Cả nhà tôi ai cũng xinh đẹp, chỉ có tôi là gen đột biến.

Tôi thừa hưởng hết mọi khuyết điểm di truyền từ ba mẹ.

Trở thành đứa xấu nhất nhà.

Lúc chụp ảnh gia đình, ba mẹ luôn viện cớ đẩy tôi ra chỗ khác. Những buổi họp mặt dòng họ, họ cố tình “quên” tôi ở nhà.

Tôi trở thành “thành viên bị giấu nhẹm” mà cả nhà tuyệt nhiên không ai nhắc đến.

Vậy mà sau này, từng người trong số họ lại quỳ xuống cầu xin tôi về nhà.

1

Mẹ tôi hồi trẻ là mỹ nhân nổi danh cả vùng.

Ba tôi cũng là chàng trai tuấn tú.

Anh trai và chị gái tôi là sinh đôi, lúc mới sinh ra đã khiến cả bệnh viện náo động vì đẹp quá mức.

Vì vậy, khi mẹ mang thai tôi một cách ngoài ý muốn, ai cũng khuyên nên giữ lại.

“Con đầu, con thứ đều đẹp thế kia, đứa thứ ba chắc chắn cũng không kém đâu!”

Nhưng cuối cùng, tôi khiến tất cả phải thất vọng.

Khuôn mặt, dáng người, màu da… tôi né được hết mọi ưu điểm của ba mẹ.

Tôi là người xấu nhất trong nhà.

Trẻ con thì không biết che giấu cảm xúc.

Từ nhỏ, bọn trẻ họ hàng chẳng đứa nào muốn chơi với tôi.

Ba mẹ thì tự cho mình là người có học, không thiên vị con cái vì vẻ ngoài.

Nhưng mỗi lần ra ngoài, mẹ luôn nắm tay chị gái tôi đi bên cạnh.

Nếu tôi chủ động khoác tay mẹ, bà cũng không gạt ra ngay, nhưng vài phút sau sẽ “vô tình” hất tay tôi ra.

Đến cả chuyện học hành, dường như anh chị tôi cũng giỏi hơn hẳn.

Trình Tư và Trình Ý chẳng cần cố gắng gì cũng đậu vào trường 985.

Còn tôi? Ngay cả lớp chọn cấp hai cũng không vào nổi.

Trong tiệc mừng đậu đại học của anh chị, ba tôi uống hơi say, đứng giữa đám đông cảm khái:

“Nếu chỉ sinh Tiểu Tư và Tiểu Ý thì tốt biết mấy. Tiếc là còn có Tiểu Tâm…”

Đám người xung quanh ai nấy đều gật đầu tỏ vẻ đồng tình.

Tôi chỉ muốn độn thổ.

Giờ tôi chẳng còn nhớ lúc đó, một đứa bé 13 tuổi như tôi đã cắn răng chịu đựng bữa tiệc ấy ra sao.

Sau đó, ba tôi biết mình lỡ lời, nghiêm túc xin lỗi:

“Là ba nói sai rồi. Tiểu Tâm, đừng để trong lòng.”

“Ba chỉ muốn nói, học lớp 12 không chỉ khổ với học sinh, mà phụ huynh cũng áp lực. Hai anh chị con đậu đại học rồi, nhưng ba vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Còn phải chăm lo cho con. Gánh nặng còn dài lắm!”

Tôi giả vờ không sao: “Con biết ba không cố ý mà.”

…Không cố ý, nhưng lại nói đúng lòng mình ra.

Năm tôi 15 tuổi, kỷ niệm 25 năm ngày cưới của ba mẹ, cả nhà đi chụp ảnh gia đình.

Trình Ý tranh thủ lúc nhiếp ảnh gia đang chỉnh máy, chụp một tấm rồi đăng lên vòng bạn bè.

Chú thích là: “Gia đình 5 người, hạnh phúc bốn mùa.” Vài phút sau đã có cả đống bình luận.

Tôi ngồi cạnh chị, đọc được rõ mồn một.

Bình luận nhiều nhất là: “Chú dì nhìn có khí chất quá!”

Tiếp theo là: “Anh trai cậu đẹp trai ghê, còn độc thân không?”

Có người còn nói: “Em gái cậu là con nuôi à? Sao nhìn chẳng giống ai hết vậy?”

“Trước nghe cậu nói em gái xấu, còn tưởng cậu khiêm tốn. Giờ mới thấy đúng là không nói quá.”

Trong studio, ba mẹ còn đang thảo luận với Trình Tư xem có nên đổi cảnh khác để chụp thêm.

Tôi liếc thấy Trình Ý nhếch môi rồi lặng lẽ chặn người kia.

Nhưng khi quay sang nhìn tôi, chị chẳng giải thích điều gì.

Có vẻ chị cũng chẳng cần giải thích.

Em gái xấu là chuyện ai cũng công nhận, giống như kiểu “Trái Đất hình tròn”.

Tranh luận vì chuyện này chỉ tổ phí lời.

Thế nhưng… trong lòng tôi vẫn có chút hụt hẫng.

Chỉ cần chị chịu nói giúp tôi một câu thôi mà.

Năm tôi học lớp 12, Trình Tư đưa bạn gái về ra mắt.

Chẳng ai trong nhà nhớ phải báo tôi biết.

Lúc đó tôi đang ở nội trú, vì bệnh nên về nhà sớm, vừa vặn đụng ngay cảnh chị dâu tương lai – Tô Ly – đến chơi.

Nhìn rõ chị ấy sững sờ.

Chị lập tức cấu vào tay Trình Tư một cái:

“Anh lúc nào cũng nói ’em gái anh thế này, em gái anh thế kia’, ai ngờ còn có một đứa nữa cơ đấy.”

Trình Tư lập tức giải thích:

“Trường của Trình Tâm quản lý rất nghiêm, mấy tháng mới cho về một lần. Sợ làm gián đoạn việc học của con bé nên không gọi nó về.”

Mẹ tôi thuận miệng tiếp lời, cười nói:

“Thế mà vẫn gặp được nhau, chứng tỏ Tâm Tâm có duyên với Ly Ly đấy.”

Câu “Mẹ ơi, con đau bụng” của tôi, rốt cuộc chỉ có thể nuốt ngược vào trong.

Tôi đành ngồi cạnh Trình Ý, với gương mặt phờ phạc, sưng húp, đối diện với lớp trang điểm tinh xảo của chị ấy.

Dù không cần gương tôi cũng biết, sự so sánh ấy tàn nhẫn thế nào.

Nhân lúc Tô Ly vào nhà vệ sinh, tôi khẽ nói với mẹ:

“Mẹ ơi, con đau bụng hai ngày rồi… Mẹ có thể đưa con đi bệnh viện được không…”

Mẹ liếc tôi một cái, lạnh nhạt đáp:

“Bệnh tật cũng không biết chọn lúc à? Hôm nay là ngày bạn gái anh con đến nhà, chuyện lớn như vậy! Ai mà có thời gian đưa con đi khám?”

Tôi cắn môi:

“Hay… con lên phòng nằm một lát cũng được.”

“Đừng có vô duyên như thế. Muốn để người ta nghĩ nhà mình không có dạy dỗ à?”

Tô Ly là bạn học của Trình Tư.

Tuy ngoại hình không nổi bật như anh tôi, nhưng nhà cô ấy giàu có, lại biết cư xử, nên ba mẹ tôi hết lời khen ngợi.

Cuối cùng cũng qua được buổi tiếp đón đó.

Trình Tư đưa Tô Ly ra về.