29

Hôm sau, Trình Dã lại xuất hiện như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Vẫn cưỡi chiếc mô-tô gầm rú đến tìm tôi.

Anh ta tựa vào xe, ngón tay gõ nhịp lên bình xăng, cười ngạo nghễ: “Lên xe không?”

Tôi liếc mắt: “Tôi không thấy mô-tô ngầu chỗ nào. Gió thì bụi bay đầy, tóc thì rối tung cả lên.”

Trình Dã nhướng mày, không nói gì, xoay người rời đi luôn.

Nửa tiếng sau, tiếng động cơ lại vang lên lần nữa. Anh ta đổi sang một chiếc siêu xe mới toanh, thân xe màu bạc xám ánh lên dưới nắng như kim loại lạnh lẽo.

“Giờ thì sao?” – Anh ta hạ kính xe, khoé môi khẽ nhếch.

Tôi không trả lời, quay người lên lầu trang điểm.

Vừa mở cửa phòng, đã thấy Giang Lâm đứng ở đầu hành lang. Anh cầm trên tay tờ giới thiệu trường học:

“Trước đây em từng nói, mục tiêu là Thanh Hoa.”

“Ngày mai là hạn cuối điền nguyện vọng đại học rồi.” Anh khựng lại, giọng nhỏ đi: “Anh muốn… học cùng trường với em.”

Tôi gật đầu, giọng bình thản: “Tùy anh.”

“Lại định dùng nguyện vọng của mình để cá cược với cô bạn thanh mai của anh à?”

Giang Lâm nói vội: “Không có!”

Lúc lướt ngang qua anh, tôi ngửi thấy mùi thuốc lá nhè nhẹ. Anh ấy hút thuốc rồi sao?

Ý nghĩ ấy chỉ thoáng lướt qua đầu, nhưng ngay sau đó, tiếng động cơ xe thể thao rền vang cắt đứt mọi suy nghĩ.

30

Chiếc xe thể thao của Trình Dã lao vút trên đường cao tốc. Gió ùa vào từ nóc xe mở, thổi tung mái tóc tôi.

Trong gương chiếu hậu, căn biệt thự phía sau càng lúc càng xa, cuối cùng chỉ còn là một chấm đen nơi đường chân trời.

Tôi bỗng nhớ lại dáng đứng của Giang Lâm ngoài hành lang — áo sơ mi trắng, quần tây đen, cổ áo mở khuy, dáng vẻ như tạc.

Từng sở hữu rồi… cũng dễ buông.

Giống như món kẹo tuổi thơ từng ao ước. Chắt chiu cả tháng mới gom đủ một lọ, không nỡ ăn. Đến khi cuối cùng cho vào miệng, mới phát hiện: ngọt đến phát ngấy.

Chợt nhận ra, khi chiếc lọ trống rỗng rồi, ngược lại thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.

Trình Dã bất ngờ tăng tốc, tiếng gió rít qua tai.

“Sướng không?” – Anh ta hét lớn.

Tôi không đáp, chỉ đưa bàn tay ra khỏi cửa sổ, để gió len qua từng kẽ ngón tay.

Buông tay thì hơn. Có những thứ, càng nắm chặt, lại càng dễ mất.

31

Khi cô bạn thanh mai trúc mã của Giang Lâm – Lâm Yên – tìm đến tôi, tôi đang ngồi trong vườn cắt tỉa hoa hồng.

Cô ta mặc váy hoa nhí, tóc buộc đuôi ngựa, nhìn ngoan hiền như nữ chính ngôn tình.

“Giang Lâm à,” – giọng cô ta mềm như kẹo, “em chọn một trường gần Thanh Hoa. Em chỉ muốn được ở gần anh hơn thôi. Em đủ điểm vừa vặn luôn đấy.”

Tôi giả vờ không nghe thấy. Lưỡi kéo “xoẹt” một tiếng — cắt phăng một đóa hồng đỏ vừa nở rộ.

Giang Lâm đứng ngay bậc thềm sau lưng tôi, chỉ cách một bước chân. Cả người anh căngnhư dây đàn, tưởng chừng chỉ cần chạm nhẹ là đứt.

“Em thậm chí còn chưa điền nguyện vọng,” – giọng anh lạnh băng – “Em định đi du học.”

Mặt Lâm Yên tái mét: “Giang Lâm, cô ấy đi đâu thì liên quan gì đến chúng ta?”

Giang Lâm gầm lên: “Em lừa anh suốt!”

Tôi đặt kéo xuống, cười khẽ: “Sao? Anh cũng muốn ra nước ngoài học à?”

