Trong mơ, ba tôi hung hăng lấy tua vít đâm xuyên lòng bàn tay tôi.

Lúc đó ông say xỉn, nhưng lại nói thật.

Chỉ là tôi khi ấy còn nhỏ, không hiểu ý ông, tưởng ông chỉ đang chửi.

“Mày bị người ta vứt trong thùng rác, không có tao nhặt thì mày chết lâu rồi.”

“Mày chỉ là một đứa rác rưởi không ai cần.”

Không ngủ được.

Cuối cùng tôi cũng nhắn lại tin cho người đó.

3

Từ sáng sớm tôi đã dậy chuẩn bị nguyên liệu cho bữa trưa.

Điện thoại không có hồi âm.

Mẹ kiếp, quả nhiên là lừa đảo.

Phì, tôi châm một điếu thuốc, hút để nguôi bớt bực dọc.

Tôi lại đẩy xe đến một khu đại học khác.

Buổi trưa không đông khách bằng buổi tối, tôi chỉ đành đổi địa điểm mong sinh viên chịu chi.

Vừa mới bắt đầu xào bên này, bên kia đã cãi nhau rồi.

Nhìn kỹ lại, là một cặp đôi đang đánh nhau.

Đánh thì đánh đi, ai ngờ lại đập luôn mấy cái quầy hàng bên cạnh.

Tôi mải xem náo nhiệt, lơ là cái bếp, làm cháy cả trứng.

“Anh ơi, sao vậy, cơm rang trứng của tôi!”

Tôi nhanh tay rửa chảo: “Xin lỗi nhé, tôi bù cho cậu thêm một quả trứng với một cây xúc xích, vừa rồi mải xem đánh nhau quá.”

Cơm rang trứng còn chưa làm xong, ông lão đó lại xuất hiện.

Ông ta lao thẳng đến chỗ tôi.

Đột nhiên căng thẳng nắm lấy tay tôi: “Con không sao chứ?”

Tôi đang xào cơm thì có chuyện gì được chứ?

“Ông già, ông là ai vậy? Ông bám theo tôi mấy ngày rồi, tôi còn đổi chỗ nữa cơ mà, tôi báo công an bây giờ đấy.”

Đúng lúc đó điện thoại tôi đổ chuông.

Tôi vừa làm xong cơm trứng rang cho khách thì ông ta đột nhiên nói: “Con ơi, ta là cha ruột của con đây.”

Trong khoảnh khắc ấy.

Tôi như hiểu được.

Mà cũng như chẳng hiểu gì.

Tôi rút điện thoại ra, phía bên kia đã gọi rất nhiều cuộc, mà tôi vì bận làm ăn nên không để ý.

“Cha ruột?” Tôi thuận miệng hỏi một câu, “Thế mẹ ruột tôi đâu?”

Ông lão dè dặt đáp: “Mẹ con đang đợi con ở nhà.”

Tôi ngậm điếu thuốc, hỏi ông ta: “Sao, giờ mới nhớ ra đi tìm tôi à?”

Ông ta đột nhiên lại khóc.

Tôi sợ người ta tưởng tôi ăn hiếp ông, nhưng giọng tôi vẫn chẳng tốt lành gì: “Khóc gì? Tôi còn chưa mắng ông đấy. Trước đây sao lại không cần tôi?”

Ông vừa khóc vừa nói: “Con ơi, con là bị người ta bắt cóc đi, ba với mẹ con tìm con suốt mười bảy năm trời.”

Mười bảy năm, là hơn sáu ngàn hai trăm ngày.

4

Ông ấy sốt ruột muốn chứng minh rằng mình thật sự là cha ruột của tôi.

Thế nên ông nói: “Sau gáy con có một vết bớt, giống như hình hoa mai, đúng không?”

Ánh mắt ông tha thiết quá mức.

Tôi bỗng không nỡ lừa ông: “Sau gáy tôi từng bị bỏng, lớp da đó không còn nữa. Vết bớt thì không biết, chỉ còn một mảng sẹo to.”

