến bệnh viện lấy kết quả.

“Tôi có chuyện muốn nói.”

Tôi gọi các con ra phòng khách, chậm rãi mở lời.

“Bác sĩ nói tôi bị suy thận, nếu không có người hiến thận thì sẽ chết.”

“Cái gì cơ?”
Con gái tôi lập tức đứng bật dậy, vẻ mặt không thể tin nổi. Con trai tôi cũng nhìn tôi đầy căng thẳng.

Lúc ấy trong lòng tôi nhẹ nhõm hẳn — may quá, may là họ vẫn quan tâm đến tôi. Có lẽ kiếp trước chỉ vì họ quá bận mà mới lơ là tôi như vậy.

“Tôi nghĩ… hay là anh đi kiểm tra thử xem sao, biết đâu…”
Tôi còn chưa nói hết câu, con gái vừa rồi còn lo lắng đã nhíu chặt mày lại.

“Cái gì? Mẹ đang nói là muốn bố hiến thận cho mẹ sao? Thế còn bố thì sao?”

“Một quả thận vẫn có thể sống bình thường mà.”

“Vớ vẩn, quá vớ vẩn luôn. Chỉ còn một quả thận thì sống kiểu gì?”
Con trai tôi cũng đứng dậy, cau có nhìn tôi.

“Đúng đấy mẹ, chỉ còn một quả thận, sau này làm sao sống khỏe được?”

“Nhưng nếu không có thận thay thế, rất có thể mẹ sẽ không qua nổi quá trình điều trị. Một quả thận của ông ấy có thể cứu sống mẹ, chẳng lẽ lại không đáng sao?”

Tâm trạng vừa mới được an ủi phút chốc sụp đổ hoàn toàn, như thể có ai đó dội nguyên một xô nước lạnh lên đầu tôi. Toàn thân tôi run lên không kiểm soát được, lạnh đến tận xương.

“Mẹ à, mình cứ điều trị trước đi, giờ mẹ vẫn còn ổn mà. Cứ điều trị đã, chuyện sau này tính tiếp.”

Có lẽ thấy sắc mặt tôi quá khó coi, con gái lại kéo tay tôi, nhẹ nhàng tựa vào như trước đây vẫn hay làm.

“Sao lại ‘tính sau’? Nếu đến lúc đó không tìm được thận phù hợp, chẳng lẽ các con cứ trơ mắt nhìn mẹ chết sao?”

“Thôi đi Vương Mai, mùng một Tết rồi mà lại nói mấy chuyện xui xẻo trước mặt con cái.”
Lý Thắng, người từ nãy giờ vẫn im lặng, cuối cùng cũng đứng dậy, châm thêm điếu thuốc nữa.

“Vương Mai, tôi nói rõ luôn. Tôi không đời nào đi hiến thận. Em sống với tôi từng ấy năm, chẳng lẽ không hiểu cơ thể tôi à? Cho em một quả thận xong thì tôi còn sống nổi sao?”

Tôi nhìn dáng vẻ hiện tại của Lý Thắng, trong đầu bỗng hiện lên hình ảnh chính mình của kiếp trước.

Tôi đã từng không chút do dự nắm tay anh ta bước vào phòng phẫu thuật, thuốc gây mê dần lan khắp cơ thể, trong lúc mắt dần nhòe đi, tôi vẫn nhìn gương mặt anh ta mà thấy may mắn — may mà quả thận của mình có thể cứu được mạng anh ta.

“Lý Thắng, chúng ta sống với nhau hai mươi năm, chẳng lẽ tất cả tình nghĩa đó lại không bằng một quả thận sao?”

“Vương Mai, em ở nhà riết rồi đâm ra ngu người à? Em thử nghĩ xem, bây giờ trong nhà chỉ có mình anh đi làm kiếm tiền, còn em thì sống nhờ vào chút lãi từ khoản tiền bố mẹ để lại, mỗi ngày chỉ biết đi chợ, nấu cơm. Em còn làm được gì hơn cho cái nhà này nữa? Em tưởng sao bọn trẻ nó phản đối? Là vì nếu anh mà gục xuống, cái nhà này coi như xong đời!”

Tôi quay đầu lại, con trai nhìn tôi với vẻ mặt nghiêm nghị, còn con gái thì đã buông tay tôi ra từ lúc nào, giờ đang đứng đối diện tôi — hoàn toàn về phe của họ.

“Cả hai đứa… cũng nghĩ vậy sao?”

“Mẹ, bây giờ sống trong xã hội này thì phải thực tế. Nếu mẹ phẫu thuật thành công thì không sao, nhưng nếu thất bại, thì con sẽ mất cả cha lẫn mẹ. Con không thể chấp nhận điều đó.”

“Đúng vậy mẹ, con biết mẹ bệnh, con cũng rất xót xa. Nhưng không thể vì mẹ bị như vậy mà bắt bố chịu khổ cùng. Như vậy với bố là quá bất công.”

Nhưng kiếp trước, khi tôi nằm trên bàn mổ, các người đâu có nói vậy. Các người động viên tôi hiến thận cứu bố, còn nói tôi là anh hùng.

Tôi đã thật sự tin điều đó. Tôi tưởng rằng mình đã làm điều vĩ đại. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ là vì trong lòng các người, tôi chẳng hề quan trọng. Nên mới có thể dễ dàng đẩy tôi ra làm tấm lá chắn cứu lấy Lý Thắng.

“Vậy bây giờ tính sao? Điều trị? Các người có đủ khả năng chi trả viện phí cho tôi không?”

“Bà còn muốn tụi tôi gánh viện phí cho bà à? Bà không phải có tiền bố mẹ để lại sao? Lấy tiền đó đi chữa bệnh đi.”

“Nếu tôi nói tôi bắt buộc anh phải hiến thận cho tôi thì sao?”

“Cô đúng là quá đáng hết chỗ nói! Vương Mai, đừng trách tôi vô tình vô nghĩa. Thật ra tôi đã muốn nói chuyện này từ lâu rồi — chúng ta ly hôn đi. Nói thẳng ra thì cái nhà này từ lâu đã chẳng cần cô nữa. Tôi chỉ ở lại vì tình nghĩa cũ và vì các con thôi. Còn bây giờ, cô cố tình làm loạn lên thì đừng trách tôi tuyệt tình.”

Tôi không thể tin nổi. Ba con người trước mặt — những người tôi từng gọi là “gia đình” suốt hai mươi năm qua — lại có thể đối xử với tôi như thế này.

Khoảnh khắc đó, tôi chợt hiểu ra nguyên nhân cái chết của mình ở kiếp trước.

Có lẽ bọn họ chưa từng có ý định đưa tôi đi chữa bệnh, mà chỉ muốn tôi ở nhà chờ chết!