“Vậy thì cứ xin bố tôi đi,” – tôi nghiêng đầu nhìn anh – “Ông ấy xưa nay hào phóng. Chút tiền đó, với ông ấy chẳng là gì cả.”

Lâm Yên kéo lấy tay áo Giang Lâm: “Giang Lâm…”

Cô ta như đang bấu lấy cọng rơm cứu mạng cuối cùng.

Đúng lúc đó, tiếng động cơ vang lên trước cổng. Chiếc xe thể thao của Trình Dã gầm rú lao tới.

Anh ta dựa vào cửa xe, kính râm đẩy lên đỉnh đầu, nở nụ cười đầy ngạo nghễ: “Thẩm Chiêu, đi không?”

Tôi đứng dậy, phủi bụi trên váy: “Chúc hai người chơi vui.”

Trình Dã vươn tay khoác vai tôi.

Ánh mắt anh ta lia qua Giang Lâm – đầy thách thức.

Giang Lâm không chờ lý trí kịp can ngăn, nắm đấm đã bay ra trước.

“Bốp!”

Khóe miệng Trình Dã bật máu, nhưng anh ta lại cười càng thêm ngang ngược: “Chỉ có vậy thôi à?”

Giang Lâm không nói một lời, lại một cú đấm nữa lao tới.

Hai người lao vào nhau vật lộn, ghế dài trong vườn bị hất tung, đất bắn, cánh hoa văng khắp nơi.

Trình Dã túm cổ áo Giang Lâm, đầu gối thúc vào bụng anh:

“Tránh xa thế giới của bọn tao ra, hiểu chưa?”

Giang Lâm gạt ra, khuỷu tay đập vào cằm Trình Dã: “Tôi không muốn.”

“Đủ rồi!” – Tôi hét lớn – “Dừng tay!”

Hai người dừng lại, nắm đấm vẫn lơ lửng giữa không trung, hơi thở nặng nề như hai con thú hoang bị nhốt chung chuồng.

Tôi bước tới, kéo tay Trình Dã:

“Chúng ta đi.”

Trình Dã hất Giang Lâm ra, ngón tay cái lau qua khóe miệng rỉ máu, rồi giơ ngón giữa về phía anh ấy.

Giang Lâm đứng yên tại chỗ, sơ mi xộc xệch, khoé miệng tím bầm, nhưng ánh mắt lạnh đến đáng sợ.

Tôi không ngoái đầu, bước thẳng lên xe thể thao.

Trong gương chiếu hậu, hình ảnh Giang Lâm mỗi lúc một nhỏ dần, cuối cùng chỉ còn là một chấm đen.

Như đóa hồng vừa bị cắt — nằm trơ trọi trong lớp đất ẩm ướt, tàn úa và xơ xác.

32

Khi tôi trở về, bầu không khí trong nhà như đặc quánh lại, áp suất nặng nề bao trùm cả không gian.

Mẹ Giang Lâm ngồi ở góc sofa, ngón tay xoắn chặt tờ khăn giấy, nước mắt lặng lẽ rơi.

Trong gạt tàn của bố tôi đã chất đầy năm đầu lọc xì gà. Điếu thứ sáu đang cháy dở, làn khói như con rắn quấn quanh ngón tay ông.

Còn Giang Lâm—

Anh đang quỳ giữa phòng khách, lưng thẳng tắp như một thanh kiếm.

“Con xin bố,” – giọng anh khàn khàn, gần như mất tiếng – “cho con ra nước ngoài học.”

Bố tôi gảy tàn thuốc, tàn lửa đỏ lập lòe trong ánh sáng mờ mịt: “Giang Lâm.”

“Cho con ra nước ngoài học, chuyện nhỏ.” – Ông nhả khói – “Nhưng con đã bàn với mẹ con chưa?”

“Để bà ấy khóc đến thế này…” Bố tôi nhìn thẳng vào Giang Lâm, ánh mắt sắc như dao: “Nói thật, chú rất thất vọng.”

Không khí đặc quánh.

Bố tôi bỗng quay sang tôi: “Ra nước ngoài thì được, trường nào danh tiếng cũng được chọn.”

Ông ngừng lại một giây, giọng hạ thấp, lạnh đi: “Nhưng có một điều kiện – không được học cùng trường với Chiêu Chiêu.”

Giang Lâm ngẩng phắt đầu lên, đồng tử co rút.

Xem ra… bố tôi biết hết mọi chuyện.

Tôi bước lại gần.

“Giang Lâm,” – tôi cúi xuống nhìn anh – “con người ngoài việc chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, còn phải có lòng tự trọng.”

