Nửa đêm, chuông điện thoại đột ngột réo vang khiến tôi giật mình tỉnh giấc.
Đầu dây bên kia là giọng hoảng hốt của mẹ bạn trai tôi:
“Con ơi, trong tường rào nhà mình phát hiện ra một xác chết, con mau về xem đi!”
Cả hai chúng tôi còn đang mơ màng buồn ngủ, nghe xong lập tức bừng tỉnh.
Giọng Phùng Thao – bạn trai tôi – run run:
“Xác… xác chết ạ?”
Trong tiếng la hét, tiếng người náo loạn và cả tiếng máy móc nặng nề ầm ầm, mẹ anh lại hoảng loạn nói tiếp:
“Đúng rồi! Bên phía nhà thầu phá dỡ tường rào, thì lộ ra một số mảnh xương và thịt nát.”
Giọng bà đầy hoảng loạn và luống cuống.
Phùng Thao vừa cố gắng trấn an mẹ, vừa vội vàng thay quần áo.
Lúc anh thu dọn xong, tôi đã gọi sẵn xe chờ dưới tầng.
Cả tôi và Phùng Thao đều là giáo viên ở trường cấp ba số Một huyện Dục, hiện đang sống tại ký túc xá giáo viên do trường cung cấp.
Dù Phùng Thao là người địa phương, nhưng nhà anh lại nằm tận vùng núi phía Đông, đường đi rất khó khăn.
Dù có đi xe cũng mất gần hai tiếng, nên hiện tại ở căn nhà cũ đó chỉ còn mẹ anh sống một mình.
Ngồi trên xe taxi, cả người tôi lạnh toát và cứng đờ, tim đập loạn xạ như thể sắp nhảy khỏi lồng ngực bất cứ lúc nào.
Tôi lén nhìn sang Phùng Thao đang ngồi bên cạnh, anh nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, môi mím chặt thành một đường thẳng, không nói lời nào.
Khi đến thôn Phùng gia, trời đã sáng rõ.
Ánh nắng chiếu rọi lên mặt đất còn ẩm ướt sau cơn mưa vài hôm trước, khiến không khí trở nên oi nồng và ẩm thấp đến khó thở.
Bức tường sân vốn sạch sẽ, ngay ngắn của nhà Phùng Thao giờ đã tan hoang, đầy những mảnh gạch vỡ và khối xi măng nứt vụn, khiến cả bầu trời cũng nhuốm màu xám xịt.
Trong không khí lẩn khuất một mùi gì đó khó diễn tả thành lời.
Một người đàn ông mặc áo blouse trắng đang cẩn thận lấy ra từng mảnh xương từ trong tường.
Đó là một thi thể đã bị xi măng ăn mòn đến biến dạng, bên trong đống tường vỡ lộ ra những mảng thịt thối đen đỏ xen lẫn phần xương trắng bệch, khiến người ta sởn gai ốc.
Mẹ của Phùng Thao là một người phụ nữ nhỏ thó, da dẻ đen sạm.
Bà co ro cúi đầu đứng nép sang một bên, mặc cho cảnh sát hỏi thế nào cũng không hé răng nửa lời, chỉ lắc đầu liên tục.
Trông bà lúc này vừa đáng thương vừa vô hại.
Người dân tụ tập ngày càng đông, khiến cho không khí oi ả đầu hạ thêm phần ngột ngạt và ồn ào.
Chuyện lan truyền rất nhanh, chỉ một lát sau, gần như cả thôn đều đã kéo đến đứng chen chúc ở bãi đất trống trước sân nhà.
Có lẽ vì lo ngại gây ảnh hưởng tiêu cực, cảnh sát đã đưa tôi, Phùng Thao và mẹ anh ấy về đồn với tư cách là những người có liên quan đến vụ án.
Trên suốt quãng đường đi, Phùng Thao luôn nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của tôi.
Anh liên tục thì thầm trấn an:
“Đừng lo, ngôi nhà đó đã xây được mấy chục năm rồi, chắc chắn không liên quan gì đến chúng ta đâu.”
Nhưng mồ hôi túa ra trong lòng bàn tay anh đã vô tình tố cáo sự lo lắng bên trong.
Phải chăng… anh ấy biết điều gì đó?
………………………
Khi đến sở công an, ba người chúng tôi bị tách riêng.
Tôi không rõ Phùng Thao và mẹ anh bị đưa đi đâu, chỉ biết mình bị dẫn vào một phòng nghỉ trống trải để ổn định tâm lý.
Chẳng bao lâu sau, một người đàn ông trung niên tay cắp tập hồ sơ, tay kia cầm ly trà bước vào.