Ông lão càng khóc dữ hơn trước mặt tôi, vừa khóc vừa tự vả vào mặt mình.

“Là lỗi của ba, con ơi, là lỗi của ba, là ba làm mất con rồi.”

“Giờ ổn cả rồi, từ lâu tôi đã không thấy đau nữa.”

Ông nhìn vết sẹo trên mặt tôi: “Không sao, chúng ta đi làm xét nghiệm DNA là biết ngay.”

Ông vừa khóc vừa nói: “Con đã chịu khổ nhiều rồi.”

Nhưng tôi nhìn ông, lại thấy hình như ông còn thảm hơn tôi.

Toàn thân trên dưới, từ đầu đến chân, quần áo toàn là loại cũ sờn, dính đầy xơ vải.

Ngay cả đôi giày cũng không biết đã mang bao lâu rồi.

Ngón chân cái gần như lòi ra khỏi mũi giày.

Cả người ông toát ra vẻ lúng túng, bất an, như đã lạc lõng với xã hội.

Ông nhìn tôi mà cũng không dám nhìn lâu.

Còn tôi, giờ đây ăn no mặc ấm, nhìn qua thì có vẻ hơn ông nhiều.

Tuy không thể tin hoàn toàn, nhưng số máy đã nhắn tin cho tôi trước đó cũng nhắc đến chuyện này.

Tôi theo ông đến chỗ ông đang ở.

Nơi đó tiền phòng chỉ có mười đồng một ngày.

Lần đầu tiên tôi biết, dưới lòng một thành phố hoa lệ như vậy, còn có những chỗ trọ rẻ đến thế này.

Tù túng, bẩn thỉu, hỗn độn.

Không có nhà vệ sinh riêng, càng đừng nói đến nước nóng.

Chiếc ga trải giường hoa sặc sỡ kia cũng không biết đã có bao nhiêu người từng nằm, đen đen vàng vàng.

Ngay cả vỏ gối và phần tường chỗ tựa đầu, cũng đều cáu bẩn.

“Ông ngủ ở đây à?” Tôi cau mày.

Cơn thèm thuốc lại nổi lên.

Ông gật đầu: “Ba tìm con nhiều năm như vậy, phải tiết kiệm chứ. Ở đây còn tốt, trước kia ba còn từng ngủ dưới gầm cầu…”

Tôi không hiểu sao lại chẳng muốn nghe ông than khổ, liền ngắt lời: “Không phải ông nói sẽ cho tôi xem ảnh à?”

Tôi liếc qua ông một cái, trông ông như đã bảy mươi tuổi.

Giả như ông là kẻ lừa đảo thật thì tôi cũng không ngán.

Ông cúi người, lục trong chiếc túi vải để dưới đất gần cửa, lấy ra một quyển album.

Album đã bị giở đến nát bươm.

Đó là tuổi thơ của Vương Thắng Kiệt.

5

Vương Thắng Kiệt cười rạng rỡ, đến mức không thấy cả đường chỉ mắt.

Trên mặt còn có chút đỏ hồng vì thời tiết vùng cao.

Tuy ăn mặc bình thường, nhưng rất sạch sẽ.

Tôi lại liếc nhìn người đàn ông bên cạnh – người tự xưng là Vương Quốc Hoa, quần áo trên người ông chẳng thể gọi là sạch.

Lôi thôi lếch thếch, đi ngoài đường chắc bị người ta né tránh.

Trong phòng có một chiếc xe đạp, chắc là vật đáng giá nhất của ông.

Đây là tầng sáu, thế mà ông cũng mang nó lên tận đây.

Trên xe đạp treo một tấm bảng lớn như biển quảng cáo, là ảnh và thông tin cá nhân của Vương Thắng Kiệt.

Trên đó ghi lại tình hình khi Vương Thắng Kiệt bị thất lạc.

Hồi đó trên trán cậu bé còn có một dấu chấm đỏ.

Hình như là kiểu trang trí thịnh hành lúc bấy giờ.

Trước ba tuổi.

Tôi tên là Vương Thắng Kiệt.

Sau ba tuổi, tôi tên là Lý Dũng.