Đầu gối anh run nhẹ, lưng áo sơ mi đã ướt đẫm một mảng lớn, nhưng anh vẫn cố chấp ngẩng đầu nhìn tôi không rời.

33

Trình Dã bị quản thúc tại nhà.

Tôi ngồi trên ghế mây ở ban công, nhìn dòng tin nhắn liên tục hiện lên màn hình điện thoại.

Khung trò chuyện từ loạt tin nhắn thoại dài 60 giây đầy phẫn nộ biến thành một câu cụt lủn: “Cứu anh ra.”

Cuối cùng là một bức ảnh — cửa sổ phòng anh bị hàn kín bằng song sắt.

“Tiểu thư, ông Thẩm nhờ tôi nhắn lại.” Dì Trương bưng tới ly chanh lạnh. “Thiếu gia nhà họ Trình sẽ ở lại trong nước học tài chính.”

Tôi nâng ly chanh lên.

Nhớ lại hai hôm trước, bố tôi đã có một tiếng đồng hồ trò chuyện trong thư phòng cùng bố Trình Dã.

Vài câu lơ đãng lọt ra ngoài: “… Trẻ con bồng bột mà.” “… Không thể để nó đi nước ngoài được.” “… Còn Chiêu Chiêu thì sao?”

Cuối cùng, bố Trình Dã thở dài nặng nề — giống như đang chấp nhận sự thỏa hiệp.

Tôi tựa mình vào hành lang, đứng trong bóng râm, khẽ nhếch môi cười.

Chiếc mô-tô của Trình Dã vẫn còn trong gara nhà tôi.

Đêm anh ta lén trèo tường trốn ra ngoài, đầu gối trầy xước một mảng lớn.

Cái cách anh ấy hô hào đòi “chạy trốn cùng tôi” trông thật nực cười, giống một con thú con giương nanh múa vuốt chưa đủ lớn.

Tôi đã chủ động báo người nhà tới đón anh về.

“Hay đấy, Thẩm Chiêu.” Anh ta vung nắm đấm, đánh trúng một vệ sĩ.

Trước khi bị áp giải rời đi, đôi mắt anh đỏ ngầu tức giận: “Em sẽ phải hối hận!”

Điện thoại lại rung.

Lần này là tin nhắn từ mẹ Trình Dã — một tấm thiệp mời tiệc sinh nhật của anh cả nhà họ Trình.

Tôi khẽ nhếch môi, không trả lời.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên phòng làm việc tầng hai. Bố tôi đang đứng trước cửa sổ, tay cầm điện thoại:

“… Thanh niên bốc đồng, nhốt vài ngày là ngoan ngoãn thôi.”

34

Ngày thứ ba Trình Dã bị giam lỏng, tiệc sinh nhật của anh cả nhà họ Trình được tổ chức linh đình.

Không một ai nhắc đến Trình Dã, như thể nhà họ Trình chưa từng có người con út đó.

Tôi rút thiệp mời ép nhũ vàng ra khỏi ngăn kéo, buông tay.

Tấm thiệp rơi đúng nơi nó nên ở — thùng rác.

Tôi ra sân bay. Quyết định đến trường sớm làm thủ tục nhập học.

Ba phút sau, điện thoại rung. Là số của mẹ Giang Lâm.

“Chiêu Chiêu…” – giọng bà ấy cố gắng dịu dàng nài nỉ – “Dì biết không nên làm phiền con, nhưng…”

Tiếng máy đo nhịp tim “tít tít” vang lên từ đầu dây bên kia.

“Giang Lâm nghe tin con ra nước ngoài, đã lái xe đuổi theo…”

Giọng bà nghẹn lại: “Gặp tai nạn rồi, bây giờ vẫn chưa tỉnh…”

Tôi nhìn lên bảng điện tử, thông tin chuyến bay đang nhấp nháy.

“Dì à.” – tôi dịu giọng – “Cuộc gọi này, bố con có biết không?”

Bên kia điện thoại bỗng lặng như tờ.

Tôi khẽ cười:“Tình cảm của con xưa nay không đợi ai quá hạn.”

Loa phát thanh bắt đầu nhắc hành khách ra cổng lên máy bay.

“Xin lỗi,” – tôi nói – “con phải bay rồi.”

Khi máy bay xuyên qua tầng mây, tôi mở tấm che cửa sổ.

Phía dưới là biển đen mênh mông. Không một ánh sáng.

Giống như có những tấm chân tình, đến khi được trao đi… thì đã quá muộn để thắp sáng nơi cần được soi rọi.