“Tôi là Hàn Dũng, cảnh sát hình sự phụ trách vụ án này.”
Tôi lập tức ngồi thẳng lưng, cố gắng chỉnh lại tư thế để trông chững chạc và đáng tin hơn một chút.
“Cô đừng căng thẳng, tôi chỉ muốn hỏi một chút—cô quen Phùng Thao bao lâu rồi?” Cảnh sát Hàn vừa đặt ly trà xuống trước mặt tôi, vừa nhẹ giọng trấn an.
“Tôi đến dạy hỗ trợ tại trường cấp ba huyện Dục từ đầu năm nay, cùng tổ bộ môn với Phùng Thao. Quan hệ yêu đương chính thức mới được hơn một tháng.”
“Cô đã từng đến nhà anh ta chưa? Có phát hiện điều gì bất thường không?”
“Tuần trước tôi mới đến lần đầu. Không thấy gì kỳ lạ lắm, chỉ là có chút… khác thường. Cả nhà họ dường như rất nặng tình với cái sân nhỏ đó, mức độ tình cảm ấy có phần thái quá.”
“Cô có thể nói rõ hơn không?”
Một tuần trước, lần đầu tôi theo Phùng Thao về thôn Phùng gia ra mắt.
Vừa bước vào cổng, tôi đã thấy một người phụ nữ gầy gò, thấp bé vừa khóc vừa lao vào đánh một người đàn ông cao lớn mặc vest, khiến ông ta luống cuống né tránh.
Sau đó tôi mới biết người phụ nữ đó chính là mẹ của Phùng Thao.
Phùng Thao lập tức ném gói quà trên tay xuống rồi xông vào can ngăn.
Trong lúc tranh cãi hỗn loạn, tôi lờ mờ nghe ra vài chi tiết.
Người đàn ông kia là đại diện phía công ty bất động sản – người đã nhiều lần đến thương lượng chuyện đền bù giải tỏa với mẹ Phùng Thao, nhưng cả hai chưa từng đạt được thỏa thuận.
Thậm chí lần đó, vừa bước vào chưa kịp mở lời, ông ta đã bị mẹ Phùng Thao đánh cho một trận.
Sau khi người đại diện bên phía công ty rời đi, tôi đã thử dè dặt hỏi mẹ Phùng Thao xem bà có cần giúp đỡ gì không, rằng tôi có thể nhờ bạn luật sư hỗ trợ bà đòi thêm khoản đền bù giải tỏa hợp lý hơn.
Nhưng người phụ nữ vốn đang thân thiện ấy lập tức nổi giận khi nghe đến đây, chỉ tay vào mặt tôi, mắng tôi là đồ hám tiền, chỉ biết nghĩ đến tiền bạc.
Phản ứng của bà quá mức dữ dội, dữ dội đến mức tôi chỉ còn biết liên tục xua tay, vội vàng tìm mọi lời hoa mỹ nhất để thể hiện tình cảm chân thành của mình với Phùng Thao.
Phải nhờ đến sự an ủi liên tục của Phùng Thao, bà mới dần bình tĩnh lại.
Nhưng vẫn mang theo chút hờn giận, bà kể lý do vì sao mình nhất quyết không chịu dời đi:
Cha của Phùng Thao – ông Phùng Quân – đã mất tích vào năm Phùng Thao thi tốt nghiệp cấp hai.
Gia đình họ đã tìm kiếm khắp nơi, từ mỏ than nơi ông làm việc đến dọc đường về nhà, nhưng hoàn toàn không có dấu vết.
Họ sợ rằng một ngày nào đó, nếu ông Phùng trở về mà không thấy ngôi nhà quen thuộc nữa, thì sẽ không tìm được đường về.
Vì thế, bà nhất quyết không chịu đồng ý với chuyện phá dỡ.
Cảnh sát Hàn xoa xoa cằm, khẽ gật đầu:
“Nghe thì cũng có lý.”
Suy nghĩ một chút, anh lại nói thêm:
“Nhưng nếu nghĩ kỹ thì lại thấy có nhiều điểm không hợp lý.”
“Đúng vậy.” Tôi lập tức gật đầu, tiếp lời.
Lúc đó, tôi đã đề nghị họ có thể nộp đơn xin được tái định cư ngay tại chỗ. Như vậy vừa được chuyển lên nhà tầng, vừa nhận được trợ cấp, mà địa chỉ lại không thay đổi.
Nhưng vừa dứt lời, Phùng Thao – người xưa nay luôn dịu dàng với tôi – bỗng nhiên nổi giận.